Cảm nhận về sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mạnh mẽ của nhân vật Mị trong đêm cởi trói cứu A Phủ
- Mở bài:
– Giới thiệu sơ lược về tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A phủ và nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.
– Dẫn dắt vào tình thế đêm Mị cắt dây trói cứu A Phủ.
- Thân bài:
1. Giới thiệu sơ lược về A Phủ :
– A Phủ là một thanh niên có thân phận như Mị, cũng phải ở nàh thống lý Pá Tra để gạt nợ.
– Vì để hổ bắt mất bò mà bị trói đêm này sang đêm khác, ngày này sang ngày kia.
2. Hoàn cảnh của Mị trong đêm cứu A Phủ:
+ Cuộc sống đọa đày trong nhà thống lý Pá Tra của Mị vẫn tiếp diễn. Thời gian đọa đày biến cô trở thành người câm lặng trước mọi sự. Những gì diễn ra chung quanh không khiến Mị quan tâm. Những đêm đầu Mị thổi lửa hơ tay. Tâm hồn Mị như tê dại trước mọi chuyện, kể cả lúc ra sưởi lửa, bị A Sử đánh ngã xuống bếp, hôm sau Mị vẫn thản nhiên ra sưởi lửa như đêm trước.
+ Song, trong lòng, không phải chuyện gì Mị cũng bình thản. Mị rất sợ những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn. Khi trong nhà đã ngủ yên, Mị tìm đến bếp lửa. Đối với Mị, nếu không có bếp lửa ấy, cô sẽ chết héo.
– Thương người cùng cảnh ngộ :
Chính nhờ ngọn lửa, đêm ấy, Mị trông sang A Phủ và nhìn thấy một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống má đã xám đen lại. Dòng nước mắt ấy khiến Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải đứng trói thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không lau đi được. Rồi Mị phảng phất nghĩ gần nghĩ xa : Cơ chừng này thì chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì còn biết đợi ngày rũ xương ở đây mà thôi… Người kia việc gì phải chết thế?
– Tình thương lớn giúp Mị vượt qua nỗi sợ hãi, chiến thắng cái chết :
Mị xót xa cho A Phủ như xót xa cho chính bản thân mình. Mị thương cho A Phủ không đáng phải chết. Cô cũng sợ nếu mình cởi trói cho chàng trai ấy, bố con Pá Tra biết được sẽ tói thay vào đấy và lại phải chết trên cái cọc ấy… Song có lẽ tình thương ở Mị đã lớn hơn cả sự chết. Tình thương ấy khiến cô đi đến hành động cởi trói cho A Phủ. Hành động phán kháng mạnh mẽ, quyết liệt: Mị rón rén mà quyết liệt cắt dây trói cứu A Phủ.
– Từ cứu người đến cứu mình :
Khi cởi trói cho A Phủ xong, Mị đứng lặng trong bóng tối. Song, chính ngay lúc ấy, trong lòng người đàn bà khốn khổ kia mọi chuyện diễn ra rất nhanh. Mị chợt nhận ra “Ở đây thì chết mất”. Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Vì ở đây thì chết mất.
Đây không phải là hành động mang tính bản năng. Đúng hơn, cùng với sự trỗi dậy của ký ức, khát vọng sống tự do, đã khiến Mị chạy theo người mà mình vừa cứu. Mị giải thoát cho A Phủ Phủ và giải thoát cho cả bản thân mình! Hành động táo bạo và bất ngờ ấy là kết quả tất yếu của sức sống tiềm tàng khi người con gái yếu ớt dám chống lại cả cường quyền và thần quyền.
Nghệ thuật: Nghệ thuật tạo tình huống, miêu tả tâm lý nhân vật, nghệ thuật trần thuật nửa trực tiếp.
* Tư tưởng nhân đạo của nhà văn:
– Thấu hiểu, đồng cảm trước số phận đau khổ của người lao động.
– Lên án thế lực thống trị chà đạp quyền sống con người.
– Đề cao sức sống tiềm tàng, mãnh liệt và ý thức phản kháng mạnh mẽ; thấy được khả năng cách mạng và khát vọng hướng đến cuộc sống tự do của người lao động bị áp bức.
- Kết luận:
Qua tâm trạng của Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ, chúng ta thấy được cả sức sống tiềm tàng ở một người phụ nữ bị đoạ đày vả về thể xác lẫn tinh thần, tưởng chừng như mất đi hết đời sống tâm hồn. Phải yêu thương và có một niềm tin mãnh liệt vào con người nhà văn mới có được cái nhìn nhân đạo như vậy.
Bài tham khảo:
- Mở bài:
Nhà văn Tô Hoài là một đại biểu xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Với một chặng đường sáng tác từ những năm bốn mươi của thế kỷ trước đến nay, nhà văn đã để lại cho đời hàng trăm tập sách với nhiều thể loại khác nhau. Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” in trong tập truyện “Tây Bắc”. Truyện “Vợ chồng A Phủ” là một tác phẩm đặc sắc trong sự nghiệp sáng tác của ông. Thành công của truyện ngắn này là tái hiện được một hiện thực đen tối của người dân miền núi Tây Bắc dưới ách bọn chúa đất chúa rừng. Truyện ngắn có hai nhân vật chính trong đó nhân vật trung tâm là Mị. Mị vừa là hiện thân cho nỗi khổ vừa là hiện thân cho sự tiềm ẩn sức sống và khát vọng vươn ra ánh sáng tự do. Nhà văn đã rất tinh tế trong việc xây dựng tâm lý nhân vật này, đặt biệt là tâm lý tâm trạng trong cảnh ngộ cắt dây trói cho A Phủ để giải thoát người và cũng tự giải thoát mình.
- Thân bài:
Nhân vật Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” có một cuộc đời rất oái oan. Vốn là một cô gái trẻ đẹp nhưng vì món nợ truyền kiếp mà Mị đã bị thống lí Pá Tra, một tên chúa đất chúa rừng ở vùng cao Tây Bắc bắt làm con dâu gạt nợ. Khi rơi vào nhà thống lí Pá Tra, Mị đã bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Dần dần Mị sinh ra cam chịu, Mị sống lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa, sống như một kẻ vô tri vô giác, gần như tê dại cảm xúc. Hàng đêm Mị chỉ biết “làm bạn với ngọn lửa”, dù nhiều đêm A Sử đi chơi về đánh Mị ngã bên bếp lửa nhưng Mị vẫn đêm nào cũng thế cứ thức dậy như cái bóng với ngọn lửa, không hề quan tâm những cái gì diễn ra xung quanh.
A Phủ cũng là một người có cảnh ngộ như Mị, A Phủ là đứa con mồ côi. Nếu Mị đẹp thì A Phủ lại khỏe mạnh nhưng vì đánh A Sử nên A Phủ trở thành kẻ ở nợ trong nhà thống lí. Có một lần do sơ suất trong việc chăn đàn bò, A Phủ đã bị thống lí trói đứng ngoài cọc ở ngoài trời. Đã nhiều đêm Mị thức dậy đốt lửa thì A Phủ mở mắt nhưng Mị cũng không hề quan tâm, bởi Mị đã bị chai lì cảm xúc. Mị nghĩ A Phủ như cái xác chết đứng trước sân nhà mà thôi. Như vậy lúc đầu gặp A Phủ, Mị chưa hề nảy sinh một chút cảm xúc, một chút cảm tình bởi tâm lý của Mị đã bị sơ cứng tê dại.
Nhà văn Tô Hoài trong cảnh ngộ đó đã đưa ra một chi tiết rất bình thường, đó là một đêm Mị vẫn ngồi dậy bên bếp lửa khi nhìn ra thấy “hai dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai gò hõm má xám đen lại của A Phủ”. Mị bỗng nhiên bị thức dậy quá khứ, Mị nhớ lại trước đây Mị đã bị A Sử trói đứng vào cột như thế, nhiều lần Mị khóc nước mắt chảy xuống miệng xuống cổ mà không biết lau đi được. Thế là trông người lại ngẫm nghĩ đến mình, bắt đầu thương mình. Và cũng theo quy luật tâm lý từ thương mình lại đến thương người, Mị thương A Phủ người cùng cảnh ngộ.
Cái lạ của tình cảm con người là tình thương thường chỉ lớn dần lên và những tình cảm chân chính lại thường nảy sinh ra một tâm lý hy sinh cho người khác, coi đó là một hạnh phúc. Tình cảm của Mị khởi đầu là một sự thương cảm về một con người có cùng cảnh ngộ, đó là một tình thương chân chính cho nên đã nảy sinh ở trong Mị những suy nghĩ muốn giúp A Phủ. Mị đã nghĩ rằng “ta là thân đàn bà nó đã bắt về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi, người kia việc gì mà phải chết thế”. Thế là nảy sinh một sự đắn đo của Mị cho việc giải thoát A Phủ. Mị cũng đã hình dung được nếu A Phủ chạy thoát thì người ta sẽ trói Mị vào cọc thay thế nhưng khi tình thương đã trỗi dậy, mọi lo lắng hốt hoảng đã tan biến “làm sao Mị cũng không sợ”, thế là từ một tấm lòng trắc ẩn, Mị đã quyết định cắt dây trói cho A Phủ để A Phủ chạy thoát.
Sau khi cắt dây trói và A Phủ cũng đã vùng chạy thì Mị lại giật mình thương mình. Mị bắt đầu hốt hoảng lo sợ tai họa ập đến, nét tâm lý này dường như đối lập với nét tâm lý trước đó nhưng đó là bản năng sinh tồn của con người, bản năng ham sống và Mị đã có quyết định táo bạo trong chốc lát, đó là vùng chạy theo A Phủ để tìm đến sự đổi đời. Hành động vùng chạy của Mị vừa là kết quả của tâm lý tức thời, tâm lý logic với hoàn cảnh, vừa là kết quả tất yếu của một quá trình cựa quậy vượt ra tự do của Mị. Nó chẳng khác sức bật của lò so đã bị dồn nén bấy lâu. Miêu tả nét tâm lý này chứng tỏ nhà văn Tô Hoài đã rất am tường với đời sống của con người, nhất là đời sống của những người tuổi trẻ.
Với truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” nhà văn Tô Hoài đã thành công trên hai phương diện, phương diện phản ánh hiện thực và phương diện diễn tả tâm lý tâm trạng của con người. Nhân vật Mị trong tác phẩm sở dĩ sống động, sở dĩ được người đọc yêu mến là từ nhà văn Tô Hoài đã có một tài nghệ, một sự tinh tế sắc sảo trong việc miêu tả tâm lý của nhân vật. Tâm lý của Mị thường diễn ra ở hai cung bậc, một mặt là tâm lý của con người bị sức manh của cường quyền và thần quyền áp đặt dẫn đến cam chịu. Ở một cung bậc khác nhà văn cũng thấy được những nét tâm lý nổi loạn ở trong con người tuổi trẻ của Mị. Nét tâm lý thứ hai này đã được thể hiện rất rõ, rất hợp quy luật trong đoạn văn diễn tả hành động cắt dây trói cho A Phủ để cùng nhau giải thoát.
Tô Hoài đã miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị rất tự nhiên, hợp lý và chân thực. Không thấy diễn biến tâm trạng của nhân vật sẽ không hiểu được hành động của nhân vật đó. Hành động cuối cùng của Mị – cởi trói cho A Phủ – có vẻ bất ngờ nhưng lại hợp với quy luật tâm lý con người, quy luật của cuộc sống. Nhà văn không chỉ đem đến cho bạn đọc những nhân vật biết hành động mà quan trọng hơn là vì sao có hành động ấy. Tô Hoài đã rất thành công khi xây dựng một nhân vật có sức sống bên trong mãnh liệt đằng sau khuôn mặt vô hồn, vô cảm của Mị. Bởi vậy, có người đã xem đây là “một nhân vật thành công bậc nhất trong văn xuôi cách mạng đương đại Việt Nam” ( Trần Đình Sử )
- Kết bài:
Qua diễn tả những nét tích cực của tâm lý nhân vật Mị, nhà văn đã thể hiện được cái nhìn rất trân trọng đối với nhân vật của mình, những con người như Mị cường quyền và thần quyền không dập tắt được, sức sống của họ như hòn than âm ỉ chỉ cần có cơ hội khi một ngọn gió thổi tới thì hòn than lại bùng cháy. Thấy được điều đó chính là nhờ tác giả có tấm lòng yêu thương trân trọng đối với những con người cùng khổ như Mị nói riêng, đối với người dân miền núi Tây Bắc dưới ách bọn thực dân phong kiến nói chung.