Nghị luận: Một tiểu thuyết thực sự hứng thú là tiểu thuyết không chỉ mua vui cho chúng ta, mà chủ yếu hơn là giúp chúng ta nhận thức cuộc sống, lí giải thế giới

mot-tieu-thuyet-thuc-su-hung-thu-la-tieu-thuyet-khong-chi-mua-vui-cho-chung-ta-ma-chu-yeu-hon-la-giup-chung-ta-nhan-thuc-cuoc-song-li-giai-the-gioi

Anh /chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về nhận xét sau đây của nhà văn Pháp G.Đuy-a-men : “Một tiểu thuyết thực sự hứng thú là tiểu thuyết không chỉ mua vui cho chúng ta, mà chủ yếu hơn là giúp chúng ta nhận thức cuộc sống, lí giải thế giới”.

I. Mở bài:

– Sách là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong cuộc sống con người. Nhưng có nhiều loại sách vở khác nhau . Mỗi loại sách đều mang đến cho người đọc những hiểu biết nhất định về các vấn đề xã hội .

– Trong các loại sách ấy , một loại sách có tác dụng bồi bổ tinh thần con người vô cùng quí giá , ấy chính là sách văn học . Khi bàn về sách văn học , đặc biệt là thể loại tiểu thuyết , nhà văn Pháp G.Đuy-a-men nói : “Một tiểu thuyết thực sự hứng thú là tiểu thuyết không chỉ mua vui cho chúng ta, mà chủ yếu hơn là giúp chúng ta nhận thức cuộc sống, lí giải thế giới”.

II. Thân bài:

1. Giải thích:

“Môt cuốn tiểu thuyết thực sự hứng thú”: là một cuốn tiểu thuyết hay, có giá trị về nhiều mặt, cả nội dung lẫn hình thức phản ánh. Cuốn tiểu thuyết đó sẽ mang lại cho độc giả nhiều niềm vui, giải tỏa những ức chế trong cuộc sống đời thường. Độc giả sẽ có những khoảnh khắc cùng sống với nhân vật, cùng chia ngọt sẻ bùi hay phiêu lưu cùng nhân vật, chìm đắm trong suy tư, trăn trở cùng nhân vật .

“Một cuốn tiểu thuyết không chỉ mua vui cho chúng ta, mà còn chủ yếu hơn là giúp đỡ chúng ta nhận thức cuộc sống, lí giải thế giới” có nghĩa là cuốn sách không chỉ giúp con người thư giãn đầu óc mà còn đem lại cho con người những hiểu biết mới.

2. Lí giải: Những giá trị do sách vở đem lại

– Sách đem đến cho người đọc những tri thức về lịch sử: mỗi tác phẩm văn học đều là sản phẩm của một thời kì lịch sử nhất định, qua đó chúng ta hiểu hơn về thời đại đó . Một tiểu thuyết không thể thay thế một cuốn sách lịch sử viết về cùng thời đại đó nhưng nếu những biến cố lịch sử được thể hiện dưới ngòi bút của các tác gia văn học thì sự kiện đó sống động hơn nhiều.

– Trong mỗi tiểu thuyết nói riêng, mỗi tác phẩm văn học chân chính nói chung, ta gặp những chân lí cuộc đời, những lẽ sống, tình người cao đẹp, những giá trị này có khả năng nâng đỡ tinh thần con người, tạo ra thế đứng mới và cách ứng xử thẩm mĩ mới của con người.

+ Trong tác phẩm “Mùa lạc” của Nguyễn Khải, ta rút được một chân lí của cuộc sống: “Ở đời này không có con đường cùng … bước qua ranh giới ấy”.

+ Những tác phẩm của Nam Cao thấy được lẽ sống của tình thương: Đời thừa (Kẻ mạnh không phải …trên đôi vai mình), truyện Lão Hạc.

– Các kiến giải mà nhà văn đưa ra liên quan tới số phận của các nhân vật trong câu chuyện được kể, đó là những tri thức của cuộc sống, là vốn sống giúp chúng ta trả lời những vấn đề đặt ra trong cuộc sống của bản thân .

III. Kết luận.

– Phải tạo thói quen đọc sách, coi sách vở là người bạn đồng hành lí tưởng, người thầy dẫn dắt trên con đường mình đi tới.

– Đọc sách, phải có sự suy nghĩ, chọn lọc.

Bài văn tham khảo 1:

  • Mở bài:

Trong cấu trúc của văn học, tiểu thuyết có vai trò đặc biệt quan trọng. Và mỗi nhà văn lại có quan niệm khác nhau về tiểu thuyết. Vũ Trọng Phụng thì nói : “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”. Có vẻ như Giooc – giơ Đuy- a- men (nhà văn Pháp 1884 – 1966) là một đồng nghiệp cùng chí hướng với ông khi nói: “Một tiểu thuyết thực sự hứng thú là tiểu thuyết không chí giúp mua vui cho chính ta, mà quan trọng hơn là giúp chúng ta nhận thức cuộc sống, lí giải thế giới”. Cả hai nhà văn lớn dù khác nền văn hóa, khác tiếng nói nhưng đã gặp nhau ở niềm say mê văn chương và ở quan niệm về tiểu thuyết.

  • Than bài:

Chức năng của văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng, bên cạnh chức năng giải trí, thẩm mĩ, còn có chức năng giáo dục giúp chúng ta nhận thức cuộc sống, lí giải thế giới…. Nhìn lại các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng trên thế giới như Hồng lâu mộng, Tam quốc diễn nghĩa, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Nhà thờ Đức Bà Paris, Chiến tranh và hòa bình, Vụ án – Kafka, ….có tác phẩm nào lại chỉ là sự giải trí đơn thuần, kể về những cuộc đời, những số phận, những câu chuyện mà không có chút dụng ý nào.

Qua câu chuyện về cuộc đời cậu bé Remi không cha mẹ, không họ hàng thân thích, đi theo đoàn xiếc của cụ Vitali, trải qua bao nhiêu chặng đường , bao gian khổ vui buồn, chung đụng với mọi hạng người, sống khắp mọi nơi cuối cùng cũng tìm thấy mẹ, hưởng hạnh phúc, tình yêu của gia đình (trong “Không gia đình” – Hector Malot). Đây không phải là cuốn sách về những cuộc phiêu lưu đơn thuần khiến người đọc vui buồn, lo lắng theo những bước chân Remi, hay là thích thú với những chú chó khôn ngoan, con khỉ láu lỉnh. Người đọc nhận thấy sự ca ngợi lao động, ca ngợi tinh thần tự lập và tự tin của tuổi trẻ, phát huy ý thức chịu dựng gian khổ, tập quán xuay xở tháo vát.

Câu chuyện với người bạn tài hoa Matchie, chú chó Capi khôn như người và rất nghĩa tình, con khỉ Giôlico láu tính, tình yêu với cô bé câm Lise…đề cao nghệ thuật, khuyến khích tình bạn chân chính. Nó phản ánh cảnh lao động và sinh hoạt bấp bênh, nguy hiểm, đầy đe dọa của những người thợ mỏ và của nhân dân lao động thành phố trong xã hội tư sản. Đồng thời nó thể hiện cái thực tế là tình thương người, lòng biết ơn, tình hữu ái giai cấp ở về phía những người lao động. Nhờ ông già Vitali, bạn đọc nhất là những bạn nhỏ học được cách giữ phẩm chất làm người, nghĩa là ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, gian giảo, nhớ ơn nghĩa, luôn luôn muốn làm người có ích. “Không gia đình” như một phép đảo, nói lên hoàn cảnh mồ côi của Rémi, nhưng cũng hàm ý nghĩa không phải một gia đình, mà Rémi có rất nhiều gia đình, rất nhiều những người thân không huyết thống trên đường đời.….

Tài năng kể chuyện bậc thầy của Hector Malot cộng với những bài học đầy chất nhân văn cao cả khiến cho tác phẩm có một sức hút lớn với bạn đọc và sức bền theo thời gian . “Không gia đình” không chỉ là tiểu thuyết dành cho thiếu nhi, mà đáng đọc với mọi lứa tuổi, là cuốn tiểu thuyết mà khi ta lưu giữ đến khi ố vàng, mỗi lần nhìn thấy vẫn quí trọng vuốt ve và nhìn ngắm như một người bạn thân.

Lại nói tới tiểu thuyết “Vụ án” của Franz Kafka, cuốn tiểu thuyết nói về 1 anh chàng tên là Josep K, một buổi sáng nọ có 2 người đàn ông mặc áo đen đến và thông báo là anh ta mắc án tử hình. Bị kết tội vô cớ, Josef K đã chạy chọt khắp nơi để tìm hiểu xem mình mắc tội gì. Cái án tử hình cứ luôn treo lơ lửng trên đầu anh, anh không thể chạy trốn vì bất cứ đâu cũng thấy người của tòa án đang theo dõi mình. Một năm sau, 2 người đàn ông áo đen đúng hẹn tới giết K một cách thản nhiên mà không hề giải thích gì thêm. Một câu chuyện đầy phi lí và khó hiểu nhưng lại hoàn toàn có lí. Kafka .

Để diễn đạt thế giới hiện đại vô tình, ông sáng tạo ra tình trạng con người lạc vào mê cung bị chi phối bởi thiết chế đầy quyền lực và bí ẩn thông qua hình tượng lâu đài, tòa án… Nhờ sự trừu tượng hóa nhân vật (nhân vật bị mất danh tính, tiểu sử chỉ còn lại tên gọi là ký hiệu như K.) và xóa nhòa tính cụ thể không gian và thời gian (không biết câu chuyện xảy ra thời điểm nào, ở địa danh nào cụ thể ) . Cốt truyện này dường như tiên đoán được sự kết án vô cớ và giết hại thường dân vô tội của Đức quốc xã sau này. Thật ra, Franz Kafka không có tài tiên tri mà chẳng qua ông nhìn thấu được sự tan rã các mối liên kết cuộc sống xã hội tiền hiện đại. Ông nhận ra xã hội hiện đại sẽ trở nên vô tình do kỹ thuật hóa và quan liêu hóa. Lý giải cuộc sống, cho bạn đọc nhận thức về xã hội theo cách của riêng ông.

Tiểu thuyết là thể loại có khả năng tiếp cận hiện thực bằng cảm hứng đa chiều, nó được xem là thể loại “năng động” nhất, vừa có khả năng bao quát hiện thực rộng lớn (vĩ mô) vừa có khả năng đi sâu khám phá đời tư, tâm hồn con người (vi mô). Tiểu thuyết là một thể loại cao cấp nhất thuộc phương thức tự sự, tính chất văn xuôi, vì vậy, trở thành đặc trưng tiêu biểu cho nội dung của thể loại. Tính chất đó đã tạo nên trường lực mạnh mẽ để thể loại dung chứa toàn vẹn hiện thực, đồng hóa và tái hiện chúng trong một thể thống nhất với những sắc màu thẩm mỹ mới vượt lên trên hiện thực, cho phép tác phẩm phơi bày đến tận cùng sự phức tạp muôn màu của hiện thực đời sống. Có thể trong thực tế sáng tác, mỗi nhà văn có một “tạng” riêng, hợp với một “gu” riêng khiến cho bộ mặt của tiểu thuyết đa dạng từ loại thể, kết cấu, cấu trúc đề tài, chủ đề…., thế nhưng tất cả các nhà văn đều tận dụng khả năng to lớn của nó để tái hiện một bức tranh hiện thực rộng lớn về một thời kì, hoặc chỉ đơn giản là tái hiện cuộc đời của một con người với những tình tiết uẩn khúc, diễn biến trong đời sống nội tâm nhân vật…qua đó giúp cho bạn đọc nhận thức được thế giới, lí giải được xã hội.

Đọc “Không gia đình”, “Vụ án”, “Ruồi trâu”, “Túp lều bác Tôm” … mỗi người lại nhận thấy vẻ đẹp từ cuộc sống muôn màu, những mảnh đời, những bài học rút ra từ cuộc đời mỗi nhân vật…Chẳng thể nào đọc xong một tác phẩm mà lại không suy nghĩ, trăn trở điều gì; Chẳng thể nào quên đi không một vết tích mà không “vỡ” ra được một điều gì đó. Đấy chính là những cuốn tiểu thuyết hay. Ngược lại, những cuốn tiểu thuyết mua vui chẳng để lại gì, chỉ là những câu chuyện cãi lộn , tình yêu tay ba lăng nhăng với những màn sex câu khách thì sẽ sớm bị vứt vào trong quên lãng. Hiện nay, ngày càng có nhiều những cuốn tiểu thuyết “không hay” tức là đọc chỉ để thỏa mãn trí tò mò, đọc chỉ để cười xong rồi quên xuất hiện ngày càng nhiều, cùng với văn hóa đọc qua mạng. Muốn đọc những tác phẩm hay cần phải chọn lựa và thực sự tỉnh táo nếu không sẽ bị đầu độc ngược bởi những kiến thức sai hay triết lí, tư tưởng phản động.

  • Kết bài:

– Câu nói của nhà văn Pháp là đúng đắn trong việc nhận định về một cuốn tiểu thuyết ha, một tác phẩm có giá trị, nhất là trong thời điểm văn học thị trường phát triển mạnh như ngay nay.

– Liên hệ tới một số nhà văn Việt Nam hoặc nước ngoài khác khác như: Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Dostoievski…

Bài văn tham khảo 2:

  • Mở bài:

Bàn về chức năng của văn học thì đã có rất nhiều nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ bày tỏ quan điểm của mình. Nói về thơ có Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Siêu còn khi nói về tiểu thuyết truyện ngắn thì nhà văn Pháp Giooc giơ –đuy-a-men cho rằng: “Một tiểu thuyết thật sự hứng thú là tiểu thuyết không chỉ mua vui cho chúng ta, mà quan trọng hơn là giúp chúng ta nhận thức thế giới, lí giải thế giới”. Ta có thể hiểu thêm nhận định này qua tác phẩm văn học Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.

  • Thân bài:

Nhà văn Giooc-giơ đuy-a-men một tiểu thuyết thật sự hứng thú khi nó không chỉ giúp chúng ta vui vẻ hay giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng và vất vả mà hơn hết tiểu thuyết ấy phải giúp cho chúng ta nhận thức về thế giới. Cuối cùng đi đến lý giải thế giới. Tóm lại ý nghĩa của câu nói trên bàn về giá trị nhận thức của tác phẩm văn học mà cụ thể ở đây chính là tiểu thuyết.

Để lí giải rõ hơn cho nhận định trên chúng ta có thể chiếu nó vào tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Trước hết truyện ngắn Vợ chồng A phủ là một truyện ngắn nói về cô Mị xinh đẹp nết na nhưng bị xã hội thối nát với hủ tục cường quyền và thần quyền giam giữ trở thành một con người lẫm lũi lúc nào cũng chúi đầu xuống đất không cười không nói năng gì. Đọc truyện ngắn này, người đọc được đau cùng nhân vật, hạnh phúc cùng nhân vật và vui khi nhân vật đã giải thoát mình khỏi những hủ tục đáng nguyền rủa ấy. Với cách viết truyện hấp dẫn, miêu tả tâm lý nhân vật sinh động, cụ thể và lôi cuốn, cốt truyện vận động bất ngờ khiến cho tác phẩm này trở thành món quà tinh thần rất lớn đối với những người yêu thích văn học nói chung và yêu thích truyện ngắn nói riêng.

Tuy nhiên tác phẩm không chỉ mua vui cho người đọc mà nó còn giúp cho người đọc nhận ra thế giới và lí giải thế giới. Qua câu chuyện cuộc đời của hai nhân vật chính là Mị và A Phủ, người đọc nhận ra những mảnh đời khác ở những vùng đất khác mà chúng ta chưa từng đặt chân đến, chưa từng được chứng kiến. Những hủ tục thời xưa đã khiến cho người phải sống khổ cực như thế nào. Người con gái có sức sống mãnh liệt ấy tưởng chừng bị nhấn chìm trong bể khổ nhưng rồi chính sức sống ấy đã khiến cho cô gái trở nên mạnh mẽ chạy trốn khỏi thần quyền và cường quyền hủ tục để rồi quyết sống mái chống lại nó. Người con trai mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng hiền lành, khỏe mạnh, không chịu khuất phục trước kẻ mạnh tàn ác kia. Nhà văn đã giúp cho người đọc lí giải tại sao ban đầu Mị lại cam chịu sống một kiếp sống trâu ngựa tại nhà thống lý Pá Tra và chàng trai A Phủ khỏe mạnh là thế nhưng lại chịu cảnh làm thuê cho nhà họ. Đồng thời Tô Hoài còn khẳng định được sức sống mãnh liệt và niềm tin vào cuộc sống sẽ giúp cho con người vượt qua tất cả.

  • Kết bài:

Tóm lại, nhà văn Pháp Giooc- giơ đuy-ê-men đã thật chính xác khi nhận định về một tác phẩm tiểu thuyết hay truyện ngắn. Đọc một tác phẩm văn học không những để giải trí mà còn để nhận thức được thế giới quanh mình. Khi gấp lại một cuốn tiểu thuyết, người đọc còn vương vấn mãi, suy nghĩ mãi về những câu chuyện cuộc đời trong cuốn tiểu thuyết ấy thì lúc ấy cuốn tiểu thuyết mới thật sự gây hứng thú cho người đọc.

Xem thêm:

+ “ Thơ phải có tư tưởng, có ý thức , vì bất cứ cảm xúc , tình tiết nào của con người cũng dính liền với sự suy nghĩ . Những tư tưởng trong thơ là tư tưởng dính liền với cuộc sống, ở trong cuộc sống . Tư tưởng của thơ nằm ngay trong cảm xúc, tình tiết” (Mấy ý nghĩ về thơ- Nguyễn Đình Thi). Anh (chị) hãy nêu những suy nghĩ của mình .

+ “Thơ là thơ, nhưng đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng” – Sóng Hồng . Anh (chị) hiểu và suy nghĩ gì về ý kiến trên.

+ “Một cuốn tiểu thuyết thực sự hứng thu là tiểu thuyết không chỉ mua vui cho chúng ta mà quan trọng hơn là giúp chúng ta nhận thức cuộc sống, lí giải thế giới” (Nhà văn pháp Gióoc-giơ Duy-a-men (1884-1966)) . Anh (chị) có suy nghĩ gì ?

+“Thơ là tầm lòng nhưng trước hết thơ phải là cuộc sống” (Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại – Hà Minh Đức). Anh (chị) hiểu và suy nghĩ gì về lời nhận định trên.

+“ Nếu văn học chỉ câm đi trong một phút thôi thì chẳng khác nào cái chết của cả một dân tộc” (Bông Hồng Vàng – Pau-tôp-xki). Anh (chị) hiểu và có suy nghĩ gì ?

+“Nỗi buồn trong thơ mới lãng mạn (1930-1945) là nỗi buồn nhiều cung bậc rung lên từ đáy lòng mỗi nhà thơ”.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.