»» Nội dung bài viết:
Nghị luận: “Đừng tìm mọi cách để hưởng thụ mà hãy tìm mọi cách để cống hiến”
- Mở bài:
Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn. Sống cống hiến và hưởng thụ, nhiều người vẫn còn đang lưỡng lự lựa chọn lối sống cho mình. Lựa chọn lối sống nào để khẳng định thực sự là một điều khó khăn. Nhất là các bạn trẻ ngày nay.
- Thân bài:
Hưởng thụ là gì?
Hưởng thụ là thừa hưởng, thu nhận, sử dụng những thành quả vật chất và tinh thần mà bản thân hoặc gia đình, xã hội, nhân loại đem lại. Tìm mọi cách để hưởng thụ là cố gắng tìm các cách có thể để thừa hưởng những điều kiện sống mà cuộc đời có khả năng đem lại.
Cống hiến là gì?
Cống hiến là nỗ lực lao động, đem sức lực và trí tuệ của bản thân tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần phục vụ cộng đồng, góp phần làm cho đời sống ngày càng tốt đẹp hơn. Tìm mọi cách để cống hiến là hành động nỗ lực không ngừng để góp sức mình vào sự phát triển liên tục của xã hội.
Câu nói nhắc nhở mỗi chúng ta đừng chỉ nghĩ đến việc tìm mọi cách để thụ hưởng thành quả lao động của người khác mà nên tìm mọi cách đóng góp sức mình cho sự phát triển chung xã hội. Ý của câu nói nghiêng về thái độ phê phán cách sống chỉ nghĩ đến thụ hưởng đồng thời đề cao lối sống có nhiều sự cống hiến.
Vì sao “đừng tìm mọi cách để hưởng thụ mà hãy tìm mọi cách để cống hiến”?
Hưởng thụ và cống hiến là hai mặt quyền lợi và trách nhiệm ràng buộc lẫn nhau mà mỗi người khi sống trong cộng động cần phải có. Gia nhập đời sống xã hội và nhân loại, mỗi người vừa có quyền, có cơ hội được thừa hưởng, tiêu dùng những thành quả mà các thế hệ đi trước tạo ra nhưng cũng phải có nghĩa vụ đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của xã hội.
Nếu chỉ tìm mọi cách để hưởng thụ, con người sẽ nghĩ đến hưởng lạc, lạc thú mà quên nghĩa vụ đóng góp, dựng xây của mình đối với cộng đồng. Nếu cứ như vậy, dần dần anh sẽ trở thành kẻ lười lao động, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, từ đó hình thành thói ỷ lại, dựa dẫm, vô trách nhiệm với gia đình, xã hội. Tìm mọi cách để hưởng thụ là biểu hiện của lối sống gấp, sống như thể ngày mai sẽ chết, bất chấp những gì diễn ra xung quanh.
Trong khi đó, tìm mọi cách để cống hiến là hành động nỗ lực không ngừng để góp sức mình vào sự phát triển liên tục của xã hội. Cống hiến càng tốt, càng nhiều thì xã hội càng nhanh tiến bộ, văn minh và bản thân mỗi người càng có cơ hội nhiều hơn để hưởng thụ và nâng cao chất lượng của sự thụ hưởng.
Tìm mọi cách để cống hiến là lý tưởng đẹp đẽ, hành động cao cả đáng được ngợi ca, góp phần nâng cao giá trị của mỗi cá nhân trong đời sống. Tìm mọi cách để cống hiến là một trong những cách để mỗi chúng ta sống có ích hơn, có ý nghĩa hơn và để được xã hội tôn vinh. Đặc biệt, những cống hiến vĩ đại cho loài người sẽ mãi mãi được lịch sử ghi nhận và bảo lưu.
Hưởng thụ là nhu cầu, quyền sống của mọi người. Con người có cống hiến và cũng có quyền được hưởng thụ với nhiều cách thức khác nhau, ở nhiều dạng thức không giống nhau, tùy theo nhu cầu, sở thích, khả năng, điều kiện của bản thân. Không biết hưởng thụ cũng là một biểu hiện kém văn minh trong xã hội hiện nay. Biết hưởng thụ là một trong những cách để giảm stress, giảm những áp lực trong cuộc sống. Hưởng thụ sẽ giúp cho chúng ta tái sản xuất sức lao động, từ đó có thể cống hiến được nhiều hơn và tốt hơn cho cộng đồng.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng cái quyền sống đó để cho phép mình lãng quên hoặc tiết giảm những nghĩa vụ, trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Mỗi người cần phải cân đối hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ. Thậm chí, trong những hoàn cảnh nào đó của đời sống, cần biết hi sinh hoặc chấp nhận những thiệt thòi về bản thân để toàn tâm, toàn trí cho việc cống hiến.
Trong thực tế, mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ ở mỗi người có nhiều biểu hiện khác nhau. Có người chỉ muốn hưởng thụ mà không muốn cống hiến hay khá hơn một chút là thích cống hiến ít nhưng hưởng thụ phải thật nhiều. Có người yêu cầu hưởng thụ phải cân bằng với cống hiến nên trước khi cống hiến thường đặt ra điều kiện thụ hưởng, nếu không sẽ không làm. Có người nghĩ đến cống hiến nhiều hơn hưởng thụ, trước khi hưởng thụ.
Loại thứ nhất là biểu hiện của tư tưởng cá nhân chủ nghĩa cực đoan, lười biếng, làm trì trệ xã hội, rất đáng phê phán. Loại thứ hai dễ được chấp nhận hơn song thiên về lối sống vật chất, ảnh hưởng từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, “tiền trao cháo múc”, vì thế cũng không được đề cao. Kiểu suy nghĩ và hành động thứ ba là biểu hiện của lối sống đẹp, có lý tưởng, hoài bão cao cả, rất đáng khuyến khích, nhất là ở tuổi trẻ.
Dù vậy, trong quá trình xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, các nhà quản lý, điều hành đất nước cũng cần phải xây dựng cơ chế, chính sách để đảm bảo công bằng xã hội và khuyến khích con người nhiệt tình cống hiến.
Bài học nhận thức: Cần phải xác định rõ tư tưởng : hãy nghĩ đến cống hiến nhiều hơn là hưởng thụ. Có tích cực cống hiến thì mới có điều kiện để nâng cao chất lượng hưởng thụ và giá trị bản thân. Thanh niên, học sinh cần học tập, tu dưỡng thật tốt, tích cực chuẩn bị cho việc cống hiến sau này. “Đừng hỏi Tổ quốc… hôm nay”.
- Kết bài:
Thước đo của cuộc đời không phải là thời gian tồn tại mà là giá trị bạn đã cống hiến cho cuộc đời này. “Đừng tìm mọi cách để hưởng thụ mà hãy tìm mọi cách để cống hiến”. Con người hạnh phúc nhất và thành công nhất khi cống hiến vì một mục đích nằm ngoài sự thỏa mãn ích kỷ cá nhân. Đó mới là hạnh phúc đích thực mà mỗi chúng ta nên kiếm tìm.