chat-tho-trong-tac-pham-van-hoc

Chất thơ trong tác phẩm văn học.

Chất thơ trong tác phẩm văn học.

Trong sáng tác văn học nghệ thuật, chất thơ được xem như một đặc tính quan trọng đem lại sự cuốn hút kì diệu cho hình tượng nghệ thuật và tác phẩm. Chất thơ biểu hiện ở cái đẹp của ngôn ngữ và âm điệu, cái đẹp của cảm xúc và ý tưởng…

Chất thơ là gì?

“Chất thơ” hay còn gọi là “chất trữ tình”, hay “thi vị” tức là có tính chất gợi cảm và gây hứng thú trong thơ. “Chất thơ” có thể hiểu là một khía cạnh của cảm hứng thẩm mĩ nhân văn, phải gắn với cái đẹp. Cái đẹp có thể là do tự nhiên mang lại như cảnh mây trắng nhởn nhơ bay trên bầu trời xanh thẳm, tạo ra cảm giác dễ chịu cho người ngắm nhìn. Hoặc, “chất thơ” cũng có thể tạo ra từ những tình cảm, hành động của con người như: “Sự nhớ nhung, sự uyển chuyển của các điệu múa…” (Đỗ Lai Thúy).

Chất thơ chính là sự khám phá cuộc sống bằng nghệ thuật đa dạng, độc đáo đem lại vẻ đẹp và xúc động tâm hồn cho người đọc. Thông thường người ta cho rằng chất thơ là một thuộc tính chỉ riêng thơ mới có. Nhưng thực ra chất thơ có thể tìm thấy trong cả những thể loại văn học khác như văn xuôi ( tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn….), kịch… Chất thơ được tạo nên từ những hình ảnh đẹp, giàu sức biểu cảm, từ những ngôn từ giàu nhạc điệu, bay bổng thanh thoát….Vậy là “cái chất trữ tình bay bổng, diệu kì của hình ảnh, âm điệu, ngôn ngữ…vốn là của thơ ca, đến một lúc nào đó lại có thể tìm thấy trong hầu hết các thể loại”.

Biểu hiện chất thơ trong tác phẩm văn học.

Tác phẩm văn chương chính là sự thẩm thấu của nhà văn về cái đẹp trong cuộc sống và nghệ thuật. Người ta thường nói đến chất thơ trong tác phẩm văn học và trong đời sống. Khi nói đến chất thơ là nói đến nhân tố thuộc nội dung, chất thơ có thể nằm đây đó trong cuộc sống ở những mặt kết tinh tiêu biểu, hoặc ở trong văn xuôi. Nói một tác phẩm văn xuôi có chất thơ tức là những ý văn, câu văn, đoạn văn tạo nên sự rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người và nó có khả năng truyền những rung cảm ấy đến với người đọc. Ở văn xuôi, “chất thơ” có ở trong nhiều cấp độ: từ ngữ; bức tranh thiên nhiên; hình tượng nhân vật vượt lên trên thực tại của đời sống, của hoàn cảnh để hướng đến vẻ đẹp của nhân cách, tâm hồn. Nhưng nói như thi hào Huy Gô, chất thơ bộc lộc một cách diễn cảm, mầu sắc qua cấu trúc của ngôn ngữ thi ca.

Trong đời sống hàng ngày, khi nói đến chất thơ thường có thói quen nghĩ đến cái gì đẹp, thơ mộng, lí tưởng, bay bổng như một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, sơn thủy hữu tình, một người con gái đẹp, một tâm hồn lãng mạn. Người ta ít nghĩ hơn đến chất thơ trong những cảnh đời lam lũ, mệt nhọc hay những cảnh tượng bề bộn, tăm tối. Quan niệm trên dường như đã trở thành một thói quen trong cảm nghĩ của nhiều người, tuy có phần đúng nhưng chưa đủ. Cần thấy rằng có đối tượng nên thơ và đối tượng không nên thơ, biết phát hiện ở đối tượng khách quan phần nên thơ của nó, cung cấp cho nó một dáng hình, một cách giải thích, một lí tưởng đẹp. Đó là nhiệm vụ chung của nghệ thuật và trực tiếp của thi ca.

Khác với chất thơ trong đời sống thường được quan niệm như một cái gì đẹp, thơ mộng, tồn tại khách quan, chất thơ trong nghệ thuật bao gồm sự thống nhất giữa những phẩm chất của đối tượng khách quan với cảm hứng sáng tạo chủ quan của nhà thơ. Thực tế khách quan được chọn lọc ở những mặt kết tinh tiêu biểu, ở những chi tiết, hình ảnh chân thực là tiền đề trực tiếp để tạo nên chất thơ, chính hiện thực phong phú đó có tác dụng gây cảm xúc và góp phần biểu hiện thành cảm xúc thẩm mỹ. Nhưng nhân tố quan trọng hơn cả  để tạo nên chất thơ chính là phần cảm xúc và suy nghĩ chủ quan của người nghệ sĩ. Những hình tượng thơ ca chân chính đều chứa đựng một lí tưởng đẹp, một sức tưởng tượng phong phú và những cảm xúc lắng đọng sâu sắc. Chất thơ là một phẩm chất tổng hợp được tạo nên từ nhiểu nhân tố. Những nhân tố này cũng có thể có trong nội dung cấu tạo của các thể loại khác, nhưng ở thơ biểu hiện tập trung hơn và được hòa hợp, liên kết một cách vững chắc tạo nên những phẩm chất mới.

Xác định chất thơ là một vấn đề khó, rất khó. Đúng như nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét “Định nghĩa về chất thơ cho thật chính xác và toàn thập, tôi thấy nó cúng khó như định nghĩa cho chất uymua” (humour). Nhưng khi chúng ta quan niệm “thơ không phải là cái gì thần bí, siêu việt, thơ gắn liền với cuộc sống, với tâm hồn con người và năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ thì việc tìm hiểu chất thơ lại là cần thiết và quan trọng để làm cơ sở lí luận đi vào địa hạt thơ ca.”

Chất thơ trong tác phẩm văn học trước hết gắn liền với sự rung động và cảm xúc trực tiếp. Nếu xem bản chất giàu cảm xúc là một năng lực tinh thần thuộc về bản chất của người nghệ sĩ thì điều đó trước hết phải có ở người thi sĩ, Nói như Xuân Diệu:

“Là thi sĩ nghĩa là ru với gió.
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc với muôn dây”

Cảm xúc là nhân tố quan trọng tạo nên hình tượng. Có nhiều cách để tạo nên cảm xúc như qua miêu tả hình ảnh, hoặc qua liên tưởng, so sánh hoặc qua nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Nhưng điều quyết định chính là ở tấm lòng vì “thơ là tiếng lòng” (Ngô Giang Tiệp) “Thơ từ trái tim đi và trở về với trái tim” (Worthworth).

Chất thơ trước hết là ở tấm lòng nhưng chất thơ cũng bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống muôn màu.  Một bức tranh thiên nhiên, một khung cảnh lao động của con người, hay một cảnh đời lam lũ…. Cũng là tiền đề làm nên vẻ đẹp nên thơ của tác phẩm văn học. Trong tác phẩm văn học nhất là trong thơ có nhiều câu được cấu tạo nên chủ yếu bằng cảm xúc, bằng thuần túy chất liệu của tâm hồn

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”.

(Tố Hữu)

Tuy nhiên, những cảm nghĩ của nhà thơ phải lấy điểm tựa ở phần hiện thực được chọn lọc. Trong thơ rất cần đến những bức tranh về đời sống hiện thực.Tuy nhiên hiện thực đời sống đi vào trong thơ không theo diện mà theo điểm. Những hình ảnh tiêu biểu nhất được chọn lọc để miêu tả và sẽ được liên kết trong nhận thức và liên tưởng của người đọc thành những bức tranh giàu sức sống, sinh động và chân thực. Đó là phần tiêu biểu của hiện thực, cái tính chất được chọn lựa, chắt lọc ra từ đời sống và sẽ trực tiếp tạo thành chất thơ. Do đó, chất liệu và hình ảnh của đời sống hiện thực chỉ có giá trị thơ khi nó có tính chất tiêu biểu, điển hình và có khă năng gây xúc cảm. Đó là một quy luật chi phối rõ rệt đến việc sáng tạo hình ảnh trong thơ. Có thể chỉ một hình ảnh vẫn có sức gợi cảm mạnh mẽ khi nó kết tinh được nhiều sự sống. Cuộc sống được nói lên  bằng hình ảnh và tâm trạng cũng bộc lộc kín đáo đằng sau những hình ảnh được miêu tả như có vẻ khách quan. Hiện thực ở những nét tinh chất đều có tác dụng gây cảm xúc mạnh mẽ và có khẳ năng nói lên nhiều mặt tiêu biểu của đời sống. Chính đó là tiền đề của chất thơ và nhiều khi bản thân nó là chất thơ cô đọng.

Chất thơ gắn liền với trí tưởng tượng, trí tưởng tượng là năng lực của tư duy góp phần rất tích cực vào hoạt động nhận thức của con người, đặc biệt là nhận thức nghệ thuật. Trí tưởng tượng là một đường dây nối liền những hiện tượng tưởng như riêng rẽ, cách biệt nhau thành một nguồn mạch thống nhất. Trí tưởng tượng chắp cánh cho tâm hồn bay lên vượt khỏi những giới hạn xác định của một địa điểm và thời điểm cụ thể mà trở về với quá khứ, sống trong ước mơ với tương lai. Trí tưởng tượng là một động lực tinh thần quyết định giờ phút nhổ neo cho con thuyền tìm về những mảnh đất xa xôi và những bến bờ xa lạ, ở đấy một giấc mơ có khả năng trở thành một sự thực. Tưởng tượng cũng chính là them vào cái có thật phần nên có và sẽ có, là sự chuẩn bị tích cực cho một hành động sáng tạo và bản thân nó là một sự sáng tạo.

Nói đến thơ ca là nói đến sức tưởng tượng.  Nhà thơ Sóng Hồng đã chỉ ra đặc điểm quan trọng này của thơ “Thơ là nghệ thuật kì diệu bậc nhất của trí tưởng tượng”. Apooline đã có lí khi nhận xét: “Cái lĩnh vực phong phú, ít được biết đến nhất, cái lĩnh vực có một chiều rộng không ngờ là tưởng tượng, vì vậy không có gì lạ nếu người ta đã dành danh hiệu nhà thơ chủ yếu cho những người đi tìm những niềm vui mới rải rác trên những không gian đồ sộ của tưởng tượng”.

Chất thơ cũng gắn liền với cái đẹp. Thơ không phải chỉ nói đến cái đẹp trong cuộc sống mà nói về cuộc sống với một lí tưởng đẹp. Không phải ngẫu nhiên Etgapô cho rằng: “Cái đẹp là địa hạt hợp pháp của thơ ca”. Còn Bô-đơ-le xem thơ là “ước mong của con người vươn tới một cái cao đẹp cao thượng”. Chúng ta có thể kể thêm nhiều quan niệm khác và cách nói nhiều khi thiếu mức độ và quá đi như quan niệm của Seli: “Thơ ca biến mọi vật thành đẹp, nó làm tăng vẻ đẹp của những cài gì đẹp nhất, nó đem lại vẻ đẹpcho những cái gì xấu xí nhất”. Cái đẹp là phẩm chất và cũng là quy luật chung của sự nhận thức và sáng tạo trong nghệ thuật.

Toàn bộ những phẩm chất trên hợp thành chất thơ trong sáng tạo của nghệ thuật. Chất thơ của mỗi nhà thơ được hình thành với những đặc điểm riêng do trình độ và năng lực tinh thần, do hoàn cảnh từng cá nhân qui định. Có thể thông qua thành phần cấu tạo của chất thơ mà tìm hiểu những mặt nhất định của phong cách thơ của từng tác giả. Cái đẹp trong thơ là sự thống nhất thẩm mĩ giữa những phẩm chất của thực tại khách quan với cái đẹp trong tâm hồn người nghệ sỹ. Do đó, tuy có nhiều quan niệm khác nhau về chất thơ trong văn học nhưng có thể tổng hợp các ý kiến đó trong cách hiểu sau: “Với trí tưởng tượng phong phú và những rung động sâu xa của tâm hồn, nhà thơ phản ánh hiện thực xã hội và tâm trạng con người thông qua hệ thống những cảm nghĩ và những hình ảnh tiêu biểu cho đời sống trên cơ sở của ngôn ngữ gợi cảm chọn lọc và giàu nhịp điệu”. Chất thơ trong tác phẩm văn học tạo nên nguồn cảm hứng lãng mạn, khẳng định “cái tôi” đầy tình cảm, cảm xúc hướng tới lí tưởng. Chính cảm hứng lãng mạn đã nâng đỡ con người vượt lên hiện thực khổ đau, đen tối, gian khổ để hướng tới một tương lai tươi sáng. Cảm hứng lãng mạn trở thành cảm hứng chủ đạo không chỉ trong thơ mà còn còn trong nhiều thể loại văn học khác để người ta có thể nói tới chất thơ của nó.

Chất trữ tình (chất thơ) trong tác phẩm văn xuôi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang