Đọc hiểu theo chủ đề: Tình mẹ (Ngữ liệu Góc sân và khoảng trời (Trần Đăng Khoa; Ru hoa (Ngô Văn Phú)

doc-hieu-theo-chu-de-tinh-me

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm):

ĐỀ 1:

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi

Sáng nay trời đổ mưa rào
Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương
Cả đời đi gió đi sương
Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi.

Mẹ vui, con có quản gì
Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca
Rồi con diễn kịch giữa nhà
Một mình con sắm cả ba vai chèo
Vì con mẹ khổ đủ điều
Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn
Cầu mong con khỏe dần dần
Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say

Rồi ra đọc sách, cấy cày
Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…

(Trần Đăng Khoa, Góc sân và khoảng trời)

Câu 1. (1,0 điểm): Đoạn trích là lời của ai. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. (1,0 điểm): Hình ảnh “gió, sương” trong câu thơ “Cả đời đi gió, đi sương” diễn tả ý nghĩa gì?

Câu 3. (1,0 điểm): Hai câu thơ cuối của đoạn trích sử dụng biện pháp tu từ gì?

Câu 4. (1,0 điểm): Nêu nội dung chính của đoạn trích.

Câu 5 (2,0 điểm): Từ nội dung phần đọc hiểu, viết đoạn văn khoảng 150 chữ trình bày suy nghĩ của em về tình mẫu tử trong cuộc đời của mỗi con người.


ĐỀ 2:

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi bên dưới

Ru hoa, mẹ hát theo mùa
Cái hoa khép mở tựa hồ mắt con
Mẹ quen chân lấm tay bùn
Lấy đâu hoa quế, hoa hồng mà ru.
Dẫu yêu hoa mận, hoa mơ,
Cái liềm kéo áo, cái bừa níu chân.
Ba cữ rét mấy tuần xuân
Mẹ đem hoa lúa kết thành lời ru.
Sen mùa hạ, cúc mùa thu
Hoa đồng cỏ nội, bốn mùa gọi con.

(Ngô Văn Phú, Trích Ru hoa)

Câu 1 (1,0 điểm): Xác định thể thơ của đoạn thơ trên.

Câu 2(1,0 điểm): Hãy chỉ ra những từ ngữ gợi lên hình ảnh tảo tần, vất vả sớm hôm của người mẹ có trong đoạn thơ trên.

Câu 3(2,0 điểm): Chỉ ra biện pháp tu từ chính và phân tích tác dụng biện pháp tu từ đó trong câu thơ:

Dẫu yêu hoa mận, hoa mơ,
Cái liềm kéo áo, cái bừa níu chân.

Câu 4(2,0 điểm): Nội dung của đoạn thơ trên là gì ?

Gợi ý trả lời:

Câu 1. Thể thơ: lục bát.

Câu 2. Những từ ngữ đó là: chân lấm, tay bùn, …

Câu 3. Biện phá tu từ chính: ẩn dụ

– Tác dụng:gợi lên hình ảnh người mẹ cực khổ, vất vả ngày đêm với công việc ngoài đồng ruộng.

Câu 4. Nội dung: nói lên không có gì có thể sánh bằng công lao của người mẹ dành cho con và không ngại gian khổ, cực nhọc để con có một cuộc sống hạnh phúc.


ĐỀ 3:

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Ca dao và mẹ

Mẹ ru khúc hát ngày xưa
Qua bao nắng sớm chiều mưa vẫn còn
Chân trần mẹ lội đầu non
Che giông giữ tiếng cười giòn cho ai…
Vì ai chân mẹ dẫm gai
Vì ai tất tả vì ai dãi dầu
Vì ai áo mẹ phai màu
Vì ai thao thức bạc đầu vì ai?
Lớn từ dạo đó ta đi
Chân mây góc biển mấy khi quay về
Mẹ ngồi lặng cuối bờ đê
Đếm năm tháng đếm ngày về của ta
Mai vàng mấy lượt trổ hoa
Hàng hiên hanh nắng sương sa mấy lần
Đồng xa rồi lại đồng gần
Thương con mẹ lội đồng gần đồng xa
“Ầu ơ…” tiếng vọng xé tim
Lời ru xưa bỗng về tìm cơn mơ
Đâu rồi cái tuổi ngây thơ
Mẹ ta nay đã mịt mờ chân mây
Chiều đông giăng kín heo may
Tìm đâu cho thấy tháng ngày ầu ơ…

(Đỗ Trung Quân, Ca dao và mẹ)

Câu 1. (1,0 điểm) Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

Câu 2. (2,0 điểm) Chỉ ra hai biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ in đậm và nêu tác dụng của hai biện pháp tu từ đó.

Câu 3. (1,0 điểm) Vì sao cả khi mở đầu và kết thúc bài thơ, tác giả đều nhắc tới lời ru của mẹ?

Câu 4. (2,0 điểm) Dòng hồi tưởng về mẹ đã được nhà thơ tái hiện trong những khoảng thời gian nào? Trong đó, hình ảnh nào gây ấn tượng cho em sâu sắc nhất? vì sao?


ĐỀ 4:

ĐỌC HIỂU (điểm):

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

(…) Con gặp trong lời mẹ hát
Cánh cò trắng, dải đồng xanh
Con yêu màu vàng hoa mướp
“ Con gà cục tác lá chanh”.

(…)

Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao.
Mẹ ơi trong lời mẹ hát Có cả cuộc đời hiện ra
Lời ru chắp con đôi cánh Lớn rồi con sẽ bay xa.

(Trương Nam Hương, trích “ Trong lời mẹ hát”)

Câu 1. (1,0 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ trên.

Câu 2. (1,0 điểm): Nêu nội dung của đoạn thơ.

Câu 3. (2,0 điểm): Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ trong khổ thơ

Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao.

Câu 4. (2,0 điểm): Câu thơ/ khổ thơ nào gợi cho em ấn tượng sâu sắc nhất? (trình bày trong đoạn văn ngắn từ 5 – 7 dòng) .

Gợi ý trả lời:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.

Câu 2:

– Nội dung chính: cảm xúc về lời ru của mẹ, nỗi xót xa và biết ơn của người con trước sự hi sinh thầm lặng của mẹ.

Câu 3:

– Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ:

+ Nhân hóa: thời gian chạy qua tóc mẹ

+ Tương phản: Lưng mẹ còng xuống >< con thêm cao

– Hiệu quả: nhấn mạnh thời gian trôi qua nhanh kéo theo sự già nua của mẹ. Qua đó thể hiện tình yêu thương, biết ơn của con đối với mẹ.

Câu 4:

– HS có thể chọn câu thơ hoặc đoạn thơ bất kì để cảm nhận: ấn tượng về lời ru của mẹ, về công lao của mẹ, về sự biết ơn đối với mẹ…


ĐỀ 5:

ĐỌC HIỂU (6 điểm):

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:

GÁNH MẸ

Cho con gánh mẹ một lần,
Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con.
Cho con gánh mẹ đầu non,
Cả lòng mẹ đã gánh con biển trời…
Ngày xưa mẹ gánh à ơi!
Con xin gánh lại những lời mẹ ru.
Đường đời sương gió mịt mù,
Vì con hạnh phúc chẳng từ gian nan…
Để con gánh mẹ đừng can,
Sợ khi mẹ mất muộn màng gánh ai?
Cho con gánh cả tháng dài,
Gánh qua năm ròng những ngày đắng cay.
Cho con… gánh cả đôi vai,
Thân cò lặn lội sớm mai vai gầy.
Mẹ già lá sắp xa cây
Lỡ đâu lá rụng tội này gánh sao?
Mẹ ơi sóng biển dạt dào,
Con sao gánh hết công lao một đời.
Bông hồng cài áo đúng nơi,
Đâu bằng bông hiếu giữa trời bao la.
Cho con gánh lại mẹ già,
Để sau người gánh chính là con con…

(Quách Beem, Gánh mẹ)

Câu 1. (1,0 điểm) Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?

Câu 2. (1,0 điểm) Em hiểu nghĩa của từ “gánh” trong đoạn trích là gì?

Câu 3. (2,0 điểm) Tìm, gọi tên và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ có trong đoạn trích.

Câu 4. (2,0 điểm) Thông điệp mà đoạn trích trên gửi đến chúng ta là gì?

Gợi ý trả lời:

Câu 1:

– Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

Câu 2:

– Nghĩa gốc: “Gánh” là mang một vật nặng bằng cách mắc vào hai đầu một cái đòn đặt lên vai

– Trong đoạn trích này từ “gánh” được hiểu theo nghĩa chuyển: đó là sự lam lũ, tảo tần của người mẹ trong hành trình mưu sinh, nuôi con khôn lớn. Đó còn là thái độ của người con muốn đền đáp, báo hiếu công ơn của mẹ,…

Câu 3:

– Các biện pháp tu từ:

+ Điệp ngữ: Cho con gánh mẹ

+ Hoán dụ: Gánh mẹ đầu non, gánh à ơi, gánh tháng dài, gánh đôi vai…

+ Ẩn dụ: biển trời, lời ru, thân cò lặn lội, bông hồng, bông hiếu

– Tác dụng: bằng sự lặp đi lặp lại các câu từ như muốn khẳng định tấm lòng hiếu thảo của con dành cho mẹ yêu của mình. Các hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ gần gũi, giàu sức biểu cảm thể hiện được công ơn trời biển của mẹ dành cho con.

Câu 4:

HS có thể rút ra các thông điệp ý nghĩa sau:

– Sự thấu hiểu ơn nghĩa sinh thành của người mẹ và trân trọng mẹ mình.

– Mỗi người trong chúng ta hãy đáp đền công ơn sinh thành của mẹ ngay từ bây giờ.

→ Sau đó lí giải thông điệp theo hiểu biết của cá nhân nhưng không vi phạm chuẩn mực đạo đức. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.