»» Nội dung bài viết:
Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm văn học lớp 11+12 – Luyện thi phổ thông
LỚP 11.
Hai đứa trẻ (Thạch Lam)
1. Giá trị nội dung:
– Đọc truyện ngắn Hai đứa trẻ, cùng lúc người đọc có thể lắng nghe được nhiều tiếng nói khác nhau, hòa phối trong nhau và có thể cảm nhận được nhiều ý nghĩa khi nhìn từ nhiều góc độ :
– Lời gợi nhắc về tình cảm đối với nguồn cội, quê hương với những mẩu kí ức đẹp mà buồn – Hai đứa trẻ như một bài thơ êm dịu về quê hương trong kí ức tuổi thơ.
– Lời cảnh tỉnh của nhà văn đối với những kiếp sống quẩn quanh, đơn điệu, mỏi mòn. (Liên hệ: Tỏa nhị Kiều, Đời thừa, Sống mòn)
– Niềm trân trọng đối với những mong ước nhỏ nhoi, khiêm nhường của những con người nhỏ bé, bất hạnh bị bỏ quên nơi “ga xép” của những chuyến tàu thời gian.
– Thạch Lam đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía niềm xót thương với những sống cơ cực quẩn quanh, tăm tối ở phố huyện nghèo những ngày trước Cách mạng. Đồng thời ông cũng biểu lộ sự trân trọng ước vọng đổi đời mơ hồ trong họ.
– Tuy vậy, cảm hứng chủ đạo bao trùm tác phẩm vẫn là niềm cảm thương chân thành của nhà văn đối với cuộc sống chìm khuất, mỏi mòn, quẩn quanh của những kiếp người nhỏ nhoi nơi phố huyện nghèo, bình lặng, tối tăm và những ước mong khiêm nhường mà thiết tha của họ. Qua đó, người đọc có thể cảm nhận được tình yêu quê hương tha thiết và tấm lòng yêu thương trân trọng của nhà văn đối với con người.
2. Giá trị nghệ thuật:
– Một câu chuyện dung dị, đời thường, không tô vẽ và một lối kể chuyện tâm tình thủ thỉ với chính mình đã tạo nên thành công cho tác phẩm.
– Miêu tả những diễn biến nội tâm của nhân vật tinh tế sâu sắc
– Vận dụng những thủ pháp nghệ thuật đối lập, tương phản; nghệ thuật lấy động tả tĩnh, dùng ánh sáng để tả bóng tối.
– Câu văn nhẹ nhàng, uyển chuyển, giàu chất thơ và thấm đượm cảm xúc.
– Lời văn tập trung miêu tả cảm giác, cảm tưởng nên bức tranh phố huyện cũng là bức tranh tâm trạng, như dệt bằng cảm giác. Ngôn ngữ giàu sức gợi.
Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)
1. Giá trị nội dung:
– Qua truyện ngắn Chữ người tử tù, nhà văn Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công hình tượng Huấn Cao và viên quản ngục. Đặc biệt là vẻ đẹp khí phách, tài hoa, “thiên lương” của Huấn Cao.
– Đó là vẻ đẹp của những con người tài hoa nghệ sĩ: Huấn Cao là một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật thư pháp. Còn viên quản ngục tuy không làm nghệ thuật nhưng có một tâm hồn nghệ sĩ: say mê và quý trọng cái đẹp
– Qua hai hình tượng này, tác giả đã thể hiện quan điểm thẩm mĩ của mình: cái tài và cái tâm; cái đẹp và cái thiện không thể tách rời
– Cảnh cho chữ: Đây là đoạn văn thể hiện nổi bật chủ đề của thiên truyện: Ánh sáng chiến thắng bóng tối, cái đẹp chiến thắng cái xấu xa, nhơ bẩn, “thiên lương” chiến thắng tội ác,
– Đó là sự tôn vinh cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao thượng của con người.
→ Qua đó nhà văn thể hiện quan niệm về cái đẹp, khẳng định sự bất tử của cái đẹp và bộc lộ thầm kín tấm lòng yêu nước.
2. Giá trị nghệ thuật:
– Tình huống truyện độc đáo: cuộc gặp gỡ giữa kẻ tử tù tài hoa và người cai ngục say mê cái đẹp; cảnh cho chữ trong nhà lao, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật đạt đến trình độ cao.
– Sử dụng thành công thủ pháp nghệ thuật đối lập, tương phản.
– Kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện đại và truyền thống.
Hạnh phúc của một tang gia (Trích Số Đỏ-Vũ Trọng Phụng)
1. Giá trị nội dung:
– Qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, người đọc thấy được bản chất lố lăng, đồi bại của xã hội “thượng lưu” thành thị những năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đó là bộ mặt của lũ con cháu giả dối, khốn nạn, mất nhân tính khi chúng mong mỏi cái chết của cụ Tổ cố Hồng để thành toàn cho nguyện ước của mình: khối tài sản kếch sù, để được người ta chỉ trỏ, bàn tán; được lăng xê những bộ cánh mốt mới cho gia đình có tang, để chứng minh mình vẫn còn một nửa chữ “trinh”. Đó còn là bộ mặt của những kẻ ngoài tang quyến với những con người không mảy may thương xót cho người vừa nằm xuống mà chỉ đến để tìm kiếm cơ hộ đặt chân vào giới thượng lưu, đề khoe râu, khoe huân chương,…
– Qua đó, tác giả phê phán và bày tỏ thái độ căm phẫn đối với thói giả dối, đạo đức giả trong gia đình và xã hội tư sản thành thị lúc bấy giờ, báo động về tình trạng đạo đức suy đồi trong xã hội đó.
→ Thể hiện tâm huyết của nhà văn đối với những giá trị truyền thống tốt đẹp.
2. Giá trị nghệ thuật:
– Tạo những mâu thuẫn trào phúng thể hiện ngay ở nhan đề:tang gia mà lại hạnh phúc. Cách đặt tên gọi nhân vật, đồ vật hài hước và châm biếm sâu cay.
– Tác giả chú trọng chọn lựa chi tiết, hình ảnh, miêu tả tỉ mỉ, cụ thể.
– Người kể chuyện có một giọng điệu rất lạnh lùng, khách quan, đan xen những câu bình luận dí dỏm mỉa mai trào lộng, nhưng chua chát.
– Sử dụng biện pháp phóng đại cường điệu
– Kết hợp tả toàn cảnh và cận cảnh.
– Nghệ thuật trào phúng bậc thầy:
+ Tình huống trào phúng vô cùng độc đáo: Cái chết của cụ Tố cố Hồng lại là niềm hạnh phúc cho lũ con cháu. Đây chính là phông nền cho lũ con cháu bộc lộ suy nghĩ và bản chất đồi bại, khốn nạn của mình
+ Nhân vật trào phúng: Vũ Trọng Phụng đã xây dựng thành công một hệ thống các nhân vật trào phúng cả bên trong tang quyến lẫn bên ngoài tang quyến. Mỗi người một mục đích, một suy nghĩ khi đến đám tang nhưng đều là những suy nghĩ ích kỉ, đê hèn cho lợi ích cá nhân chứ không hề mảy may thương xót cho người vừa nằm xuống kia.
+ Cảnh tượng trào phúng: Cảnh hạ huyệt ở cuối tác phẩm đã hoàn tất bức tranh của xã hội thương lưu giả dối, thối nát.
Chí Phèo (Nam Cao)
1. Giá trị nội dung:
– Giá trị hiện thực:
+ Truyện ngắn Chí Phèo phơi bày hiện thực khốc liệt, tàn bạo và cuộc sống tối tăm của người nông dân Việt Nam dưới sự đàn áp, bóc lột và tàn ác của bọn thực dân, phong kiến.
+ Số phận của người nông dân Việt Nam trước cách mạng thê thảm, bần cùng và trở thành lưu manh. Họ bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa và cái chết là điều tất yếu để giải thoát họ khỏi những đau khổ.
– Giá trị nhân đạo:
+ Lời kết án đanh thép xã hội tàn bạo đã phá cả thể xác và tâm hồn người nông dân lao động hiền lành, chất phác. Chân dung của những kẻ như Bá Kiến, như bà cô Thị Nở, như những người dân làng Vũ Đại chính là hình ảnh thu nhỏ của cả một xã hội với tất cả các tầng lớp trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.
+ Niềm cảm thông, chia sẻ, đau xót khi chứng kiến những con người hiền lành, lương thiện bị dày vò, tha hóa thành con quỷ dữ của cả làng Vũ Đại. Kể cả khi Chí Phèo đã khao khát quay trở về làm người lương thiện thì xã hội ích kỉ, hẹp hòi kia cũng sẽ không chừa chỗ lại cho hắn. Hắn chỉ còn một con đường duy nhất là cái chết để giữ lại sự lương thiện cuối cùng trong con người mình
+ Khẳng định niềm tin của tác giả vào bản chất lương thiện của những người nông dân, ngay cả khi họ bị vùi dập, mất cả nhân hình lẫn nhân tính thì khao khát được sống, được yêu thương và hạnh phúc cũng chưa bao giờ bị dập tắt trong họ
+ Lời cảnh báo của tác giá với số phận của những người nông dân Việt Nam trước Cách mạng, nếu không thay đổi thì cuộc sống của họ cũng sẽ bế tắc, tuyệt vọng, tha hóa, lưu manh hóa và cái chết sẽ là điều không thể tránh khỏi.
2. Giá trị nghệ thuật:
– Xây dựng thành công nhân vật điển hình bất hủ, đặt trong một xã hội điển hình để người đọc có thể nhận rõ được tính cách, số phận của nhân vật, của cả một lớp người mà nhân vật ấy làm đại diện
– Nghệ thuật trần thuật linh hoạt, tự nhiên, kết cấu mới mẻ, phóng túng mà vẫn nhất quán, chặt chẽ với giọng điệu có vẻ thờ ơ, lạnh lùng, khách quan song đằng sau đó là sự xót thương, cảm thông của tác giả với nhân vật.
– Ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc. Cốt truyện với các tình huống chi tiết gay cấn, hấp dẫn
– Bút pháp miêu tả tâm lí và diễn biến tâm lí tinh vi, sắc sảo. Nam Cao đã lách sâu ngòi bút của mình vào thế giới nội tâm của nhân vật để nhận thấy những thay đổi dù là nhỏ nhất của họ
Vĩnh biệt Cửu trùng đài (Trích kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng)
1. Giá trị nội dung:
– Chương kịch Vĩnh biệt Cửu Trung Đài phản ánh mâu thuẫn giữa khát vọng nghệ thuật thuần túy của Vũ Như Tô với lợi ích thiết thực của nhân dân
– Qua việc xây dựng các tính cách bi kịch ( Vũ Như Tô, Đan Thiềm),Tác giả muốn gửi đến người đọc, người xem những bài học, tư tưởng, quan niệm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống: Nghệ thuật vị nhân sinh nghệ thuật phản ánh cuộc sống, khát vọng của người nghệ sĩ phải phù hợp với nguyện vọng, quyền lợi, lợi ích của cộng đồng, của nhân dân.
– Tác giả cũng bày tỏ sự cảm thông, trân trọng đối với những nghệ sĩ có tài năng, hoài bão lớn nhưng lâm vào mâu thuẫn, bi kịch giữa lí tưởng và thực tế.
2. Giá trị nghệ thuật:
– Đoạn trích thể hiện kết cấu của một vở kịch: biến cố, xung đột và giải quyết xung đột, sự kiện.
– Không khí, nhịp điệu của sự việc được diễn tả theo chiều tăng tiến, mức độ dồn dập đã thể hiện được tính chất gay gắt của mâu thuẫn và đẩy xung đột kịch lên cao trào. Nhà văn đã tạo nên không khí kịch thông qua lời thoại, tình huống đầy kịch tính.
– Mâu thuẫn kịch tập trung dẫn đến cao trào, phát triển thành đỉnh điểm với những hành động kịch dồn dập đầy kịch tính.
– Ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tổng hợp cao.
– Xây dựng nhân vật kịch đặc sắc, khắc họa rõ tính cách, miêu tả đúng tâm trạng qua ngôn ngữ và hành động.
– Lớp kịch trong hồi V được chuyển một cách linh hoạt, tự nhiên, logic, liền mạch tạo nên sự hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.
Một thời đại trong thi ca (Hoài Thanh)
1. Giá trị nội dung:
– Đoạn trích tập trung làm rõ Tinh thần Thơ mới:
+ Cách nhận diện tinh thần Thơ mới ( so sánh bài hay với bài hay, nhìn trên đại thể)
+ Cốt lõi của tinh thần thơ mới: Cái “Tôi” cá nhân xuất hiện với ý nghĩa tuyệt đối của nó – bơ vơ, đáng thương, tội nghiệp → Bi kịch
+ Cách giải tỏa bi kịch: Gửi cả vào Tiếng Việt
2. Giá trị nghệ thuật:
– Lập luận chặt chẽ, đảm bảo tính lôgic của tư duy có khả năng thuyết phục cao. Cách dẫn dắt mạch văn tự nhiên, linh hoạt và độc đáo.Tác giả không dùng lí để dẫn dắt ý mà dùng tình để dẫn dắt.
– Ngôn ngữ độc đáo, đặc sắc, dung dị, dễ hiểu mà vẫn súc tích và có giá trị biểu cảm cao.
Vội vàng ( Xuân Diệu )
1. Giá trị nội dung:
– Bài thơ Vội vàng thể hiện lòng ham sống bồng bột và mãnh liệt của cái Tôi Xuân Diệu rất hiện đại cùng với một quan niệm mới mẻ về thời gian, tuổi tre, hạnh phúc
– Cái Tôi Xuân Diệu trong bài thơ tiêu biểu cho cái Tôi thời đại thơ mới:
+ Một ý thức ráo riết về giá trị đời sống cá thể. Nghĩa là một ý thức nhân bản, nhân văn rất cao
+ Một quan niệm táo bạo đầy tính cách mạng trước những quan niệm cũ kĩ vốn cản trở việc giải phóng con người cá thể
+ Ý thức sâu sắc về sự yêu đời nhưng vẫn mang nỗi lo âu.
+ Triết lý sống, tuyên ngôn sống cuống quýt, vội vàng, và khát khao giao cảm với đời.
+ Một niềm thiết tha với cuộc sống trần thế, niềm vui trần thế.
+ Một khát khao sống mãnh liệt và một tâm thế cuồng nhiệt, tích cực.
2. Giá trị nghệ thuật:
– Sự kết hợp giữa, mạch cảm xúc và, mạch luận lí.
– Cách nhìn, cách cảm mới và những sáng tạo độc đáo về hình ảnh thơ.
– Sử dụng ngôn từ nhịp điệu dồn dập, sôi nổi, hối hả, cuồng nhiệt.
Tràng Giang (Huy Cận)
* Giá trị nội dung:
– Bức tranh Tràng giang hiện lên với tất cả sự đối lập, tương phản giữa thiên nhiên, không gian vũ trụ mênh mông với sự sống nhỏ bé đơn chiếc, lạc lõng, mong manh…( không gian với 2 sắc thái rõ nét: mênh mông vô biên và hoang sơ hiu quạnh)
– Thể hiện nỗi cô đơn, nỗi sầu vô tận của kẻ lữ thứ- cái “Tôi” bơ vơ trước thiên nhiên vũ trụ rộng lớn, bao la, mênh mông rợn ngợp.
→ Thể hiện niềm khát khao hòa hợp giữa những con người và tình yêu quê hương đất nước kín đáo của nhà thơ. (Con người sống trên quê hương mà vẫn thấy thiếu quê hương, thấy bơ vơ ngay trên quê hương của mình. Cho nên ẩn trong nỗi bơ vơ của một cá thể trước trời đất vũ trụ là nỗi bơ vơ của một người dân mất nước và thiết tha với tạo vật ở đây cũng chính là thiết tha với chính giang sơn tổ quốc mình.…)
Giá trị nghệ thuật:
– Bài thơ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố cổ điển, nhất là yếu tố Đường thi với yếu tố thơ mới.
+ Nhiều yếu tố hiện đại thể hiện “tinh thần Thơ mới” và sự sáng tạo mới mẻ của Huy Cận.
+ Một cái “Tôi” thơ mới lãng mạn, giàu cảm xúc trước tạo vật
+ Hình ảnh sinh động, cảm giác tinh vi phong phú, nhiều sáng tạo bất ngờ: sâu chót vót, củi một cành khô, chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa, nước sầu trăm ngả… tả thực giàu sức gợi: thiên nhiên sống động, sắc nét)
+ Đặc biệt chất Đường thi thấm đượm: từ thể thơ, thi đề ( Viết về tạo vật thiên nhiên cổ kính, hoang sơ, với tầm vóc mênh mang, vô biên, nhất là thi đề “cao sơn, lưu thủy”), thi tứ (Tạo ra một hình tượng nghệ thuật lẻ loi, bơ vơ trước tạo vật vô cùng hoặc mất hút giữa thiên nhiên vô tận), thi liệu đến những thủ pháp nghệ thuật đặc trưng( phép đối ngẫu, từ láy dùng theo lối song đối, tạo từ theo phong cách cổ điển “bến cô liêu”…).
Đây thôn vĩ dạ (Hàn Mặc Tử)
* Giá trị nội dung:
– Cả bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một bức tranh thôn Vĩ vừa mang vẻ đẹp rất thực với tất cả nét trong sáng, tinh khôi, thơ mộng rất đặc trưng cho xứ Huế nhưng cũng rất mơ hồ, hư ảo… được miêu tả qua tâm tưởng của nhà thơ.
– Mạch tâm tư như dòng chảy đứt nối của một niềm thiết tha gắn bó với đời, thiết tha sống đến khắc khoải của nhân vật trữ tình: Từ ao ước đắm say – hoài vọng phấp phỏng – mơ tưởng, hoài nghi và càng về sau càng có phần âm u sầu muộn. Nhưng cốt lõi của dòng tâm tư vẫn là niềm thiết tha với đời, mối khát khao gắn bó khôn nguôi- nỗi u hoài của một tâm hồn trong trẻo lành mạnh.
⇒ Bài thơ không chỉ thể hiện tình yêu thiết tha đối với xứ Huế, với quê hương của nhà thơ, mà còn thể hiện khát vọng sống mãnh liệt của Hàn Mặc Tử. (không biểu hiện theo lối xuôi chiều mà đầy uẩn khúc trong cảm xúc của thi sĩ)
* Giá trị nghệ thuật:
– Mạch thơ đứt nối không theo tính liên tục của thời gian và duy nhất của không gian nhưng lại diễn tả mạch vận động nhất quán của dòng tâm tư
– Hình ảnh độc đáo giàu sức gợi, ngôn ngữ cực tả trong sáng, súc tích: Vườn ai mướt quá… Thuyên trăng, áo em trắng quá… hợp thành diện mạo một cõi trần gian tuyệt đẹp mà thi sĩ càng mang nặng mặc cảm chia lìa bao nhiêu thì càng thiết tha gắn bó hơn bao giờ hết.
– Sử dụng hàng loạt câu hỏi tu từ, giọng điệu da diết khắc khoải chi phối toàn bài thơ.
– Nhịp điệu thơ bị chi phối bởi cảm xúc ẩn chứa trong mỗi khổ thơ.
LỚP 12:
Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh)
* Giá trị nội dung:
– Tuyên Ngôn Độc Lập là văn kiện lịch sử vô giá: tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, đánh dấu kỉ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới. Vừa tố cáo mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp, ngăn chặn âm mưu tái chiếm nước ta của các thế lực thù địch và các phe nhóm cơ hội quốc tế.
– Tuyên ngôn độc lập vừa là một tác phẩm văn học lớn: bộc lộ tình cảm yêu nước, thương dân và khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của tác giả và toàn dân tộc Việt Nam
* Giá trị nghệ thuật:
– Tác phẩm là áng văn chính luận mẫu mực, thể hiện rõ phong cách nghệ thuật trong văn chính luận của Hồ Chí Minh
+ Lập luận: chặt chẽ, sắc bén, thống nhất quan điểm chính trị từ đầu đến cuối bản tuyên ngôn độc lập.
+ Lí lẽ: xuất phát từ tình yêu công lí, thái độ tôn trọng sự thật, dựa vào lẽ phải đã được nhân dân thế giới công nhận và từ các cuộc đấu tranh vì chính nghĩa trong lịch sử nhân loại.
+ Dẫn chứng: xác thực, với những bằng chứng đanh thép, số liệu chính xác được lấy từ sự thực lịch sử
+ Ngôn ngữ: hùng hồn, chan chứa tình cảm, cách xưng hô của Bác tạo được sự gần gũi với nhân dân cả nước trong giờ phút thiêng liêng của dân tộc.
+ Giọng điệu nghị luận rất đanh thép, cứng rắn và giàu tính luận chiến.
+ Hình ảnh được sử dụng rất đa dạng, giàu sức gợi hình, giàu cảm xúc.
Chiều tối (Mộ – Hồ Chí Minh)
* Giá trị nội dung:
– Mộ (Chiều tối) là một trong những bài thơ hay nhất của tập Nhật kí trong tù. Bài thơ tả bức tranh chiều tối nơi núi rừng lúc chiều muộn: Cảnh thiên nhiên núi rừng đang chuyển vào đêm tối khi ánh sáng ban ngày lụi dần và tắt hẳn. Nhưng khi màn đêm buông xuống thì ánh sáng của con người trở thành trung tâm chi phối cái nhìn và cảm xúc của nhân vật trữ tình: “lô dĩ hồng”!
⇒ Ngoại cảnh cũng là tâm cảnh. Qua đó, người đọc cảm nhận được tâm hồn cao đẹp của Hồ Chí Minh: Nhạy cảm trước thiên nhiên, cuộc sống; lòng nhân ái đến mức quên mình, tinh thần lạc quan cách mạng luôn hướng về sự sống ánh sáng của một thi sĩ – chiến sĩ.
* Giá trị nghệ thuật:
– Bút pháp vừa đậm màu sắc cổ điển vừa thể hiện tinh thần cách mạng thời đại:
+ Cổ điển: Thể thơ tứ tuyệt hàm súc; bút pháp chấm phá, gợi hơn là tả; thi đề, hình ảnh quen thuộc; nhân vật trữ tình hòa hợp với thiên nhiên, ung dung tự tại
+ Hiện đại : Nhân vật trữ tình chiếm vị trí chủ thể trong bức tranh phong cảnh. Tư tưởng và hình tượng thơ vận động từ bóng tối , lạnh lẽo ra ánh sáng, ấm áp, luôn hướng đến sự sống, lạc quan..
Lai tân (Hồ Chí Minh)
* Giá trị nội dung:
– Bài thơ Lai Tân thuộc trong số những bài thơ chủ yếu hướng ngoại (1 loại khác chiếm phần lớn tập thơ chủ yếu hướng nội, bút pháp trữ tình là chính (Chiều tối ) thường nổi bật bức chân dung tinh thần Hồ Chí Minh), thơ hướng ngoại thường ghi chép những điều tai nghe mắt thấy trên những chặng đường chuyển lao, có nội dung phê phán chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch. Lai tân là bài thơ tiêu biểu.
+ Ba câu đầu: tự sự về hành vi của 3 viên quan coi ngục, khái quát bức tranh thối nát của nhà tù.
+ Câu kết: Lời kết luận, đánh giá: “Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”! Chuyện thối nát là chuyện bình thường, thành “nề nếp” ! Chữ “Thái bình” có thể xem là “nhãn tự” của cả bài thơ “ Chỉ một chữ mà đã xé toang tất cả sự “thái bình” dối trá nhưng thực sự là “đại loạn bên trong”
– Câu kết có vẻ như dửng dưng vô cảm lại là một tiếng cười khẩy mỉa mai, lật tẩy bản chất cả một bộ máy nhà nước Lai Tân! ( liên hệ hoàn cảnh sáng tác thì có thể nói đây là bức tranh thu nhỏ của xã hội Trung Quốc bấy giờ (1942 : thời gian phát xít Nhật xâm lược TQ)
* Giá trị nghệ thuật:
– Bài thơ có kết cấu đặc biệt.
– Bài thơ thể hiện nghệ thuật châm biếm độc đáo sắc sảo của Hồ Chí Minh: Không “đao to búa lớn”, cứ nhẹ nhàng như không mà vẫn tạo được những đòn đả kích mạnh mẽ, thâm thúy bất ngờ.
Từ ấy (Tố Hữu)
* Giá trị nội dung:
– Bài thơ Từ ấy tiêu biểu cho hồn thơ Tố Hữu nói chung: Nhà thơ của lí tưởng Cộng sản, của niềm vui lớn đối với cách mạng và của cảm hứng lãng mạn say sưa sôi nổi.
– Tuy nhiên, bài thơ cũng thể hiện sắc thái riêng của một tâm hồn thanh niên lần đầu bắt gặp lí tưởng, thể hiện mối duyên đầu của một thanh niên đối với cách mạng: một sự bừng sáng, một tiếng reo vui, một vườn xuân đầy hương sắc và rộn ràng tiếng chim ca. Có một cái gì rất trẻ trung, sôi nổi say đắm, cảm hứng lãng mạn tràn đầy, tâm thế hăm hở… Tất cả là cảm xúc của một cái “tôi” chủ quan đậm nét, và do vậy hình ảnh quần chúng cũng còn chung chung, trừu tượng.
– Từ ấy là tiếng nói cáo trạng nhân danh phẩm giá của con người lao khổ; nhân danh chủ nghĩa nhân đạo để chống với một chế độ tàn bạo; nhân danh cái đẹp của thiên nhiên và của nghệ thuật, của chân lý và của công lý để phản kháng với cái xấu, cái giả dối; nhân danh cái mới để chống lại cái lạc hậu. Đó cũng là bản quyết tâm thư của một chiến sĩ cách mạng không do dự trước nhiệm vụ, khó khăn, lao tù, súng gươm và sự tra tấn của kẻ thù, không tuyệt vọng trên những bước đường thử thách đau đớn nhất.
⇒ Bài thơ có thể xem là tuyên ngôn về lẽ sống của một chiến sĩ Cách Mạng, có ý nghĩa mở đầu và định hướng cho sáng tác thơ Tố Hữu/.
* Giá trị nghệ thuật:
– Sự đa dạng của bút pháp tự sự, lãng mạn, trữ tình và nghệ thuật diễn tả tâm trạng vui sướng, say mê, tin tưởng bằng những hình ảnh thơ tươi sáng, giọng thơ say sưa, náo nức, sảng khoái, nhịp điệu hăm hở, dồn dập, thôi thúc.
Việt Bắc (Tố Hữu)
* Giá trị nội dung:
– Bài thơ Việt Bắc tái hiện lại cuộc chia tay giữa người ở lại và người ra đi với những lời gợi nhắc về quá khứ và những kỉ niệm của 15 năm gắn bó gian khổ. Việt Bắc hiện lên trong những hoài niệm đầy cay đắng, gian khổ nhưng tình nghĩa mặn nồng
– Bao trùm lên cả bài thơ về nỗi nhớ. Nỗi nhớ của cả người ở lại và người ra đi. Trong tâm thức của người ra đi, nỗi nhớ về Việt Bắc hiện lên với những cung bậc đa dạng, nhiều nhiều: nhớ con người, cuộc sống Việt Bắc; Nhớ thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc; nhớ về cuộc kháng chiến anh hùng và nhớ cả những ngày đầu độc lập
– Qua đó, người đọc có thể cảm nhận được mối quan hệ và sự gắn bó keo sơn, cá nước giữa nhân dân Việt Bắc với những người cán bộ cách mạng.
* Giá trị nghệ thuật:
– Bài thơ được viết theo kết cấu đối đáp của ca dao trữ tình với sự luân phiên của người ở lại và người ra đi tạo cho bài thơ sự nhịp nhàng, đăng đối.
– Bài thơ Việt Bắc thể hiện tính dân tộc đậm đà:
+ Tác giả sử dụng thể thơ lục bát – thể thơ đặc sắc của dân tộc, với những luyến láy, vần điệu nhịp nhàng khiến cho nỗi nhớ trong bài thơ càng trở nên nồng nàn, sâu đậm.
+ Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, quen thuộc, gần gũi, đậm sắc thái dân gian. ách xưng hô mình – ta quen thuộc trong ca dao với sự biến đổi linh hoạt giữa mình với ta; người ở lại có lúc là mình, có lúc là ta; người ra đi lúc là ta, lúc là mình tạo ra tình cảm thân mật, tha thiết
+ Sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật tài hoa như điệp từ, liệt kê, so sánh, ẩn dụ tượng trưng…
+ Nhịp điệu thơ uyển chuyển ngân vang, giọng điệu thay đổi linh hoạt.
Tây Tiến (Quang Dũng)
* Giá trị nội dung:
– Bao trùm bài thơ Tây Tiến là nỗi nhớ da diết của nhà thơ đối với đơn vị Tây Tiến: Nhớ những chặng đường hành quân với bao gian khổ , thiếu thốn, hi sinh mất mát mà vẫn có nhiều kỉ niệm đẹp, thú vị, ấm áp; nhớ những đồng đội Tây Tiến anh hùng…
Qua đó, tác giả đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa và vẻ đẹp hùng vĩ thơ mộng của thiên nhiên miền Tây tổ quốc
⇒ Chất lãng mạn bi tráng là vẻ đẹp độc đáo của hình tượng người lính cách mạng trong thơ Quang Dũng.
* Giá trị nghệ thuật:
– Bút pháp hiện thực kết hợp lãng mạn, đậm chất bi tráng.
– Nhiều sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu:
+ Hình ảnh thơ sáng tạo mang sắc thái thẩm mĩ phong phú
+ Ngôn ngữ thơ đa sắc thái, phong cách ; ( trang trọng, cổ kính; sinh động gợi tả gợi cảm…), có những kết hợp từ độc đáo ( nhớ chơi vơi , Mai Châu mùa em…), tên địa danh vừa cụ thể xác thực vừa gợi cảm giác lạ lẫm.
+ Giọng điệu: Khi tha thiết bồi hồi, khi hồn nhiên vui tươi, khi bâng khuâng man mác, khi trang trọng, khi trầm lắng…
⇒ Được xem là một thi phẩm xuất sắc, gần như đạt đến sự toàn bích về nghệ thuật.
Đất nước (trích Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm)
* Giá trị nội dung:
– Đọan trích Đất nước (trích Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm) thể hiện cảm nghĩ mới mẻ của tác giả về đất nước qua những vẻ đẹp được phát hiện ở chiều sâu trên nhiều bình diện: lịch sử, địa lí, văn hóa,… Qua đó nhấn mạnh tư tưởng “Đất Nước” của nhân dân
* Giá trị nghệ thuật:
– Thể thơ tự do, uyển chuyển. Giọng thơ thủ thỉ, tâm tình, biến đổi linh hoạt. Tác giả lựa chọn thể thơ tự do, phóng khoáng không bị bó buộc về số chữ trong một câu, số câu trong một bài vừa tạo ra nét độc đáo về hình thức cho bài thơ, vừa là cơ hội để dòng chảy của cảm xúc được phát triển một cách tự nhiên.
– Sử dụng các chất liệu văn hóa dân gian với đa dạng các thể loại: ngôn từ, hình ảnh bình dị, dân dã, tạo nên một không gian nghệ thuật riêng cho đoạn trích: vừa bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa giàu tưởng tượng, vừa bay bổng, mơ mộng.
– Sức truyền cảm lớn từ sự hòa quyện của chất chính luận và chất trữ tình. Tác phẩm là sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước và con người.
– Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng đậm đặc đã tạo nên một không gian nghệ thuật riêng cho đoạn trích: vừa bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa giàu tưởng tượng, vừa bay bổng, mơ mộng.
Sóng (Xuân Quỳnh)
* Giá trị nội dung:
– Bài thơ Sóng diễn tả tình yêu của một trái tim giàu nữ tính thiết tha, nồng nàn chung thủy trọn vẹn, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Qua hình tượng sóng, ta cảm nhận được sức sống và vẻ đẹp của tâm hồn phụ nữ trẻ. Từ đó thấy được tình yêu là một tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người.
+ Bài thơ Sóng đã thể hiện một cái tôi yêu nồng nàn tha thiết, yêu hết lòng, thuỷ chung trọn vẹn vượt lên sự thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người.
+ Thông qua hình tượng sóng, nhà thơ đã khám phá rất nhiều những quy luật tình cảm cũng như những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong tình yêu.
* Giá trị nghệ thuật:
+ Bài thơ có những sáng tạo độc đáo về nghệ thuật, từ việc xây dựng hình ảnh trùng phức sóng đôi, sóng và em đến việc sử dụng thể thơ năm chữ, tạo nhịp điệu thơ như nhịp ngân vang của sóng biển và xây dựng cấu tứ. Hình ảnh thơ rất giàu ý nghĩa biểu tượng.
– Thể thơ năm chữ tạo âm điệu sâu lắng, dạt dào, như âm điệu của những con sóng biển và cũng là sóng lòng của người phụ nữ khi yêu.
– Cách ngắt nhịp linh hoạt, phóng khoáng và cách gieo vần, phối âm độc đáo, giàu sức liên tưởng
– Giọng thơ vừa thiết tha, đằm thắm, vừa mãnh liệt sôi nổi, vừa hồn nhiên, nữ tính
– Xây dựng hình ảnh ẩn dụ – với hình tượng sóng, vừa mang nghĩa thực, vừa mang nghĩa ẩn dụ.
Đàn Ghita của Lorca (Thanh Thảo)
* Giá trị nội dung:
– Đàn ghi ta của Lorca đã khắc họa thành công hình tượng Lorca, một nghệ sĩ có khát vọng cách tân nghệ thuật, một chiến sĩ suốt đời đấu tranh cho tự do, công lí; nhưng cuộc đời lại bất hạnh do tội ác của thế lực bạo tàn.
– Qua bài thơ, Thanh Thảo bày tỏ lòng đồng cảm, xót thương và sự tri âm, ngưỡng mộ ngưỡng mộ ngợi ca người nghệ sĩ đại diện cho tinh thần tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật của thể kỉ XX bị giết hại một cách phũ phàng. Nhà thơ cũng gửi tới người đọc một thông điệp: cái đẹp của nhân cách, cái đẹp của sự sáng tạo nghệ thuật chân chính sẽ có sức sống bất diệt.
* Giá trị nghệ thuật:
– Thể thơ tự do với nhiều cách tân. Nhiều hình ảnh ẩn dụ tượng trưng, siêu thực. Lối sắp đặt lạ hóa theo trường phải siêu thực. Bài thơ không có bắt đầu và kết thúc
– Bài thơ là sự kết hợp hai yếu tố thơ và nhạc về kết cấu tạo nên một hình thức độc đáo cho các hình tương nghệ thuật và việc thể hiện tư tưởng, quan niệm của tác giả
– Mang phong cách tượng trưng pha màu sắc siêu thực rất gần gũi với phong cách thơ Lorca
– Hình ảnh thơ phong phú, ngôn từ mới mẻ góp phần làm nên diện mạo phong phú của thơ ca VN sau 1975.
Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)
* Giá trị nội dung:
– Bài thơ Tiếng hát con tàu thể hiện khát vọng, niềm hân hoan trong tâm hồn nhà thơ khi trở về với nhân dân, đất nước, cũng là tìm thấy nguồn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho hồn thơ
– Hình ảnh “con tàu” là biểu tượng cho khát vọng ra đi, đến với những miền xa xôi, đến với nhân dân với đất nước, cũng là đến với mơ ước, với ngọn nguồn của cảm hứng nghệ thuật. Do vậy “Tây Bắc” ở đây vừa là tên một vùng đất cụ thể vừa biểu tượng cho mọi miền xa xôi của tổ quốc, nơi có cuộc sống gian lao mà sâu nặng nghĩa tình, nơi khắc ghi những kỉ niệm không thể quên.
* Giá trị nghệ thuật:
– Bài thơ đậm chất suy tưởng triết lí – một nét nổi bật trong phong cách thơ Chế Lan Viên
– Kết hợp cảm xúc và suy tưởng, nâng cảm xúc, tình cảm lên thành suy ngẫm triết lí , do vậy triết lí mà không khô khan trừu tượng trái lại rất gần gũi
– Hình ảnh thơ : Bên cạnh những hình ảnh thực, dung dị,bài thơ còn có nhiều hình ảnh được sáng tạo bằng liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, hòa trộn thực với ảo, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo của người đọc.
Người lái đò sông Đà (trích tùy bút sông Đà – Nguyễn Tuân)
* Giá trị nội dung:
– Người lái đò sông Đà là một áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu đất nước say đắm, thiết tha của một con người muốn dùng văn chương để ca ngợi vẻ đẹp vừa kì vĩ, hào hùng vừa trữ tình thơ mộng của thiên nhiên và nhất là của con người lao động bình dị ở miền Tây Bắc. Với ông, thiên nhiên cũng là một tác phẩm nghệ thuật vô song của tạo hoá. Cảm nhận và miêu tả sông Đà Nguyễn Tuân đã chứng tỏ sự tài hoa, uyên bác và lịch lãm. Hình tượng sông Đà là phông nền cho sự xuất hiện và tôn vinh vẻ đẹp của người lao động trong chế độ mới.
– Hình ảnh ông lái đò cho thấy Nguyễn Tuân đã tìm được nhân vật mới : những con người đáng trân trọng, ngợi ca, không thuộc tầng lớp đài các “vang bóng một thời” mà là những người lao động bình thường – chất “vàng mười của Tây Bắc”. Qua đây, nhà văn muốn phát biểu quan niệm : người anh hùng không chỉ có trong chiến đấu mà còn có trong cuộc sống lao động thường ngày.
– Tác phẩm còn cho thấy công phu lao động nghệ thuật khó nhọc cùng sự tài hoa, uyên bác của người nghệ sĩ Nguyễn Tuân trong việc dùng chữ nghĩa để tái tạo những kì công của tạo hóa và những kì tích lao động của con người.
– Vẻ đẹp đa dạng của con sông Đà hiện lên trong từng trang viết. Đó là vẻ đẹp của một con sông Đà hùng vĩ, hoang dại với vẻ “hung bạo” với những thành vách, hút nước, trùng vây thạch trận. Đó còn là vẻ đẹp của một con sông đã trữ tình, thơ mộng. Hai vẻ đẹp tưởng chừng đối lập lại tụ hội trong một con sông của quê hương Tây Bắc. Sự hài hòa trong cảnh vật thiên nhiên đã tạo nên vẻ đẹp của chính núi rừng và vùng đất Tây Bắc – nơi địa đầu của Tổ quốc
– Đằng sau vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ và thơ mông là hình tượng người lái đò sông Đà. Khi thiên nhiên đã được nâng lên đến mức thần thánh như thách thức con người thì ông lái đò chính là người chinh phục thiên nhiên thần thánh ấy. Hình tượng nhân vật ông lái hiện lên là một người anh hùng trên sông nước với kinh nghiệm dày dạn với tay lái ra hoa và đặc biệt ông lái còn là một con người đời thường, vô danh. Khác hẳn với những nhân vật trước cách mạng của Nguyễn Tuân, ông lái đò mang vẫn xuất hiện với tư cách là con người tài hoa, tài tử nhưng không còn là con người của quá khứ, đối lập với thực tại nữa mà ông lái là con người của hiện tại, đấu tranh với thiên nhiên, núi rừng để sinh tồn.
– Qua đó, ta cũng thấy được tình yêu, sự say đắm của Nguyễn Tuân trước thiên nhiên và con người lao động ở miền Tây Bắc của Tổ quốc
* Giá trị nghệ thuật:
– Tác phẩm đậm chất tài hoa uyên bác.
– Tác phẩm giàu chất thông tin, thời sự. Tác giả đã huy động vốn tri thức chuyên môn của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật khác nhau
– Lối so sánh liên tưởng độc đáo. Những ví von, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và rất thú vị.
– Ngôn ngữ giàu có,tinh tế hiện đại, giàu cảm xúc, đậm chất tạo hình, rất sắc sảo. Từ ngữ phong phú, sống động. giàu hình ảnh và có sức gợi cảm cao. Câu văn đa dạng, nhiều tầng, giàu nhịp điệu, lúc thì hối hả, gân guốc, khi thì chậm rãi, trữ tình,…
+ Tác phẩm thể hiện được một số dặc trưng cơ bản của phong cách Nguyễn Tuân (Có cảm hứng đặc biệt với những hiện tượng đập mạnh vào giác quan nghệ sĩ, tiếp cận con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ, sử dụng tùy bút pha bút kí rất phóng túng
Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường)
* Giá trị nội dung:
– Bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông ngợi ca dòng sông Hương và rộng hơn là vùng đất cố đô Huế đẹp thơ mộng hữu tình, ca ngợi lịch sử vẻ vang của Huế, ca ngợi văn hóa và tâm hồn người Huế.
– Tác giả coi sông Hương là biểu tượng cho tất cả những gì là vẻ đẹp của cảnh và người đất đế đô này.
– Bài kí chứng tỏ sự gắn bó máu thịt, tình yêu thiết tha với Huế và một vốn hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa đất cố đô của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường.
* Giá trị nghệ thuật:
– Đoạn trích là đoạn văn xuôi súc tích và đầy chất thơ về sông Hương. Nét đắc sắc làm nên sức hấp dẫn của đoạn văn là những cảm xúc sâu lắng được tổng hợp từ một vốn hiểu biết phong phú về văn hóa, lịch sử, địa lí và một trí tưởng tượng sáng tạo độc đáo.
– Văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế và tài hoa
Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)
* Giá trị nội dung:
– Vợ chồng A Phủ là câu chuyện về những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hãm trong cuộc sống tăm tối đã vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do. Tác phẩm khắc họa chân thực những nét đặc sắc về phong tục, tập quán, tính cách và tâm hồn người dân các dân tộc thiểu số
– Qua tác phẩm, tác giả lên án bọn thực dân, chúa đất độc ác dã man tàn bạo; bày tỏ sự cảm thông thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân nghèo miền núi và khẳng định sức sống ngoan cường , khát vọng tự do tiềm tàng ở người dân lao động
– Qua tác phẩm, nhà văn còn phản ánh quá trình đấu tranh từ tự phát đến tự giác, chỉ ra con đường đấu tranh để giải phóng của người dân miền núi dưới ách áp bức của bọn thực dân phong kiến.
* Giá trị nghệ thuật:
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật : Khắc họa nhân vật sinh động, có cá tính rõ nét. Hai nhân vật Mị và A Phủ có số phận giống nhau nhưng tính cách khác nhau đã được tác giả thể hiện bằng bút pháp thích hợp.
– Ngòi bút tả cản đặc sắc: (Cảnh tết, cảnh xử kiện…)
– Nghệ thuật trần thuật rất thành công với giọng kể trầm lắng dầy cảm thông, yêu mến; nhịp kể chậm xúc động có khi hòa vào dòng tâm tư của nhân vật, vừa bộc lộ nội tâm của nhân vật vừa tạo được sự đồng cảm
– Ngôn ngữ sinh động được chọn lọc, sáng tạo giàu tính tạo hình vừa giàu chất thơ
Vợ Nhặt (Kim Lân)
* Giá trị nội dung:
– Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ: ngay trên bờ vực của chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu, đùm bọc lẫn nhau
– Giá trị hiện thực:
+ Tình cảnh thê thảm của người nông dân VIệt Nam trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nạn đói năm ấy đã trở thành một thời kì đen tối trong lịch sử của dân tộc ta bởi hơn 2 triệu đồng bào đã bị cướp đi sinh mạng.
+ Đó là hệ quả của những chính sách hà khắc, vô nhân tính của bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật: Đằng thì bắt đóng thuế, đằng thì bắt nhổ lúa trồng đay. Dân ta lâm vào cảnh một cổ hai tròng áp bức do sự đê hèn, đốn mạt của thực dân Pháp
– Giá trị nhân đạo
+ Tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít và khẳng định tội ác mà chúng đã gây ra cho mảnh đất, con người Việt Nam
+ Niềm cảm thương, chia sẻ của tác giả trước những đau đớn, mất mát mà người nông dân nghèo đang phải đối mặt.
+ Ca ngợi sức sống mãnh liệt, khao khát được yêu thương, được sống hạnh phúc với gia đình nhỏ và niềm tin tưởng vào một tương lai tươi sáng đang chờ đợi họ mặc cho cái chết đang đeo đuổi và có thể đến với họ bất cứ lúc nào.
+ Cách mạng chính là con đường đưa họ thoát khỏi cuộc sống khốn cùng này mà đến gần hơn với hi vọng, cuộc sống tốt đẹp với hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới trong suy nghĩ của Tràng ở cuối truyện.
* Giá trị nghệ thuật:
– Cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, đầy éo le nhưng nhờ thế mà các nhân vật của Kim Lân xuất hiện mà bộc lộ hết những phẩm chất tốt đẹp của mình.
– Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, không kịch tính nhưng sự sắp xếp các chi tiết gây được sự hứng thú, tò mò cho người đọc.
– Bút pháp miêu tả tâm lí, thế giới nội tâm nhân vật tinh tế, dựng đối thoại sinh động
– Ngôn ngữ gần gũi, giản dị, mộc mạc mang đậm dấu ấn của vùng nông thôn Bắc Bộ – một trong những đặc trưng trong phong cách sáng tác của Kim Lân.
Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành)
* Giá trị nội dung:
– Câu chuyện thứ nhất là câu chuyện về sự giác ngộ lí tưởng cách mạng và cuộc nổi dậy từ tự phát đến tự giác của dân làng Xô Man, với triết lí cách mạng được cụ Mết – trưởng bản, đúc kết “Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo”
– Câu chuyện thứ hai là câu chuyện về cuộc đời của Tnú – một người con của núi rừng Tây Nguyên, của bản làng Xô Man. Tnú lớn lên trong không khí cả làng làm cách mạng nên con người ấy nhanh chóng bén duyên. Cuộc đời của Tnú là cuộc đời của biết bao nhiêu con người, cũng là hình ảnh biểu trưng cho cả đất nước Việt Nam đau thương mà quật cường đứng dậy trong cuộc đọ sức cam go với đế quốc Mĩ.
* Giá trị nghệ thuật:
– Câu chuyện được kể theo hình thức truyện lồng truyện, truyện của một đời người của Tnú lại được kể trong một đêm qua lời kể của cụ Mết
– Xây dựng được không khí sử thi hào hùng, tráng lệ qua lối kể khan của cụ Mết ở nhà ưng tạo nên sự gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và truyền thuyết.
– Xây dựng được những hình tượng đặc sắc mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, đó là hình tượng của cây xà nu; hình tượng những thế hệ xà nu – những thế hệ của bản làng Xô Man, của mảnh đất Tây Nguyên; hình tượng người anh hùng Tnú
– Ngôn ngữ đặc sắc, mang đậm chất Tây Nguyên
Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi)
* Giá trị nội dung:
Những đứa con trong gia đình tái hiện cuộc chiến đấu khốc liệt giữa ta và kẻ thù và hình ảnh của một miền Nam đau thương mà kiên cường. Số phận đau thương, mất mát của nhân dân miền Nam: cả gia đình phải chịu chung nỗi đau dưới gót giày xâm lược của kè thù. Chúng gieo rắc cái chết lên những người dân thường vô tội.
– Tố cáo tội ác của kè thù xâm lược khi đã giày xéo, gây ra cái chết oan uổng cho con người trên mảnh đất này.
Cảm thông, chia sẻ với những nỗi đau mất mát của người dân Nam Bộ. Đồng thời đó cũng là nỗi đau khi phải chứng kiến số phận và sự buộc lòng phải trưởng thành, gánh vác trách nhiệm của non sông, đất nước của những đứa trẻ ngây ngô, lộc ngộc như Chiến, như Việt
– Sự khâm phục, ca ngợi lòng dũng cảm, kiên cường và hi sinh lớn lao của nhân dân miền Nam, của những đứa trẻ vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thôi thúc, giục giã và khơi dậy trong lòng thế hệ trẻ niềm căm thù giặc sâu sắc mà đứng lên chiến đấu chống lại kè thù, để nỗi đau, để cái chết không còn hiện hình trong những gia đình, trên những mảnh đất quê hương
* Giá trị nghệ thuật:
– Nghệ thuật trần thuật độc đáo với việc đặt điểm nhìn nghệ thuật vào nhân vật Việt, để cho nhân vật tự kể về cuộc đời mình và gia đình mình làm tăng tính chân thực của câu chuyện và biến câu chuyện trở thành dòng hồi ức của nhân vật.
– Câu chuyện mang đậm chất sử thi qua hình ảnh của những khúc sông trong dòng sông truyền thống của gia đình, qua cuốn gia phả của chú Năm
– Ngôn ngữ kể chuyện gần gũi, sinh động đã tạo ra không gian sinh hoạt, văn hóa đậm chất Nam Bộ
Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)
* Giá trị nội dung:
– Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xaPhân tích chi tiết văn bản Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu mang đến cho người đọc nhiều suy ngẫm:
+ Về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: Cần có một cách nhìn đa diện, nhiều chiều để có thể phát hiện ra bản chất thật sau vè đẹp bên ngoài của hiện tượng
+ Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời: Nghệ thuật phải gắn với cuộc đời – nghệ thuật vị nhân sinh.
+ Về nạn bạo lực gia đình do đói nghèo, thất học, động con…
⇒ Tác phẩm thể hiện một cái nhìn thấu hiểu, trĩu nặng tình yêu thương và nỗi lo âu đối với con người của tác giả.
* Giá trị nghệ thuật:
– Truyện xoay quanh tình huống tự nhận thức nhân vật từ lầm lẫn, ngộ nhận đến “ giác ngộ”, tình huống truyện đã chi phối :
+ Giọng điệu thay đổi linh hoạt: lúc say sưa hùng biện, lúc hài hước tự trào, lúc khách quan tiết vhees, lúc trầm lắng suy tư
+ Diễn biến tình tiết giàu kịch tính, chi tiết đối lập…
+ Sắc thái suy tư, chiêm nghiệm, suy tư- triết lí nổi bật hơn cả với những câu văn miêu tả giàu chất trữ tình, nhịp chậm, ngữ điệu trầm, những so sánh mở ra trường liên tưởng nhiều lo âu, day dứt
+ Lời văn giản dị, mộc mạc mà nhiều dư vị
⇒ Vẻ đẹp của một cốt cách nghệ sĩ mẫn cảm, đôn hậu, điềm đạm chiêm nghiệm lẽ đời để rút ra những triết lí sâu sắc.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ)
* Giá trị nội dung:
– Qua đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, tác giả Lưu Quang Vũ muốn gởi tới người đọc thông điệp:
+ Được sống làm người quý giá thật, nhưng được sống đúng là mình, sông trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn.
+ Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn.
+ Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục, chạy theo bản năng, lối sống hưởng thụ, phàm phu thô thiển.
* Giá trị nghệ thuật:
– Xây dựng tình huống truyện kịch đầy căng thẳng đạt đến cao trào rồi giải quyết mẫu thuẫn một cách logic, hợp lí, thỏa đáng.
– Nghệ thuật diễn tả hành động nhân vât, dựng lời thoại: Phù hợp với hoàn cảnh, tính cách nhân vật và sự phat triển của xung đột kịch
– Xây dựng đối thoại, độc thoại sắc nét, không chỉ giúp nhân vật bộc lộ bản chất, suy nghĩ của cá nhân mình mà còn giúp cho người đọc, người xem suy ngẫm về những triết lí được gửi gắm trong mỗi câu thoại của các nhân vật.
– Có kết hợp giữa những vấn đề thời sự và vấn đề muôn thuở: Đó là lối sống giả dối của con người hiện đại, giữa những dục vọng thấp hèn với những khát khao cao cả….