Cảm nhận đoạn thơ: Dữ dội và dịu êm…. Em cũng không biết nữa / Khi nào ta yêu nhau… (Sóng – Xuân Quỳnh)
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
(Trích “Sóng”, Xuân Quỳnh)
Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét quan niệm mới mẻ và hiện đại về tình yêu của tác giả Xuân Quỳnh.
- Mở bài:
– Giới thiệu nhà thơ Xuân Quỳnh và bài thơ “Sóng”.
– Giới thiệu hình tượng “sóng”, tâm trạng người phụ nữ đang yêu.
- Thân bài:
1. Hình tượng sóng và tâm trạng người phụ nữ khi yêu.
– Bài thơ dựa trên sự tương đồng, hòa hợp giữa hai hình tượng “sóng” và “em”. “Sóng” chính là ẩn dụ của “em” – người phụ nữ đang yêu. Sóng giống như em và sóng cũng chính là em. Với mỗi khám phá về sóng, em lại thấy có mình ở trong đó.
– Trong đoạn thơ, “sóng” được vẽ bằng âm điệu, hiện lên với những diện mạo và trạng thái khác nhau. Qua đó làm hiện lên hình ảnh người phụ nữ đang yêu đứng trước biển, đối diện với cái vô biên, cái vĩnh hằng để suy tư, chiêm nghiệm về tình yêu và tự khám phá tâm hồn mình.
– Khổ 1: “Sóng” được thể hiện qua những trạng thái trái ngược: dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ. Đây là những biểu hiện thường thấy của những con sóng ngoài biển khơi. Cũng như “sóng”, người phụ nữ khi yêu tự nhận thức về biến động trong lòng mình, chân thành bộc bạch những trạng thái tâm lí, tình cảm vừa phong phú vừa phức tạp của một tâm hồn khao khát yêu đương: lúc giận dữ, hờn ghen; khi dịu dàng, sâu lắng.
→ Sóng – em khát khao tìm hiểu, khám phá chính mình, khám phá tình yêu, tìm kiếm một tình yêu lớn lao, một tâm hồn đồng điệu để được cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ.
– Khổ 2: Hiểu được quy luật: Từ xưa đến nay và mãi mãi về sau, những con sóng ngoài biển khơi đã, đang và sẽ luôn luôn chuyển động. Sóng mãi “bồi hồi”, dào dạt, sôi nổi trong lòng biển cũng như tình yêu mãi mãi là niềm khát khao cháy bỏng, “bồi hồi” trong trái tim con người, nhất là tuổi trẻ.
– Khổ 3, 4: Em truy tìm nguồn gốc của sóng, mượn sóng để cắt nghĩa nguồn gốc của tình yêu nhưng tình yêu mãi mãi vẫn là điều bí ẩn mà em không bao giờ lí giải được.
(Phân tích nghệ thuật sử dụng thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, câu hỏi tu từ…; Liên hệ mở rộng với các bài thơ, nhà thơ khác cùng viết về tình yêu).
2. Quan niệm mới mẻ và hiện đại về tình yêu của nữ sĩ qua đoạn thơ.
+ Bộc lộ cái “tôi” tràn đầy khát vọng đắm say, một cái “tôi” luôn chủ động kiếm tìm trong tình yêu để vươn lên cái bao la của sự tự do…
+ Vượt thoát khỏi những ràng buộc khắc nghiệt mà lễ giáo phong kiến bấy lâu nay kìm hãm tình yêu tự do trong sáng của con người.
+ Đi tìm cội nguồn của con sóng tình yêu, thể hiện quan niệm muốn khám phá đến tận cùng, khao khát tìm hiểu đến bến bờ vô tận của tình yêu.
4. Đánh giá chung:
– Mượn hình tượng “sóng”, Xuân Quỳnh đã diễn tả được sự nồng nàn, mãnh liệt, cháy bỏng mà đằm thắm, dịu dàng và cũng không ít âu lo, trăn trở của người phụ nữ trong tình yêu. Đây là tình cảm mang tính truyền thống nhưng được diễn tả, giãi bày bằng hình thức mới mẻ, hiện đại)
– Bài thơ là một cách nói đậm chất Xuân Quỳnh về tình yêu của người phụ nữ, trong đó, hình tượng “sóng” là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo và hấp dẫn.
(Có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục).