tu-ay-to-huu

Dàn bài phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu.

Dàn bài phân tích bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu.

I. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả Tố Hữu và phong cách thơ của ông.

+ Là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca cách mạng, chặng đường thơ ăn nhập với chặng đường cách mạng của dân tộc.

+ Thơ ông mang đậm tính trữ tình – chính trị, là tiếng lòng của những lẽ sống lớn, tình cảm lớn và luôn đậm tính dân tộc.

– Giới thiệu khái quát về bài thơ “Từ ấy”.

+ Rút ra từ tập thơ cùng tên, tiêu biểu cho hồn thơ Tố Hữu.

+ Thể hiện niềm hạnh phúc, vui sướng của thi sĩ khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

II. Thân bài.

Khổ 1:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim

* Hai câu thơ đầu:

– Sử dụng hình ảnh ẩn dụ:

+ “Nắng hạ” là cái là thứ nắng chói chang, rực rỡ, mạnh mẽ và qua đó, tác giả muốn nhấn mạnh niềm vui sướng trào dâng trong khoảnh khắc tìm thấy lí tưởng của Đảng.

+ “Mặt trời chân lí” là cách nói ẩn dụ nhằm nhấn mạnh ánh sáng của Đảng.

– Sử dụng động từ mạnh “bừng”, “chói”.

→ Khẳng định lí tưởng cộng sản như một nguồn sáng mới làm bừng sáng cả trí tuệ và tâm hồn nhà thơ.

– Hai câu thơ còn lại:

+ Nghệ thuật so sánh

+ Sử dụng hình ảnh thơ tươi sáng

→ Niềm vui sướng, hạnh phúc khôn nguôi của tác giả khi bắt gặp lí tưởng cách mạng.

Khổ 2:

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

– Sử dụng hàng loạt các động từ thể hiện sự gắn bó, gần gũi: buộc, trang trải, gần gũi.

– Hình ảnh ẩn dụ “khối đời” nhằm chỉ một khối người đông đảo, là đại diện cho tinh thần đoàn kết dân tộc.

– Quan hệ từ “với” và điệp từ “để”.

→ Khổ thơ thể hiện nhận thức mới của tác giả về một lẽ sống mới – lẽ sống hòa cái tôi cá nhân vào trong cái ta chung của cộng đồng để tạo nên sức mạnh đoàn kết cho dân tộc.

Khổ 3:

Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ...

– Câu thơ mở đầu cấu trúc khẳng định “Tôi đã là…” cùng điệp từ “là”.

– Từ ngữ chỉ quan hệ gia đình, huyết thống: con, anh, em.

– Sử dụng từ ngữ có giá trị biểu cảm cao “kiếp phôi pha”, “cù bất cù bơ” đã cho thấy tấm lòng đồng cảm, xót thương tới những kiếp người đau khổ, bất hạnh, những con người lao động vất vả của thi sĩ.

→ Khổ thơ thứ ba đã cho thấy sự chuyển biến trong tình cảm của tác giả, đó là một tình cảm lớn, cao đẹp.

III. Kết bài:

– Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ

– Qua bài thơ, giúp chúng ta hiểu hơn về tâm hồn và đặc điểm thơ Tố Hữu.

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu


LUYỆN TẬP:

Câu 1. Nêu khái quát những hiểu biết  về cuộc đời và con người Tố Hữu?

Tố Hữu ( 1920 – 2002 ) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê quán tỉnh Thừa Thiên – Huế. Cha ông là một nhà nho nghèo rất yêu thơ. Mẹ ông thuộc rất nhiều ca dao, dân ca Huế. Gia đình, quê hương đã góp phần quan trọng trong việc hình thành và nuôi dưỡng tâm hồn thơ Tố Hữu.

Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại.

Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống, lý tưởng, tình cảm cách mạng của con người Việt Nam hiện đại nhưng mang đậm chất dân tộc, truyền thống.

Tố Hữu tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt. Năm 1942, ông vượt ngục tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1945, Tố Hữu tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Huế.

Ông từng giữ nhiều chức vụ cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tố Hữu nhận giải nhất Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1954 – 1955 ( tập thơ Việt Bắc), Giải thưởng ASEAN (1996 ), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật ( 1996 ).

Câu 2. Tóm tắt các chặng đường thơ Tố Hữu?

Chặng đường thơ của Tố Hữu cũng là những chặng đường của cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị. Tố Hữu có 7  tập thơ sau đây:

Tập thơ Từ ấy ( 1937 -1946 ) là tập thơ đầu tay sáng tác từ năm 1937 đến 1946. Đây là tiếng reo vui của một thanh niên giác ngộ lí tưởng, quyết hy sinh phấn đấu cho lí tưởng cách mạng. Tâm hồn ấy đã vượt qua máu lửa, xiềng xích để đi đến ngày giải phóng cùng với đất nước.

Tập thơ Việt Bắc ( 1946 – 1954 ) được sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tập trung thể hiện hình ảnh nhân dân, bộ đội, và căn cứ kháng chiến Việt Bắc. Tố Hữu ca ngợi những con người bình thường, người phụ nữ, anh vệ quốc đã làm những việc phi thường bảo vệ Tổ quốc.

Tập thơ Gió lộng ( 1955 – 1961)  viết khi miền Bắc được giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là thời kỳ tràn đầy sức sống và niềm vui: tập làm chủ, tập làm người xây dựng, dám vươn mình cai quản cả thiên nhiên. Đồng thời nhân dân cả nước tiếp tục đấu tranh thống nhất đất nước.  Tập thơ phơi phới tinh thần lãng mạn cách mạng.

Tập thơ Ra trận ( 1962 – 1971 ) Máu và hoa ( 1972 – 1977 ) Tố Hữu sáng tác trong thời kỳ cả nước kháng chiến chống Mỹ. Hai tập thơ ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi chiến thắng của nhân dân ta, bất chấp những hy sinh tổn thất mà chiến tranh gây ra.

Tập thơ Một tiếng đờn ( 1992 ) và Tập thơ Ta với ta ( 1999 ) viết khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhà thơ thể hiện những suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc sống, về lẽ đời. Giọng thơ thấm đượm chất suy tư.

⇒ Những tập thơ của Tố Hữu thường gắn chặt theo sát những mốc quan trọng của cách mạng Việt Nam. Nhìn vào chặng đường CM có thể thấy rất rõ chặng đường thơ Tố Hữu luôn đi song hành. Với Tố Hữu, thơ và CM là một. Tố Hữu sáng tác thơ ca để phục vụ CM và chính CM cũng làm cho thơ Tố Hữu không ngừng phát triển. Tố Hữu rất xứng đáng với danh hiệu “Con chim sơn ca của CM”.

Câu 3. Nêu đặc điểm phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu?

Tố Hữu là nhà thơ cộng sản, nhà thơ cách mạng. Thơ ông tiêu biểu cho dòng thơ trữ tình- chính trị. ( thơ phục vụ sự nghiệp cách mạng, nhiệm vụ chính trị của đất nước. Chính trị là nguồn cảm hứng, cảm xúc chân thật sâu lắng trong thơ ông).

Thơ Tố Hữu luôn gắn liền và tìm đến với những biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng nên mang đậm chất sử thidạt dào cảm hứng lãng mạn. ( thơ ông hướng tới tương lai với niềm tin vô bờ, cuộc đời cũ sẽ tan đi, tin vào tương lai cách mạng, tin con người sống thật tốt đẹp, Người yêu người sống để yêu nhau. )

Thơ Tố Hữu có chất giọng tâm tình, ngọt ngào, truyền cảm và đầy sức hấp dẫn.    ( thể hiện qua cách hô gọi, sự xót xa thương cảm, trìu mến say mê, qua thể thơ lục bát đi vào tâm hồn dân tộc…).

Thơ Tố Hữu mang đậm tính dân tộc.  ( nội dung thể hiện theo truyền thống đạo lý của cha ông, nghệ thuật dùng thể thơ truyền thống, vận dụng tục ngữ, ca dao, thành ngữ, dân tộc trong cách cảm, cách thể hiện..)

Câu 4. Cho biết biểu hiện tính dân tộc trong thơ Tố Hữu?

Tính dân tộc trong thơ Tố Hữu thể hiện cả trong nội dung và hình thức:

Về nội dung:

  • Hiện thực cách mạng được nhà thơ nhìn và phản ánh theo truyền thống đạo lí và tình cảm của cha ông.
  • Tình thương của người cộng sản gắn liền với tinh thần lá lành đùm lá rách, truyền thống thương người như thể thương thân.

Về hình thức:

  • Tố Hữu sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ dân tộc như lục bát, song thất lục bát, thơ bảy chữ nên dễ đi vào lòng người.
  • Các biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, sử dụng chất liệu ca dao, tục ngữ, thành ngữ…hình thành tính dân tộc đậm nét trong thơ ông.
  • Nhạc điệu du dương, lời thơ tâm tình, ngọt ngào, nên thơ Tố Hữu dễ ngâm, dễ hát đó cũng là nét truyền thống dân tộc.

Câu 5. Trình bày cách hiểu của anh/chị về nhận định của Xuân Diệu: “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đổi trữ tình”.

Nhận định của Xuân Diệu nhấn mạnh đến đặc điểm trữ tình – chính trị của thơ Tố Hữu. Tố Hữu dùng sáng tác để phục vụ nhiệm vụ cách mạng, trực tiếp đề cập đến vấn đề chính trị nhưng vẫn đậm chất trữ tình chứ không phải là chính trị khô khan. Chính trị trở thành nguồn cảm hứng, nguồn xúc cảm chân thật, sâu lắng. Được nhà thơ diễn đạt bằng ngôn ngữ biểu hiện tình cảm thân mật: anh em, vợ chồng, bè bạn…

Những bài thơ của Tố Hữu giàu nhạc điệu du dương, thấm đẫm tình cảm, đi sâu vào lòng người và cổ vũ, động viên họ hoàn thành nhiệm vụ của cách mạng.


Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của nhân vật trữ tình được thể hiện trong đoạn thơ dưới đây. Từ tâm trạng đó, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về lẽ sống của tuổi trẻ ngày nay?

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh với đời.”

(Trích “Từ ấy”– Tố Hữu – Theo Sách Ngữ văn 11- tập hai – NXB Giáo dục, 2018).

I. Mở bài: Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm:

– Tác giả: Tố Hữu (1920- 2002), tên thật là Nguyễn Kim Thành. Sự nghiệp thơ ca luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng.

– Tác phẩm: Bài thơ “Từ ấy” thuộc phần “Máu lửa” của tập “Từ ấy”(1938).  Năm 1938, Tố Hữu viết “Từ ấy” -> kỉ niệm đáng nhớ: ngày được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

II.Thân bài:

* Cảm nhận đoạn thơ:

Khổ 1: Niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng của Đảng:

“Từ ấy”: Thời gian có ý nghĩa quan trọng: được giác ngộ vào Đảng.

+ Ẩn dụ “nắng hạ”: là thứ nắng chói chang, rực rỡ, mạnh mẽ  → tượng trưng cho lí tưởng của Đảng → niềm vui sướng của nhà thơ được đón nhận lí tưởng cộng sản.

+ Ẩn dụ “Mặt trời chân lí”: Mặt trời thiên nhiên đem lại cho nhân gian ánh sáng, hơi ấm và sự sống cho muôn loài. Chân lí của Đảng, của Cách mạng: nguồn sáng kì diệu mở ra trong tâm hồn nhà thơ chân trời mới về tư tưởng, nhận thức, tình cảm.

– Sử dụng các động từ mạnh:

+ “Bừng” : Ánh sáng phát ra đột ngột.

+ “Chói”: Ánh sáng có sức xuyên mạnh.

→ Khẳng định lí tưởng cộng sản như một nguồn sáng mới làm bừng sáng cả trí tuệ và tâm hồn nhà thơ.

“Hồn tôi” – “vườn hoa lá”: so sánh

– “Đậm hương” – “rộn tiếng chim” → Tâm hồn: căng tràn nhựa sống như một vườn cây lá xanh tươi, toả hương
ngào ngạt và ríu rít tiếng chim kêu. Niềm vui sướng, say mê của nhà thơ trong buổi đầu đến với lí tưởng cộng
sản.

Khổ 2: Những nhận thức mới về lẽ sống.

– Lẽ sống mới được thể hiện qua những từ ngữ:

– “Tôi” – “mọi người” : Cái tôi với cái ta

+ “Buộc” : buộc chặt, gắn bó với mọi người → Tự nguyện, muốn sống chan hòa với mọi người. → Thoát khỏi giới hạn của “cái tôi” cá nhân để hướng vào “cái ta”.

+ “Trang trải”: sự trải rộng tâm hồn ra với đời

+ “Trăm nơi” (Hoán dụ): chỉ mọi người sống ở khắp nơi.

– Điệp từ “để”, “với” →  nhịp thơ dồn dập, thôi thúc, hăm hở.

“Hồn tôi” – “hồn khổ” → tình cảm giai cấp → quan tâm đặc biệt đến quần chúng lao khổ.

+ “Khối đời” (Ẩn dụ): chỉ một khối người đông đảo, cùng chung lí tưởng → Sức mạnh của tập thể nhân dân.

→ Lẽ sống mới là “cái tôi” hòa vào “cái ta”, mối quan hệ hài hòa giữa riêng – chung, cá nhân – cộng đồng.

* Suy nghĩ của bản thân về lí tưởng sống của tuổi trẻ ngày nay:

– Lý tưởng sống là mục đích tốt đẹp mà mổi con người muốn hướng tới, là lí do, mục đích mà mỗi con người mong đạt được. Người có lý tưởng sống cao đẹp là người luôn suy nghĩ và hành động để hoàn thiện mình hơn, giúp ích cho mình, gia đình xã hội và đất nước.

– Thanh niên cần hướng tới lẽ sống đẹp: sống có lí tưởng, sống có bản lĩnh vững vàng, có đạo đức trong sáng, có mục đích rõ ràng…

– Thời đại hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội và không ít thách thức, việc xác định lí tưởng sống của thanh niên là rất cần thiết. Lí tưởng sống giúp thanh niên xác định hướng đi cho đời mình, có bản lĩnh vững vàng, có ý thức học tập phấn đấu vươn lên.

– Phê phán lối sống buông xuôi, thiếu ý chí, không định hướng tương lai,lối sông ảo…

– Lí tưởng phải phù hợp thời đại, thiết thực, phù hợp năng lực bản thân….

III. Kết bài:

– Đánh giá chung về vấn đề.

Bàn về sống đẹp: Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn? (Tố Hữu)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang