Vẻ đẹp hiện đại trong tình yêu của người phụ nữ qua đoạn thơ: Dữ dội và dịu êm […] Bồi hồi trong ngực trẻ

ve-dep-hien-dai-trong-tinh-yeu-cua-nguoi-phu-nu

Trong bài thơ “Sóng”, nhà thơ Xuân Quỳnh viết:
Dữ dội và dịu êm […]
Bồi hồi trong ngực trẻ.
(Trích Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2019, Tr. 155)
Anh/ chị hãy phân tích đoạn trích trên; từ đó nhận xét về vẻ đẹp hiện đại trong tình yêu của người phụ nữ được thể hiện qua đoạn trích.

BÀI LÀM.

  • Mở bài:

Pascal từng nói: “Có bao nhiêu cái đầu thì có bấy nhiêu cách suy nghĩ, có bao nhiêu con tim thì có bấy nhiêu cách yêu đương”. Quả thật, trong thế giới tinh thần của loài người, không có thứ tình cảm nào lại nhiều mang nhiều cung bậc, lung linh đa sắc như tình yêu đôi lứa. Bởi thế cho nên, kho tàng thơ ca tình yêu cũng muôn hình muôn vẻ. Chỉ tính riêng trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam, ta đã có một tình yêu chân quê bình dị trong thơ Nguyễn Bính; một tình yêu mãnh liệt đớn đau trong thơ Hàn Mặc Tử; một tình yêu sôi nổi cuồng nhiệt trong thơ Xuân Diệu. Và rồi, đến Xuân Quỳnh, tình yêu lại mang một sắc thái mới: đó là một tình yêu hồn hậu chân thành nhưng cũng đầy da diết mê say. Bằng sự nhạy cảm của trái tim phụ nữ, Xuân Quỳnh đã đem đến cho thơ tình một tiếng nói mới, nhẹ nhàng mà sâu thẳm. Thi phẩm đặc sắc nhất mà ta không thể không nói tới, đó chính là bài thơ “Sóng”. Trong bài thơ này, tiêu biểu nhất về mặt nội dung và nghệ thuật, đồng thời cũng thể hiện nét đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại trong tình yêu của người phụ nữ chính là hai khổ thơ đầu:

“Dữ dội và dịu êm (…)
Bồi hồi trong ngực trẻ”.

  • Thân bài:

1. Khái quát tác giả, tác phẩm.

Xuân Quỳnh được mệnh danh là “bà hoàng của thơ ca tình yêu”. Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng nói của một tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu, chân thực và luôn da diết khát vọng hạnh phúc đời thường. Xuân Quỳnh để lại cho đời nhiều tập thơ có giá trị với nhiều bài thơ đặc sắc, trong đó “Sóng” được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ của bà. Bài thơ “Sóng” được sáng tác nhân chuyến đi thực tế ở bãi biển Diêm Điền, tỉnh Thái Bình, in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Ở bài thơ này, thông qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã diễn tả một cách cụ thể, sinh động khát vọng tình yêu với những cung bậc cảm xúc phong phú, qua đó thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ đang yêu.

2. Cảm nhận đoạn thơ.

Hai câu thơ đầu miêu tả những trạng thái khác nhau của con sóng tự ngàn đời:

Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ

– Bốn tính từ phủ kín hai câu thơ, vừa tạo thế đối xứng lại vừa tiếp nối luân chuyển, gợi sự chuyển động không ngừng nghỉ và sự thay đổi bất thường của những con sóng. Quả thật, sóng muôn đời nay vẫn thế: dữ dội đấy rồi lại dịu êm đấy, ồn ào đấy rồi lại lặng lẽ đấy. Hai cặp tính từ hướng đến hai đặc tính khác nhau của sóng: Nếu dữ dội và dịu êm miêu tả hình ảnh, thì ồn ào và lặng lẽ lại miêu tả âm thanh, gợi lên trước mắt người đọc một mặt biển sinh động và không ngừng biến đổi. Các tính từ đối lập này lại được nối với nhau bằng quan hệ từ “và”, một từ nối có tính chất đẳng lập, cho thấy các thái cực tương phản này là hai mặt của một thực thể duy nhất, và thái cực này không thể tồn tại nếu thiếu thái cực kia. Hay nói cách khác, nếu thiếu một trong những thái cực ấy, thì những con sóng không còn là sóng.

– Những trạng thái của sóng gợi ta liên tưởng đến những cung bậc cảm xúc của tình yêu. Quả vậy, cũng như sóng, cảm xúc trong tình yêu luôn biến động không ngừng, là sự luân chuyển giữa những thái cực tưởng chừng như đối lập: lúc thì cuồng nhiệt sôi nổi, lúc lại lặng lẽ âm thầm; lúc khát khao cháy bỏng, lúc lại hững hờ lạnh lẽo; lúc hạnh phúc viên mãn, lúc lại bất hạnh buồn đau… Hẳn khi yêu, ai cũng muốn mình luôn hạnh phúc, nhưng thử hỏi, nếu không có khổ đau, làm sao ta nhận ra được giá trị của hạnh phúc đích thực; nếu không có xa xôi cách trở, làm sao ta cảm nhận được sự ngọt ngào của buổi đoàn viên. Cũng như biển cả kia, có trải qua những ngày giông bão, ta mới biết trân trọng những lúc trời yên biển lặng.

Nếu không có những trạng thái đối lập “dữ dội” – “dịu êm”, “ồn ào” – “lặng lẽ” thì sóng sẽ không còn là sóng, thì cũng như vậy, nếu không có những cảm xúc tương phản kia, tình yêu sẽ không còn đích thực là tình yêu. Trong một bài thơ khác, Xuân Quỳnh cũng từng kết luận: “Bởi tình yêu muôn thuở / Có bao giờ đứng yên”.

Nếu hai câu thơ đầu nói về trạng thái của sóng, thì hai câu thơ tiếp theo nói về hành trình của sóng:

“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”

– Từ “sông” đứng ở đầu câu thơ thứ nhất, từ “bể” đứng ở cuối câu thơ thứ hai, từ “sóng” có tác dụng nối liền hai câu thơ, sự sắp xếp này giúp ta hình dung về dòng chảy của nước, về quá trình di chuyển của sóng. Hành trình từ “sông” ra “bể” là một quy luật tất yếu của tự nhiên, bởi những con sông luôn có độ cao hơn biển. Nhưng bằng cái nhìn nhân hóa, những cụm từ như “không hiểu nổi mình”, “tìm ra” khiến cho ta tiếp tục liên tưởng tới tình yêu.

– Sông là không gian chật hẹp, biển là không gian bao la. Phải chăng Xuân Quỳnh muốn gửi gắm một thông điệp hàm ẩn: Tình yêu không thể tồn tại ở những tâm hồn chật hẹp, thấp hèn, nhỏ nhen ích kỉ. Tình yêu đích thực luôn muốn vươn đến sự cao thượng, bao dung. Thêm nữa, trong tình yêu, nếu chúng ta không còn cảm thông, thấu hiểu lẫn nhau, thì cũng đồng nghĩa với việc tình yêu đã chết. Và như thế, sao không dũng cảm rời bỏ nấm mồ quá khứ để đi tìm một bờ bến mới, một tình yêu mới, mà ở đó ta sẽ có được sự đồng điệu tâm hồn. Chính suy nghĩ táo bạo này đã làm nên nét hiện đại trong quan niệm về tình yêu của nữ sĩ Xuân Quỳnh.

Bốn câu thơ sau là một lời khẳng định mang tính khái quát cho những chân lý mà nhà thơ đã khám phá ra ở bốn câu trên:

“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

– Thán từ “ôi” cùng với hai trạng từ chỉ thời gian “ngày xưa” (quá khứ) và “ngày sau” (tương lai) thể hiện niềm cảm xúc dâng trào của nhân vật trữ tình: đó là sự xúc động mãnh liệt trước những quy luật vĩnh hằng, bất di bất dịch của sóng cũng như của tình yêu. Con sóng dù “ngày xưa” hay “ngày sau”, dù đến muôn đời cũng sẽ không bao giờ thay đổi: vẫn luôn biến động không ngừng giữa các thái cực, vẫn luôn từ sông tìm ra biển lớn.

– Tình yêu cũng như những con sóng kia, sẽ luôn là niềm khát vọng cháy bỏng, chiếm lĩnh tâm can, dù lúc say mê mãnh liệt, lúc sâu lắng âm thầm, nhưng nó luôn khiến cho những trái tim yêu thổn thức bồi hồi.

Hình ảnh “ngực trẻ” thật độc đáo. Xuân Quỳnh hình dung mặt biển kia như một vòm ngực, và những con sóng là nhịp đập của trái tim biển cả. Sự vận động của những con sóng là sự sống của biển khơi, làm cho biển khơi không rơi vào câm lặng, già cỗi, trái lại, luôn sống động không ngừng. Cũng như vậy, tình yêu làm nên sự sống của con người, chính những đợt sóng của khát vọng tình yêu sẽ luôn làm cho những lồng ngực thanh xuân thổn thức và tràn đầy sức sống. Tuổi trẻ không thể thiếu tình yêu, và tình yêu làm cho người ta trẻ. Biển cả sẽ chết nếu thiếu những con sóng; cuộc đời sẽ tàn lụi nếu thiếu tình yêu, từ “ngày xưa” cho tới “ngày sau”, mãi mãi là như thế.

3. Nghệ thuật.

Thành công về mặt nghệ thuật của đoạn thơ trước hết thể hiện ở việc lựa chọn thể thơ phù hợp, nhịp điệu thơ lúc sôi nổi, lúc nhẹ nhàng, vừa thể hiện được nhịp điệu biến đổi của những con sóng, vừa thể hiện được những cung bậc cảm xúc khác nhau của nhân vật trữ tình em. Việc vận dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật như điệp, đối, nhân hóa, ẩn dụ cũng góp phần làm cho đoạn thơ trở nên sâu sắc và đa nghĩa.

4. Nhận xét về vẻ đẹp hiện đại trong tình yêu của người phụ nữ.

Vẻ đẹp hiện đại trong tình yêu của người phụ nữ được thể hiện qua đoạn trích chính là sự chủ động trong tình yêu. Quan niệm phong kiến vẫn thường gán cho người phụ nữ một vị trí thụ động. Họ không có được sự tự do lựa chọn trong tình yêu. Nhưng trong bài thơ ‘Sóng”, cụ thể là qua đoạn trích trên, ta thấy người phụ nữ đã chủ động trong việc tìm kiếm, lựa chọn hạnh phúc cho cuộc đời mình. Nếu con sóng hành trình từ không gian chật hẹp ra biển lớn, thì người phụ nữ trong bài thơ cũng sẵn sàng từ bỏ thứ tình yêu vị kỉ, hẹp hòi, sẵn sàng thay đổi để vươn đến một tình yêu cao thượng, đích thực.

  • Kết bài:

Biển cả xưa nay vẫn luôn là nguồn khơi gợi cảm hứng bất tận cho các thi sĩ. Trầm ngâm trước cái lớn lao vĩ đại của biển cả, con người hẳn không thể không suy tư về cuộc đời mình. Xuân Quỳnh cũng thế. Trước bãi biển Diêm Điền thơ mộng, nữ thi sĩ đã có một phát hiện vô cùng tinh tế và độc đáo về sự tương đồng giữa những con sóng của biển khơi và tình yêu của con người. Khám phá ấy đã được cảm xúc nâng cánh, và kết tinh thành một trong những bài thơ tình hay bậc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại, đó là bài thơ “Sóng”. Chỉ qua hai khổ thơ đầu, chúng ta đã thấy được vẻ đẹp của một tâm hồn đa cảm, giàu nữ tính nhưng cũng đầy táo bạo, chủ động; đồng thời cũng thấy được tài năng thiên phú của Xuân Quỳnh trong lĩnh vực thi ca. Như những con sóng kia muôn đời xao động, thi phẩm “Sóng” cùng với tên tuổi của Xuân Quỳnh hẳn sẽ còn mãi mãi vỗ về mọi trái tim yêu hôm nay và mai sau.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.