Giới thiệu nhà văn Thạch Lam.

nha-van-thach-Lam

Giới thiệu nhà văn Thạch Lam.

Thạch Lam (1910 – 1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi thành Nguyễn Tường Lân. Ông sinh ra ở Hà Nội, khi cha mất việc, ông về sống ở huyện cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tuổi thơ nơi phố huyện nghèo này đã để lại dấu ấn đậm nét trong sáng tác của Thạch Lam.

Thạch Lam là gương mặt khá đặc biệt của nhóm Tự lực văn đoàn. Là thành viên của nhóm nhưng sáng tác của Thạch Lam không giống với các nhà văn khác cùng nhóm. Các nhà văn Tự lực văn đoàn thường hướng ngòi bút tới tầng lớp trí thức tiểu tư sản. Nhân vật của họ thường là những trí thức Tây học, những cô gái mới với những khung cảnh sống nên thơ, những chuyện tình yêu lãng mạn. Tiến bộ hơn, họ thể hiện sự phản kháng của những người trẻ tuổi với những nếp sống cổ hủ và những nguyên tắc phong kiến khắt khe. Nhưng nhìn chung, Tự lực văn đoàn là nhóm sáng tác thiên vế cảm hứng lãng mạn tiêu cực, trốn tránh hiện thực bằng cách xây dựng nên những thế giới của ảo tưởng để tự an ủi mình. Còn Thạch Lam thì lại khác. Ông hướng đến những con người nghèo khổ, những số phận nhỏ bé bất hạnh. Không gay gắt, cay nghiệt như Vũ Trọng Phụng, không sâu xa như Ngô Tất Tố hay hài hước như Nguyễn Công Hoan trong phản ánh hiện thực nhưng văn của Thạch Lam vẫn thể hiện những giá trị hiện thực sâu sắc.

Tác phẩm chính: “Gió đầu mùa”, “Nắng trong vườn”, “Sợi tóc (tập truyện ngắn), tiểu thuyết “Ngày mới”, tiểu luận “Theo dòng”, tuỳ bút “Hà Nội băm sáu phố phường”,…

Tác phẩm của Thạch Lạm có một giọng điệu trữ tình rất riêng. Nhẹ nhàng, tình cảm và giàu chất thơ, tác phẩm của Thạch Lam có khả năng đi sâu vào trái tim người đọc. Viết về cuộc sống khổ cực hay về những nét đẹp của Hà Nội xưa, văn Thạch Lam đều thấm đượm tinh thần nhân văn chủ nghĩa.

Hai đứa trẻ là truyện ngắn xuất sắc, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam. Một cách rất nhẹ nhàng mà thấm thìa, qua tâm trạng của hai đứa trẻ và cảnh sống nghèo cực của những người dân nơi phố huyện, nhà văn đã thể hiện những tư tưởng nhân đạo sâu sắc về thân phận con người. Tác phẩm vừa có giá trị hiện thực, vừa thấm đẫm tinh thần nhân đạo.

Truyện ngắn của Thạch Lam thường có cốt truyện đơn giản, giàu chất trữ tình. Nhà văn không tạo dựng những tình huống truyện éo le, gay cấn, cũng không có những xung đột thiện ác, giàu nghèo gay gắt. . Tác giả thường đi sâu vào miêu tả nội tâm nhân vật với những cảm xúc và cảm giác mơ hồ, mong manh. Miêu tả những diễn biến nội tâm tinh tế, sâu sắc của nhân vật là biệt tài của Thạch Lam. Trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, nhà văn đã sử dụng thành công thủ pháp nghệ thuật đối lập, tương phản, qua đó đặc tả được cảnh nghèo và tương lai không mấy sáng sủa của những người dân phố huyện. Với giọng điệu tâm tình, ngôn ngữ, diễn đạt tinh tế, giàu chất thơ, truyện của Thạch Lam chỉ như những đoạn thủ thỉ tâm tình, nhẹ nhàng mà thấm thìa, nhưng vẫn có giá trị phản ánh hiện thực và thể hiện những tư tưởng nhân văn sâu sắc.

Phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.