Phân tích sự đối lập giữa cảnh vườn bách thú tù túng và cảnh núi rừng hùng vĩ trong bài thơ Nhớ rừng
- Mở bài:
Thế Lữ là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của cuộc đổi mới thơ ca ở nước ta đầu thế kỉ 20 và là cây bút tiên phong của phong trào Thơ Mới. Nhớ rừng là tác phẩm tiêu biểu của ông. Bài thơ là lời tâm sự của con hổ khi bị nhốt ở trong vườn bách thú. Trong tâm trí của con hổ, cảnh vật nơi vườn bách thú trước mắt và cảnh núi rừng thâm u, hùng vĩ, nơi nó đã từng ngự trị có sự đối lập gay gắt.
- Thân bài:
Bài thơ có sự tương phản gay gắt giữa cảnh vườn bách thú, nơi con hổ bị nhốt (đoạn 1 và đoạn 4) với cảnh núi rừng hùng vĩ, nơi con hổ ngự trị những ngày xưa (đoạn 2 và đoạn 3).
Cảnh vườn bách thú đơn điệu và giả dối:
“Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u”.
Cảnh núi rừng nơi con hổ từng ngự trị:
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
– Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Cảnh nơi vườn bách thú tù túng (cũi sắt), nhàm tẻ (những cảnh “không đời nào thay đổi”, nhân tạo (chứ không phải là thế giới của tự nhiên), đều do bàn tay sửa sang, tỉa tót của con người và hết sức tầm thường giả dối, “học đòi, bắt chước” đại ngàn hoang vu.
Đối lập với cảnh vườn Bách thú tầm thường là cảnh núi rừng oai linh, hùng vĩ với vẻ thâm nghiêm bóng cả cây già chứa đựng nhiều bí ấn: “hang tối”, “thảo hoa không tên tuổi”, “rừng sâu bí mật”, với những âm thanh dữ dội, man dại, “gió gào ngàn”, “nguồn hút núi”.
Cảnh vật không chỉ oai hùng, linh nghiêm mà còn rực rỡ vô cùng, “những đêm vàng bên bờ suối”, “những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn”, “những bình minh nắng gọi”, “những chiều lênh láng máu sau rừng”, tươi vui vô cùng: “tiếng chim ca giấc nhủ ta tưng bừng”.
Việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu trong đoạn thơ thứ hai và thứ ba rất đặc biệt. Một loạt những từ chỉ sự cao cả, lớn lao, hoành tráng của núi rừng: bóng cả, cây già, gào, hét, thét. Trong khi đó, hình ảnh con hổ thì khoan thai, chậm rãi, được so sánh với sóng cuộn nhịp nhàng. Diễn tả sức mạnh tuyệt đối của con hổ không phải bằng tiếng hổ gầm, mà là ánh mắt dữ dội:
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi
Sang khổ thơ sau, hàng loạt những điệp ngữ như nhắc đi nhắc lại một cung bậc nuối tiếc, hoài niệm: Nào đâu những, đâu những, đâu những, đâu những… Sau mỗi câu này là một câu hỏi. Và kết thúc là câu hỏi thứ năm, vừa hỏi, nhưng cũng như là khẳng định: thời oanh liệt nay chỉ còn trong quá khứ, trong hồi tưởng mà thôi. Những hình ảnh đêm trăng, mưa, nắng, hoàng hôn vừa đẹp lộng lẫy, vừa dữ dội đã góp phần dựng lại một thời oanh liệt của chúa sơn lâm khi còn tự do.
Với việc tạo dựng hai cảnh tưởng đối lập như đã nêu trên, Thế Lữ đã thể hiện thành công tâm sự con hổ ở vườn Bách thú. Đó là nỗi bất hoà, chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt.
Trước hết đây là tâm trạng của nhân vật lãng mạn: khát khao vươn tới cái cao cả phi thường, không chấp nhận cái tầm thường, vô nghĩa. Khao khát ấy là một cách thức khẳng định cái “tôi”, khẳng định cá tính. Với khát khao đó, con người lãng mạn mang tâm trạng bất hoà với thực tại, bởi thực tại chỉ là tầm thường bó buộc, giam hãm, đối lập với ước mơ, sự tự do, cái cao cả.
Hơn thế, có ý kiến cho rằng tâm sự con hổ ở đây có bóng dáng xa gần với tâm trạng người dân Việt Nam mất nước lúc bấy giờ. Họ cũng sống trong cảnh nô lệ “bị nhục nhằn tù hãm”, cũng “ngậm một khối căm hờn trong cũi sắt”, cũng tiếc nhớ khôn nguôi “thời oanh liệt” với những trang sử vẻ vang của cha ông.
- Kết bài:
Nhớ rừng mượn lời con hổ bị nhốt ở vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt. Từ đó, bài thơ đã khơi gợi lòng yêu nước thầm kín của người dân mất nước thở ấy.
Xem thêm: