Cảm nhận ý nghĩa truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài
- Mở bài:
Tô Hoài là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỉ 20. Trong chuyến công tác kéo dài 8 tháng lên miền Tây Bắc, nhà văn đã sống và gắn bó với nhân dân nhiều dân tộc ở khu căn cứ du kích. Hình ảnh Tây Bắc đau thương và anh hùng với những người dân tộc ít người mộc mạc, chất phác, ngay thẳng và quật cường đã in đậm trong tâm trí của nhà văn. Những kỉ niệm sâu sắc đó sau này đã được tái hiện một cách chân thực và sinh động trong tập “Truyện Tây Bắc” của Tô Hoài. Tác phẩm được giải nhất: Giải thưởng của hội văn nghệ Việt Nam năm 1955. “Vợ chồng A Phủ” là một trong ba truyện ngắn được in trong tập truyện này.
- Thân bài:
Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm ghi dấu sự trưởng thành của tác giả Tô Hoài trong việc chiếm lĩnh mảng đề tài miền núi mà ông đắc biệt quan tâm. Truyện được tổ chức chặt chẽ, cách dẫn dắt tự nhiên, không cần chạy theo những chi tiết li kì mà vẫn có sức cuốn hút mạnh mẽ. Điều đó có được nhờ cái nhìn hiện thực rất sắc bén và chủ nghĩa nhân đạo tích cực của nhà văn. Có thể nói, với âm điệu trữ tình tha thiết, truyện ngắn xứng đáng là một bài thơ bằng văn xuôi, ngợi ca sức sống mạnh mẽ của con người từ trong bóng tối của cuộc đời đầy đau khổ, tủi nhục đã vươn tới ánh sáng rực rỡ của nhân phẩm và tự do.
Tác phẩm còn là bức tranh xã hội thực dân phong kiến miền núi đen tối, thối nát, thể hiện chân thực cuộc sống nghèo khổ, bị chà đạp của người dân miền núi trước Cách mạng và tái hiện sinh động cuộc sống sinh hoạt, phong tục, tập quán, kể cả những hủ tục khắc nghiệt ở miền núi trước Cách mạng.
Trước hết, ta thấy truyện ngắn Vợ chồng A Phủ đã phản ánh hết sức chân thực một hiện thực nghiệt ngã của cuộc sống thời đại thực dân phong kiến mà điểm đầu tiên ta nhận ra bộ mặt tàn bạo của bọn lang đạo, chúng đất ở vùng cao.
Qua những trang viết của Tô Hoài, ta thấy bóng đen của bọn thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai như bao trùm, đè nặng lên cuộc sống vốn đã chồng chất bao khổ đau của những người dân vùng cao Tây Bắc. Ta có thể coi bọn Tây đồn của bản Phe là hình ảnh đại diện cho ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp. Chúng bắt đồng bào các dân tộc đi phu để làm đường, để xây dựng đồn bốt. Chúng liên tục mở những đợt hành quân càng quét đến tận những bản làng xa xôi, hẻo lánh. Chúng bắt giết người dân vô tội, đốt phá nhà cửa, giày xéo ruộng nương. Sự có mặt của chúng luôn đi liền với tai họa và những điều xấu xa.
Núp dưới bóng của bọn thực dân Pháp, bọn phong kiến tay sai mặc sức hoành hành ở những bản làng của người H’Mông trên núi cao đó là những tên thống lí Pá Tra (lí trưởng); thống quản (phó lí),… Chúng chiếm đoạt những gì tốt nhất, tìm mọi cách để có nhiều của cải, mở mang ruộng đất. Chúng bóc lột chủ yếu bằng biện pháp lao dịch, nghĩa là bắt người dân nghèo phải làm không công cho chúng, như một thứ nô lệ, còn chúng tự cho mình có quyền đánh đập, hành hạ, giết chết hoặc bán những nô lệ ấy cho kẻ khác mà không bị buộc tội gì cả.
Không những thế, bản chất bóc lột của chúng còn ẩn sâu sức mạnh của thần quyền, những phong tục tập quán khắc nghiệt. Do đó, gây tâm lí nom nóp lo sợ “con ma nhà thống lí” đã nhận ra mình. Từ buổi bị bắt về cúng “trình ma” mới trở thành nổi ám ảnh ghê gớm suốt đời những người làm nô lệ cho chúng. Tiêu biểu cho loại người độc ác, tàn bạo ấy là tên thống lí Pá Tra và con trên hắn là A Sử.
Chính cha con nhà Pá Tra đã trực tiếp đọa đầy bao kiếp người khốn khổ, gây ra cho họ biết bao đau thương, tủi nhục. Trong số lớn các nạn nhân ấy có Mị và A Phủ. Cuộc đời của Mị và A Phủ đại diện tiêu biểu cho nỗi khổ ấy của người dân lao động miền núi. Thông qua những chi tiết trong cuộc đời Mị và A Phủ, hiện thực sống càng được phản ánh rõ nét trong tác phẩm này.
Mị là một thiếu nữ xinh đẹp, làm nương giỏi, hồn nhiên yêu đời “cô uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Nhiều trai làng đến với Mị “đứng nhẵn cả chân cột”. Mị có đủ những phẩm chất tốt đẹp để xứng đáng được hưởng một cuộc đời yên ấm, hạnh phúc. Cô gái ấy không những chăm chỉ làm ăn mà còn biết yêu quí tự do, biết khẳng định quyền sống của mình.
Do vậy, mà ngay khi còn rất trẻ, trước nguy cơ bị thống lý Pá Tra bắt về làm dâu gạt nợ, Mị đã thưa với cha những lời tha thiết và dứt khoát “con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu” . Mị không sống riêng cho bản thân mình mà phẩm chất cao đẹp nhất của Mị là lòng vị tha và đức hi sinh. Mị thà chết còn hơn là sống khổ nhục. Nhưng cuối cùng người con gái ấy đã chấp nhận sống trong đau khổ còn hơn bất hiếu với cha mẹ, còn hơn phải chứng kiến người cha già yếu ớt phải chịu đựng sự khổ cực.
Xã hội cũ tàn ác, không cho phép Mị sống dù chỉ sống một cuộc sống bình thường như bao người khác mà buộc cô phải chấp nhận một thân phận nô lệ khổ nhục. Với Mị, hạnh phúc chỉ là ước mơ, còn đau thương mới là sự thật – một sự thật cay đắng, bắt đầu từ khi cha cô vay bạc trắng ở nhà thống lí Pá Tra để làm lễ cưới. Suốt đời làm lụng vất vả mà cha mẹ Mị không trả được món nợ ấy, chính vì vậy mà Mị – người con gái hiếu thảo ấy đã trả món nợ của gia đình bằng cả tuổi trẻ và cuộc sống tự do của mình.
Mị bước vào nhà Pá Tra với danh nghĩa con dâu nhà quan nhưng cô bị đối xử như một nô lệ, thứ nô lệ mà người ta không cần phải mua nhưng vẫn có quyền tha hồ đánh đập, bóc lột, hành hạ. Mị ở nhà chồng mà như sống dưới địa ngục, không hề có tình thương, không hề có sự chia sẻ cảm thông tình nghĩa vợ chồng mà ở đó chỉ có những ông chủ độc ác, tàn bạo với những công việc triền miên quanh năm suốt tháng: “quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi, hay đi cõng nước dưới khe suối lên,.. tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì chặt đay, e đay, đến màu thì đi nương bẻ bắp”.
Cuộc sống ở nhà thống lý Pá Tra đã biến Mị từ một cô gái trẻ trung yêu đời, xinh đẹp trở thành một con người lặng lẽ, cam chịu. Mang tiếng là con dâu nhà quan, giàu có nhất vùng nhưng thật chất chỉ là nàng hầu, con ở; thậm chí thân Mị cũng không bằng thân trâu, ngựa bởi vì “con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân nhai cỏ; đàn bà con gái nhà này thì vùi vào làm việc cả đêm, cả ngày”.
Không những thế, Mị còn phải phục dịch hầu hạ cả kẻ ăn người ở trong nhà Pá Tra; lại thường xuyên bị A Phủ đánh đập, hành hạ hết sức tàn nhẫn “có hôm nó xách cả thúng sợi đay trói đừng Mị vào cột nhà”. Có hôm đi chơi khuya về, chỉ vì thấy ngứa mắt, nó đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp. Thân phận Mị cũng chẳng khác gì một tù nhân bởi vì Mị phải thường xuyên sống trong một căn buồng chật hẹp tối tăm như một nhà tù. Mối giao cảm duy nhất giữa Mị và cuộc sống bên ngoài chỉ còn thu lại qua một ô cửa nhỏ bé, vuông bằng bàn tay, lúc nào cũng “mờ mờ trăng trắng”, từ trong nhà nhìn ra không biết là sương mờ hay nắng.
Có thể nói, cái tối tăm của căn buồng Mị ở hòa với cái tối tăm nhà Pá Tra, cái tối tăm của xã hội đương thời, tất cả đã tạo thành một màng đêm mịt mùng vây kín cuộc đời Mị. Mỵ sống như con rùa sống trong lầm lũi trong xó cửa, cuộc đời không bằng thân trâu, ngựa, suốt ngày làm việc và câm lặng giống như một tảng đá.
Cuộc đời của người phụ nữ đau khổ nhưng số phận người con trai Mèo cũng chẳng hơn gì. Nhà văn Tô Hoài đã để cho A Phủ xuất hiện thật đột ngột trong cảnh đánh nhau với A Sử, rồi bị bắt trói bị đánh đập tàn nhẫn ở nhà Pá Tra. Sau đó mới kể về lai lịch của nhân vật: đó là một chàng trai nghèo khổ đã mất cha mẹ, anh em trong một trận dịch bệnh khủng khiếp, đã phải sống bơ vơ ngay khi còn nhỏ dại.
Khi còn bé, A Phủ đã không chịu cuộc sống tù hãm, anh đã giấu gia đình chủ đi tìm tự do và bước chân lưu lạc đã đưa anh đến tới Hồng Ngài. Ở đây, A Phủ khẳng định rõ tính cách tự lập, một mình xoay sở kiếm sống học hỏi đủ các nghề, biết đúc lưỡi cày, biết đúc cuốc, biết làm nương giỏi lại đi săn bò tót rất thạo.
A Phủ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không gia đình, không nhà cửa, không anh em họ hàng thân thích. Anh phải lang bạc nhiều nơi để kiếm sống. Đó là một chàng trai khỏe mạnh, biết đủ các nghề: biết đúc lưỡi cày, đúc lưỡi cuốc, làm nương giỏi, săn thú hay và là niềm ao ước của biết bao cô gái.
A Phủ còn có sức khỏe hơn người lại hiền lành và chăm chỉ nên đã trở thành đề tài trong các câu chuyện của các cô gái trong vùng: “đứa nào được A Phủ cũng bằng có con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy chốc mà giàu”. Tuy vậy, với tập tục khắc nghiệt của cuộc sống phong kiến thời đó, A Phủ chẳng những bị khinh do bởi không có gia đình, không có họ hàng thân thích mà thực tế cũng chẳng bao giờ anh kiếm được tiền xây nhà, cưới vợ.
Điều đau khổ hơn là A Phủ – một đứa con của núi rừng tự do không sao mà thoát khỏi kiếp sống nô lệ. Sự việc xảy ra vào một đêm hội mùa xuân, do A Phủ không chịu nổi những bất công và áp bức nên anh đã dám đánh cả A Sử – con quan thống lí Pá Tra. Hành động đó của A Phủ không đơn thuần là sự ghen ghét thường tình giữa một đám trai làng với nhau mà nó có một nguyên nhân xâu xa: từ mối hận thù giai cấp. Cũng vì mối hận thù đó, Pá Tra sai tay chân bắt trói A Phủ, đánh đập tàn nhẫn: “sau một lượt đánh, kẻ, chửi lại hút… cứ như thế suốt một chiều, một đêm, càng hút càng tỉnh càng đánh”.
Tuy vậy, những hành động dã man ấy không làm cho A Phủ khiếp sợ khuất phục, mà trái lại: “A Phủ quì chịu đòn, chỉ im như tượng đá”. Cuối cùng, trong cảnh xử kiện đầy quái gỡ, khi kẻ phát đơn kiện cũng là kẻ ngồi trên ghế quan tòa. A Phủ đã bị buộc phải làm nô lệ suốt đời để trừ nợ. (100 đồng bạc trắng vạ). A Phủ bị tước đoạt quyền làm người một cách vô lí. Đó là kiếp sống bị khinh bỉ, bị bạc đãi, phải gánh vác những công việc nguy hiểm, nặng nhọc nhất.
Không những A Phủ chịu đựng một kiếp sống nô lệ khốn khổ, nhục nhã mà cái mạng anh sống hay chết cũng được quyết định bởi bàn tay tàn bạo của thống lí Pá Tra chỉ vì để mất con bò. A Phủ đã bị trói đứng vào cột bằng dây mây cuốn từ chân lên vai: “và bọn A Sử không bắn được hổ mang về thì chắc chắn A Phủ sẽ phải chết như cái chết của người đàn bà ngay trước ở nhà này”. Con người khí phách ngang tàn như A Phủ mà phải lặng lẽ khóc cho thân phận tủi nhục của mình: “hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Chú ý thức phản kháng trong anh đã bị hiện thực phủ phàn dập tắt.
Cuộc đời của Mị và A Phủ có nhiều điểm tương đồng. Cả Mị và A Phủ đều là những người dân nghèo khổ, cơ cực. Họ là những người yêu lao động, khát khao tự do. A Phủ và Mị đều là nạn nhân của chế độ thực dân phong kiến, mà cụ thể hơn là nạn nhân của cha con nhà thống lí Pá Tra (phải làm việc quần quật quanh năm suốt tháng, rồi bị đánh đập dã man, bị trói đứng ở cột,…)
- Kết bài:
Giá trị hiện thực của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ ngoài việc tái hiện cuộc đời khổ ải của những người dân nô lệ cò nói lên sự thật sót xa: người dân bị áp bức, đè nén quá lâu, sẽ bị tê liệt tinh thần phản kháng, sẽ bị đầu độc bởi tâm trí nô lệ, bạo lực cấu kết với thần quyền. Với mê tín dị đoan làm cho họ không cất đầu dậy nổi. Thế nhưng, trong cuộc đời, mọi cái đều có giới hạn, có áp bức tức có đấu tranh. Mị và A Phủ như bao người khác, cũng vùng lên tự giải phóng mình, giành quyền làm người tự do. Đoạn đời sau của vợ chồng A Phủ chứng minh qui luật muôn đời ấy.
Đề tham khảo:
1. Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”
2. Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”
3. Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị từ lúc cô bị bắt về làm dâu nhà thống Lý Bá Tra cho đến khi A Phủ bỏ trốn khỏi Hồng Ngài
4. Anh/chị hãy phân tích những diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân.
5. Anh/chị hãy phân tích những diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm cô cắt dây trói cứu A Phủ và cùng bỏ trốn khỏi Hồng Ngài.