Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài viết:
“Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. […] Mị vừa bước ra, lập tức có mấy người choàng đến, nhét áo vào miệng Mị rồi bịt mắt, cõng Mị đi”.
(Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2019, Tr.4-5)
Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng nhân vật Mị ở đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về cách giới thiệu nhân vật của nhà văn Tô Hoài.
BÀI LÀM
- Mở bài:
Ai đã từng đến với Tây Bắc hẳn lòng không khỏi đắm say trước cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ với trùng trùng thung núi, bát ngát mây ngàn… Nhưng không phải ai cũng biết, dưới những vạt rừng xanh bất tận kia, có những con người, những số phận từng một thời cùng quẫn trong đêm đen của xã hội thực dân phong kiến. Cái xã hội mà bọn địa chủ, chúa đất đớn hèn núp sau uy thế thực dân đã tự cho mình quyền sinh, quyền sát, biến những người nông dân hiền lành thành lao động khổ sai, thành tôi đòi nô lệ. Thậm chí chúng còn biến họ thành những cỗ máy vô cảm, không biết đến hạnh phúc, ước mơ, không cả biết đến nỗi đau khổ mà mình đang gánh chịu. Nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài là một nạn nhân như thế. Quãng đời cơ cực ấy của Mị được nhà văn Tô Hoài giới thiệu một cách độc đáo, đầy ám ảnh qua đoạn trích mở đầu tác phẩm: “Ai ở xa về (…) cõng Mị đi”.
- Thân bài:
1. Khái quát tác giả, tác phẩm:
Tô Hoài là nhà văn có sức sáng tạo dồi dào bậc nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại với số lượng tác phẩm đạt kỉ lục. Ông là người có vốn hiểu biết rất phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta đặc biệt là vùng miền núi Tây Bắc. Trong sự nghiệp sáng tác của mình ông đã để lại dấu ấn riêng với rất nhiều tác phẩm đặc sắc, trong đó nổi tiếng nhất là truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Truyện “Vợ chồng A Phủ” được Tô Hoài sáng tác vào năm 1952, sau chuyến đi cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, in trong tập “Truyện Tây Bắc”. Truyện đã thể hiện nỗi thống khổ của người Mèo ở Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn chúa đất và lũ Tây đồn; sự thức tỉnh và vùng dậy của họ giành lấy tự do, hạnh phúc và tham gia kháng chiến giải phóng quê hương. Đoạn trích mà chúng ta được học thuộc phần đầu của truyện ngắn, nói về cuộc sống của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài.
2. Cảm nhận nhân vật Mị qua đoạn trích:
Ngay từ những dòng đầu tiên, nhà văn đã tạo ấn tượng về sự xuất hiện của nhân vật Mị. Mị xuất hiện không “ồn ào” như anh Chí Phèo ngật ngưỡng “vừa đi vừa chửi”. Cô ngồi lặng im với công việc thường nhật: “Quay sợi gai”. Cách giới thiệu nhân vật của Tô Hoài tưởng chừng chỉ dừng lại ở ý nghĩa giới thiệu như nhiệm vụ của bất cứ phần mở đầu một truyện ngắn nào. Vậy nhưng, quan sát những vật xuất hiện cùng Mị, ta thấy ngay từ câu văn mở đầu, Tô Hoài đã như muốn nói với người đọc về thân phận “không bình thường” của Mị. Mị “ngồi quay sợi bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”. Tại sao lại là “tảng đá”, “tàu ngựa” mà không phải là sự vật khác. Phải chăng vì tảng đá bất động, nặng nề, câm nín có nét tương đồng với sự u uất trong tâm hồn người đàn bà đang ngồi quay sợi? Và phải chăng tàu ngựa – những con vật có thân phận tôi đòi suốt đời phải chịu đòn roi của chủ cũng có nét tương đồng với thân phận của cô gái ấy? Việc quay sợi của cô gái không có gì nặng nhọc nhưng tâm thế người ngồi quay sợi lại gợi cảm giác vô cùng nặng nề.
Chưa dừng lại ở điểm nhìn khái quát, Tô Hoài tiếp tục quan sát nhân vật từ điểm nhìn cận cảnh: “Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Gương mặt chính là sự phản chiếu của suy nghĩ, tâm hồn. Mị được miêu tả với vẻ mặt “cúi” xuống và “buồn rười rượi”. Điều đáng nói là khuôn mặt cúi và buồn ấy không phải là do những tác động của hoàn cảnh tức thời, ngẫu nhiên nào đó để có thể tươi tắn lại ngay, mà đây là vẻ mặt thường trực “lúc nào cũng thế” của Mị. Trên khuôn mặt lúc nào cũng chỉ biết cúi xuống ấy, làm sao thấy được một nét vui tươi? Trên khuôn mặt không bộc lộ một chút cảm xúc, nghĩ suy ấy, làm sao nhận ra một tia hạnh phúc? Chỉ có những người không thể vui, không thể hạnh phúc, mới có vẻ mặt đó. Đó là khuôn mặt nói lên sự lạnh lẽo, vô cảm của đời sống tâm hồn. Khuôn mặt héo hắt của một tâm hồn lay lắt.
Ở những câu văn tiếp theo: “nhà Pá Tra làm thống lí, ăn của dân nhiều, đồn Tây lại cho muối về bán, giàu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng. Thế thì con gái nó còn bao giờ phải xem cái khổ mà biết khổ, mà buồn. Nhưng rồi hỏi ra mới rõ cô ấy không phải là con gái nhà Pá Tra: Cô ấy là vợ A Sử, con trai thống lí Pá Tra”, Tô Hoài đặt nhân vật Mị trong hoàn cảnh đối lập với gia cảnh nhà chồng. Một bên là sự giàu có, tấp nập trong nhà thống lí, một bên là nỗi buồn khổ, sự cô độc, lẻ loi của Mị. Cách giới thiệu nhân vật của Tô Hoài không khỏi khiến cho người đọc tò mò muốn tìm hiểu rõ hơn cảnh ngộ của Mị, muốn biết đằng sau khuôn mặt buồn khổ kia là những u uất, uẩn khúc gì trong tâm hồn.
Đó là lí do nhà văn ngược dòng thời gian để kể về nguyên nhân Mị phải làm dâu nhà giàu. Mị lấy A Sử không phải vì tình yêu, mà vì món nợ truyền kiếp của bố mẹ. Để có tiền cưới, bố Mị phải vay nhà thống lí, mỗi năm trả lãi một nương ngô mà tận đến khi già vẫn chưa trả hết nợ. Mẹ Mị chết, nợ thì vẫn còn. Khi Mị đã lớn, thống lí Pá Tra ngỏ ý nếu cho Mị về làm con dâu nhà hắn thì hắn sẽ xóa nợ cho.
Trước nguy cơ phải làm dâu gạt nợ, Mị đã phản kháng: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Câu nói ấy vừa thể hiện tinh thần phản kháng quyết liệt, vừa thể hiện niềm khát khao tình yêu tự do, cuộc sống tự do của Mị. Mị thà chấp nhận làm nương, làm rẫy cực nhọc về thể xác còn hơn làm dâu nhà giàu mà phải buộc mình vào kiếp nô lệ. Đó là sự sự chọn đúng đắn của một con người có ý thức về phẩm giá. Chính điều đó đã thôi thúc Mị có những hành động quyết liệt, táo bạo sau này.
Tuy nhiên, sự phản kháng của Mị không giúp Mị thoát khỏi bất hạnh. Tết năm ấy, giữa khung cảnh mùa xuân tưng bừng, “trai gái vui chơi, đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi” thì tai họa ập đến với Mị. Đêm ấy, Mị nghe tiếng gõ vách, “tiếng gõ vách hò hẹn của người yêu. Mị hồi hộp lặng lẽ quơ tay lên thì gặp hai ngón tay lách vào khe gỗ, sờ một ngón tay thấy có đeo nhẫn. Người yêu của Mị thường đeo nhẫn ngón tay ấy. Mị bèn nhấc tấm vách gỗ. Một bàn tay dắt Mị bước ra.” Đoạn văn cho thấy, Mị như bao cô gái miền sơn cước, cũng có cho riêng mình một tình yêu. Nghe tiếng gõ vách, trái tim Mị cũng bồi hồi nhịp đập của tình yêu. Những tưởng phía sau tấm vách kia là người mình yêu nhớ, là cuộc hò hẹn nồng nàn, say đắm trong tình yêu. Nào ngờ, đó lại là cái bẫy của những kẻ săn người – những kẻ vốn chỉ coi con người như loài vật để rình cướp mang về biến thành ngựa trâu cho chúng. Những tưởng bước chân của Mị sẽ được phiêu du đi theo tiếng gọi tình yêu tự do, nào ngờ sau đêm hãi hùng ấy, bước chân đó lập tức bị xiềng chặt trong gông cùm vô hình. Mị đã phải làm dâu nhà thống lí theo cách đó, “không thể nào khác được”. Mùa xuân vẫn đẹp, vẫn rộn ràng tấp nập ngoài kia, còn Mị, từ đây, sẽ “riêng mình chẳng biết có xuân là gì” nữa rồi.
3. Nghệ thuật:
Thành công về mặt nghệ thuật của đoạn trích là ở cách kể chuyện kịch tính, hấp dẫn; cách tạo tình huống bất ngờ; nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế và sâu sắc; ngôn ngữ sinh động và giàu chất thơ… Tất cả những yếu tố nghệ thuật đó đã góp phần quan trọng trong việc thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm.
4. Nhận xét về cách giới thiệu nhân vật:
Nếu Chí Phèo được Nam Cao cho xuất hiện trong tác phẩm một cách ầm ĩ với tiếng chửi khi say, thì trái lại, nhân vật Mị của Tô Hoài lại xuất hiện một cách thật câm lặng. Mở đầu tác phẩm, ngay lập tức Tô Hoài đã gây tò mò cho người đọc bởi cái vẻ mặt buồn bã, cam chịu, bởi sự làm lụng vất vả. Nó đối lập hoàn toàn với khung cảnh giàu sang của nhà thống lí. Chính từ chi tiết này mà Tô Hoài đã dẫn dắt người đọc đến với câu trả lời về thân phận của Mị, một thân phận đầy éo le ngang trái của cô con dâu gạt nợ. Đó là một cách giới thiệu độc đáo, hấp dẫn, lôi cuốn.
- Mở bài:
Tô Hoài có thể được xem là “nhà văn của Tây Bắc”. Với vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của vùng đất này, cộng với tài năng quan sát tinh tế và một tấm lòng nhân đạo bao la, ông đã khắc họa một cách chân thực và cảm động cuộc sống ngột ngạt của những người nông dân Tây Bắc dưới ách áp bức của bọn chúa đất và lũ Tây đồn. Trong tập “Truyện Tây Bắc” của ông, thì “Vợ chồng A Phủ” là một đỉnh cao nghệ thuật. Cho đến tận hôm nay, hình ảnh một cô Mị xinh đẹp, tài năng nhưng chịu nhiều thống khổ vẫn có sức ám ảnh lớn, để lại trong ta nhiều suy ngẫm về thân phận con người trong xã hội cũ. Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” đã góp phần đưa Tô Hoài lên vị trí là một trong những cây bút hàng đầu nền văn học Việt Nam hiện đại.