Cảm nhận tình yêu thiên nhiên và quê hương xứ Huế của Thanh Hải qua khổ thơ đầu và cuối bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Mở bài:
Thanh Hải là một nhà thơ cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến kể cả những thời kì đen tối nhất, ông đã bám trụ ở quê hương xứ Huế, cất lên tiếng thơ ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi sự hi sinh của nhân dân miền Nam và khẳng định niềm tin vào chiến thắng của cách mạng. Tình cảm ấy được thể hiện chân thành và cảm động qua khổ thơ đầu và khổ thơ cuối bài thơ “Mùa xuân nho nhơ”, tác phẩm cuối cùng mà ông để lại cho cuộc đời.
- Thân bài:
Mùa xuân vốn là mùa của thi ca, mùa của sắc màu tươi xanh. Viết về mùa xuân, các thi sĩ thường chọn cách ngợi ca sức sống của cỏ cây, hoa lá với sắc màu rực rỡ. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải cũng được vẽ bằng những hình ảnh, màu sắc, âm thanh hài hòa, sống động, tràn đầy sức sống:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Ngay hai câu mở đầu ta đã bắt gặp một cách viết khác lạ. Không viết như bình thường: “một bông hoa tím biếc mọc giữa dòng sông xanh” mà đảo lại “Mọc giữa dòng sông xanh/Một bông hoa tím biếc”. Động từ “mọc” được đảo lên đầu câu thơ là một dụng ý nghệ thuật của tác giả, có tác dụng khắc sâu ấn tượng về sức sống trỗi dậy và vươn lên của mùa xuân. Tưởng như bông hoa tím biếc kia đang từ từ, lồ lộ mọc lên, vươn lên, xòe nở trên mặt nước xanh của dòng sông xuân.
Không gian mùa xuân rộng mở tươi tắn với hình ảnh một dòng sông trong xanh chảy hiền hoà. Cái màu xanh ấy phản ánh được màu xanh của bầu trời, của cây cối hai bên bờ, cái màu xanh quen thuộc mà ta có thể gặp ở bất kì một con sông nào ở dải đất miền Trung. Nổi bật trên nền xanh lơ của dòng sông là hình ảnh “một bông hoa tím biếc”, một hình ảnh thân thuộc mà ta thường gặp ở các ao hồ sông nước của làng quê.
Màu tím biếc ấy không lẫn vào đâu được với sắc màu tím Huế thân thương – vốn là nét đặc trưng của những cô gái đất kinh kỳ với sông Hương núi Ngự. Màu xanh của nước hài hoà với màu tím biếc của bông hoa tạo nên một nét chấm phá nhẹ nhàng mà sống động, đem lại một vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa, một màu sắc đặc trưng của xứ Huế.
Màu tím ấy hay cũng chính là màu của ước mơ, khát vọng, màu của tình yêu cuộc sống. Thanh Hải không chỉ yêu tha thiết quê hương xứ Huế mà còn yêu cả cuộc đời, khát khao hòa mình vào đất trời rộng lớn, đắm chìm trong thanh sắc của đại tự nhiên, tha hồ ca hát, ngắm nhìn. Màu tím ấy hay cũng chính là màu của tiếc nhớ. Nhà thơ tiếc nhớ những tháng ngày đã qua, thấy sống chưa đủ nồng say, chưa đủ thắm thiết với cuộc đời, và muốn được nồng nhiệt hơn nữa. Nhưng tiếc thay, đó là những ngày cuối cuộc đời rồi, ước vọng ấy mãi mãi không thể nào thực hiện được. Phải chăng, màu tím thơ mộng kia có thể nào là mối giao hòa của hai thế giới, là tím hiệu của sự tàn phải sắp xảy ra, một nỗi ưu tư thoáng hiện trong lòng của nhà thơ vốn đang dần cạn kiệt sinh lực trên giường bệnh?
Bức tranh thiên nhiên xứ Huế tiếp tục mở ra ca rộng, khoáng đạt hơn với tiếng chim chiền chiện cất lên với muôn vàn lời ca tiếng hót, reo mừng:
“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời”.
Nhà thơ gọi “ơi” nghe sao mà tha thiết thế! Lời gọi ấy không cất lên từ tiếng nói mà cất lên từ sâu thẳm tình yêu thiên nhiên, cất lên từ tấm lòng của nhà thơ trước mùa xuân tươi đẹp với những âm thanh rộn rã. Lời gọi ấy mới đầu nhen nhóm ở một góc trái tim, nhưng con người nhà thơ và những cảnh sắc, âm thanh kia như đã hòa vào làm một, cảm xúc từ đó mà òa ra thành lời, thật ngỡ ngàng, thật thích thú.
Cảm xúc của nhà thơ đã trào dâng thực sự qua câu hỏi tutừ: “Hót chi mà vang trời”. Thứ âm thanh không thể thiếu ấy làm sống dậy cả không gian cao rộng, khoáng đạt, làm sống dậy, vực dậy cả một tâm hồn con người đang phải đối mặt với những bóng đen ú ám của bệnh tật, của cái chết rình rập. Dòng sông êm trôi, bông hoa lững lờ, tiếng chim rộn rã… bức tranh mùa xuân xứ Huế bao giờ cũng đẹp, nhẹ nhàng, và mơ mộng như thế!
Thiên nhiên, nhất là mùa xuân vốn hào phóng, sẵn sàng trao tặng con người mọi vẻ đẹp nếu con người biết mở rộng tấm lòng. Thanh Hải đã thực sự đón nhận mùa xuân với tất cả sự tài hoa của ngòi bút, sự thăng hoa của tâm hồn. Nhà thơ lặng ngắm, lặng nghe bằng cả trái tim xao động, bằng trí tưởng tượng, liên tưởng độc đáo:
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.
Cụm từ “ giọt long lanh” gợi lên những liên tưởng phong phú và đầy thi vị. Nó có thể là giọt sương lấp lánh qua kẽ lá trong buổi sớm mùa xuân tươi đẹp, có thể là giọt nắng rọi sáng bên thềm, có thể giọt mưa xuân đang rơi…Theo mạch cảm xúc của nhà thơ thì có lẽ đây là giọt âm thanh của tiếng chim ngân vang, đọng lại thành từng giọt niềm vui, rơi xuống cõi lòng rộng mở của thi sĩ, thấm vào tâm hồn đang rạo rực tình xuân. Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được vận dụng một cách tài hoa, tinh tế qua trí tưởng tượng của nhà thơ. Thành Hải cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân bằng nhiều giác quan: thị giác, thính giác và cả xúc giác.
Cử chỉ “Tôi đưa tay tôi hứng” thể hiện sự nâng niu, trân trọng của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời lúc với xuân với cảm xúc say sưa, xốn xang, rạo rực. Nhà thơ như muốn ôm trọn vào lòng tất cả sức sống của mùa xuân, của cuộc đời.
Nếu khổ thơ mở đầu đã mở ra một bức tranh xứ Huế thật đẹp với hình ảnh phong phú, màu sắc rực rỡ, âm thanh sinh động, rộn rã, được họa lên từ những vần thơ có nhạc… thì đến khổ cuối, giọng thơ trầm lắng, nhà thơ trở về với tình yêu, niềm tự hào lớn lao về xứ Huế trong giá trị truyền thống in dấu thời gian:
“Mùa xuân – ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.”
Tác giả có nhắc đến những khúc dân ca xứ Huế “Nam ai”, “Nam bình”, có giai điệu buồn thương nhưng vô cùng tha thiết. Và qua những khúc “Nam ai”, “nam bình” này thì nhà thơ đã bộc lộ tình yêu tha thiết của mình đối với quê hương, đất nước; thể hiện niềm tin yêu vào cuộc đời, vào đất nước với những giá trị truyền thống vững bền.
Nếu những khổ thơ trên là những suy ngẫm cảm động về ước nguyện dâng hiến thì khổ thơ cuối nhà thơ lại muốn được cất lên tiếng hát thiết tha dựa trên lời ca buồn bã của câu Nam ai Nam bình, Thanh Hải đã chuyển thành một nội dung đằm thắm chất Huế, vừa hoà chung cùng nước non. Lời ca như vang vọng, gợi mở ra một cái tình nhỏ bé trong cái ngàn dặm rộng lớn, mênh mang nhưng vẫn rất gần gũi, tràn đầy yêu thương và ấm áp. Tiếng hát đằm thắm hiền hoà xen với những tiếng phách giòn giã, tươi vui đã kết lại bài thơ. Bài thơ khơi lên là dòng sông là tiếng chim hót vang trời xứ Huế. Kết thúc lại là nước non và tiếng hát tươi vui cả tình yêu nước non ngàn dặm, tình yêu quê hương đất nước.
- Kết bài:
Bài thơ được viết vào tháng 11 năm 1980, khi ấy đang là mùa đông giá rét. Như vậy, hình ảnh mùa xuân được miêu tả ở đây là mùa xuân trong tâm tưởng của nhà thơ. Đối mặt với bệnh tật, thậm chí phải đối mặt với cả cái chết, vậy mà nhà thơ vẫn hướng đến mùa xuân tươi trẻ, tràn đầy sức sống, thể hiện một tâm hồn lạc quan yêu đời, một niềm khát khao cuộc sống vô bờ. Đọc những vần thơ của ông, người đọc trân trọng hơn, yêu hơn một tâm hồn nghệ sĩ, một tình yêu quê hương, đất nước đến vô ngần.
- Ý nghĩa nhan đề bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ&”
- Cảm nhận ý nghĩa khổ 1 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Cảm nhận khổ thơ 2 và 3 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Cảm nhận khổ 4 và 5 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Cảm nhận khổ cuối bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Phân tích ý nghĩa bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải