Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và vẻ đẹp thấm mĩ trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.
“Hai đứa trẻ” là câu chuyện về một ngày thường như bao ngày tháng khác ở một phố huyện. Nhà văn chọn bối cảnh là một ngày chợ phiên. Và thời điểm bắt đầu truyện là cảnh chợ chiều vừa tàn. Các tình tiết được kể tự nhiên theo chiều thời gian tuyến tính. Liên và An dọn hàng và bắt đầu ngồi chờ đợi chuyến tàu đêm. Cuộc sống của chị em Liên và những người dân nơi phố huyện như vợ chồng bác xẩm, mẹ con chị Tí, bác phở Siêu đều chẳng có gì đặc biệt. Tất cả đều bàng bạc, lặng lẽ và lầm lụi. Chuyện chợ tàn, chuyện chờ đợi chuyến tàu đêm đi qua với một chút hi vọng được nhìn thấy trong một khoảnh khắc rất ngắn thứ ánh sáng sang trọng trên những toa tàu, hồi ức về những ngày sống sung sướng ở Hà Nội của hai đứa trẻ và những suy nghĩ của cô bé Liên là tất cả tình tiết cơ bản của câu chuyện. Một câu chuyên dung dị, đời thường, không tô vẽ và một lối kể chuyện như tâm tình thủ thỉ với chính mình là những nét riêng trong nghệ thuật kể chuyện của Thạch Lam ở Hai đứa trẻ.
Trong “Hai đứa trẻ”, nhà văn đặc biệt chú ý đến miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật. Chính vì thế mới gọi Hai đứa trẻ là loại truyện ngắn trữ tình. Nhà văn chú ý miêu tả tâm trạng của cô bé Liên. Cảnh vật cũng được nhìn bằng ánh mắt của Liên. Là nhân vật trung tâm của truyện, những hành động của Liên không được chú tâm miêu tả. Câu chuyện như một dòng tâm trạng của nhân vật, từ khi chứng kiến cảnh chiều xuống đến khi chuyên tàu đêm đi qua.
Có thể nói nhân vật Liên thuộc loại nhân vật trữ tình trong văn xuôi. Qua những cảm nhận của Liên về cảnh vật và cuộc sống xung quanh, nhà văn thể hiện một nỗi buồn thấm thìa và sâu sắc về số phận con người. Nỗi buồn của cô bé Liên cứ tăng tiến dần theo sự muộn dần của đêm. Khi chợ tàn và khi nhìn cảnh chiều đến, một buổi chiếu êm như ru của phố huyện, lòng Liên man mác buồn mà không rõ nguyên nhân. Khi bóng đêm bao trùm phố huyện, “một đêm mùa hạ êm như nhung”, lại càng đáng sợ hơn. Cuộc sống quá buồn tẻ. Chẳng hứa hẹn một điều gì thay đổi cả. Nỗi buồn của Liên không trực tiếp thể hiện qua ngôn ngữ mà thể hiện ở ánh mắt: “trong mắt chị bóng tối ngập đầy dần”, qua tâm trạng chờ đợi chuyến tàu đêm.
Cuộc sống nơi phố huyện nghèo ấy vô cùng đơn điệu, ngày hôm sau là sự lặp lại y nguyên ngày hôm trước: chị Tí lại dọn hàng nước dù chẳng hi vọng gì nhiều, vợ chồng bác xẩm xuất hiện với chiếc đàn bầu ảo não, người nhà thầy thừa đi gọi người đánh tổ tôm… Kể cả buổi chợ đúng phiên cũng tiêu điều xơ xác, hàng họ bán chẳng được là bao. Cuộc sống tối tăm và ngột ngạt, đơn điệu và buồn tẻ. Sống trong cảnh bế tắc ấy, những người như chị em Liên đã tìm được một cứu cánh tinh thần. Họ đã hàng đêm miệt mài ngồi chờ đợi chuyến tàu đi qua với chút hi vọng vô cùng mong manh. Liên và An háo hức chờ đợi chuyến tàu để được gặp lại chút ánh sáng của những ngày còn được sống sung túc. Những người bán hàng chờ đợi khách xuống tàu dù họ vẫn biết chẳng mấy khi có khách xuống ở cái ga xép này. Họ đều chờ đợi và khi chuyên tàu đi qua là một ngày đã khép lại.
Chuyến tàu là nơi gửi gắm niềm hi vọng hàng đêm của họ và nó mang đến phố huyện một luồng ánh sáng mới dù chỉ trong chốc lát để họ có thể thoát ra khỏi sự yên ả đến ghê sợ của đêm. Đó là thời điểm vui nhất của chị em Liên bởi chuyên tàu là thứ ánh sáng tinh thần duy nhất để chị hồi ức lại những ngày đã qua. Chuyến tàu mang đến chút sôi động trong chốc lát nhưng cũng lại làm tăng lên cái ảm đạm và tĩnh mịch của đêm phố huyện.
Qua diễn biến nội tâm của nhân vật, nhà văn đã thể hiện thật sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của những con người nhỏ bé. Những kiếp người vô danh nơi phố huyện nhỏ ấy rất dễ bị xã hội lãng quên. Tâm trạng .của Liên cũng là tâm trạng chung của bao người đang phải sống trong bế tắc của những thân phận nhỏ bé, nghèo hèn. Nhà văn đã thể hiện một niềm cảm thông sâu sắc và tình thương yêu đối với những người không may mắn ấy.
Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và vẻ đẹp thấm mĩ của tác phấm còn được thể hiện ở nghệ thuật lựa chọn và sáng tạo chi tiết của tác giả. Chọn những chi tiết có sức gợi tả cùng với thủ pháp nghệ thuật đối lập, tương phản, nhà văn đã khắc hoạ thành công cảnh nghèo và cảnh sống buồn tẻ, bế tắc của người dân nơi phố huyện nghèo thời kì trước Cách mạng.
Miêu tả sự nghèo nàn, tàn tạ, tác giả không tả nhà cửa, cửa hàng hay cảnh làm ăn, sinh hoạt mà chọn tả cảnh chợ tàn với hình ảnh “mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre, hay bất cứ cái gì có thể dùng được của người bán hàng để lại. Nhưng chắc rằng chúng khó kiếm được gì bởi những thứ còn bỏ lại ở chợ chứng tỏ đây là miền quê chẳng giàu có gì. Cảnh chợ tàn bao giờ cũng gợi buồn và càng tàn tạ hơn với cảnh một phiên chợ chiều nghèo khó.
Chỉ với những chi tiết nhỏ vậy thôi, cách tả của Thạch Lam làm cho người ta thấy buồn thấm thía. Khi miêu tả sự nghèo đói, Ngô Tất Tố để chị Dậu phải bán chó, bán con thậm chí có nguy cơ phải bán mình; Nguyễn Công Hoan để vợ chồng anh Pha phải rơi vào bước đường cùng; Nam Cao để Chí Phèo, để nhà văn Hộ phải đánh mất cả nhân cách của mình. Sự đói khổ huỷ hoại cả thể xác và linh hồn con người. Thạch Lam thì khác. Nhẹ nhàng nhưng thấm thìa, nhà văn trữ tình này để cho cuộc sống tự nó bộc lộ và bản chất xã hội tự nó thể hiện mình mà vẫn phản ánh được bộ mặt thật của hiện thực. Cái độc đáo trong lựa chọn chi tiết của Thạch Lam là như vậy. Chỉ bằng chi tiết mà tái hiện được cả bộ mặt hiện thực.
Nghệ thuật lựa chọn chi tiết còn được thể hiện khi miêu tả cảnh đêm với sự đối lập gay gắt giữa ánh sáng và bóng tối. Nhà văn đã dùng ánh sáng để miêu tả bóng tối. Ánh sáng ngọn đèn dầu ở hàng nước chị Tí, ở gánh phở của bác phở Siêu làm nổi bật sự mênh mông của đêm tối ở làng quê. Nghệ thuật tương phản làm người đọc cảm nhận rõ hơn sự mênh mông của đêm tối. Còn ánh sáng đoàn tàu vụt qua trong thoáng chốc với những ồn ào và sôi động của nó càng tăng thêm sự tĩnh mịch, tăm tối và buồn tẻ nơi phố huyện nghèo. Và ánh sáng ngọn đèn dầu của chị Tí chập chờn đi vào giấc ngủ của Liên – hình ảnh kết thúc câu chuyện – đã để lại một niềm day dứt, một dư âm cho tác phẩm.
Nhẹ nhàng và tinh tế, Thạch Lam đã vẽ lên một bức tranh đầy sức gợi về một phố huyện nghèo. Qua tâm trạng của Liên, cuộc sống của hai chị em và người dân nơi phố huyện ấy, nhà văn không chỉ phản ánh hiện thực mà còn thể hiện một tư tưởng nhân văn có giá trị lâu dài. Trước hết, tác phẩm là bức tranh chân thực về đời sống phố huyện nghèo với những kiếp người nhỏ nhoi, tội tình (hai đứa trẻ, chị bán hàng nước ban ngày đi mò cua xúc tép, vợ chồng người hát xẩm,..). Chẳng có gì đảm bảo cho tương lai của họ. Phía trước họ càng nhìn càng tối, ánh sáng của hi vọng dù có nhưng chỉ le lói ở chính nơi họ ngồi. Hiện thực thì nghèo khó, không gì hứa hẹn ở tương lai, những con người nhỏ bé ấy sống như thế nào. Họ gửi gắm ước mơ vào chuyến tàu đêm với một luồng ánh sáng phù hoa tan biến rất nhanh.
Qua việc tả cảnh kiên trì hàng đêm chờ tàu qua rồi mới dọn hàng, mới đi ngủ của những con người ấy, nhà văn muốn thể hiện một tư tưởng nhân văn. Đó là khẳng định sự bất diệt của khát vọng, ước mơ. Cuộc sống dù nghèo khổ, tăm tối và bế tắc đến đâu cũng không thể dập tắt được hi vọng và khát vọng của con người. Tác phẩm đã thể hiện tình thương yêu vô bờ và sự trân trọng của nhà văn đối với những thân phận nhỏ bé trong xã hội. Một cốt truyện nhẹ nhàng nhưng giá trị thật sâu sắc. Với một con đường rất riêng, ngòi bút của Thạch Lam đã đánh thức lòng trắc ẩn trong tâm hồn mỗi con người và làm nảy sinh ở họ những tình cảm nhân văn cao đẹp.