»» Nội dung bài viết:
Bình luận ý kiến của Đôxtôipxki: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”
1. Giải thích:
a. Cái đẹp là một phạm trù của mĩ học, quan niệm về cái đẹp rất phong phú.
– Arixtôt : “Cái đẹp nằm trong kích thước của trật tự” → những cái gì quá lớn hoặc quá nhỏ đều không thể coi là cái đẹp .
– Hécđơ: “Cốt lõi của cái đẹp là ở chân lí. Bất cứ cái đẹp nào cũng dẫn đến chân lí và điều thiện”
– Xtăngđan: “Cái đẹp là sự mời gọi của hạnh phúc”.
– Triết học phương Đông: “Cái đẹp là sự hài hoà, cân đối”.
→ Theo quan điểm thẩm mĩ thì cái đẹp là sự tổng hoà theo một tiêu chí thẩm mĩ nào đó , sẽ luôn song hành cùng cái chân và thiện .
– Cái đẹp có thể tìm thấy trong tự nhiên, trong đời sống xã hội, trong chính trị, tôn giáo, đặc biệt là ở con người. Con người là cái đẹp toàn mĩ nhất, là thước đo mọi giá trị của vũ trụ.
– Cái đẹp có nhiều nhất trong văn học, nó biểu hiện tập trung hơn và lí tưởng hơn
– Cái đẹp trong cuộc sống đi vào nghệ thuật, văn học sẽ được thăng hoa.
b. Cái đẹp cứu rỗi thế giới.
– Cứu rỗi là thuật ngữ của tôn giáo, nhằm nhấn mạnh tác dụng lớn lao của cái đẹp:
+ Duy trì sự tồn tại và phát triển của thế giới
+ Nếu con người không say mê cái đẹp, cuộc sống không tuân theo qui luật của cái đẹp thì sẽ tận thế.
+ Thanh lọc tâm hồn con người, loại bỏ cái xấu, cái ác .
+ Thoát khỏi dục vọng tầm thường, những tội lỗi .
+ Hướng con người tới một thế giới lí tưởng
+ Giúp con người có một niềm tin ở tương lai, cuộc sống, duy trì, hồi phục, nuôi dưỡng niềm tin .
+ Đánh thức khát khao của con người, hướng tới thế giới chân, thiện, mĩ (dẫn chứng : cái đẹp của sự tài hoa, khí phách của Huấn Cao ; cái đẹp của tài hoa, nghệ sĩ của Ông lái đò; cái đẹp của tư tưởng, phẩm chất trong con người Hồ Chí minh trong Nhật kí trong tù)
– Ý kiến của bản thân về cái đẹp .
2. Lí giải ý kiến.
– Hành trình cuộc sống của con người luôn đi tìm cái đẹp.
– Quan niệm về cái đẹp không phải là bất biến, nó có thể thay đổi theo những tiêu chí khác nhau của lịch sử, dân tộc, sở thích cá nhân…
– Con người biết yêu cái đẹp sẽ sống trong sạch, xa lánh, chống lại cái xấu, biết bảo vệ cái đẹp .
– Con người muốn thoả mãn nhu cầu thưởng thức cái đẹp thì hãy tìm đến văn học, vì trong văn học cái đẹp được nhân đôi.
Bài văn tham khảo:
Đôxtôipxki từng nói: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Câu nói ấy cho thấy được thiên chức cao cả của văn học là đem cái đẹp vào tâm hồn của con người, cứu vớt những đau khổ hàng ngày, thường trực của con người như Nguyễn Minh Châu – một nhà văn tài năng tâm huyết đã từng tâm sự với nghề văn: Nhà văn phải phát hiện ra cái đẹp khuất lấp như truy tìm hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người, còn nhà văn Thạch Lam – một cây bút chủ chốt của nhóm bút Tự Lực Văn Đoàn đã phát biểu đại ý: “Cái đẹp len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở những vật tầm thường, công việc của nhà văn là làm cho cái đẹp được nổi hình, nổi khối, thấm sâu vào tâm hồn người đọc”, và sau này trong quá trình lao động nghệ thuật miệt mài của mình Thạch Lam đã đúc rút ra kinh nghiệm: “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”.
Cái đẹp là một phạm trù mĩ học. Nói văn học tức là nói đến cái đẹp, vẻ đẹp ấy toát lên từ ngôn ngữ, từ giọng điệu, từ các chi tiết của tác phẩm văn học, nếu hội họa khiến người ta say đắm trước vẻ đẹp của những đường nét, sức hấp dẫn của màu sắc, âm nhạc đi vào lòng người bởi sự tinh tế của những nốt nhạc, ca từ thì văn chương quyến rũ lòng người bởi hình tượng nghệ thuật bởi những thông điệp cao cả ẩn tàng đằng sau cốt truyện, hình ảnh, nhân vật. Người ta làm sao có thể quên được thông điệp nhân văn được đúc kết từ tác phẩm Những người khốn khổ, trong tác phẩm ấy người ta bắt gặp tình thương, sự nhân đạo toát lên từ trái tim lương thiện, cao cả của Giăng văn Giăng, con người ấy bằng niềm tin chân thật của mình vào cuộc đời vào đạo lý đã cứu vớt những tâm hồn khốn khổ như Phăng tin, Cô-dét, chính sức mạnh của tình thương tình người tha thiết là động lực thúc đẩy Victo Huygo sáng tác ra những tác phẩm bất hủ được mệnh danh là kinh thánh của loài người.
Cái đẹp của tình người tình đời tha thiết đã nâng đỡ, thúc đẩy con người sống lương thiện, mở hồn mình ra đón lấy những vang động của đời. Người ta sau này mãi mãi sẽ không bao giờ quên câu chuyện cổ tích Cô bé Lọ Lem với hình ảnh nàng Lọ Lem hiền lành chăm chỉ nhưng phải chịu biết bao nỗi cay đắng, tủi cực từ sự ghẻ lạnh của dì ghẻ, từ đó gieo vào người đọc niềm tin vào cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, cái xấu xa cái bất hạnh.
Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, đó là cái đẹp bình dị đời thường, nhưng phải cao cả bởi nói đến cái đẹp là cái cao cả, có khi nhà văn miêu tả những cái xấu xí, gồ ghề của sự vật của cuộc đời nhưng mục đích cuối cùng mà tác giả hướng đến chính là làm nổi bật cái đẹp, cái cao cả. Làm sao người ta có thể ngờ rằng đằng sau hình ảnh thằng gù nhà thơ đức bà Paris xấu xí dở người là một trái tim nhân hậu khát khao yêu thương và được yêu thương, đằng sau một Chí Phèo được mệnh danh là con quỷ dữ của làng Vũ Đại là một trái tim lương thiện luôn hướng về những điều bình dị trong cuộc sống, trái tim ấy khao khát từng ngày sẽ được sống một cuộc đời giàu tình yêu thương được người khác gắn bó và chia sẻ. Và làm sao người ta có thể quên một Thị Nở xấu xí nhưng đã dám đứng tách ra khỏi làng Vũ Đại để đi về phía Chí Phèo trao gửi tình yêu thương của mình cho Chí. Sau khi người ta gấp lại nhưng trang sách của Nam Cao người ta mới thấu hiểu những nỗi dằn vặt trăn trở của chính tác giả, Nam Cao đã đem đến cho người đọc những trang văn những trang đời thức tỉnh lương tri, hướng con người phát hiện cái đẹp ở những con người nhìn bên ngoài có thể dị hợm lạc loài, nhưng ẩn chứa bên trong một trái tim sâu thẳm tràn ngập tình yêu cuộc sống.
Thưởng thức cái đẹp trong văn chương đòi hỏi con người phải có kiến thức lý luận chắc chắn phải thấu hiểu những thông điệp ngầm trong tác phẩm văn học mà nhà văn gửi gắm. Tây Tiến là một trong những bài thơ để đời của nhà thơ Quang Dũng, trong thi phẩm ấy, tác giả đã xây dựng hình ảnh những người lính Tây Tiến lãng mạn mộng mơ, nhưng vô cùng yêu đời yêu cuộc sống, các anh đến với cuộc đời này bằng một trái tim nồng cháy, mãnh liệt với khát khao được cống hiến, được đóng góp cho đất nước dân tộc khi tất cả đang chìm trong chiến tranh, biển lửa. Dù gặp phải khó khăn những người lính Tây Tiến ấy vẫn không lùi bước, ta vẫn nghe vang vọng đâu đây những âm thanh hào hùng của cuộc hành quân hùng tráng:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Họ những người lính Tây Tiến tuy tuổi đời còn rất trẻ, nhưng trong trái tim của những con người ấy mang sức mạnh của hào khí non sông với mong muốn được cống hiến cho Tổ quốc cho dân tộc, vượt qua những gian khó những đau thương họ vẫn sống và chiến đấu bằng trái tim yêu đời, bằng tình yêu mãnh liệt đối với non sông, đất nước.
Quang Dũng đã rất tinh tế khi phát hiện ở những người lính Tây Tiến vẻ đẹp lãng mạn, mộng mơ, yêu đời. Trong thơ cái đẹp rất dễ hiện hình nhưng để cảm được cái đẹp ấy, nhà thơ phải là người cho máu, nhà thơ phải trau chuốt ngôn từ của mình, chưng cất những cảm xúc những tư tưởng lớn lao để đủ sức giãi bày bằng ngôn từ khiến trái tim người đọc xao xuyến, rung động.
Ta có thể nào quên được những tiếng thơ nổi bật trong phong trào thơ mới đó là tiếng thơ của một Xuân Diệu rạo rực, dạt dào nguồn yêu mến cuộc sống, là tiếng thơ ảo não của Huy Cận, tiếng thơ hùng tráng của Huy Thông hay tiếng thơ kì dị của Hàn Mặc Tử… mỗi tiếng thơ có vẻ đẹp riêng có âm điệu riêng để hấp dẫn người đọc khiến người đọc thêm yêu thơ, cảm thơ, có khi là những tiếng thơ bi quan sầu não nhưng lại chất chứa nỗi lo lắng về xã hội về con người. Ta hãy xem những câu thơ của Chế Lan Viên:
“Hãy cho tôi một tinh cầu lạnh giá
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa
Để nơi ấy thắng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền đau khổ với buồn lo”.
Những câu thơ được chưng cất từ xúc cảm của nhà thơ, thể hiện một trái tim cô đơn, băng giá một tâm hồn bơ vơ lạc loài đang tìm kiếm nơi ẩn náu, tìm kiếm những tiếng nói chung, đồng điệu. Cái đẹp tồn tại, ẩn hiện khắp hang cùng ngõ hẻm, nhưng người nghệ sĩ phải là người có tài năng đặc biệt cần mẫn như con ong chăm chỉ mới có thể phát hiện, xâu chuỗi những vẻ đẹp của đời thành những trang thơ, trang văn làm lay động trái tim người đọc, đó là tài năng đặc biệt của người nghệ sĩ mà với thiên phú của mình người nghệ sĩ ấy có thể bóc tách, phân tích văn vật để chưng cất cái đẹp đưa nó đến với độc giả, với con người: “Nhưng cũng giống như bông hồng vàng của Samet làm ra để cho Xuyzan được hạnh phúc, sáng tác của chúng ta là để cho cái đẹp của Trái Đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối, cho chúng rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt”, cái đẹp như hạt bụi quý của đời mà mỗi người nghệ sĩ đã nhọc công gom góp tạo dựng qua những vân thơ câu chữ của mình.
Nguyễn Tuân nổi tiếng là một người nghệ sĩ chuyên đi tìm cái đẹp, ông quan sát con người, quan sát sự vật ở phương diện, ở góc độ nghệ thuật, ông không miêu tả chỉ để miêu tả mà nhìn ngắm con người ở phương diện cái đẹp, dù họ làm bất cứ nghề gì nhưng phải thật xuất sắc, phải thật đẹp đó là vẻ đẹp ngang tàng khí phách của Huấn Cao khi dối mặt với những tên lính canh ngục, là vẻ đẹp của những nét chữ vuông vức trên tấm lụa bạch khi người nghệ sĩ ấy cho chữ trong khung cảnh tăm tối, ẩm mốc, đất bừa bãi phân, chuột phân gián, là cái đẹp kính cẩn nghiêng mình của quản ngục trước cái tài của tên tử tù. Tất cả được Nguyễn Tuân nhìn ngắm ở phương diện cái đẹp. Sau cách mạng cũng khai thác cái đẹp nhưng họ Nguyễn lại tìm kiếm nó ở tầng lớp lao động bình thường: đó là ông lái đò trên dòng sông Đà hiểm trở, cuộc đời của ông không được tính toán, đo đếm bằng vàng bạc mà được khẳng định qua những chuyến đưa đò trên sông Đà, dòng sông độc dữ ấy là cửa ải nguy hiểm mà mỗi lần đi qua ông lái đò đều phải gồng mình lên để đối mặt, đối với ông mỗi chuyến đưa đò là một lần khẳng định tài năng, sức mạnh phi thường kinh nghiệm sống của mình, Nguyễn Tuân đã phát hiện vẻ đẹp ấy ở những người dân lao động bình thường ở những con người chân chất thật thà.
Đến với những trang văn của Thạch Lam người ta không thể nào quên hình ảnh Hai đứa trẻ với những ước mơ, hi vọng được gửi gắm qua chuyến tàu đêm. Chuyến tàu ấy đã đem đến một thế giới khác hẳn thế giới ngày thường mà hai chị em Liên và An đang sống, nói cách khác đó là thế giới tràn đầy ánh sáng, niềm tin, hi vọng để hai chị em thoát khỏi cảnh bần cùng, thoát khỏi hiện thực khô cằn buồn tẻ, không ước mơ, không hi vọng. Xây dựng chuyến tàu đêm tác giả Thạch Lam đã dụng công khi dồn tất cả tâm huyết và tài năng của mình để tạo nên điểm nhấn cho tác phẩm. Thạch Lam đã nhìn một cách sâu sắc tinh tế nội tâm của Liên, An để từ đó có thể lột tả một cách chân thực ước mơ khát vọng của hai đứa trẻ. Đó là vẻ đẹp giản dị, đời thường, vẻ đẹp khuất lấp trong thẳm sâu tâm hồn của những ước mơ khát vọng của con trẻ.
Thạch Lam thực sự đã đem đến cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức để có thể lay động trái tim độc giả khiến độc giả đồng cảm với nỗi bất hạnh của hai đứa trẻ, thấu hiểu tường tận ước mơ được bứt phá được thoát khỏi cảnh bế tắc, bần cùng. Vẻ đẹp ấy có được khi tác giả phải ngắm nghía thật kĩ càng, phải hết sức thấu hiểu nội tâm trẻ thơ thì mới khai phá, mới xây dựng được chi tiết đắt giá cho tác phẩm. Như bông hoa sem thơm ngát mọc lên từ bùn đen, cái đẹp của văn học phải lay động, thức tỉnh trái tim con người, khiến con người có thể lắng lại tâm hồn mình để rung cảm trước những khung cảnh bình dị, đời thường. Bông hoa ấy luôn mang trong mình hương thơm ngát để có thể điểm tô cho cuộc sống này.
Cái đẹp của văn chương cũng vậy nó tiềm tàng ở những vật tầm thường đòi hỏi nhà văn, nhà thơ phải nắm bắt cho được cái đẹp ấy để gọt giũa đưa vào trong tác phẩm của mình, biến nó thành những trang đời thấm đẫm tình yêu cuộc sống. Ta hãy một lần lắng lại những cảm xúc tế vi của tâm hồn để thưởng thức những vần thơ hay những câu văn đẹp, để thưởng thức tài năng của người nghệ sĩ, để chiêm ngưỡng những vẻ đẹp trong nghệ thuật được chưng cất từ những nhọc nhằn của đời, từ những buồn vui của người, Cái đẹp trong văn học mãi mãi sẽ cứu rỗi thế giới,mãi mãi sẽ làm thức tỉnh mài giũa những phẩm chất cao đẹp của con người như mục đích mà những người nghệ sĩ đang truy tìm và sáng tạo.
Bài văn tham khảo:
Qua Chữ người tử tù của Nguyễn tuân, hãy chứng minh: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” (Đôxtôiépxki)
Trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, Nguyễn Tuân là một nhà văn có vị trí đặc biệt quan trọng. Với vốn ngôn ngữ phong phú và sự cảm nhận tinh tế về cuộc sống, con người, nhà văn đã thể hiện qua tác phẩm của mình những suy tưởng sâu sắc về con người và cuộc sống. Bao trùm lên tất cả, có thể nói, suy tưởng về cái đẹp là nét nổi bật trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Tuân. Có thể thấy sự thể hiện của điều này qua “Chữ người tử tù”, tác phẩm được rút ra từ tập truyện miêu tả về những cái đẹp của một thời vang bóng.
Cái đẹp là cái người nghệ sĩ xưa nay muôn đời hướng tới. Sứ mệnh của người nghệ sĩ xét cho cùng là đi tìm cái đẹp trong cuộc đời để kết tinh thành cái đẹp trong nghệ thuật. Phát hiện, ngợi ca và tôn vinh cái đẹp, Nguyễn Tuân đã đi theo con đường của riêng mình khi nâng nó lên thành một tôn giáo. Có người nói Nguyễn Tuân là người “suốt đời đi tìm sự thật và cái đẹp”, ông viết: “Nguyễn sinh ra để phụng thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa”. Cái đẹp trong sáng tác của Nguyễn Tuân làm nên nét riêng cho tính nhân văn trong các tác phẩm của ông, nó thể hiện phong cách riêng, ngang tàng của một người nghệ sĩ dám lựa chọn cho mình một con đường riêng và lấy nó đối lại với toàn bộ xã hội “ối a ba phèng”, nhố nhăng tây, tàu lẫn lộn thời bấy giờ làm sai lạc đi biết bao giá trị cũ. Tất cả những gì muốn trở thành đề tài của Nguyễn Tuân đều phải là cái đẹp.
Nhân vật của ông dù là người hành khất, kẻ tử tù đến những người lao động bình thường đều là những người nghệ sĩ tài hoa. Ông hành khất không xin gì chỉ xin được uống một tách trà, pha trà mà có phong thái đạo mạo như một tiên ông, tinh tế đến mức nhận ra được cả trong ấm trà đó có lẫn duy nhất một vỏ trấu. Đó không phải là người hành khất nữa mà trở thành một người nghệ sĩ đích thực. Người lái đò ngày ngày chở khách đi qua đoạn thượng nguồn sống Đà dữ dằn trở thành một vị tướng, một người nghệ sĩ tài hoa. ông bài binh bố trận, chống đỡ lại con sống với những thế võ nhà nghề và để rồi cuối cùng khuất phục nó, chiến thắng nó một cách vẻ vang nhưng điều đáng nói là vẻ đẹp trong cuộc sống lao động đó lại trở thành nhịp sống lao động bình thường của ông lái đò. Điều đó khiến cho hình ảnh ông lái đò trở thành một ấn tượng không thể nào phai trong lòng người đọc…
Trong những sáng tác giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, là một nhà văn khuynh hướng lãng mạn, Nguyễn Tuân đã chối bỏ thực tại bằng cách trở về với quá khứ vàng son đã qua mà nay chỉ còn một thời vang bóng. Ông nâng niu, trân trọng những giá trị văn hóa, văn hiến cổ truyền của dân tộc thời xưa cũ nay chỉ còn xót lại trong kí ức của những người có thiên lương. Có lẽ chính vì lẽ đó mà trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Tuân, những nhân vật mà ông yêu thích nhất và cũng kính trọng nhất là những người tài hoa, tài tử. Đó là những người sống đẹp, những người sáng tạo ra cái đẹp hay những người tôn thờ cái đẹp.
Nguyễn Tuân tìm thấy cái đẹp ở lớp nhà nho tài hoa, tài tử tuy đã bất lực trước thời thế nhưng lại không chịu làm lành với xã hội kim tiền ô trọc mà dung lối sống tài hoa, tài tử của mình để phủ nhận xã hội thực tại đương thời. Có thể nói kết tinh cao nhất tài hoa, khí phách và thiên lương là “Chữ người tử tù”. Ngay từ tên truyện đã mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. “Chữ người tử tù” ở đây là chữ Hán gắn với nghệ thuật thư pháp. Với người Trung Quốc, thi pháp là một nghệ thuật cao câp, thanh cao bậc nhất. Đây là một trong những nghệ thuật tinh túy thể hiện khí phách thiên lương tài hoa của con người. Nghịch lí ở đây là chữ thuộc về nghệ thuật, cái đẹp và người sáng tạo ra cái đẹp lại là người tử tù – người mà xưa nay khi nhắc đến người ta vẫn có rất nhiều định kiến. Tình huống oái oăm nhưng nhờ đó mà cái đẹp được thăng hoa để tỏa sáng. Suy tưởng về cái đẹp của tác phẩm được thể hiện qua việc ca ngợi tài hoa, nhân cách của hai nhân vật chính trong truyện: Huấn Cao và viên quản ngục, đặc biệt là ở hình tượng người tử tù Huấn Cao.
Huấn Cao là hình tượng tiêu biểu cho cái tài hoa, khí phách, cho cái đẹp mà Nguyễn Tuân tôn thờ. Đó là vẻ đẹp lãng mạn, một vẻ đẹp được lí tưởng hóa, và được thể hiện một cách khác thường trong một hoàn cảnh tưởng chừng như không thể xảy ra. vẻ đẹp của Huấn Cao trước hết được thể hiện ở tài hoa, nghệ sĩ của ông. Huấn cao là người có tài viết chữ đẹp. Cái tài đó nổi tiếng cả một vùng tỉnh Sơn. Ông viết “rất nhanh và đẹp”, “những nét chữ vuông vắn lắm”. Những nét chữ ấy đẹp không chỉ bởi tài hoa của người viết mà còn bởi nó chứa đựng trong đó “hoài bão tung hoành của cả một đời người”. Tất cả tinh hoa, khí phách, tất cả tâm hồn, tình cảm và nhân cách của con người, cả những niềm mơ ước và ý chí khát vọng cũng đều được gửi gắm vào trong từng nét chữ.
Không chỉ có tài viết chữ đẹp, Huấn Cao còn khiến người ta phải cảm phục bởi khí phách hiên ngang, bất khuất. Ngay từ khi chưa xuất hiện, Nguyễn Tuân đã để cho tiếng tăm của nhân vật bay vào tận trong nhà tù làm chồ bản thân viên quản cũng phải lây làm tò mò. Đó là một nhà nho không chịu chấp nhận tình cảnh xã hội bất công mà đứng lên cầm đầu cuộc nổi loạn để trở thành kẻ đại nghịch. Bước vào trong tù, ông vẫn hiên ngang như chỗ không người, không hề bị quyền thế và địa vị làm cho run sợ. Hành động dỗ gông không phải là một hành động thông thường, nó thể hiện khí phách hiên ngang thẳng thắn của Huấn Cao, dù bị xiềng xích nhưng ông vẫn hoàn toàn tự do về mặt tinh thần. Những ngày tháng trong tù chờ chết, ông vẫn “thản nhiên nhận rượu thịt” như “việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh”. Đó là một phong thái ung dung, tự do, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Dưới con mắt Huấn Cao, những kẻ đại diện cho quyền lực thống trị chỉ là những “trò tiểu nhân thị oai”. Chính vì lẽ đó mà ông không ngần ngại trả lời quản ngục một cách khinh bạc đến điều.
Bên cạnh đó, nhân vật còn được nhà văn ngợi ca ở vẻ đẹp của thiên lương, vẻ đẹp của một con người có nhân cách trong sáng. Huấn Cao ngay từ lúc sinh thời đã “không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình cho chữ bao giờ”. Bởi vậy nên chữ ông đẹp nổi tiếng nhưng cả cuộc đời mình ông mới chỉ cho chữ ba người bạn thân và sau này quản ngục nữa là người cuối cùng. Đó là sự khẳng khái của một người trọng nghĩa khí, khinh thường tiền bạc, danh lợi. Huấn cao chấp nhận cho chữ quản ngục đo cảm một “tấm lòng biệt nhỡn liên tài” hiểu ra “sở thích cao quý” của quản ngục. Suốt cả đời mình, ông chỉ tôn thờ cái đẹp, ông chỉ trân trọng những người cũng có thiên lương giống mình, những người biết trân trọng cái tài và yêu quý cái đẹp.
Hai nhân vật Huấn Cao và quản ngục trên bình diện xã hội là hoàn toàn đối lập nhau nhưng cả hai đều là những con người có tâm hồn nghệ sĩ, có thiên lương cao đẹp nên họ trở thành tri âm, tri kỉ với nhau. Quản ngục sống trong cảnh lừa lọc tàn nhẫn nhưng vẫn giữ được những phẩm cách cao quỷ của mình. Tuy không phải là người làm nghệ thuật nhưng ngục quan có một tâm hồn nghệ sĩ của một kẻ liên tài. Ông là người có tâm hồn nghệ sĩ, say mê và quý trọng cái đẹp. Một người như thế mới có thú chơi tao nhã: chơi chữ. Không chỉ thế, đó còn là một người có “tấm lòng biết giá người, biết trọng người ngay”. Viên quản ngục say mê cái tài, cái đẹp và nhân cách của Huân Cao nên chân thành, cung kính và biệt đãi ông, mặc thái độ cao ngạo và khinh mạn của ông Huân. Trước Huấn Cao, quản ngục chỉ thấy mình là một “kẻ tiểu lại giữ tù” thấp hèn. ở đây, vẻ đẹp của quản ngục được thể hiện ở thái độ cung kính với Huấn Cao – hiện thân của cái tài, cái đẹp, cái “thiên lương” cao cả. Thái độ khúm núm của ông ở cuối tác phẩm không những không khiến làm mất đi vẻ đẹp của một người có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” mà còn làm cho nó trở nên sâu sắc, ấn tượng hơn.
Vẻ đẹp của cả hai hình tượng nhân vật đặc biệt là nhân vật Huấn Cao được thể hiện tập trung nhất trong cảnh cho chữ. Cái đẹp ra đời trong một “buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”, “trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà”, “Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô từng nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván”. Cái đẹp được sáng tạo giữa chốn hôi hám, nhơ bẩn, thiên lương cao cả lại tỏa sáng ở ngay giữa nơi cái ác và bóng tối đang ngự trị. Có một sự đổi ngôi đã diễn ra: người nghệ sĩ tài hoa đang dậm tô từng nét chữ không phải là người được tự do mà là một kẻ tử tù đang trong cảnh cổ đeo gông, chân vướng xiềng và chỉ sớm tinh mơ ngày mai là sẽ bị giải vào kinh chịu án tử hình. Kẻ tù nhân vượt lên để trở thành người sáng tạo, ban phát cái đẹp, người răn dạy những điều phải trái còn ngục quan thì khúm núm, vái lạy người tù. Cái đẹp của thiên lương, cái đẹp của tài năng và nhân cách đã vượt lên tất cả để khẳng định mình và để chiến thắng.
Trong “Tờ hoa”, Nguyễn Tuân đã thể hiện những suy tưởng của mình về cội nguồn của cái đẹp: cũng giống như con ong làm mật, quá trình hoài thai đau đớn và nặng nhọc của con trai để có ngọc, của những cái rễ con âm thầm trong lòng đất kín giúp cho có được những bông hoa thơm, quá trình sáng tạo nên cái đẹp của người nghệ sĩ là không hề giản đơn. Cái đẹp của thiên lương và khí phách trong “Chữ người tử tù” cũng phải.trải qua những thử thách tương tự như thế để tự khẳng định được mình. Phải đến tận ngày cuối cùng trong cuộc đời Huấn Cao, hai thiên lương trong sáng ây mới có thực sự hiểu được nhau, gặp nhau để cùng nhau làm cho cái đẹp tỏa sáng. Từ những hình tượng nhân vật này, Nguyễn Tuân cũng đồng thời trình bày quan điểm thẩm mĩ của mình về cái đẹp: cái đẹp và cái thiện không thể tách rời nhau. Một nhân cách đẹp bao giờ cũng là sự thống nhất giữa cái tâm và cái tài. Đó trở thành nét nổi bật trong tác phẩm cũng như trong những suy tưởng của Nguyễn Tuân về cái đẹp.
“Cái đẹp cứu rỗi, cứu vớt thế giới này” (Đôx-tôi-ep-xki). Cuộc hành trình đi tìm cái đẹp của Nguyễn Tuân vì thế mà cũng sẽ có ý nghĩa trong mọi thời đại.
Tài liệu tham khảo:
Cái đẹp trong văn chương.
Văn hào Dostoievski với niềm xác tín “Cái đẹp sẽ cứu rỗi nhân loại”, Pautovski cũng xem “Thái độ dửng dưng thờ ơ với cái đẹp là một thứ bệnh ung thư gặm nhấm làm khô cứng hủy hoại tâm hồn con người”. Victor Hugo thì tin rằng “Yêu cái đẹp là thấy ánh sáng”. Trong khi Albert Camus cũng khẳng định: “Cái đẹp không thể chịu đựng nổi, nó khiến chúng ta tuyệt vọng, nó cho chúng ta một giây phút thoáng nhìn cõi vĩnh hằng mà chúng ta muốn vươn tay ra toàn bộ thời gian”…
Trong vũ trụ văn chương của các nhà văn, tiếp cận cái đẹp luôn là hạt nhân quan trọng nhất, bởi bản chất của sáng tạo nghệ thuật vốn cũng là sáng tạo cái đẹp.
“Cái đẹp mà văn học đem lại không phải là cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật” (Dẫn theo Lí luận văn học, Hà Minh Đức chủ biên, NXB Giáo dục, trang 57). Mọi sáng tạo nghệ thuật đều bắt nguồn từ đời sống. Tác phẩm văn học chỉ có thể làm rung động trái tim người đọc khi chứa đựng giá trị thẩm mỹ: khả năng văn học phát hiện và miêu tả những vẻ đẹp của cuộc sống một cách sinh động, giúp con người cảm nhận và biết rung động một cách tinh tế, sâu sắc trước vẻ đẹp đó.
Giá trị thẩm mĩ của văn học được thể hiện ở nội dung: mang lại cho người đọc vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ của cuộc đời, khám phá vẻ đẹp sâu xa trong nội tâm con người… Cái đẹp trong nghệ thuật còn thể hiện ở hình thức, được biểu đạt qua hình tượng nghệ thuật riêng biệt độc đáo, không lặp lại, sự sáng tạo các yếu tố nghệ thuật phong phú…
Như vậy, khi tiếp nhận tác phẩm văn học, người đọc phải gắn giá trị thẩm mĩ của tác phẩm với hiện thực cuộc sống và sự sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, cảm nhận cái đẹp nghệ thuật ở cả phương diện nội dung và hình thức của tác phẩm văn học.