Hình ảnh con người thức tỉnh qua nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ
- Mở bài:
Tô Hoài là nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện thực Việt Nam thế kỉ XX. Do có trình độ hiểu biết sâu rộng và vốn sống phong phú về phong tục, tập quán của nhiều dân tộc ở nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước nên sáng tác của Tô Hoài thiên về diễn tả những tình cảnh của đời thường. Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn thành công nhất trong ba truyện ngắn viết về đề tài Tây Bắc của ông. Tác phẩm ra đời là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn cùng với bộ đội giải phóng Tây Bắc. Tác phẩm thể hiện chân thực, xúc động về cuộc sống cơ cực, tủi nhục của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao dưới ách thống trị của thực dân và phong kiến cùng quá trình giác ngộ cách mạng, tự vùng lên giải phóng cuộc đời. Qua nhân vật Mị, Tô Hoài đã xây dựng thành công hình ảnh con người thức tỉnh nhận ra chính mình và tìm cách tự giải thoát mình.
- Thân bài:
“Con người thức tỉnh” chỉ một dạng nhân vật văn học vốn có số phận bất hạnh nhưng biết vươn lên đấu tranh để thay đổi cuộc đời, giành lại cho mình những niềm hạnh phúc đáng được có. Mị là nhân vật từng nếm trải nhiều cay đắng, tủi nhục và đau khổ trải qua những năm dài bị áp bức bóc lột bị chà đạp, giày xéo mà trở thành con người gần như vô cảm vô hồn, sống trong trạng thái nhẫn nhục, cam chịu cho thân phận mình. Cuối cùng, con người thức tỉnh dần dần “hồi sinh”, tự ý thức về quyền sống và quyền làm người của mình, phản kháng áp bức, bất công giành lấy tự do và hạnh phúc, xây dựng một cuộc sống có ý nghĩa. Cùng với nhân vật A Phủ, ta thấy rõ nhân vật Mị là “con người thức tỉnh” giàu ý nghĩa nhân văn.
Cuộc đời Mị là chuỗi dài những bi kịch nối tiếp. Mị là một cô con dâu gạt nợ sống ở nhà thống lí Pá Tra để trả món nợ truyền đời, truyền kiếp. Quãng đời của Mị ở Hồng Ngài thật sự là một chuỗi ngày đen tối nhất của một người đàn bà ở giữa chốn địa ngục trần gian… Tuy là mang tiếng con dâu của vua xứ Mèo mà lại phải làm việc quần quật như “con trâu, con ngựa”. Sống vô cảm vô hồn, không có ý thức về thời gian, tuổi trẻ, tình yêu, cam chịu, nhẫn nhục…
Cứ tưởng Mị sẽ chết mòn với tình trạng ấy. Chẳng mấy ai ngờ, tiếng vọng đêm tình mùa xuân đã đánh thức những khát vọng sống, khiến tâm hồn Mị rạo rực.
Từ sự tác động của ngoại cảnh, đặc biệt là tiếng sáo, men rượu, khiến Mị hồi sinh, Mị nhận ra Mị còn trẻ (sự ý thức được về bản thân, về ngoại hình, nhan sắc), Mi muốn đi chơi (Sự ý thức được nhu cầu đòi hỏi về mặt tinh thần).
Mị so sánh mình với bao người phụ nữ khác: Bao nhiêu người có chồng vẫn đi chơi ngày tết. Và cô gái ấy trở lại cái đau đớn khi nhận ra cuộc hôn nhân phi lí của mình. Nhắc lại điều đó, ý muốn tự tử của Mị lại trở lại. Hay nói cách khác, nghĩ đến nắm lá ngón, đến cái chết lại là dấu hiệu cô Mị đã hồi sinh, nhận ra mình muốn chết là ý thức được về những nỗi thống khổ, là sự phản ứng lại trước số phận nghiệt ngã, là khao khát muốn được tự do.
Và Mị, đã có những hành động, không phải vô tri, thói quen, mà là hành động của thức tỉnh. Trước tiên, Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ vào đĩa cho đèn thêm sáng. Sau đó, Mị quấn lại tóc, lấy cái váy hoa chuẩn bị đi chơi, Mị đã bước đi theo tiếng gọi của tiếng sáo, của nhu cầu bản thân, Mị đang vượt qua những ràng buộc, để sống thật với con người mình, khao khát của mình.
Nhưng A Sử về, A Sử ở đó như đại diện cho cường quyền, thần quyền, chặn đứng khát khao, nhu cầu của Mi, A Sử trói đứng Mị vào cột, thế nhưng A Sử không thể trói được tâm hồn Mi, Mi bị trói nhưng Mị vẫn vùng bước đi. – Hành động quyết liệt trong đêm mùa đông cứu A Phủ
Sau đêm tình mùa xuân, Mị trở lại với kiếp sống chai sạn, Mị không cần biết, không đoái hoài, không quan tâm. Vô cảm với chính minh, Mị cũng chẳng còn thiết tha đến mọi thứ xung quanh.
Thế nhưng, dòng nước mắt của A Phủ đã đánh thức và làm hồi sinh lòng thương mình rồi đến thương người trong Mị. Mị đã cảm nhận nỗi đau của A Phủ bằng chính nỗi đau của mình. Và từ sự đồng cảm đó, lòng Mị dấy lên sự căm phẫn: “Trời ơi, nó bắt trói đúng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này”. Mị nhận ra giá trị của con người, giá trị được sống nhưng lại bị bắt chết. Để đi đến hành động cắt dây trói cứu A Phủ, Mị đã phải trải cả một quá trình diễn biến tâm lý đầy phức tạp. Nhưng tình thương A Phủ, sự đồng cảm với kiếp người cùng khổ đầy khốn nạn, thêm cả lòng căm phẫn, và sự thúc bách về mặt thời gian, cô gái đó đã có một hành động hết sức táo bạo, liều lĩnh: cắt dây trói để cứu A Phủ.
Hành động cắt dây trói là cắt đi cả cường quyền và thần quyền đè nén bấy lâu. Khi A Phủ chạy đi, Mị đứng lặng trong bóng tối, khoảnh khắc ấy, trong Mị trào lên niềm khao khát sống, lúc này, cùng với nỗi sợ và lòng ham sống mãnh liệt, Mị vụt chạy theo A Phủ. Bước chân Mị như đạp đổ thần quyền của bọn lãnh chúa phong kiến bao năm qua đè nặng lên Mị.
Mị là con người thức. đánh giá tỉnh, thức tỉnh từ nhận thức đến hành động, và điều đó mang lại cho Mị một cuộc đời mới, có ý nghĩa và được làm một con người thật sự.
- Kết bài:
Bằng tài năng và một vốn từ phong phú, Tô Hoài đã phân tích tinh tế, sâu sắc mọi diễn biến về tâm lí và hành động Mị trong quá trình thức tỉnh với tất cả sự thương xót và đồng cảm sâu sắc. Mị là nhân vật tiêu biểu của hình ảnh con người thức tỉnh có sức mạnh phản kháng và sức sống tiềm tàng. Nhân vật Mị đã góp phần thể hiện giá trị nhân văn của truyện Vợ chồng A Phủ.