hien-tuong-gioi-tre-khong-giu-gin-su-trong-sang-cua-tieng-viet-mang-xa-hoi-12422-2

Hiện tượng giới trẻ thiếu ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong giao tiếp khi tham gia các diễn đàn mạng xã hội

Hiện tượng giới trẻ thiếu ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong giao tiếp khi tham gia các diễn đàn mạng xã hội.

  • Mở bài:

Ngày nay, mạng xã hội trở thành phương tiện quen thuộc để con người trao đổi thông tin với nhau. Trong đó, họ thường tổ chức thành các diễn dàn. Một hiện tượng dễ thấy, các bạn trẻ ngày nay, khi tham gia mạng xã hội, không có ý thức giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong giao tiếp.

  • Thân bài:

Mạng xã hội là gì?

Mạng xã hội là một cộng đồng mà ở đó các cá nhân liên kết, trao đổi đổi với nhau bằng những tài khoản điện tử. Mạng xã hội thực sự đã mang lại cho đời sống con người những lợi ích thiết thực. Thế nhưng, nó cũng gây ra những vấn nạn, nguy hại đối với con người, trong đó có vấn đề ngôn ngữ giao tiếp.

Giới trẻ ngày nay không có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong giao tiếp khi tham gia các diễn đàn xã hội là một thực trạng đáng buồn.

Biểu hiện thiếu ý thức trong giao tiếp của giới trẻ trên các diễn đàn ngày nay.

Biểu hiện dễ thấy nhất của việc giới trẻ có ý thức kém trong việc giữ gìn sự trong sang của tiếng Việt là hiện tượng nói tục chửi thề. Khi giao tiếp bằng lời nói, các bạn đã không ngần ngại nói những lời tục tĩu, khó nghe. Cho nên, khi tham gia trên các diễn đàn mạng xã hội với những thành viên quen biết hay xa la, các bạn vô tư nói tục, chửi thề. Ngôn từ khiếm nhã ấy xuất hiện với tần xuất nhiều hơn, táo bạo hơn. Điều đó làm mất đi vẻ đẹp của tiếng Việt và nhân cách của giới trẻ.

Trên các diễn đàn, các bạn trẻ thường có lời lẽ khích lẫn nhau. Từ việc trêu chọc, hiểu nhầm, cố ý gây mâu thuẫn, hiềm khích đối với người khác bằng những ngôn từ hoặc đầy ác ý, hoặc bạo lực. Không ít những vụ việc đánh nhau dẫn đến vi phạm án pháp luật cũng chỉ do một vài lời nói quá khích mà thôi.

Có thể thấy, càng ngày, trong ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ, tính bạo lực, đồi trụy và kinh dị trở nên phổ biến và quen thuộc hơn. Các bạn không hề xấu hổ hay hối lỗi khi nói ra những lời dung tục, thường xuyên có lời đe dọa, lối so sánh dị hợm, vật hóa con người.

Không những biểu hiện ở nội dung giao tiếp, trong hình thức câu chữ cũng hết sức tùy tiện.  Giới trẻ thường sáng tạo ra những cách viết chữ tùy ý, viết câu không đúng ngữ pháp: viết tắt, kết hợp tiếng ta + tiếng Tây vô nghĩa, sử dùng tiếng lóng, biệt ngữ,…Lối diễn đạt cẩu thả, tối nghĩa. Vì thế không những gây sự khó hiểu mà còn làm mất đi sức biểu đạt của tiếng Việt.

Hậu quả của việc thiếu ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt:

– Làm tiếng Việt ngày mất dần đi vẻ đẹp trong sáng và sức biểu đạt trong giao tiếp.

– Lối giao tiếp của giới trẻ trở nên thô lỗ, tục tĩu, mất lịch sự và vô văn hóa.

– Làm nảy sinh mâu thuẫn, bạo lực trong xã hội, rối loạn an ninh xã hội.

– Làm suy thoái nhân cách con người.

Nguyên nhân khiến giới trẻ thiếu ý thức, trách nhiệm đối với tiếng nói của dân tộc:

– Là hậu quả của sự tự do trong đời sống công nghệ mang lại.

– Do sự suy thoái nhân cách nghiêm trọng đang âm thầm diễn ra trong một bộ phận giới trẻ.

– Lối sống thiếu trách nhiệm với bản thân và đất nước. Tâm lí chạy theo xu hướng thực dung và đề cao đời sống vật chất. Thói a dua, đua đòi, bắt chước lẫn nhau.

– Gia đình, nhà trường, xã hội ít quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ.

– Con người ít quan tâm, thiếu trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị cao quý của Tiếng Việt.

Giải pháp khắc phục và nâng cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong giao tiếp ở giới trẻ.

– Nâng cao nhận thức về ý nghĩa của Tiếng Việt trong đời sống con người Việt Nam và ý thức trách nhiệm đối với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đó là một nhiệm vụ quan trọng, nhất là đối với giới trẻ.

– Học tập và rèn luyện bản thân thật tốt theo các chuẩn mực mà xã hội đã quy định và cần có ở mỗi con người. Liên tục bồi dưỡng tri thức, nhân cách nhân phẩm.

– Xây dựng lối giao tiếp trong sạch, lành mạnh để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Xây dựng lối sống văn hóa, tiến bộ. Tuyên truyền và nang cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong cộng đồng và toàn xã hội.

– Phê phán, lên án nhũng hành vi thiếu ý thức giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

Bài học nhận thức:

Tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc. Khi sử dụng tiếng Việt, phải tôn trọng và gìn giữ lấy nó. Giữ gìn sự trong sáng và phát huy các giá trị tốt đẹp của Tiếng Việt là trách nhiệm của mội con người.

  • Kết bài:

Tiếng Việt là linh hồn của dân tộc. Tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Tuổi trẻ hãy giữ lấy sự sáng của tiếng Việt. Tiếng Việt có phát huy vai trò và sức mạnh của nó ở tương lai hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào những gì các bạn trẻ đang làm và sẽ làm ở ngày hôm nay.


Bài tham khảo:

TỪ BÀI THƠ “TIẾNG VIỆT” NGHĨ VỀ Ý THỨC GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT Ở GIỚI TRẺ HIỆN NAY.

Bên cạnh việc sử dụng tiếng Việt để sáng tạo nên những tác phẩm văn hoá, văn học bất hủ, các nghệ sĩ của chúng ta luôn đến với tiếng nói của dân tộc như một nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn. “Họ (các nhà thơ mới) yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt” (Hoài Thanh). Có lẽ mọi nghệ sĩ đều có tình cảm tương tự đối với tiếng Việt. Đã có nhiều tác phẩm hay viết về tiếng Việt nhưng có một sáng tác đã đem lại nhiều điều mới mẻ và xúc động nhất là bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa bạc mệnh Lưu Quang Vũ.

TIẾNG VIỆT

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.

“Ðá cheo leo trâu trèo trâu trượt…”
Ði mòn đàng dứt cỏ đợi người thương
Ðây muối mặn gừng cay lòng khế xót
Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng
Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người
Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.

Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay
Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.

Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.

Ai thuở trước nói những lời thứ nhất
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu
Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt
Ai người sau nói tiếp những lời yêu

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình

Nhà thơ đã sáng tạo nên một thế giới hình ảnh sinh động, gợi cảm để tái hiện cội nguồn lịch sử tiếng nói dân tộc. Tiếng Việt không phải là một khái niệm trừu tượng mà là tiếng mẹ gọi, tiếng cha dặn, tiếng kéo gỗ, tiếng gọi đò, là câu hát lời ru “rung rinh nhịp đập trái tim”… nghĩa là tất cả những gì gần gũi, thân thiết, máu thịt nhất đối với mỗi người; là thứ tiếng lấm láp giọt mồ hôi mặn chát, những giọt nước mắt cay đắng và cả những tâm tình sâu lắng, ngọt ngào, say đắm. Tiếng Việt là thứ tiếng của Tình yêu và
lao động.

Có thể xem hai câu thơ: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa. Óng tre ngà và mềm mại như tơ” là những câu thơ hay nhất của bài thơ. Đó là một sự phát hiện, đúc kết sâu sắc về đặc trưng tiếng nói, bản sắc dân tộc: vừa mộc mạc, chân chất, khoẻ khoắn, vừa mềm mại, dịu dàng, mát mẻ, vừa cứng cỏi lại vừa óng ả, tinh tế, bay bổng…Những hình ảnh “đất cày”, “lụa”, “tre ngà”, “tơ” đều gần gũi, quen thuộc, mang đậm bản sắc dân tộc. Hai câu thơ đẹp, lung linh sắc màu, càng đọc, càng suy ngẫm càng thấy thấm thía, xúc động.

Lưu Quang Vũ đã có những phát hiện mới mẻ về sức mạnh kì diệu của tiếng Việt: là dòng sông chảy muôn đời lưu giữ truyền thống yêu nước, nhân ái của con người Việt Nam, là biển lớn của tinh thần hoà hợp dân tộc. Sức mạnh quân sự của kẻ thù có thể chia cắt đất nước về mặt ranh giới địa lí nhưng không thể chia cắt khối thống nhất vĩ đại của lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ dân tộc. Tiếng Việt trở thành sợi dây nối liền tâm hồn, tư tưởng của mọi thành viên trong cộng đồng cũng như những người con xa xứ, lưu lạc. Từ mối liên hệ với lịch sử, tác giả đã xem tiếng Việt như là một nhân tố tạo nên sự bền vững muôn đời của dân tộc.

Tính nhân dân là hạt nhân tư tưởng của bài thơ. Tác phẩm thấm đẫm cảm xúc kính trọng, tự hào, yêu thương nhân dân. Nhân dân là những người đã lao động, sáng tạo, đã đổ mồ hôi, công sức vun đắp cho tiếng Việt ngày càng giàu đẹp hơn và chịu đựng gian khổ, hi sinh, đổ máu để cho tiếng Việt mãi mãi là tiếng nói của một dân tộc có chủ quyền. Tiếng Việt là thứ tiếng cất lên từ bờ tre, mái rạ, từ trong cuộc sống lam lũ, khổ nghèo của những người kéo gỗ, chèo đò, dệt lụa, lặn ngòi ngoi nước, ăn cầu ngủ quán…trải qua những ngày chia cắt, giặc giã, khói lửa với những nỗ lực, hi sinh âm thầm của bao thế hệ con người.

Điều kì diệu là tiếng Việt sản sinh trong cuộc sống lao động và chiến đấu ấy lại là một thứ tiếng ngọt ngào, đằm thắm, tha thiết, thấm đẫm yêu thương dịu dàng, trong trẻo “như dòng sông thương mến chảy muôn đời”. Suy cho cùng thì vẻ đẹp, sự kì diệu của tiếng Việt cũng là vẻ đẹp, sự kì diệu của tâm hồn nhân dân, dân tộc. Bài thơ cũng phản ánh không khí của một thời, khi mà cả dân tộc đang phải vận dụng, phát huy tất cả nguồn sức mạnh tổng hợp để đối đầu với một kẻ thù hùng mạnh hơn gấp nhiều lần.

“Tiếng Việt” thể hiện những nét đặc sắc trong bút pháp, phong cách nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ. Bài thơ “…đầy ắp hình ảnh, ảnh thực và ảnh ảo, hiện thực và tưởng tượng, sách vở và đời sống hoà quyện thúc đẩy nhau trong các câu thơ dồn dập” (Vũ Quần Phương, Lưu Quang Vũ – thơ và đời, NXB Văn hoá – Thông tin, 1999). Bên cạnh đó, độc giả còn bị chinh phục bởi tính nhạc phong phú, tinh tế. Thể thơ tám chữ với lối gieo vần phóng khoáng và cách ngặt nhịp biến hoá khiến cho bài thơ trở thành một bản nhạc không bao giờ dứt. Nhịp thơ khi trầm lắng, khoan thai, tha thiết, khi sôi nổi, dồn dập, mạnh mẽ…Nội dung tư tưởng lớn lao, sâu sắc được diễn tả bằng một bút pháp nghệ thuật điêu luyện, tài hoa.

Từ bài thơ này, gợi cho tôi nhiều suy nghĩ về ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ở giới trẻ hiện nay. Chủ tịch HCM đã nói: “Tiếng Việt là tài sản vô cùng quý báo của dân tộc ta” hay như nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã từng viết: “Tiếng Việt là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ đã qua”. Đúng thế để có được ngôn ngữ đã có biết bao nhiêu các anh hùng đã phải ngã xuống vì độc lập tự do hay nói đúng hơn là vì tiếng nói,vì ngôn ngữ dân tộc trên trái đất này

Vậy thế nào là sự trong sáng của tiếng Việt? Sự trong sáng của tiếng Việt bao gồm nhiều yếu tố như: Không lai căng tức không chen tiếng Tây, tiếng Mỹ vào, không tối nghĩa, không gây hiểu lầm, giản dị. (không cầu kỳ, rắc rối), lịch sự, thanh tao.

Hiện nay ngôn ngữ Tiếng Việt đã và đang ngày càng bị xâm phạm một cách quá mức. Đó là do cách sử dụng của giới trẻ còn bừa bãi chưa ý thức được ngôn ngữ là tài sản quý báu của dân tộc nên có những hành động thiếu tính tôn trọng, lịch sự. Chúng ta không ít khi nhìn thấy những trường hợp vi phạm. Việc chửi tục, nói bậy là rất phổ biến khiến cho vô hình chung Tiếng Việt bị vấy bẩn một cách vô ý thức….

Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội thì phần lớn lớp trẻ hiện nay đang lạm dụng ngôn ngữ xì tin khi trao đổi với nhau. Trong đó, có cả trí thức, sinh viên và các em học sinh. Cách viết của một bộ phận giới trẻ hiện nay khiến chúng ta không khỏi giật mình nhưng đã trở thành phổ biến. Việc các bạn trẻ dùng các ký hiệu “ tây- ta” lẫn lộn và dùng nó ở mọi lúc,mọi nơi khiến cho nhiều lúc chính các bậc cha mẹ,các nhà ngôn ngữ học cũng phải “ bất lực”…

Không dừng lại ở đó,một thực trạng đáng buồn và đang được xã hội quan tâm là giới trẻ hiện nay không những sử dụng sai mục đích của ngôn ngữ khi giao tiếp,phát ngôn mà còn bị mắc các lỗi cơ bản về câu như: lỗi về dấu câu, lỗi về quan hệ ngữ pháp, lỗi về phong cách văn bản…trong đó có lỗi phổ biến và điển hình là lỗi chính tả…

Làm thế nào để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? Việc sử dụng và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt phải bắt đầu từ những bài học trên ghế nhà trường. Thầy cô phải là người uốn nắn và sửa chữa cho học sinh từ cách phát âm, luyện cho học sinh viết đúng chính tả, ngữ pháp. Trong gia đình thì cha mẹ phải thường xuyên kèm cặp và quản lí học sinh trong việc sử dụng điện thoại, các trang mạng xã hội để uốn nắn. Đối với các phương tiện thông tin đại chúng cần có tính định hướng và sử dụng các bài viết của mình đúng văn phong. Ngoài ra, chúng ta cần phải tạo một thói quen cho bản thân, cho học sinh chúng ta một thói quen thường xuyên đọc sách và trau dồi vốn từ.
Mỗi cá nhân cần phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt của mình như cố nhà thơ Lưu Quang Vũ đã từng viết:

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình

Ông cha ta đã từng nói: “Nét chữ là nết người”. Viết đúng và biết giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là thể hiện ý thức của công dân đối với chữ viết dân tộc. Đồng thời thể hiện lòng tự tôn dân tộc đối với tiếng Việt- một ngôn ngữ có sức sống mãnh liệt tự ngàn xưa mà thế hệ hôm nay cần giữ gìn và bổ sung những vốn từ trong sáng, làm đẹp thêm cho tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

Nghị luận: Ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt của học sinh ngày nay

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang