Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng nhân vật Mị: Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết […]

cam-nhan-cua-anh-chi-ve-hinh-tuong-nhan-vat-mi-lan-lan-may-nam-qua-may-nam-sau-bo-mi-chet

Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài viết:
“Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. […] Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”.
(Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2019, Tr.6)
Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng nhân vật Mị ở đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về giá trị hiện thực của đoạn trích.

BÀI LÀM.

  • Mở bài:

Ai đã từng đến với Tây Bắc hẳn lòng không khỏi đắm say trước cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ với trùng trùng thung núi, bát ngát mây ngàn… Nhưng không phải ai cũng biết, dưới những vạt rừng xanh bất tận kia, có những con người, những số phận từng một thời cùng quẫn trong đêm đen của xã hội thực dân phong kiến. Cái xã hội mà bọn địa chủ, chúa đất đớn hèn núp sau uy thế thực dân đã tự cho mình quyền sinh, quyền sát, biến những người nông dân hiền lành thành lao động khổ sai, thành tôi đòi nô lệ. Thậm chí chúng còn biến họ thành những cỗ máy vô cảm, không biết đến hạnh phúc, ước mơ, không cả biết đến nỗi đau khổ mà mình đang gánh chịu. Nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài là một nạn nhân như thế. Quãng đời cơ cực ấy của Mị được nhà văn Tô Hoài miêu tả một cách đầy ám ảnh và mang giá trị hiện thực sâu sắc qua đoạn trích mở đầu tác phẩm: “Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. […] Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”.

  • Thân bài:

1. Khái quát tác giả, tác phẩm:

Tô Hoài là nhà văn có sức sáng tạo dồi dào bậc nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại với số lượng tác phẩm đạt kỉ lục. Ông là người có vốn hiểu biết rất phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta đặc biệt là vùng miền núi Tây Bắc. Trong sự nghiệp sáng tác của mình ông đã để lại dấu ấn riêng với rất nhiều tác phẩm đặc sắc, trong đó nổi tiếng nhất là truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Truyện “Vợ chồng A Phủ” được Tô Hoài sáng tác vào năm 1952, sau chuyến đi cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, in trong tập “Truyện Tây Bắc”. Truyện đã thể hiện nỗi thống khổ của người Mèo ở Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn chúa đất và lũ Tây đồn; sự thức tỉnh và vùng dậy của họ giành lấy tự do, hạnh phúc và tham gia kháng chiến giải phóng quê hương. Đoạn trích mà chúng ta được học thuộc phần đầu của truyện ngắn, nói về cuộc sống của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài.

2. Cảm nhận đoạn trích:

Ngay từ những dòng đầu tiên, nhà văn đã để lại ấn tượng về khoảng thời gian mà Mị đã sống dưới mái nhà thống lí: “Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau…”. Chỉ mấy năm thôi nhưng đối với Mị thì chắc là dài lắm, vì đó là những năm tháng Mị phải kéo lê cuộc sống của mình trong đau khổ, trong sự xói mòn, mất mát dần của cảm xúc tâm hồn. Cô dường như đã mất hết ý thức về cuộc sống, đến nỗi khi bố đã chết, Mị “cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa”. Phải chăng, Mị đã cam tâm sống kiếp nô lệ? Phải chăng, ý thức phản kháng trong Mị đã bị tê liệt? Hóa ra, cái môi trường độc địa kia đã ngấm vào trong Mị, đau khổ đã đồng hóa Mị, khiến Mị quen dần với nó, chấp nhận nó như một phần cuộc sống của mình: “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Người đời thì quen ăn sung mặc sướng, Mị thì “quen khổ”, chua xót làm sao? Và càng chua xót hơn, khi cái sự “quen” trong vô thức ấy, nó làm thui chột luôn cả ý thức đấu tranh trong Mị. Ngay cả đến sự phản kháng yếu ớt cũng không còn. Làm sao còn có thể phản kháng khi chính Mị còn “tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà này đến nhà khác, ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”. Nhà văn như nhập thân vào nhân vật để nói lên suy nghĩ của Mị. Và suy nghĩ đã ăn sâu trong Mị mấy năm nay, chính là Mị nghĩ mình cũng như một con vật nuôi trong nhà thống lí. Con vật phải chịu kiếp đọa đày dưới đòn roi của chủ, phải làm việc khổ sai và không có thể phản kháng, kêu ca. Mị cũng thế. Phải khổ, phải cam chịu đến thế nào, Mị mới nghĩ mình chỉ như loài vật như thế. Câu văn chất chứa biết bao nỗi xót xa, thương cảm Tô Hoài dành cho nhân vật của mình.

Gương mặt chính là hình ảnh phản chiếu của nội tâm. Suy nghĩ cam chịu, tâm hồn vô cảm đã khiến cho vẻ mặt của Mị mới buồn bã làm sao: “Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa”. Đó là khuôn mặt nói lên sự lạnh lẽo, vô cảm của đời sống tâm hồn. Khuôn mặt héo hắt của một tâm hồn lay lắt.  Khi sống không còn cảm xúc, con người ta trở thành một cỗ máy lặp đi lặp lại theo quy trình. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt đã thực sự biến Mị thành cỗ máy như thế. Nên không phải ngẫu nhiên mà nhà văn lại miêu tả Mị với những suy nghĩ và hành động lặp đi lặp lại: “lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi”. Thân phận của Mị chẳng khác nào thân phận “trâu ngựa”. Con trâu con ngựa suốt tháng suốt năm phải làm việc lam lũ trên nương, khoảnh khắc nghỉ chân của nó thật ngắn ngủi. Mị cũng thế, từ ngày về nhà thống lí Pá Tra làm dâu, quanh năm Mị quanh quẩn trên nương “bẻ bắp”, “hái củi”, “bung ngô”, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Con ngựa đôi khi còn được “đứng gãi chân, nhai cỏ”, còn Mị phải vùi vào làm việc “cả đêm, cả ngày”. Vậy có khác nào con ngựa, con trâu? Thậm chí còn không bằng con ngựa, con trâu. Mị hiện lên như một công cụ lao động sống lặng lẽ, cam chịu bị bóc lột, đọa đày về thân xác.

Bao nhiêu khổ đau ở nhà thống lí đã biến Mị – một cô gái xinh đẹp, yêu đời mấy năm về trước nay trở thành một người đàn bà lầm lũi, vô cảm: “Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Mị sống đời câm lặng, chịu đựng bị đè nén, áp bức như con rùa: “Xuống sông đội đá, lên chùa đội bia” (ca dao). Đằng sau sự so sánh này là niềm thương cảm thấm thía của nhà văn đối với một kiếp người bị hóa thành kiếp vật.

Ở nhà Pá tra, Mị thực sự là một người tù. Căn buồng âm u tăm tối với cái ô cửa sổ bé bằng bàn tay “lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng” thực sự là hình ảnh của một nhà tù. Nó đã giam hãm tâm hồn và tuổi xuân của Mị. Nó đã làm tê liệt con người ý thức trong Mị, chỉ còn nơi Mị cái suy nghĩ tội nghiệp, đáng thương: Mị “nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”. Niềm tin có thể mở ra cánh cửa kì diệu đưa ta vào một thế giới đáng sống. Khi con người không còn niềm tin vào cuộc sống thì ngay đến suy nghĩ cũng chỉ toàn là một màu đen u ám. Sống giữa thần quyền và cường quyền, giữa bạo lực và bất công, Mị còn có thể tin vào điều gì tươi sáng cho cuộc đời mình? Những suy nghĩ tiêu cực của Mị là hệ quả tất yếu của quãng thời gian dài sống trong chốn địa ngục trần gian nhà thống lí.

3. Nghệ thuật:

Thành công về mặt nghệ thuật của đoạn trích là ở cách kể chuyện kịch tính, hấp dẫn; cách tạo tình huống bất ngờ; nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế và sâu sắc; ngôn ngữ sinh động và giàu chất thơ… Tất cả những yếu tố nghệ thuật đó đã góp phần quan trọng trong việc thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm.

4. Nhận xét về giá trị hiện thực:

Giá trị hiện thực của một tác phẩm văn học chính là việc nhà văn tái hiện một cách chân thực và sinh động bối cảnh xã hội và đời sống của con người trong bối cảnh xã hội đó. Ở đoạn trích trên, Tô Hoài đã cho ta thấy được bối cảnh xã hội miền núi dưới ách thống trị của bọn chúa đất và lũ Tây đồn, mà hình ảnh đại diện là cha con nhà thống lí Pá Tra. Truyện cũng tái hiện quãng đời làm dâu cực khổ của Mị dưới mái nhà thống lí: làm lụng vất vả, cực khổ quanh năm; bị đối xử tàn tệ không bằng thân trâu ngựa; bị giam nhốt cả về thể xác và tâm hồn, dẫn đến trở nên mất hết ý thức về cuộc sống.

  • Kết bài:

Tô Hoài có thể được xem là “nhà văn của Tây Bắc”. Với vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của vùng đất này, cộng với tài năng quan sát tinh tế và một tấm lòng nhân đạo bao la, ông đã khắc họa một cách chân thực và cảm động cuộc sống ngột ngạt của những người nông dân Tây Bắc dưới ách áp bức của bọn chúa đất và lũ Tây đồn. Trong tập “Truyện Tây Bắc” của ông, thì “Vợ chồng A Phủ” là một đỉnh cao nghệ thuật. Cho đến tận hôm nay, hình ảnh một cô Mị xinh đẹp, tài năng nhưng chịu nhiều thống khổ vẫn có sức ám ảnh lớn, để lại trong ta nhiều suy ngẫm về thân phận con người trong xã hội cũ. Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” đã góp phần đưa Tô Hoài lên vị trí là một trong những cây bút hàng đầu nền văn học Việt Nam hiện đại.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.