mo-coi-cha-an-com-voi-ca-mo-coi-me-liem-la-dau-duong

Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường

Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường”

Về nghĩa đen, qua phép điệp cấu trúc “Mồ côi… mồ côi…”, câu tục ngữ đã gợi đến hai hoàn cảnh đáng thương nhất của con người: mất đi cha và mẹ của mình. Phép tương phản hiện lên rất rõ, “ăn cơm với cá”, “liếm lá đầu đường” đã khái quát lên phần nào số phận của của con người trong hai hoàn cảnh mồ côi đó. Mồ côi cha ăn cơm với cá, hoàn cảnh ấy tuy có buồn thật nhưng vẫn phần nào sung sướng hơn cảnh “liếm lá đầu đường” ê chề biết bao, tủi nhục biết bao của cảnh mồ côi mẹ.

Từ đó, câu tục ngữ trên khái quát lên vai trò của người cha, và người mẹ trong việc chăm sóc con cái. Vắng đi người cha, dưới sự chăm sóc của người mẹ, những đứa con vẫn có cái ăn, thậm chí là ăn ngon. Nhưng vắng đi người mẹ, dưới sự chăm sóc của người đàn ông, những đứa con rơi vào cảnh bơ vơ, khổ sở, tủi nhục. Như vậy, về phương diện chăm sóc con cái, dân gian ta đã đề cao bàn tay của người mẹ, và đúc kết trong câu tục ngữ này.

Việc đúc kết của dân gian dựa trên sự quan sát trực quan những hiện tượng trong cuộc sống. Bằng việc phát hiện những hiện tượng lặp đi lặp lại, dân gian đã khái quát thành những quy luật, những kinh nghiệm để đúc kết trong từng câu tục ngữ. Việc khái quát này mang đậm cảm tính, đôi khi chưa khái quát được bản chất bên trong của vấn đề.Sự đúc kết của dân gian trong câu tục ngữ trên, tuy thế, không phải không có cơ sở. Người xưa cũng từng nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.

Thiên chức của người phụ nữ vốn là việc chăm lo, vun vén cho gia đình, là sự cẩn thận, kĩ tính, khéo léo, ân cần trong các công việc bếp núc, nội chợ. Thiên tính nữ biểu hiện ở bản năng chăm sóc, và bản năng yêu thương. Đó là chức trách, cũng là khả năng trời phú riêng cho phái nữ. Chính vì vậy, trong chăm sóc con cái, thường thì người mẹ làm tốt hơn người cha, và vai trò của người mẹ trong việc nuôi nâng, dưỡng dục bầy con, cũng thể hiện rõ rệt hơn người cha.

Dẫu là vậy, thì câu tục ngữ trên cũng chỉ khái quát được phần nào bản chất vấn đề, chứ chưa phải là tất cả mọi trường hợp. Tính chất phổ quát của câu tục ngữ không phải tuyệt đối. Trong thực tế, vẫn có những người mẹ chăm sóc con cái không tốt, và vẫn có những người cha bảo bọc, che chở, chăm lo cho bầy con của mình không thua kém gì người mẹ. Câu tục ngữ “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường”, do vậy,thuộc loại câu tục ngữ đúng trong từng trường hợp cụ thể, tùy vào cách hiểu của từng người.

Trong kho tàng tục ngữ của Việt Nam ta, cũng không thiếu những câu tục ngữ đề cao vai trò của người cha:

– “Bé nhờ cha, lớn nhờ chồng, già nhờ con”

Hay như nhóm tục ngữ “Con mất cha…”:

– “Con mất cha như cây mất cành”
– “Con mất cha như gà mất tổ”
– “Con mất cha như nhà không nóc”
– “Con không cha thì con héo, cây không rễ thì cây hư”
– “Con không cha thì con trễ, cây không rễ thì cây hư”

Dân gian ta không hề phủ định vai trò của người cha, mà trái lại, cũng rất thấu hiểu vai trò của người cha trong mỗi gia đình. Cha đối với con như cây với cành, như tổ với gà, như nóc với nhà, như rễ với cây… Cha đối với con là nguồn cội, là chỗ dựa, là nơi che trở, cha giúp con đứng vững, cha chống đỡ cho con trước phong ba bão táp của cuộc sống, cha là điểm tựa trong cuộc đời để con có thể nương vào mà trở nên vững vàng, cứng cỏi, kiêu hãnh trước cuộc sống.

Qua nhóm câu tục ngữ về vai trò của người cha, ta có thể hiểu một cách sâu sắc hơn câu tục ngữ “mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường”. Câu tục ngữ đề cao vai trò của người mẹ, nhưng không hề phủ nhận vai trò của người cha. Hay nói một cách khác, câu tục ngữ “mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường” và các câu tục ngữ “con mất cha…” đã soi chiếu vai trò của người cha, người mẹ trong những tiêu chí rất khác nhau. Việc so sánh ấy để làm gì? Phải chăng là để tìm ra xem giữa cha và mẹ, ai quan trọng hơn? Không, việc so sánh ấy khẳng định một chân lý: Cha và mẹ đều  vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi con người!

Đặt câu tục ngữ trong nhóm các câu tục ngữ về cha, về mẹ, ta càng hiểu sâu sắc, càng hiểu thấm thía, và tầng nghĩa cuối cùng của câu tục ngữ, phải chăng chính là một bài học sâu sắc về lòng yêu kính mẹ cha? Cha mẹ rất cần trong cuộc đời, quan trọng như nước, quan trọng như không khí, quan trọng như tất cả những gì bình dị nhất trong cuộc sống. Bình dị thế đôi lúc chúng ta quên đi, đôi lúc chúng ta xem việc có cha, có mẹ ở đời là một lẽ tất nhiên, không có gì to tát cả. Nhưng câu tục ngữ như một lời nhắc nhở: “Mồ côi… mồ côi…”, câu tục ngữ tạo cho ta cái ám ảnh đau đáu về sự mất mát to lớn không thể tránh khỏi của cuộc đời người. Như âm hưởng của một câu ca não lòng mà người ta vẫn thường hát khi dịp xuân về: “Mồ côi… tội lắm ai ơi…”. Nhắc nhớ, không phải để ta sợ hãi, không phải để ta bi lụy, mà nhắc nhớ, để ta biết trân trọng từng phút giây khi có cha, có mẹ bên cạnh, để sống thật xứng đáng.

Câu tục ngữ “Mồ côi mẹ ăn cơm với ca, mồ côi cha liếm lá đầu đường” còn gắn bó với những câu tục ngữ khác thể hiện truyền thống gia đình tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nếu tình cảnh mồ côi đúc kết trong câu tục ngữ trên thật đáng thương, thì dân gian cũng đã có câu tục ngữ khác như một lời an ủi: “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”. Việc bất hạnh trong đời không thể nói trước được, nhưng sợi dây tình cảm gia đình sẽ là chỗ dựa, sẽ là điểm tựa, sẽ cho con người một nơi chốn để tìm thấy sự bình yên và tìm thấy sự an ủi sau những nỗi đau.

Nghệ thuật sử dụng ngôn từ của dân gian trong câu tục ngữ “Mồ côi mẹ ăn cơm với cá, mồ côi cha liếm lá đầu đường” cũng rất đặc sắc.

Phép điệp “Mồ côi… mồ côi…” kết hợp với phép tiểu đối giữa hai vế “Mồ côi cha…mồ côi mẹ…”, cách phối thanh nhịp nhàng đã làm cho câu tục ngữ có một nhịp điệu cân xứng, hài hòa, êm ái, chính vì thế câu tục ngữ trở nên dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người.

Cách sử dụng thanh điệu cũng rất hài hòa với phép tương phản, nếu về “ăn cơm với cá” gợi một ý niệm về hoàn cảnh sung sướng toàn gắn với các thanh bằng, thì vế “liếm lá đầu đường”, gợi ý niệm về một hoàn cảnh đau khổ, ê chề, tủi nhục lại đi liền với một loạt thanh trắc. Sự biến đổi đột ngột về hình ảnh gắn với sự biến đổi đột ngột về thanh điệu tạo cảm giác nặng nề ở cuối câu tục ngữ, nó nhấn mạnh, nó xoáy sâu vào sự bất hạnh, bơ vơ của con người.

Cách hiệp vần cũng đầy sức gợi. Đó là hai vần “a” trong hai từ “cá” và “lá”. Âm tiết “a” là một âm tiết mở, nó có sức vang. Việc hiệp vần hai âm “a” trong cùng một câu tục ngữ tạo một âm hưởng vang vọng, đó chính là cái tình cảm, cái tư tưởng mà nhân dân muốn gửi gắm, giờ đây mãi rung ngân trong trái tim, trong lý trí của người đọc như những đợt sóng, như những tiếng chuông ngân, tạo một ấn tượng ám ảnh, day dứt.

Điểm ấn tượng nhất của câu tục ngữ này chính là nghệ thuật sử dụng hình ảnh đầy sức gợi. “Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường” – “liếm lá đầu đường”, có ai mà không xót xa, có ai mà không đau đớn khi đọc những từ ngữ ấy, khi liên tưởng đến hoàn cảnh của con người được gửi gắm trong những con từ ấy? Hình ảnh ấy gợi đến cái gì đó xót thương, cái gì đó bơ vơ, cái gì đó ê chề, cái gì đó tủi phận, và những cảm giác ấy có sức ám ảnh khôn nguôi đến người đọc.

Tục ngữ – thể loại văn học dân gian gắn liền với các kinh nghiệm đúc kết, thường cô đọng và trung tính về mặt cảm xúc. Người ta không trông mong tìm thấy cảm xúc khi tìm đến các câu tục ngữ, mà người ta tim đến câu tục ngữ để tìm đến kho tàng trí khôn của nhân dân, tìm đến những hạt ngọc trí tuệ, những kinh nghiệm quý giá được đúc kết bao đời: “Có chí thì nên”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”, “Kiến tha lâu đầy tổ”, “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”, “Lá lành đùm lá rách”…

Thế nhưng trước câu tục ngữ “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường”, ta cảm thấy cái gì đó như rưng rưng, cái gì đó như nghèn nghẹn. Cái rưng rưng ấy phần nhiều do nghệ thuật sử dụng ngôn từ đầy sức gợi tả tác động trực tiếp vào trái tim của chúng ta. Nhưng còn một phần nữa: Câu tục ngữ đã chạm vào một vấn đề mang tính chất nhân loại, một nỗi đau mà bất kì ai trong cuộc đời này cũng đã, đang và sẽ phải trải qua: Nỗi đau mất đi những người yêu thương nhất. Ấn tượng mà câu tục ngữ mang lại, do vậy, không chỉ đơn thuần tư tưởng, mà còn là cảm xúc đau đáu khuôn nguôi, cảm xúc mà có lẽ là người đúc kết nên câu tục ngữ này cũng đã từng trải qua, hoặc đã từng chứng kiến, và có ấn tượng đau thương sâu sắc. Tìm đến câu tục ngữ, ta cảm nhận và đồng cảm với nỗi niềm của người xưa, đồng cảm với nỗi niềm của con người, và cảm thấy mình cũng như được an ủi phần nào.

Câu tục ngữ trên cũng có nhiều dị bản:

– “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu chợ”
– “Cha chết ăn cơm với cá, mẹ chết liếm lá đầu chợ”
– “Chết cha ăn cơm với cá, chết mẹ đội đá lên đường”
– “Chết cha ăn cơm với cá, chết mẹ liếm lá đầu đường”
– “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá nằm đường”
– “Mồ côi cha còn khá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm”

Sự khác biệt của các dị bản đáng chú ý đó là hình ảnh tượng trưng được chọn sử dụng ở cuối câu tục ngữ. Có bản ghi là “đội đá lên đường”, có bản ghi là “liếm lá đầu đường”, có bản ghi là “lót lá mà nằm”, có bản ghi là “liếm là đầu chợ”.

Về việc chọn hành động, “đội đá lên đường” hay “liếm lá đầu đường”, hay “lót lá mà nằm”, tất cả đều gợi về ý nghĩa khổ cực, bơ vơ, nhọc nhằn. Tuy nhiên theo ý kiến của nhóm, giàu sức gợi hơn cả là cụm từ “liếm lá”, bởi vì cụm từ này còn gợi ý niệm về cái đói, mà như dân gian đã từng nói, “miếng ăn là miếng nhục”, từ cái đói còn gợi lên ý niệm về cái tủi, cái nhục, cái chua xót cho thân phận. Nếu ba hành động trên chỉ mang ý nghĩa về sự cực khổ thể xác, số phận, thì cụm “liếm lá” còn gợi ý nghĩa cả về sự khổ cực về tinh thần.

Việc chọn không gian “đầu đường” hay “đầu chợ” cũng có một chút khác biệt về sắc thái biểu cảm. “Đầu chợ” là nơi đông người qua lại, nhốn nháo, tấp nập, vui tươi, chính vì vậy hoàn cảnh “liếm lá đầu chợ” gợi cho người đọc ấn tượng mạnh về sự cô độc của con người, một mình mình đau đớn giữa cảnh rộn rã khắp nơi, cảnh đó mới ê chề biết nhường nào. Còn không gian “đầu đường”, hay “dọc đường” thì lại gợi cảm giác về sự bơ vơ, lạc lõng, trôi dạt không biết đi đâu, về đâu. Nghe cụm từ “liếm lá dọc đường”, ta cảm thấy như nhân vật trong câu tục ngữ đã trải qua một cuộc hành trình xa lắm, đi mãi, đi mãi mà vẫn bơ vơ, mà vẫn tủi phận, thật đáng thương.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang