Văn bản thuyết minh và cách làm một bài văn thuyết minh
1. Khái niệm:
Văn bản thuyết minh là loại văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống nhằm cung cấp tri thức về đặc điểm, tính chất, cấu tạo, nguyên nhân… của các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích nhằm giúp người đọc có tri thức khách quan và thái độ đúng đắn đối với sự vật, hiện tượng.
2. Cách làm bài văn thuyết minh:
Muốn làm được văn bản thuyết minh, trước hết cần xác định đối tượng thuyết minh, sưu tầm tư liệu về đối tượng để nắm được thuộc tính, cấu tạo, nguyên nhân, kết quả… của đối tượng.
* Dàn ý tổng quát cho bài văn thuyết minh:
- Mở bài:
– Giới thiệu về đối tượng cần thuyết minh.
- Thân bài:
– Trình bày nguồn gốc xuất xứ (lịch sử hình thành), cấu tạo, tính chất, đặc điểm, lợi ích của đối tượng.
- Kết bài:
– Bày tỏ thái độ đối với đối tượng.
* Lưu ý: Để bài văn thuyết minh có sức thuyết phục, dễ hiểu, sáng rõ, có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp thuyết minh như: nêu định nghĩa, giải thích, liệt kê, nêu ví dụ, dùng số liệu, so sánh, phân tích… Trong bài văn thuyết minh cần phân chia mỗi ý lớn thành một đoạn, trình bày rổ chủ đề của đoạn, các ý trong đoạn nên sắp xếp theo một trình tự nhất định: trình tự cấu tạo, trình tự diễn biến sự việc… Ngôn ngữ của văn bản thuyết minh phải cụ thể, chính xác, sinh động.