tan-van-la-gi

Tản văn là gì?

Tản văn là gì?

1. Khái niệm.

Tản văn (tiếng Pháp: prose) theo nghĩa đen là văn xuôi, nhưng hiện nay tản văn được dùng để chỉ một phạm vi xác định, không hoàn toàn khớp với thuật ngữ văn xuôi.

Từ “Tản văn” được dùng theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, tản văn chỉ tất cả những thể loại ngoài thơ ca, bao gồm tác phẩm văn học và luận văn khoa học, văn bản hành chính công vụ. Theo nghĩa hẹp, tản văn được dùng với ý nghĩa văn học thuần túy, là một thể loại văn học bên cạnh thơ ca, tiểu thuyết, kịch, thường gọi là “tản văn văn học” hoặc “tản văn nghệ thuật”. Loại tản văn này là thể loại văn học chú trọng việc ghi lại những gì đã trải qua, đã nghe thấy, cảm thấy, thể nghiệm liên tưởng của cái tôi hoặc ghi lại những câu chuyện, những trạng thái cảnh vật hoặc trữ tình hoài niệm; là loại tác phẩm văn học giàu tính trữ tình, rộng rãi về đề tài, tinh túy về nội dung, khuôn khổ tương đối nhỏ, ngôn ngữ tự nhiên mới mẻ, thủ pháp biểu hiện linh hoạt, văn phong sáng sủa.

Tản văn văn học trên ý nghĩa hiện đại lại có lịch sử phát triển không dài. Năm 1917 Lưu Bán Nông trong Quan niệm cải lương về văn học của tôi: đã xác định “tản văn văn học” là một khái niệm, ông nói: “cái gọi là tản văn, cũng gọi là tản văn văn học, nhưng là tản văn không lời” (Lưu Bán Nông: niệm cải lương về văn học của tôi, xem Tư liệu tham khảo văn học hiện đại Trung Quốc, tập 1, quyển thượng. Nxb Giáo dục cao đẳng, 1959, tr 35), nhưng trong tản văn như lời ông nói còn bao hàm cả tiểu thuyết, tạp văn cho nên khái niệm tản văn văn học không thực sự rõ ràng. Tháng 6 năm 1921, Chu Tác Nhân với bút danh Tử Nghiêm đã phát biểu một bài luận ngắn về “Mĩ học”, trong đó, từ phương diện thể văn, xác nhận vị trí độc lập của tản văn văn học, chỉ ra, loại tản văn này “là thể loại văn học mang tính nghệ thuật, còn gọi là thể văn sáng tạo cái Đẹp. Nó có thể được phân ra thành tự sự và trữ tình, nhưng hai loại này thường xuyên xuyến thấm vào nhau”. (Tử Nghiêm (Chu Tác Nhân): Mĩ học, xem Lí luận tản văn hiện đại Trung Quốc, Nxb Nhân dân Quảng Tây, 1984, tr3). Kiếm Tam (Vương Thống Chiêu), năm 1923 đã gọi nó là “tản văn thuần nhất” (pure prose).

2. Đặc điểm.

Nếu văn xuôi trong nghĩa rộng chỉ loại văn đối lập với văn vần, và trong nghĩa hẹp chỉ các tác phẩm văn phân biệt với kịch, thơ, bao gồm một phạm vi rộng từ tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, kí, tiểu phẩm chính luận thì tản văn chỉ phạm vi văn xuôi hẹp hơn, không bao gồm các loại truyện hư cấu như tiểu thuyết, truyện ngắn. Nó là một loại hình văn học ngang với thơ, kịch, tiểu thuyết. Nhưng mặt khác tản văn lại có nội hàm rộng hơn khái niệm kí, vì nội dung chứa cả những truyện ngụ ngôn hư cấu lẫn các thể văn xuôi khác như thư, tựa, bạt, du kí,…

Tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể trữ tình, tự sự, nghị luận, miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật. Lối thể hiện đời sống của tản văn mang tính chất chấm phá, không nhất thiết đòi hỏi có cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh nhưng có cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, cốt cách cá nhân. Điều cốt yếu là tản văn tái hiện được nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩa mang đậm bản sắc cá tính của tác giả.

Trong văn học cổ, tản văn bao gồm các áng văn kinh, truyện, tử, tập như Mạnh Tử, Tả truyện, Sử kí, các bài biểu, chiếu, cáo,hịch, phú, minh, luận,… Trong văn học hiện đại, tản văn bao gồm các thể kí, tuỳ bút, văn tiểu phẩm, văn chính luận, tạp văn,ngụ ngôn, chân dung văn học,…

Tản văn là loại văn tự do, dài ngắn tuỳ ý, cách thể hiện đa dạng, đặc biệt là thể hiện nổi bật chính kiến và cá tính tác giả, có truyền thống lâu đời và sức sống mạnh mẽ.

3. Đặc trưng thi pháp.

– Tản văn mang tính trữ tình cao:

Những bài tản văn đều là những cảm nhận của tác giả, từ đó mượn lời nói ngôn từ để giãi bày tâm tư, tình cảm, cảm xúc nên bao giờ tản văn cũng giàu chất trữ tình, cái tôi của tác giả. Tản văn là viết về những gì xảy ra với chính mình, dù là viết về người khác thì cốt lõi vẫn là hình ảnh của mình trong đó. Vì vậy, yếu tố chân thực, chân thành luôn được đề cao. Trong sáng tác của tản văn tuy đề tài rộng, là cái có thể gặp nhưng phải bám vào con người, viết về con người một cách chân thành và có thể nghiệm cao. Bởi vậy, nó đòi hỏi một kinh nghiệm nghệ thuật tương đương cũng như phải được kiểm duyệt bằng lịch sử, không thể chắp vá ở đâu được.

Nhà văn sở dĩ có thể sáng tác tản văn là do có “cảm nhận”“giãi bày”, do những gì nhà văn nhìn thấy, cảm thấy, cảm xúc, cảm động, hưng phấn, cảm tưởng trong sinh hoạt, công tác học tập, đọc sách, suy nghĩ cho đến tham quan du lịch. Tản văn đòi hỏi phải có “cảm nhận” mới có “giãi bày”, cho nên nó tất yếu viết về những gì nhà văn tự mình trải qua, tự mình cảm thấy, cái có trong nội tâm của mình. Nếu như tiểu thuyết là viết về những sự việc của người khác thì tản văn lại là viết về những sự việc của chính mình, cho dù có viết về người khác thì trên thực tế cũng là viết về chính mình.

Trên một ý nghĩa nào đó, cái mà tiểu thuyết viết là cái ngoài bản thân, nhưng phần lớn cái mà tản văn viết lại là sự việc trong tim của tác giả; tiểu thuyết rất dễ chạm đến, tản văn lại khó gặp, nó cơ hồ là sự phân thân của nhà văn, là ghi lại rất thật sự hư cấu ngay trong bản thân nhà văn. Về tản văn chính là sự biểu lộ ra một cách linh hoạt, nên tính chân thực là sinh mệnh, xác thực là linh hồn, chân thành là căn bản của tản văn. Đối với sáng tác tản văn, đề tài là cái có thể gặp nhưng không thể cầu, tản văn muốn bám vào chính con người, cho nên tất yếu sẽ phải dựa vào tình cảm chân thành, thể nghiệm độc đáo, mà tất cả những điều này đều yêu cầu một sự lịch duyệt trong cuộc sống và kinh nghiệm nghệ thuật tương đương, không được cóp nhặt chắp vá. Có lẽ chính vì thế nên mới lưu hành cách nói thiếu cơ sở: “tản văn là thể văn lâu đời”.

– Tản văn là thể văn tự do, phóng túng.

Tất cả các yếu tố về đề tài, lập ý, bố cục hay sử dụng các thủ pháp nghệ thuật đều rất phóng túng, tự do chính vì vậy không theo một khuôn mẫu có sẵn, ít tính quy phạm và hạn chế bởi tản văn luôn lấy cảm nhận, giãi bày của tác giả làm trung tâm.

Đề tài trong các sáng tác của tản văn rất rộng, bao hàm từ lịch sử, xã hội, địa lý đến triết học, nghệ thuật…Tất cả được các tác giả vận dụng và đưa vào bài viết một cách chân thực, tình ý nồng đậm và triết lý sâu sắc để thu hút độc giả. Dạng thức của tản văn phức tạp, phong phú gồm tùy bút, hồi kí, tốc kí, tiểu phẩm văn… Nhưng khuôn khổ của tản bút rất nhỏ, ngắn. Hình thức cũng rất linh hoạt và mang đặc điểm của nhiều thể loại khác, có thể lảnh lót như thơ, cũng có thể hoành tráng như khúc hành ca hay sinh động như các tiểu thuyết.

Tất cả những yếu tố của thể loại, đối với tản văn đều hết sức tự do, phóng túng, bất luận là chọn đề tài, lập ý hay là bố cục kết cấu, hay vận dụng thủ pháp biểu hiện, nó đều ít có tính quy phạm, cách thức, hạn chế, tất cả đều lấy cảm nhận và giãi tác giả làm trung tâm(…157). Hồ Mộng Hoa đã từng đề xuất khái niệm “tản văn tản mạn”. Ông chỉ ra: “Loại tản văn này là loại tản văn có logic, lập luận chặt chẽ, là loại văn chương lí giải. Trong tác phẩm luôn có nghị luận logic, thậm chí tranh luận kịch liệt, nhưng nó không giống văn phê bình hay văn lí luận với thái độ trang nghiêm, khiến người đọc dường như thấy trên giấy lộ ra dáng vẻ đầy sự tức giận, phấn khích, lộ ra hình dạng trợn mắt, nghiến răng. Nó cũng là lời nói tào lao vui vẻ tản mạn của con người”. Ông còn nói thẳng ra rằng, viết tản văn “cũng giống như anh xem báo hoặc nghe những tin tức gì đó từ bên ngoài đưa về, nghe những lời nhỏ nhẹ của mẹ, của vợ, của bạn thân quanh bàn trà, điếu thuốc”.

Trần Thúc Hoa đã gọi văn tiểu phẩm tản văn là “thể văn có ngôn từ điêu luyện, là “nói chuyện trên giấy”, “văn học đàm thoại”. Ông nói: “Tác giả của thể văn này giống như người bạn thân, ngồi bên suối nhỏ, ngồi dưới bóng cây, ngồi bên đống lửa đêm đông, lấy đề mục tương ứng làm phương tiện biểu lộ chính mình”. Thậm chí ông còn mượn lời của Yisilite: “tác giả mặc áo ngủ, đi dép lê, độc giả ẩn sau cánh gà”.

– Tản văn rất đa dạng về dạng thức và đề tài.

Đề tài của tản văn đặc biệt rộng lớn, cơ hồ như không gì nó không nói đến, như: lịch sử, hiện tại, tương lai, tự nhiên, xã hội, nhân sinh, sự kiện, cảnh vật, tình cảm, tinh thần, ngôn luận, thiên văn, địa lí, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, triết học; rộng như biển, nhỏ như cây cỏ, không có gì là không thể đưa vào ngòi bút của người viết tản văn; bất luận là tìm hiểu vũ trụ, than thở về nhân sinh hay là cỏ cây hoa lá, cá mú chim muông; bất luận là sắt tấm đồng thanh, hay nước chảy cầu nhỏ, gió sớm trăng tàn, tất cả đều có thể trở thành đề tài của tản văn. Với sự vận tứ điêu luyện của một số nhà văn, tản văn lại có thể bao hàm triết lí sâu sắc, tình ý đậm chất thơ, từ đó tạo ra sức hấp dẫn đối với người đọc.

Sự rộng lớn về đề tài của tản văn vượt qua tất cả các thể loại văn học khác, do đó người ta gọi tản văn là “viện bảo tàng của cuộc sống”. Cách nói này không có nghĩa tản văn là sự sắp xếp nhỏ lẻ, nó cũng có thể có tiếng vang và vị thế lớn, nó cũng là thể văn lành mạnh và phóng túng, có thể lấy tinh thần thời đại, xu hướng thẩm mĩ mới và tinh thần phê phán để đưa ra cái nhìn thẩm mĩ đối với lịch sử, hiện thực. Chính trong tình huống này, người ta đã đề xuất khái niệm “tản văn lớn”, giới tản văn cũng lại một lần nữa kêu gọi tản văn phải có biên giới rộng.

Dạng thức của tản văn rất phồn tạp, hình thức phong phú, không bó buộc vào một khuôn phép, bao gồm: tùy bút, văn tiểu phẩm, tốc kí, đặc tả, du kí, phóng sự, hồi kí…. Khuôn khổ của nó thường nhỏ, tản văn cổ đại thông thường chỉ 100 chữ, tất cả chỉ 100 chữ- rất ngắn, tản văn hiện đại cũng chỉ có mấy nghìn chữ. Hình thức thể loại tản văn hết sức linh hoạt, nó có liên hệ giao nhau với các thể loại khác, nó tự học theo các thể loại khác, viết lảnh lót như thơ, hùng tráng như quân ca, khúc chiết sinh động như tiểu thuyết. Trà hoa phú của Dương Sóc đã học tập dạng thức của thể loại văn học kịch, tiểu thuyết, thơ ca. Dạng thức thể loại của tản văn vì vậy mà khác thường, có tính tạo hình rất lớn.

– Kết cấu của tản văn rất tự do, đa dạng.

Không giống như thơ ca có “khai, thừa, chuyển, hợp”, kịch có phân hồi kịch mà tản văn không chú trọng vào đó, nó lúc gần lúc xa, có sự giao thoa giữa hiện thực và lịch sử, tự nhiên và xã hội. Vì vậy nó mang đến cho người đọc những cảm xúc như tản mạn, nhưng không phải là lộn xộn, mất trật tự.

Kết cấu của tản văn không chú ý vào “khai, thừa, chuyển, hợp” như thơ ca, không phân cảnh phân hồi như kịch, mà có lúc gần lúc xa, lúc trước lúc sau, hiện thực và lịch sử, tự nhiên và xã hội có sự giao thoa, triết lí sâu sắc có thể biểu hiện ngay trong cuộc sống hằng ngày, tình cảm nồng nàn được thể hiện thông qua tưởng tượng của cá nhân, thậm chí trên trời dưới đất, trần gian biên giới đều có thể liên kết vào một điểm.

Đặc điểm tự do trong kết cấu này của tản văn khiến người đọc có cảm giác tản mạn, nhưng cái “tản” này không phải là lộn xộn không có trật tự, không có tính văn chương, mà là trong cái tản mạn có tật tự, trong cái tản mạn có văn chương. Cái trật tự ở đây là chỉ tác giả đã căn cứ vào ý đồ sáng tác của mình và nhu cầu biểu hiện, đem toàn bộ sự tổ chức có trật tự chứ không hề lộn xộn rối ren làm cho nó có “thần”, trong lí luận về tản văn, người ta gọi điều này là “hình tản mà thần tụ”.

Nói như vậy thì xét ở phương diện bề mặt, những điều mà tản văn viết dường như là trời Nam đất Bắc, thời trước thời sau, vô biên vô giới, vô cùng tản mạn, người ta gọi là “hình tản”, nhưng lại rất thống nhất về chủ đề, tình cảm, tư tưởng (mặc dù tản mạn về tài liệu, hình thức, thủ pháp…), người ta gọi là “thần tụ”. Tản mạn là hiện tượng bên ngoài, thần tụ là bản chất bên trong. Đó mới là cái căn bản trong kết cấu rất tự do của tản văn.

– Ngôn ngữ tản văn bóng bẩy, trong sáng, súc tích, tươi mới, tự nhiên.

Ngôn ngữ ở đây luôn được chú trọng, trong sáng, tươi mới và tự nhiên. Không cần quá chú trọng tình tiết, đời sống nhân vật hay tình cảm phải dạt dào, mãnh liệt như thơ mà nó là những gì tác giả thấy, nghe, cảm nhận nên cảm xúc, ngôn từ ở đây tươi tắn, trong sáng, tự nhiên.

Tản văn không lấy hiệu quả ở tình tiết, cũng không lấy nhân vật để khắc họa sự hiểu biết, đồng thời cũng không yêu cầu có tình cảm đặc biệt mãnh liệt như thơ, đề tài của tản văn tuy rộng nhưng cái rộng lớn đa dạng của nó là những điều bên ngoài mà tác giả tự mình nhìn thấy, nghe thấy, suy nghĩ, mong muốn, cảm thấy, xúc động và cuộc sống thường nhật cho đến những hiện tượng khác. Loại nội dung và yêu cầu thể loại nhàn nhã tự tại của nó rất hợp với ngôn ngữ tự nhiên, tươi mới, gọn gàng, bóng bẩy.

Tản văn miêu tả nhân vật phải sinh động như cuộc sống, rõ ràng như đang hiện ra trước mắt, truyền đạt âm thanh phải giống hệt; tình cảm biểu hiện thì phải chân thực thiết tha, tế nhị; thuyết lí nghị luận phải vừa trang trọng vừa hài hước, thú vị, không cần kiểu cách mất tự nhiên, không cần che đậy, tất cả phải lên xuống tự do như mạch đập của con người, như tiếng nước chảy trong khe núi.

4. Phân loại.

Chủng loại của tản văn rất phong phú đa dạng, bất kể từ góc độ nào, căn cứ nào đều có thể chia tản văn thành rất nhiều loại. Thông thường thì người ta căn cứ vào đối tượng và hình thức thể hiện để chia tản văn thành ba loại: tản văn tự sự, tản văn trữ tình, tản văn nghị luận.

Tản văn tự sự.

Tản văn tự sự vẫn lấy sự kiện, nhân vật, cảnh vật làm nội dung biểu đạt chủ yếu, lấy sự trần thuật miêu tả làm phương thức biểu đạt chủ yếu. Nó chú trọng kể việc, ghi người, tả cảnh nhưng cũng không giống như kể việc ghi người tả cảnh trong tiểu thuyết.

Kể chuyện trong tản văn chỉ là trần thuật một số phiến đoạn của sự kiện; ghi người chỉ là ghi một số mặt quan trọng của nhân vật, tả cảnh chỉ là tả một số phương diện nào đó của cảnh vật; hơn nữa, những sự việc, con người, cảnh vật này đại đa số chỉ là những sự việc, con người, cảnh vật mà tác giả đã tiếp xúc qua, tác giả thường lấy nhân xưng ngôi thứ nhất “Tôi” làm sợi dây liên kết những phiến đoạn của sự kiện, những mặt nào đó của nhân vật, phương diện nào đó của cảnh vật; thủ pháp miêu tả thường là vận dụng lược thuật và phác họa, ngôn ngữ ít ỏi cốt chỉ vẽ ra tình trạng của sự kiện, thần thái của nhân vật, đặc sắc của cảnh vật. Tản văn tự sự chia thành: tản văn kí sự, tản văn ghi người, tản văn tả cảnh.

Tản văn trữ tình.

Tản văn trữ tình là tản văn lấy sự bộc lộ tư tưởng, tình cảm của tác giả làm chủ đạo, điều căn bản của nó là bộc lộ tình cảm. Trữ tình ở đây đã chỉ ra nội dung chủ yếu của nó là tình cảm, đồng thời cũng chỉ ra thủ pháp biểu hiện chủ yếu của nó là trữ tình. “Tình” trong tản văn trữ tình chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Tản văn trữ tình ưu tú phải lấy “tình” làm sợi dây sắp đặt kết cấu, tính chủ quan của nó đặc biệt mãnh liệt.

Ở phương diện này, tản văn trữ tình và thơ trữ tình có điểm giống nhau, nhưng tản văn trữ tình khác với thơ trữ tình ở chỗ không trực tiếp bộc lộ nỗi lòng mà phần nhiều là sự việc sinh tình cảm, mượn cảnh nói tình, lấy vật để nói chí, “tình” của nó phải có cái dựa vào, tình thấm vào trong cảnh và vật rồi bộc lộ ra, tình cảm chủ quan và cảnh vật khách quan nhập vào làm một.

Ngoài ra tình cảm trong tản văn trữ tình không tập trung như thơ trữ tình, nó thường là sự trải rộng của tư tưởng tình cảm trong một tổ chức, sắp xếp hết sức công phu của tài liệu. Ngôn ngữ tản văn khác ngôn ngữ thơ trữ tình là điều đã quá rõ ràng.

Tản văn nghị luận.

Tản văn nghị luận là tản văn lấy việc nói rõ đạo lí, biểu đạt điều mình nhìn thấy làm nội dung chủ yếu, lấy nghị luận làm thủ pháp biểu hiện cơ bản. Tản văn nghị luận bám chắc vào sự kiện, nhân vật, hiện tượng có ý nghĩa điển hình phong phú trong đời sống, lấy sự đồng tình của bản thân nhà văn và những tư tưởng, kiến giải, chủ trương làm cơ sở lập luận, dùng ngôn ngữ sinh động giàu tính văn học, dùng cách viết trong sáng rõ ràng để khái quát đặc điểm, chỉ rõ bản chất, làm nổi bật quy luật, do đó, tản văn nghị luận có tính khuynh hướng tư tưởng rõ ràng và sắc thái tình cảm mãnh liệt. Tản văn nghị luận bao gồm tạp văn, văn tiểu phẩm, tùy bút…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang