Vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên mùa thu Bắc bộ trong bài thơ “Sang Thu” của Hữu Thỉnh
- Mở bài:
Mùa thu là một đề tài muôn thuở của các thi nhân Việt Nam. Nếu như Nguyễn Khuyến có chùm thơ thu với ba bài thơ nổi tiếng; Xuân Diệu có “Đây mùa thu tới”; Lưu Trọng Lư có “Tiếng thu”, tất cả đều là những bài thơ rất nổi tiếng, thì Hữu Thỉnh cũng có một chớm “Thu sang” rất nhẹ nhàng êm dịu. Trong đó có hai khổ thơ rất hay ghi lại cảm xúc của nhà thơ trước cảnh sang thu ở một miền quê nhỏ:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
Sông được nước dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu “
- Thân bài:
Vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên mùa thu Bắc bộ được mở ra không phải với sắc vàng tươi của hoa cúc, cũng không phải với vị thơm ngon của cốm làng Vòng, mà là với hương ổi thơm giòn ngọt phả vào trong gió thu. Dường như cái hương thơm dịu ấy chỉ thoang thoảng quanh quất đâu đây. Nó không mang cái mùi thơm hăng hắc như hoa sữa, cũng không quá nhẹ để người ta dễ lãng quên. Hương thơm ấy nhẹ nhàng thoảng qua theo gió, đề người ta chợt xốn xang trong lòng. Làn gió se se lạnh của mùa thu cũng rất khác với cái gió tê tái của mùa đông. Nó chỉ khiến ta hơi co người lại một chút và để rồi thảnh thơi đón nhận cả một luồng khí thu mát rượt trong lòng.
Có lẽ, sẽ chẳng ở đâu có cái gió se lạnh ấy ngoài mùa thu của đất Bắc – cái gió se mà từ lâu vẫn được coi là hồn thu Bắc Bộ. Một hương thơm thu một làn heo may thu đã làm nên cái mở độc đáo cho bài thơ, thậm chí dường như còn độc đáo đến bất ngờ cho cả nhà thơ : “Bỗng nhận ra hương ổi”. Thu đến chẳng hề báo trước! Thu sang từ bao giờ Hữu Thỉnh cũng không biết nữa! Ông chỉ nhận ra một sự bất ngờ mà như đã đợi từ lâu lắm. Thu sang mang theo hơi thở của mình và mang theo cả cái vẻ thu mơ màng mờ ảo: “Sương chùng chình qua ngõ”
Sương thu cũng có cái nét đặc biệt riêng của nó. Nó không tan nhanh như sương mùa hạ, cũng chẳng dầy đặc như sương mùa đông. Sương thu là những làn khói mong manh bay vờn nhẹ trên những mái nhà, ngoài vườn. Sương thu không vô cảm, nó cũng mang hồn người . Sương đang đợi ai, sương đang chờ ai mà sao lưu luyến thế? Từ láy “chùng chình” tạo cho ta cảm giác “dùng dằng nửa ở nửa về”. Đến sương lúc này cũng là sương thu mà Hữu Thỉnh vẫn còn ngẩn ngơ mãi: “Hình như thu đã về”
Ông thờ ơ quá chăng hay bởi lòng ông đang bối rỗi? Thu về tự bao giờ? Từ hương ổi hay từ làn gió heo may? Thu làm lòng người xao xuyến quá chừng để đến nỗi không biết thu đến thực hay mơ. Sau một thoáng bỡ ngỡ, nhà thơ như chợt bừng tỉnh- thu đã về thật rồi! Khép lại những hoài nghi, Hữ Thỉnh chẳng còn nghĩ gì ngoài cảm xúc đang dâng trào:
“Sông được nước dềnh dàng,
Chim bắt đầu vội vã”.
Nhịp thơ nhanh và gấp cũng như hơi thở của mùa thu đã bắt đầu đập mạnh. Bức tranh thiên nhiên mùa thu Bắc bộ một lần nữa trở nên nhẹ nhàng, nên thơ qua hình ảnh dòng sông xanh êm đềm chảy trôi. Sông vào mùa này chẳng có mưa to gió lớn nên nước cứ “dềnh dàng”. Con sông tràn trề nước mà hình như cứ không chịu chảy, cứ cố nán lại để đợi chờ ai. Sông chờ nước mùa thu chăng? Một hình ảnh thơ thật thi vị và lãng mạn. Nhưng đàn chim thì không thể dềnh dàng được nữa, chúng phải vội vã bay về phương Nam tránh rét. Tất cả đều đang chuyển mình, đang thay đổi. Thậm chí ngay cả đám mây mùa hạ cũng thấy sốt ruột, phải “Vắt nửa mình sang thu”. Phải chăng đám mây kia có hai nửa thì một nửa nằm bên mùa hạ, nửa kia thuộc về mùa thu.
Không biết ở đây là mùa thu lưu luyến mùa hạ hay nhà thơ đang mong chờ mùa thu mà vẫn lưu luyến mùa hạ đây? Cũng viết về mùa thu, Nguyễn Khuyến viết: “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” – có nghĩa là thu của Nguyễn Khuyến đã thực là thu, nó không còn vương vấn chút gì của mùa hè rực lửa. Còn Hữu Thỉnh, ông viết mùa thu nhưng lại là vào lúc giao mùa. Chắc hẳn phải yêu mùa thu lắm Hữu Thỉnh mới vẽ ra được một bức tranh thu nồng đượm hơi ấm đất trời, nồng đượm hơi ấm quê nhà như thế.
- Kết bài:
Vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên mùa thu Bắc bộ mang một phong vị rất riêng trong thơ Hữu Thỉnh. Trong làng thơ Việt Nam, đã và sẽ có nhiều bài thơ thu hay. Nhưng có lẽ sẽ chẳng ai biết mà lại quên được một chớm “Thu sang” của Hữu Thỉnh – một mùa thu nhẹ nhàng, nữ tính, trông qua như một cô thôn nữ mộc mạc mà sao lại đằm thắm khó quên đến thế.
- Cảm nhận ý nghĩa khổ thơ 1 bài thơ Sang thu
- Cảm nhận hai khổ thơ cuối bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
- Cảm nhận ý nghĩa 2 câu thơ cuối bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh
- Phân tích ý nghĩa bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh
Bài tham khảo:
Vẻ đẹp mùa thu làng quê Bắc bộ trong bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
- Mở bài:
Mùa thu xưa nay vẫn luôn là đề tài cảm hứng của biết bao thi nhân. Nhà thơ Nguyễn Khuyến với bài thơ “Thu ẩm” , còn Lưu Trọng Lư thì nổi tiếng với bài thơ “Tiếng thu” … Hữu Thỉnh cũng góp vào đề tài này một tác phẩm đặc sặc đó là bài “Sang thu”. Bài thơ được sáng tác vào đầu mùa thu 1977, bài thơ thể hiện sự cảm nhận tinh tế của tác giả về những chuyển biến lúc đất trời từ cuối Hạ sang đầu Thu. Bài thơ “Sang Thu” viết theo thể thơ năm chữ, hình ảnh chọn lọc tiêu biểu, miêu tả thành công bức tranh thiên nhiên mùa thu Bắc bộ.
Mở đầu bài thơ Hữu Thỉnh đã khắc họa bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa thật sinh động và tinh tế.
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.”
- Thân bài:
“Bỗng nhận ra hương ổi” thể hiện trạng thái bất ngờ, đột ngột. Nhà thơ đã nhận ra tín hiệu mùa thu đó chính là “hương ổi”, cái mùi hương mộc mạc dân dã của làng quê chứ không phả là hình ảnh “lá vàng , trời xanh” như các nhà thơ xưa vần thường đề cập đến:
“Em không nghe mùa Thu
Lá Thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô”
(Lưu Trọng Lư)
Đưa hình ảnh “hương ổi” vào trong bài thơ đó là sự sáng tạo , mới mẻ của Hữu Thỉnh. Động từ “phả” thật hay , nó diễn ta mùi hương ổi lan tỏa trong không gian như sánh lại. Mùi hương ổi như “phả” vào đất trời , “phả” vào cả hồn người. Nhà thơ không chỉ cảm nhận tín hiệu mùa thu bằng khứu giác mà còn bằng cả xúc giác “gió se” cảm nhận được cái không khí lạnh của “gió se”. Mùa Thu miền Bắc đã bắt đầu chớm lạnh , đó là đặc trưng của đất trời lúc vào Thu.
Ngoài ra nhà thơ còn cảm nhận tín hiệu mùa Thu qua thị giác: “Sương chùng chình qua ngõ”. Sương Thu được nhân hóa “chùng chình qua ngõ” , như một nàng thu áo trắng cố ý đi chầm chậm qua “ngõ”. Từ “ngõ” vừa có nghĩa là cửa ngõ của đường làng , vừa là cửa ngõ của thời gian từ Hạ sang Thu. Tất cả điều đó làm nhà thơ thốt lên: “Hình như Thu đã về”. Từ “hình như” là từ tình thái thể hiện tam trạng bâng khuân. Từ ấy như muốn ám chỉ nhà thơ vừa thầm hỏi vừa thể hiện sự mong đời sự chuyển giao này sao lại đến bất ngờ như vậy.
Qua khổ thơ đầu ta có thể thấy được tâm trạng và cảm xúc của nhà thơ về thời điểm giao mùa. Hữu Thỉnh đã cảm nhận tín hiệu của mùa thu bằng tất cả giác quan nhạy bén của một nghệ sĩ yêu thiên nhiên tha thiết. Hình ảnh mùa thu được mở rộng theo không gian:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.”
Sự vận động của thời điểm giao mùa được miêu tả cụ thể bằng sự đổi thay của mọi vật. Hình ảnh nhân hóa dòng “sông được lúc dềnh dàng” thật sinh động. Khi sang thu dòng sông có vẻ nhàn hạ thông thả ung dung sau những ngày mùa hạ mệt mỏi vì đã chảy mạnh, chảy siết trong ba tháng hè. Cho nên sang thu có lẻ là lúc dòng sông được nghỉ ngơi và dòng sông giờ đây thật êm đềm thơ mộng. Đối lập với dòng sông hiền hòa ấy thì những chú “chim bắt đầu vội vã”. Có phải chăng chúng vội vã vì cảm nhận được tuyết trời lành lạnh của mùa thu và để chuẩn bị tránh rét khi đông về. Phải tinh tế lắm thì Hữu Thỉnh mới cảm nhận được bày chim chỉ mới “bắt đầu vội vã” chứ không phải là đang vội vã.
Bức tranh mùa thu có thể nói thật độc đáo và đặc sắc ở hai câu kế:
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nữa mình sang thu.”
Đám mây mùa hạ nhưng phân nữa đã là mùa thu hay nói cách khác đám mây mùa thu vẫn còn lưu luyến nắng hạ chưa muốn chia tay với mùa hạ. Động từ “vắt” thật độc đáo , tác giả không dùng từ “lơ lững” hay “bồng bềnh” mà lại dùng từ “vắt” rất giàu sức gợi đám mây như một tấm vải lụa mêm mại. “ Vắt” ngang bầu trời phân chia phân chia rạch rồi hai mùa hạ-thu. Hình ảnh được nhà thơ miêu tả theo không gian từ thấp lên cao từ gần ra xa hướng vào không gian bát ngát. Mùa thu đến thật cả rồi , đến khắp mọi nơi trong vạn vật và cả trong lòng nhà thơ.
Ở khổ thơ cuối là những cảm nhận và suy ngẫm của nhà thơ khi nhìn cảnh vật trong những ngày đầu thu:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”.
Ở khổ thơ này vẻ đẹp của mùa thu không còn được miêu tả trực tiếp như ở hai khổ thơ đầu mà được khẳng định bằng những suy ngẫm của nhà thơ. Những hiện tiện thiên nhiên như nắng, mưa, sấm chớp như mùa hạ nhưng khi sang mùa thu thì mức độ đã khác rồi. Nắng mưa khi sang thu khác hẳn với nắng mưa khi ở mùa hạ , nắng vẫn còn nhưng không còn là cái nắng gay gắt và chói chang của mùa hạ mà là cái nắng dịu đi và nhạt đi. Còn mưa cũng ít đi nhất là những trận mua rào ào ạt, vì thế cũng không còn những tiếng sấm trên hàng cây đứng tuổi. Những cụm từ “vẫn còn” , “đã với dần” , “cũng bớt bất ngờ” gợi tả rất hay về hiện tượng sự vật lúc sang thu.
Bài thơ bất ngờ khép lại với hình ảnh bầu trời giông bão:
“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”.
Hai câu thơ vừa tả thực hiện tượng thiên nhiên lúc sang thu còn mang tính ẩn dụ như “sấm” là những vang động bất thường của ngoại cảnh cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi”tượng trưng cho những con người từng trải. Cả câu muốn nói những con người từng trải luôn chính chắn và không chùng bước trước những phong ba bão tố cuộc đời. Đó là những con người luôn bình tĩnh trước những tác động bất thường của ngoại cảnh của cuộc sống đầy thử thách. Cùng với tư tưởng ấy nhà thơ Phan Chu Trinh cũng từng viết:
“Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.”
Khổ thơ cuối bài thơ không chỉ tả cảnh sang thu mà còn chất chứa những suy nghiệm của bài thơ về con người và cuộc đời. Với bài thơ này Hữu Thỉnh đã góp vào vườn thơ Việt Nam một đóa hoa ngát hương mà vẫn mang đậm phong cách độc đáo của nhà thơ.
- Kết bài:
Bài thơ “Sang Thu” với từ ngữ gợi hình, gợi cảm, sử dụng nhiều biện pháp tu từ độc đáo, những hình ảnh chọn lọc và tiêu biểu đã thể hiện sự cảm nhận tinh tế của tác giả lúc đất trời từ cuối Hạ sang đầu Thu, hiện rõ vẻ đẹp bình yên của bức tranh thiên nhiên mùa thu Bắc bộ. Tác phẩm gieo vào lòng người đọc tình yêu quê hương đất nước, thiết tha, mộc mạc, với vẻ đẹp bình dị mộc mạc bởi:
“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.”