“Xưa nay, nỗi khổ của người ta không gì bằng chữ tình, mà cái khó ở đời không gì bằng sự gặp gỡ”. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 – tập 2)
* Hướng dẫn làm bài:
– Nhận định trên nêu lên một quy luật có tính chất phổ quát muôn đời. Trước hết cần hiểu rõ nỗi khổ của người ta không gì bằng chữ tình. Chữ “tình” ở đây chính là tình cảm, cảm xúc đối với đồng loại, nhân dân, đất nước và cũng là tình cảm của chính người nghệ sĩ mang thiên chức “nhân đạo từ trong cốt tuỷ” (Sê-Khốp).
– Nỗi khổ không chỉ là đơn giản là chuyện sướng khổ theo nghĩa thông thường trên đời mà khổ chính là nhà văn bằng thiên chức của mình đã cảm thông sâu sắc đến tận cùng mọi buồn vui sướng khổ của nhân loại nói chung, nhân dân mình, dân tộc mình nói riêng. Họ có thể đau đớn, vật vã giằng co đến chảy máu trước cảnh ngộ thân phận xót xa của người khác. Cũng có thể reo lên sung sướng trước niềm vui dù là nhỏ nhoi của con người.
– Như thế nỗi khổ lớn nhất xưa nay của người nghệ sĩ hoá ra lại là chuyện cảm thông chia sẻ, tri ân trước mọi cung bậc của tình cảm con người. Để nói lên được tất cả tình cảm ấy, người nghệ sĩ phải sống với cuộc đời , sống với con người, phải mở lòng đón nhận mọi vang động của cuộc đời. Và để có được sức cảm thông đó, người nghệ sĩ phải dấn thân, phải tự nguyện, nói như nhà văn Lỗ Tấn thì đại ý: “Tôi ăn lá ăn cỏ để vắt ra là sữa nuôi người đạt được trình độ ấy thì nỗi khổ lớn nhất lại là niềm hạnh phúc nhất”.
– Cái khó ở trên đời không gì bằng sự gặp gỡ. Thực chất đây là sự giao tiếp giữa tác giả và người tiếp nhận, là mối quan hệ giữa người nói và người nghe, người viết và người đọc, người bày tỏ và người chia sẻ cảm thông. Người viết bao giờ cũng mong mỗi người đọc hiểu mình, cảm nhận được điều mình muốn gửi gắm kí thác. gặp gỡ chính là sự đồng điệu hoà hợp của những tâm hồn. ở mức độ thống nhất cao thì đó là đồng cảm xúc của người đọc.
– Hiểu như vậy thì cái khó lại là sự thành công sự tuyệt mĩ của tác phẩm. Tác phẩm chỉ thật sự có giá trị khi được đông đảo bạn đọc đón nhận tìm thấy mình ở trong đó.
– Mối quan hệ giữa cái khổ và cái khó của người nghệ sĩ chính là mối quan hệ giữa quá trình người nghệ sĩ sống, chiêm nghiệm, hoá thân trong cuộc sống dài để phản ánh chân thật những cảm xúc những suy tư, những trăn trở, niềm đau khổ vô cùng và hạnh phúc vô cùng của con người và truyền thông cho được tình cảm ấy đến với bạn đọc. Sự đón chờ, tiếp nhận hồ hởi của bạn đọc là tiêu chuẩn khắt khe nhất, nghiêm túc nhất đối với sự trường cửu của tác phẩm văn chương. Người nghệ sĩ nào làm được sứ mệnh ấy là nghệ sĩ lớn, tác phẩm nào đạt được sự hoà hợp ấy là tác phẩm bất hủ không sợ thời gian.