cam-nhan-3-kho-tho-cuoi-bai-tho-anh-trang-nguyen-duy

Cảm nhận 3 khổ thơ cuối bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy

Cảm nhận 3 khổ thơ cuối bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy

  • Mở bài:

Nguyễn Duy là một trong những cây bút tiêu biểu nhất của nền thơ Việt Nam sau 1975. Thơ Nguyễn Duy nhiều bài có cái ngang tàng nhưng vẫn trầm tĩnh và giàu chiêm nghiệm vì thế cứ ngấm vào người đọc. Trong cái đà ngấm ấy có lúc khiến người ta phải giật mình suy nghĩ, nhiều bài thơ của ông được bạn đọc yêu thích. Bài thơ Ánh trăng in trong tập thơ cùng tên viết năm 1978 thể hiện rất rõ phong cách thơ ấy. Đặc biệt, ba khổ cuối với cái “giật mình” thức tỉnh giàu giá trị nhân văn, đáng để người đọc suy ngẫm.

  • Thân bài:

– Khổ 4:

“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn”.

+ Phép đảo ngữ từ láy “thình lình”, “đột ngột” được đưa lên đầu câu: nhấn mạnh sự việc bất ngờ là mất điện

+ Ba động từ “vội, bật, tung” đặt liền nhau: diễn tả sự khó chịu và hành động khẩn trương của nhân vật trữ tình đi tìm nguồn sáng

+ Ngay lúc đó trăng hiện ra “đột ngột” khiến con người bàng hoàng xúc động.

→ Vầng trăng đến bất ngờ làm sáng lên những góc tối trong tâm hồn. Thức tỉnh sự ngủ quên trong diều kiện sống đã hoàn toàn đổi khác. 

* Nhận xét: Tình huống mất điện đối mặt với vầng trăng đã làm sống dậy bao cảm xúc trong lòng nhà thơ. Trăng là thiên nhiên, là đồng, là bể, là sông, là rừng; trăng còn là biểu tượng cho quá khứ vẹn nguyên, nghĩa tình. Đối mặt với trăng cũng là đối mặt với chính mình, với quá khứ đó. Các hình ảnh: như là đồng là bể, như là sông là rừng trong kết cấu đầu cuối tương ứng còn mang ý nghĩa nhấn mạnh niềm khát khao hướng thiện của con người.

– Khổ 5:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng”.

+ Tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt”: là tư thế trực tiếp đối mặt

+ Phép nhân hóa, từ “mặt” thứ hai chỉ vầng trăng tròn, đó là thiên nhiên hồn nhiên tươi mát, đó còn là quá khứ bạn bè tươi đẹp.

+ So sánh, liệt kê, điệp ngữ, lặp cấu trúc “như là đồng là bể – như là sông là rừng”: diễn tả dòng hoài niệm ùa về và con người thấy trăng là thấy người bạn tri kỉ ngày nào.

→ Cảm xúc chừng như nén lại nhưng cứ trào ra thổn thức.

– Khổ 6:

“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”. 

+ “Cứ”: vẹn nguyên như cũ.

+ “Vành vạnh”: tỏa sáng, tròn đầy.

+ “Im phăng phắc”: lặng lẽ, nghiêm khắc.

+ “Giật mình”: thảng thốt nhận ra, thức tỉnh.

→ Bài thơ khép lại ở hình ảnh sâu lắng. Trăng tròn đầy vành vạnh có hai lớp nghĩa: nghĩa tả thực về sự tròn đầy lung linh của trăng, thiên nhiên vũ trụ vĩnh hằng, gợi quá khứ bạn bè tươi đẹp chẳng thể phai mờ. Trăng còn được nhân hóa “kể chi người vô tình – ánh trăng im phăng phắc” gợi thái độ bao dung, nhân hậu Trăng tròn vành vạnh – con người đổi thay, trăng im phăng phắc – con người vô tình.

– Câu thơ cuối mang ý nghĩa nhân văn, cái giật mình thức tỉnh của con người từng bội bạc trở nên đáng trân trọng. Bởi nhớ quên là lẽ thường tình, quan trọng là biết thức tỉnh lương tâm. Vầng trăng hiền dịu bao dung, độ lượng mà nghiêm khắc đủ khiến con người phải giật mình dừng lại để suy nghĩ, để sám hối để ân hận. Đó cũng là bắt đầu của cuộc tự vấn lương tâm rất đáng trân trọng.

* Đánh giá: Khổ thơ là sự tự nhận thức về mình và niềm khát khao hướng thiện của con người đừng bao giừo lãng quên quá khứ, luôn biết tri ân với quá khứ. Thành công nghệ thuật của đoạn thơ là những hình ảnh giàu tính biểu cảm, giọng điệu tâm tình, tự nhiên, gần gũi, mà chất chứ suy ngẫm triết lí…

  • Kết bài:

3 khổ thơ cuối bài thơ Ánh trăng với từ ngữ bình dị, đơn giản, mộc mạc nhưng lại hàm súc những ý nghĩa lớn, ấy là bài học về sự ghi nhớ những ân tình trong quá khứ, là lời khuyên, là tấm gương về lối sống nhân nghĩa, luôn trân quý, biết ơn những người, những cảnh vật xưa cũ. Nhà thơ tự nhắc nhở mình biết trân trọng, sống nghĩa tình, thủy chung với quá khứ đã qua. Đó cũng là lời nhắc nhở cho thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau.


Tham khảo:

Cảm nhận vẻ đẹp bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy.

  • Mở bài:

Trăng – hình ảnh giản dị mà quen thuộc, trong sáng và trữ tình. Trăng đã trở thành đề tài thường xuyên xuất hiện trên những trang thơ của các thi sĩ qua bao thời đại. Nếu như Tĩnh dạ tứ cũa Lí Bạch tả cảnh đêm trăng sáng tuyệt đẹp gợi lên nỗi niềm nhớ quê hương, Vọng nguyệt của Hồ Chí Minh thể hiện tâm hồn lạc quan, phong thái ung dung và lòng yêu thiên nhiên tha thiết của Bác thì đến với bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, chúng ta bắt gặp hình ảnh vầng trăng mang ý nghĩa triết lí sâu sắc. Đó chính là đạo lí “uống nước nhớ nguồn”.

  • Thân bài:

Những sáng tác thơ của Nguyễn Duy sâu lắng và thấn đẫm cái hồn của ca dao, dân ca Việt Nam. Thơ ông không cố tìm ra cái mới mà lại khai thác, đi sâu vào cái nghĩa tình muôn đời của người Việt. Ánh trăng là một bài thơ như vậy. Trăng đối với nhà thơ có ý nghĩa đặïc biệt: đó là vầng trăng tri kỉ, vầng trăng tình nghĩa và vầng trăng thức tỉnh. Nó như một hồi chuông cảng tỉnh cho mỗi con người có lối sống quên đi quá khứ.

Tác giả đã mở đầu bài thơ với hình ảnh trăng trong kí ức thuổi thơ của nhà thơ và trong chiến tranh:

Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ

Hình ảnh vầng trăng đang được trải rộng ra trong cái không gian êm đềm và trong sáng của thuổi thơ. Hai câu thơ với vỏn vẹn mười chữ nhưng dường như đã diễn tả một cách khái quát về sự vận động cả cuộc sống con người. Mỗi con người sinh ra và lớn lên có nhiều thứ để gắn bó và liên kết. Cánh đồng, sông và bể là nhưng nơi chốn cất giữ bao kỉ niệm của một thời ấu thơ mà khó có thể quên được. Cũng chính nới đó, ta bắt gặp hình ảnh vầng trăng. Với cách gieo vần lưng “đồng”, “sông” và điệp từ “với” đã diễn tả tuổi thơ được đi nhiều, tiếp xúc nhiều và được hưởng hạnh phúc ngắm những cảnh đẹp của bãi bồi thiên nhiên cũa tác giả. Tuổi thơ như thế không phải ai cũng có được! Khi lớn lên, vầng trăng đã tho tác giả vào chiến trường để “chờ giặc tới”. Trăng luôn sát cách bên người lính, cùng họ trải nghiệm sương gió, vượt qua những đau thương và khốc liệt của bom đạn kẻ thù. Người lính hành quân dưới ánh trăng dát vàng con đường, ngủ dưới ánh trăng, và cũng dưới ánh trăng sáng đù, tâm sự của những người lính lại mở ra để vơi đi bớt nỗi cô đơn, nỗi nhớ nhà. Trăng đã thật sự trở thành “tri kỉ” của người lính trong nhưng năm tháng máu lửa.

Khổ thơ thứ hai như một lời nhắc nhở về những năm tháng đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước hiền hậu, bình dị. Vầng trăng đù, người bạn tri kỉ đó, ngỡ như sẽ không bao giờ quên được:

Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa

Vần lưng một lần nữa lại xuất hiện: “trần trụi”, “hồn nhiên”, “thiên nhiên” làm cho âm điệu câu thơ thêm liền mạch, dường như nguồn cảm xúc cũa tác giả vẫng đang tràn đầy. Chính cái hình ảnh so sánh ẩn dụ đã tô đâm lên cái chất trần trụi, cái chất hồn nhiên của người lính trong nhữnh năm tháng ở rừng. Cái vầng trăng mộc mạc và giản dị đó là tâm hồn của những người nhà quê, của đồng, của sông. của bể và của những người lính hồn nhiên, chân chất ấy. Thế rồi cái tâm hồn – vầng trăng ấy sẽ phài làm quen với môt hoàn cảnh sống hoàn toàn mới mẻ:

Từ hồi về thành phá
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường

Thời gian trôi qua cuốn theo mọi thứ như một cơn lốc, chỉ có tình cảm là còn ở lại trong tâm hồn mỗi con người như một ánh dương chói loà. Thế nhưng con người không thể kháng cự lại sự thay đổi đó. Người lính năm xưa nay cũng làm quen dần với những thứ xa hoa nơi “ánh điện, cửa gương”. Và rồi trong chính sự xa hoa đó, người lính đã quên đi người bạn tri kỉ của mình, người bạn mà tưởng chừng chẳng thể quên được, “người tri kỉ ấy” đi qua ngõ nhà mình nhưng mình lại xem như không quen không biết. Phép nhân hoá vầng trăng trong câu thơ thật sự có cái gì đó làm rung động lòng người đoc bởi vì vầng trăng ấy chính là một con người. Cũng chính phép nhân hoá đó làm cho người đọc cảm thương cho một “người bạn” bị chính người bạn thân một thời của mình lãng quên. Sự ồn ã của phố phường, những công việc mưu sinh và những nhu cầu vật chất thường nhật khác đã lôi kéo con gười ra khỏi những giá trị tinh thần ấy, một phần vô tâm của con người đã lấn át lí trí của người lính, khiến họ trở thành kẻ quay lưng với quá khứ. Con người khi được sống đầy đủ về mặt vật chất thì thường hay quên đi những giá trị tinh thần, quên đi cái nền tảng cơ bản củacuộc sống, đó chình là tình cảm con người. Nhưng rồi một tình huống bất ngờ xảy ra buộc người lính phải đối mặt:

Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn

Khi đèn điện tắt, cũng là khi không còn được sống trong cái xa hoa, đầy đủ về vật chất, người lính bỗng phải đối diện với cái thực tại tối tăm. Trong cái “thình lình”, “đột ngột” ấy, người lính vôi bật tung cửa sổ và bất ngờ nhận ra một cái gì đó. Đó chẳng phải ai xa lạ mà chính là người bạn tri kỉ năm xưa của mình đây hay sao? Con người ấy không hề biết được rằng cái người bạn tri kỉ, tình nghĩa, người bạn đã bị anh ta lãng quên luôn ở ngoài kia để chờ đợi anh ta. “Người bạn ấy” không bao giờ bỏ rơi con người, không bao giờ oán giận hay trách móc con người vì họ đã quên đi mình. Vầng trăng ấy vẫn rất vị tha và khoan dung, nó cũng sẵn sàng đón nhận tấm lòng của một con người biết sám hối, biết vươn lên hoàn thiện mình. Cuộc đời mỗi con người không ai có thể đoán biết trước được. Không ai mãi sống trong một cuộc sống yên bình mà không có khó khăn, thử thách. Cũng như một dòng sông, đời người là một chuỗi dài với những qunh co, uốn khúc. Và chính trong những khúc quanh ấy, những biến cố ấy, con người mới thật sự hiểu được cái gì là quan trọng, cái gì sẽ gắn bó với họ trong suốt hành trình dài và rộng của cuộc đới. Dường như người lính trong bài thơ đã hiểu được điều đó!

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

Khi người đối mặt với trăng, có cái gì đó khiến cho người lính áy náydù cho không bị quở trách một lời nào. Hai từ “mặt” trong cùng một dòng thô: mặt trăng và mặt người đang cùng nhau trò chuyện. Người lính cảm thấy có cái gì “rưng rưng” tự trong tận đáy lòng và dường như nước mắt đang muốn trào ra vì xúc động trước lòng vị tha của người bạn “tri kỉ” của mình. Đối mặt với vầng trăng, bỗng người lính cảm thấy như đang xem một thước phim quay chậm về tuổi thơ của mình ngày nào, nới có “sông” và có “bể”. Chính những thước phim quay chậm ấy làm người lính trào dâng nhưng nỗi niềm và ngững giọt nước mắt tuôn ra tự nhiên, không chút gượng ép nào! Những giọt nước mắt ấy đã phần nào làm cho người lính trở nên thanh thản hơn, làm tâm hồn anh trong sáng lại. Một lần nữa những hình tượng trong tuổi thơ và chiến tranh được láy lại làm sáng tỏ những điều mà con người cảm nhận được. Cái tâm hồn ấy, cái vẻ đẹp mộc mạc ấy không bao giờ bị mất đi, nó luôn lặng lẽ sống trong tâm hồn mỗi con người và nó sẽ lên tiếng khi con người bị tổn thương. Đoạn thơ hay ở chất thơ mộc mạc, chân thành, ngôn ngữ bình dị mà thấm thía, những hình ảnh đi vào lòng người.

Vầng trăng trong khổ thớ thứ ba đã thực sự thức tỉnh con người:

Trăng cứ tròn vành vạnh
kề chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình

Khổ thơ cuối cùnh mang tính hàm súc độc đáo và đạt tới chiều sâu tư tưởng và triết lí. “Trăng tròn vành vạnh” là vẻ đẹp của trăng vẫn viên mãn, tròn đầy và không hề bị suy suyển dù cho trải qua biết bao thăng trầm. Trăng chỉ im lặng phăng phắc, trăng không nói gì cả, trăng chỉ nhìn, nhưng cái nhìn đó đủù khiến cho con người giật mình. Ánh trăng như một tấm gương để cho con người soi mình qua đó, để con người nhận ra mình để thức tỉnh lương tri. Con người có thể chối bỏ, có thể lãng quên bất cứ điều gì trong tâm hồn anh ta. Nhưng dù gì đi nũa thì những giá trị văn hoá tinh thần của dân tộc cũng luôn vậy bọc và che chởù cho con người.

  • Kết bài:

Hình ảnh giản dị, quen thuộc đã chắp cánh cho những hồn thơ bay bổng để rồi những tác phẩm tuyệt vời được ra đời. Nếu Chính Hữu đã treo lên một bức tranh tuyệt đẹp, lãng mạn qua hình ảnh “Đầu súng trăng treo” thì Ánh trăng của Nguyễn Duy lại mang một tính chất triết lý thầm kín. Đó là đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”. Đối với nhà thơ đây là vầng trăng tri kỷ, vầng trăng tình nghĩa, vầng trăng dửng dưng và đặc biệt là vầng trăng thức tỉnh. Nó như hồi chuông gióng lên, đánh thức tâm hồn u tối trong mỗi con người.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang