Đọc hiểu chủ đề lòng dũng cảm
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Con đã được học và nghe giảng rất nhiều về lòng dũng cảm. Nhưng những gì mà con đã được thấy ở sâu thẳm cuộc sống xung quanh đã chép lại trong con một định nghĩa rất mới về lòng dũng cảm, không cô đọng nhưng đầy ý nghĩa.
Là bố, người đã nén nỗi đau quặn thắt vì căn bệnh ung thư mà mỗi tối vẫn đặt tay lên vai con, nói với con về cuộc đời, về đôi vai con sẽ là chỗ dựa vững chắc nhất cho mẹ và chị. Những phút giây bố giành giật sự sống của mình để nhìn con lớn lên từng ngày, con không bao giờ quên. Bố đã gửi lòng dũng cảm của mình trên đôi vai con, để con luôn đứng vừng và mạnh mẽ tiến về phía trước…
Là mẹ, người đã vất vả, tất bật vì công việc mà nuôi hai chị em con ăn học. Suốt mười mấy năm, quần quật từ lúc giọt sương chưa tan đến tận khi mặt trời co rúm ró phía đằng Tây, nhưng chưa buổi tối nào, mẹ bỏ con ngồi học một mình. Hình phạt “nặng nề” trong buổi học của con là những lần thước vào tay. Mẹ đã gửi lòng dũng cảm và niềm tin của mình trong bàn tay con, để những lần con nhìn thấy đường chỉ trên bàn tay và lại nghĩ về những vết chân chim nứt nẻ trên ruộng đồng mỗi mùa hạn hán…
Là chị, người đã cố gắng hết mình nhưng vẫn bị “trì hoãn thành công” sau kì thi Đại học. Nhưng suốt một năm sau đó, chị đã miệt mài hằng đêm với những quyển sách dày cộm, chỉ với một quyết tâm: “phải học cho mẹ đỡ khổ”. Ngày cầm trên tay tờ giấy báo trúng tuyển, chị đã bật khóc lên vì sung sướng trong vòng tay mẹ. Những giọt nước mắt của chị cho con biết rằng thành công phải đổi bằng mặn chát của nước mắt và lòng dũng cảm của mình…
Hai mươi tuổi, con đã bước đi bằng hành trang vô giá là lòng dũng cảm. Bàn chân nhiều lúc tập tễnh ngã dúi dụi về phía trước, nhưng chưa một lần có ý định dừng lại… “Nhặt kiếm lên và đi vào rừng thẳm”, đó là cách duy nhất để con đã đang và sẽ vững bước trên chặng đường dài phía trước. Con đã đi, bước ra cuộc đời như thế!
(Nguyễn Thái Anh, Dũng cảm bước đi, bài dự thi báo Văn hóa và Thể thao ngày 14/5/2009)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2. Theo anh/chị vì sao người viết cho rằng: “Bố đã gửi lòng dũng cảm của mình trên đôi vai con, để con luôn đứng vừng và mạnh mẽ tiến về phía trước…”
Câu 3. “Nhưng những gì mà con đã được thấy ở sâu thẳm cuộc sống xung quanh đã chép lại trong con một định nghĩa rất mới về lòng dũng cảm”. Theo anh/chị người viết đã–” như thế nào?
Câu 4: Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất với anh/chị?
* Gợi ý trả lời:
Câu 1: Phương thức biểu đạt: Nghị luận
Câu 2: Người viết nói như vậy vì:
– Người bố đã dũng cảm chống chọi với căn bệnh ung thư nguy hiểm để giảnh giật sự sống cho mình.
– Chính người bố là tấm gương sáng truyền cho con lòng dũng cảm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách làm chỗ dựa cho người thân trong gia đình và luôn đứng vững trong cuộc đời.
Câu 3: “định nghĩa rất mới về lòng dũng cảm”:
– Là sự mạnh mẽ nén nỗi đau của ban thân, đối mặt với khó khăn, thử thách, để vượt lên số phận, sống có ý nghĩa.
– Là sự nhẫn nại, hi sinh, gánh lấy nỗi vất vả khó nhọc để đem lại niềm vui và cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
– Là sự chăm chỉ, nỗ lực không ngừng, để vượt qua thất bại, gặt hái được thành công.
Câu 4: Thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích:
HS đọc và nhận ra những thông điệp hàm ẩn trong văn bản. Trình bày suy nghĩ cá nhân, nêu rõ vì sao thông điệp đó có ý nghĩa nhất. Có thể lựa chọn thông điệp về sự nỗ lực vươn lên thử thách/ hoặc về sự nhẫn nại, đức hi sinh, lòng biết ơn…