hinh-anh-nguoi-nong-dan-ngheo-trong-sang-tac-cua-nam-cao

Hình ảnh người nông dân nghèo trong sáng tác của Nam Cao.

Hình ảnh người nông dân nghèo trong sáng tác của Nam Cao.

Trong bức tranh rộng lớn của nền văn chương Việt Nam, sáng tác của Nam Cao là những mảng nghệ thuật rất có ấn tượng trong lòng người đọc hơn thế kỉ qua. Đó còn là những dấu son nghệ thuật có sức tỏa sáng. Bởi vì, Nam Cao hơn ai hết đều hiểu sức mạnh của văn chương. Ông là nhà văn chân chính, tiến bộ, giàu tài năng nên đã lấy văn chương thức tỉnh con người, góp phần cải tạo xã hội.

Trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao thường viết về hai đề tài chính: Viết về trí thức nghèo, Nam Cao miêu tả những bi kịch tinh thần của họ, có tài, nhiều hoài bão cao đẹp nhưng bị cuộc sống áo cơm ghì sát đất phải “chết mòn” về tinh thần.

Đó là những “giáo khổ trường tư” trong Sống mòn luôn đối phó với cảnh thất nghiệp. Những văn sĩ muốn xây dựng một sự nghiệp văn chương chân chính và nổi tiếng nhưng không có điều kiện thực hiện (Giăng sáng, Đời thừa…).

Viết về hình ảnh người nông dân nghèo, Nam Cao chú ý miêu tả sự nghèo khó, bất công trong xã hội. Nhiều người vẫn giữ được phẩm chất trong sạch của mình, dù khổ đau, túng quẫn (Lão Hạc, Dì Hảo, Một đám cưới…). Nhưng cũng có một số nông dân bị tha hóa về nhân cách, bị dân làng khinh bỉ, căm ghét (Chí Phèo, Tư Cách Mõ, Nửa đêm…). Dù viết về đề tài nào, Nam Cao đều đặt ra vấn đề nhân cách con người trong hoàn cảnh khó khăn.

1. Sáng tác của Nam Cao là tiếng nói đồng cảm với thân phận người nông dân nghèo.

a. Đồng cảm với những người nông dân nghèo phải chịu đói khổ.

Nổi bật trong sáng tác ở đề tài người nông dân, Nam Cao đã xây dựng rất thành công hình tượng người nông dân ở cảnh đời khổ cực, đói kém, tối tăm. Qua đó thể hiện tấm lòng nhân đạo, đồng cảm với những người cùng khổ của hai nhà văn.

Viết về người nông dân, Nam Cao thường xuyên đụng chạm đến cái nghèo, cái đói, những vấn đề nhức nhối của dân tộc ta. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, trưởng thành trên vùng quê mà bọn cường hào ác bá chia bè kéo cánh, đục khoét bóc lột người dân, Nam Cao am hiểu khá thấu đáo, thấm thía số phận, cuộc sống nhiều mặt của nông thôn Việt Nam và của những người nông dân nghèo khổ. Khi Nam Cao bước vào làng văn cũng là lúc xã hội Việt Nam chao đảo, ngột ngạt và bế tắc. Các giai cấp bị phân hóa dữ dội. Đời sống người nông dân rơi vào tình trạng khốn cùng trên con đường phá sản: từ quá trình bần cùng hóa chuyển sang bị lưu manh hóa, người sống quẩn quanh, bế tắc trong những “kiếp lầm than”.

Trong văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945, đề tài người nông dân không phải là mới, chúng ta từng bắt gặp những con người khốn khổ, bị dồn đến chân tường và đã chứng kiến không ít những số phận éo le, long đong lận đận trong tác phẩm của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng nhưng đến Nam Cao ông không dừng lại ở những hiện tượng bề mặt mà cố gắng đi sâu vào bản chất của sự vật, bày tỏ thái độ đồng cảm, xót thương đối với những tâm hồn lao khổ. Trong sáng tác của Nam Cao không vang lên những tiếng trống thúc sưu, dồn thuế, cũng không miêu tả trực tiếp những cảnh tranh ruộng cướp đất nhưng vẫn phản ánh chân thật, sâu sắc hiện thực xã hội Việt Nam những năm 1930 – 1945.

Vẫn là những cảnh thóc cao, gạo kém, con người phải vật lộn để kiếm sống, nhưng trong tác phẩm của ông, cái đói, cái nghèo như một sức mạnh vô hình thít chặt lấy số phận của các nhân vật. Cảnh nghèo đã thấm qua từng trang sách, khắc chạm vào tâm khảm người đọc khiến chúng ta day dứt mãi khôn nguôi về bi kịch của những con người bị đẩy đến tận đáy sâu thẳm của xã hội. Nam Cao không nhìn người nghèo với con mắt khinh bỉ, giễu cợt và cũng không thi vị hóa, lý tưởng hóa họ. “Nam Cao yêu triều mến cái làng khổ sở của anh, anh yêu những bến đò hiền lành, những buổi sáng, buổi trưa của thôn quê Việt Nam. Mỗi khi nói đến cái gốc dại quanh quẩn của những người đau khổ quằn quại, biết bao xót xa, độ lượng trong câu văn của anh” (Nguyễn Đình Thi). Từ một làng quê heo hút của mình, nhà văn đã mở rộng ra cả một thực trạng nông thôn đang trong thời kì lột xác, vươn tới phản ánh cho được cái bản chất, cái có tính phổ biến, quy luật.

Nông thôn trong tác phẩm Nam Cao là một nông thôn nghèo đói, xơ xác, hoang vắng, heo hút, tiêu điều “Nhà cửa lưa thưa. Toàn những nhà tre úp xúp giữa những khu vườn rộng nhưng xấu lắm: mía như đốt lau hoặc khẳng khiu như chân gà, chuối lè tè như cây rau diếp ngồng, dĩ chỉ đến cây khoai, cây ráy cũng không lên được. Người xấu xí và rách rưới. Cái số trẻ con bụng ỏng mắt tóe ở ngoài đường sẵn lắm” (Quái dị). Đây là hiện thực, là dấu ấn của một thời kì đen tối, của những năm 40 – 45 nạn đói luôn đe dọa, nhất là năm 45 người chết đói đầy đường.

Làng quê Nam Cao thường là vùng trồng màu (mía, lạc, ngô, đậu). Màu nhiều, lúa ít nên đa phần người nông dân ở đây phải làm đủ nghề để kiếm sống: nghề vườn, nghề bãi, nghề dệt cửi, tằm tang… Nhưng dường như trăm nghề vẫn chẳng đủ sống. Họ bị tước đoạt hết ruộng đất. Bất hạnh gõ cửa từng nhà. Không nhà nào yên ấm, nhà nào cũng tan tác, chia lìa. Người làng li tán khắp nơi tha hương cầu thực: kẻ phiêu dạt ra thành phố tìm đến trú ngụ trong những căn nhà ẩm thấp, tăm tối (mẹ con Hiền trong Truyện người hàng xóm), kẻ phẫn chí bỏ đi làm thuê ở một đồn điền cao su (con trai lão Hạc trong Lão Hạc). Ngay cả một đám cưới cũng là cưới để ly tán gia đình, ly tán để tìm kế sinh nhai (Một đám cưới).

Đại chiến thế giới thứ hai bùng nổ, Nhật vào Đông Dương gieo rắc bao thảm họa. Kinh tế Đông Dương khủng hoảng, cả xã hội như trong cơn đảo điên và nhịp độ hoành hành của bọn thống trị càng gấp rút và siết chặt. Số phận người nông dân trong nhiều truyện ngắn của Nam Cao được đặt ở những thử thách khốc liệt của cảnh nghèo. Nhiều câu chuyện thương tâm xoay quanh cái đói và không ít nhân vật bị đẩy vào cảnh chết đói thảm thương, ví như anh đĩ Chuột trong truyện ngắn “Nghèo” đi tìm sợi dây thắt cổ tự vẫn, tìm một cái chết âm thầm và nhanh chóng, như trốn chạy để khỏi phải nhìn những gì chắc chắn sẽ diễn ra cho người thân. Đó là một cái chết tuyệt vọng “Cái bộ xương bọc trong da giãy dụa như một con gà bị bẫy, sau cùng, nó chỉ còn giật từng cái chậm dưới sợi dây thừng lủng lẳng”. Có người cha như lão Hạc cương quyết không ăn lấn vào món tiền bán vườn và tiền bán “cậu Vàng” để dành dụm cho đứa con trai đang đi đồn điền cao su. Đó là một cái chết vật vã, đau đớn, gây nhiều xôn xao nhưng lại có phần thanh thản vì cho đến chết, lão Hạc vẫn là người lương thiện và còn hi vọng mong manh rằng con trai lão sẽ trở về, và nó sẽ hưởng được cái vốn liếng còm cõi mà lão để lại. Phúc trong “Điếu văn” chết vì bệnh. Nhưng thực ra đó cũng là một kiểu chết đói. Cả cuộc đời anh là cuộc đời đi làm thuê, và hầu như lúc nào cũng đói “Sáng ngày ra anh uống nước lã cầm hơi. Bữa trưa anh được lùm lùm một bát cơm ngô, hoặc khoai. Buổi tối người ta cho anh vài nắm ngô rang hoặc vài củ khoai, củ ráy… Chỉ có công việc và những lời chửi rủa thì lúc nào cũng thừa bứa, tứa tát, xơi không kịp”, anh chết trong sự thèm khát một bát chè đỗ đen mà không được.

Truyện ngắn “Lão Hạc” là điển hình về số phận nghèo khổ, bất hạnh của những người nông dân và tấm lòng của nhà văn đối với con người. Trước hết, Lão Hạc là người sống trong tuổi già cô đơn đầy lo nghĩ. Cả đời làm lụng vất vả, vợ chồng lão cũng tậu được mảnh vườn, nhưng mảnh vườn ấy cũng không giúp lão lo được hạnh phúc cho con. Đứa con trai duy nhất của lão đã có người yêu – chúng rất mến nhau, nhưng tiền thách cưới quá nặng, mất “cứng đến 200 bạc. Lão không lo được”. Tục lệ cưới xin lạc hậu, lão không làm tròn bổn phận của người cha. Nỗi đau ấy luôn dày vò trong tâm lão.Phẫn chí, anh con trai bỏ đi phu đồn điền cao su để lão sống một mình. Lão xót xa cay đắng khi nhận ra đưa con cứ tuột dần khỏi tay mình “hình của nó người ta chụp, ảnh của nó người ta giữ., nó là người của người ta rồi chứ đâu còn là con của tôi nữa”. Và từ đấy lão sống một mình, bầu bạn với lão chỉ có con vàng. Vợ chết, con đi xa, lão cô đơn làm sao. Đến ông giáo cũng cảm nhận được nỗi cô đơn của lão “già rồi mà ngày cũng như đêm, suốt ngày chỉ thui thủi một mình thì ai mà chả phải buồn”. ấy vậy mà lão cũng phải bán con Vàng, bán nguồn an ủi động viên, bán người bạn. Giá như ta biết quá trình tính toán, cân nhắc từng bữa ăn của chó, của người, biết được bao lần lão Hạc đã sang kể cho ông giáo nghe việc mình bán con Vàng, ta mới thấy được lão đã day dứt, trăn trở, khổ đau thế nào.

Thứ hai, cuộc sống của lão càng ngày càng túng thiếu chật vật.Già rồi, đến tuổi vui thú điền viên, được con cháu phụng dưỡng mà lão vẫn phải đi làm thuê làm mướn để kiếm sống. Nhưng ốm đau không chừa lão. Lão đã ốm một trận thừa chết thiếu sống đến hơn tháng trời. Làng lại mất vé sợi, người khoẻ mạnh tranh hết việc, ai thuê người già lão, yếu đau. Lão thất nghiệp, lão sống bằng cái gì đây. không thể tiêu vào tiền của con, lão “chế tạo được món gì, ăn món ấy”, khi bữa trai bữa ốc, khi củ khoai củ dáy đắp đổi qua ngày. Cuộc sống đã khổ ngày càng khổ hơn, bế tắc hơn.

Lão sống khốn khổ như vậy mà có người vẫn không hiểu lão.Vợ ông giáo không phải là người xấu. Cuộc sống cũng khốn khó, nhưng khi thấy chồng giúp lão thì chị cũng khó chịu “Cho lão chết. Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ”. Trong con mắt của chị, lão là người keo kiệt bủn xỉn, keo kiệt bủn xỉn với ngay chính bản thân mình, keo kiệt đến gàn dở. Còn Binh Tư – kẻ sống bằng nghề trộm cắp cũng coi thường lão “Lão làm bộ đấy. Lão tẩm ngẩm thế thôi chứ ghê ra phết”. Binh Tư như tìm được một đồng minh. Trong con mắt của Binh Tư, lão chỉ là kẻ sống bất lương núp dưới bộ mặt đạo đức giả. Mỗi người một cách nhìn khác nhau, nhưng rõ ràng lão trở nên xấu xa, gàn dở, tội lỗi.

Sống đã khổ, đến chết cái khổ cũng không buông tha lão. Ta hãy cùng Nam Cao bước sang nhà lão để chứng kiến những giây phút cuối cùng của đời lão “lão đang vật vã…đầu tóc rũ rượi…hai mắt long sòng sọc…bọt mép sùi ra…”. Tác giả tả thực, tả tỉ mỉ từng cử chỉ, hành động của lão trước khi từ giã cõi đời. Cái chết của lão sao mà đau đớn, dữ dội, bất ngờ và bí ẩn đến thế. Xót xa thay, thương cảm thay cho một kiếp người sống trong túng đói, dằn vặt, cô đơn, chết trong đau đớn vật vã.

Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tựu chung lại đều luẩn quẩn quanh cái nghèo, cái đói, sự ngột ngạt của cuộc sống nghẹt thở đã đến mức tận cùng của sự bế tắc, cái chết của họ đầy thương tâm, mang một ý nghĩa tố cáo xã hội sâu sắc. Chạy đến cùng trời cũng không sao thoát khỏi cái nghèo, cái đói và cái chết.

b. Đồng cảm với những người nông dân bị tha hóa, bị lưu manh hóa.

Viết về người nông dân, Nam Cao tập trung viết về tình trạng con người luôn luôn bị lăng nhục, bị xúc phạm về nhân phẩm, bị đẩy vào tình trạng tha hóa, lưu manh hóa. Nói cách khác đó là những người nông dân bị dồn đến đường cùng nhưng họ không chịu nhịn nhục. Họ vùng vẫy tìm lối thoát cho mình. Đa số là lối thoát tiêu cực: rượu chè, cờ bạc, trộm cướp, lưu manh. Đó cũng là một quy luật nghiệt ngã của xã hội. Từ đó bộc lộ tấm lòng đau đớn của mình trước số phận của những người nông dân.

Viết về quá trình người nông dân bị tha hóa, lưu manh hóa, “Chí Phèo” là tác phẩm xuất sắc nhất của Nam Cao. Đây là nhân vật tổng hợp những hư hỏng của người nông dân (Tuy rằng trước Chí Phèo đã có Năm Thọ, Binh Chức). Vì vậy, Chí Phèo là nhân vật điển hình, có ý nghĩa khái quát xã hội rộng lớn, là một nhân vật tha hóa với đầy đủ ý nghĩa sâu sắc, chính xác của khái niệm này. Tha hóa ở đây được hiểu là sự biến chất của con người, là tình trạng con người trở thành cái đối địch với bản chất của nó. Cũng như tất cả các nhân vật khác, Chí Phèo bước vào cái tuổi hai mươi của đời mình với phẩm chất lương thiện : hiền lành, siêng năng, có ước mơ, giàu tự trọng… Nhưng vì một lý do không đâu, Chí Phèo bị đi tù. Ở tù ra, hắn trở thành lưu manh, một kẻ khác hẳn với bản chất vốn có của mình: hay uống rượu, chửi bới, rạch mặt ăn vạ, giết người. “Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng sắng cá. Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo đen với cái áo tây vàng. Cái ngực thì phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế, trông gớm chết!”. Gặp Thị Nở, Chí Phèo muốn hoàn lương, nhưng xã hội không chấp nhận. Cuối cùng Chí Phèo phải chết trên ngưỡng cửa của sự tìm về với đồng loại và treo ở đó một khát vọng tha thiết muốn làm người lương thiện.

Qua đề tài này Nam Cao đã đưa ra một quy luật triết lý đầy ý nghĩa trong sáng tác về người nông dân, đó là : những người nông dân trước cách mạng là sản phẩm của hoàn cảnh và trong xã hội cũ, người nông dân không thể làm người lương thiện. Quá trình hư hỏng của nhân vật cũng chính là quá trình tha hóa con người của chế độ xã hội. Nguyên nhân trực tiếp là do xã hội, nhưng một phần cũng là do sự thiếu thốn, nghèo đói và quan hệ giữa người với người không chút tình thân.

Nam Cao xây dựng thành công hình tượng người nông dân nghèo đói, bần cùng, bị tha hóa, lưu manh hóa. Từ đó ngấm ngầm tố cáo cuộc sống xã hội nghẹt thở trong chế độ đương thời. Ông xứng đáng là nhà văn hiện thực và nhân đạo chủ nghĩa ở tấm lòng đồng cảm, thương xót đối với những kiếp người nghèo khổ.

2. Nam Cao phát hiện ra những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân nghèo.

a. Ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, công bằng.

Có thể nói, Nam Cao đã tiếp nối truyền thống văn học hiện thực trước đó một cách xuất sắc và còn khám phá thể hiện con người ở một tầm cao mới, một chiều kích mới. Ông không chỉ nhìn thấy cái khốn khổ của họ, đồng cảm và thương xót họ mà nhà văn còn đồng cảm với những cuộc đời khốn khổ, tăm tối ấy.

Khác với các nhà văn cổ điển nhìn trên bình diện đạo đức, Nam Cao đứng trên lập trường ý thức xã hội, ý thức nhân dân đã chỉ ra phần tốt đẹp tưởng như đã tắt hẳn trong những con người nghèo khổ. Trong sáng tác của Nam Cao, hình ảnh người nong dân đang có những chuyển biến âm thầm mà mạnh mẽ, quyết liệt. Nhà văn luôn chú ý đến phần thức tỉnh, phần nhân tính trong con người dẫu chỉ là khoảng khắc, giây lát. Nét tinh tế và tấm lòng nhân đạo của Nam Cao là ở chỗ nhà văn đã nắm bắt và thể hiện được khoảng khắc lóe sáng của tâm hồn, giây phút “đốn ngộ” của nhân tính trong những chuỗi ngày tăm tối của con người để thể hiện, để khám phá trân trọng và ngợi ca.

Nhà văn luôn nhìn con người trong phần tốt đẹp nhất, trong sự soi sáng của lương tri, của tình người chứ không phải trong mảng tối của bóng đêm dày đặc. Rõ ràng con người không chỉ có cái tốt đẹp cái thiên lương cao quý mà còn có cả những cái xấu xa, những góc khuất, những rắt rết, ác quỷ. Nhưng có điều Gorki luôn nhận ra sự xuất hiện của thiên thần trong con người tưởng như hoàn toàn xấu xa, hư hỏng kia. Chính lúc ấy họ vụt lớn lạ thường, đẹp đã cao cả lạ thường, không còn cái xấu xa, hư hỏng nữa mà chỉ có ánh sáng của thiên lương. Ông không coi việc miêu tả tỉ mỉ bi kịch của con người ngèo khổ là mục đích chính của mình, mà ông đi sâu vào thế giới nội tâm, tìm hiểu những phẩm chất tốt đẹp, khám phá những khả năng tiềm tàng, những khát vọng để hướng tới một cuộc cách mạng lớn lao trong những con người khốn cùng này. Cứ tưởng rằng sống giữa chốn bùn nhơ đen tối thì những “con người dưới đáy” sẽ bị vùi lấp đi bao mơ ước khát vọng của mình. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn ấp ủ bao ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, công bằng và nhân đạo.

Với tác phẩm “Chí Phèo”, những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân nghèo khổ càng được thể hiện rõ ràng hơn, sâu sắc hơn. Nam Cao miêu tả cuộc đời của Chí Phèo từ khi hắn sinh ra trên đời cho đến lúc nhắm mắt, một cuộc đời bị khép kín trong vòng luẩn quẩn đầy tủi nhục, tăm tối. Chí Phèo là đứa trẻ bị bỏ rơi giữa cảnh màn trời chiếu đất “Hắn trần truồng và xám ngắt trong cái váy đụp để bên một cái lò gạch bỏ không”. Một anh đi thả ống lươn bắt gặp và đem cho một người đàn bà góa mù. Bà ta lại bán hắn cho một bác phó cối không con, và khi bác này chết thì hắn bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ. Mặc dù bị mua đi bán lại, nhưng ít ra Chí Phèo cũng còn được sống trong vòng tay cưu mang của những người lao động. Sự đùm bọc của những tấm lòng đầy nhân nghĩa ấy phải chăng đã gieo vào lòng Chí những tình cảm tốt đẹp để sau này có đủ sức mà trỗi dậy trong giây phút thức tỉnh của Chí Phèo. Năm hai mươi tuổi, Chí trở thành anh canh điền khỏe mạnh, hiền lành, nhút nhát và chăm chỉ làm ăn. Sau đó y gặp biến cố và trải qua chặng đường đời dần dần bị tha hóa, lưu manh hóa. Tuy nhiên, Nam Cao vẫn phát hiện được trong tâm hồn cằn cỗi đó những nét đẹp đẽ, lương thiện còn rơi rớt lại. Nam Cao không hề bôi nhọ người nông dân như một số người nhận định. Cái sắc sảo của một nhà văn luôn tìm tòi, quan sát giúp Nam Cao nhìn nhận ra vấn đề, phát hiện ra tâm hồn đáng quý ẩn đằng sau những người nông dân bị biến chất. Lòng ưu ái, cảm thông của một tâm hồn nhân đạo đã giữ lại trên trang viết của ông niềm tin về nhân phẩm đẹp đẽ của người nông dân.

Trong đáy sâu tâm hồn của Chí Phèo, vẫn còn có những mầm móng tốt đẹp mà hoàn cảnh phủ phàng của xã hội chưa đủ sức làm thui chột hết. Sự gặp gỡ với Thị Nở và bát cháo hành ấm nóng tình người đã đánh thức dậy những tình cảm, những khát khao xưa kia của Chí Phèo. Chí muốn làm người lương thiện, Chí muốn hòa nhập với xã hội chung quanh biết bao. Và Thị Nở sẽ là chiếc cầu nối đưa Chí Phèo trở về với cuộc sống bình thường “Thị Nở sẽ mở đường cho Chí Phèo. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ thấy rằng hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện…”. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm điên say đập phá, Chí mới trở lại với ước mơ bình thường, giản dị của người lao động “Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng bỏ lại một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Và cũng chỉ trong trạng thái thức tỉnh thì những âm thanh của cuộc sống bình thường mới dội vào tâm hồn Chí, từng tiếng chim hót, tiếng người đi chợ trao đổi, tiếng mái chèo đuổi cá trên sông. Tất cả như gợi nhớ, như thức tỉnh và làm nảy nở ở Chí Phèo niềm hi vọng về một sự đổi thay “Tao muốn làm người lương thiện”.

b. Đề cao lòng tự trọng và những nhân phẩm tốt đẹp của con người.

Ẩn bên trong những số phận cay đắng của người nông dân nghèo là những phẩm chất tốt đẹp về nhân cách của họ. Nam Cao đã khám phá ra được vẻ đẹp của những người nông dân nghèo giàu lòng tự trọng, luôn luôn cố gắng giữ gìn nhân phẩm giữa dòng đời ngả nghiêng.

Trong truyện ngắn “Lão Hạc” Nam Cao đã thể hiện sinh động tính cách nhân vật qua nhận thức của ông giáo hàng xóm. Ban đầu là tình cảm thân thương quý trọng của ông giáo đối với ông bạn láng giềng: “Lão Hạc ơi! Bây giờ thì tôi hiểu tại sao lão không muốn bán con chó vàng của lão. Lão chỉ còn mỗi mình nó để làm khuây. Vợ lão chết rồi. Con lão đi bằn bặt. Già rồi mà ngày cũng như đêm, chỉ lủi thủi một mình thì ai mà chả phải buồn ?…”. Một sự lầm tưởng làm ông giáo xót xa, buồn cho cuộc đời, buồn cho sự tha hóa và thấy như mình bị xúc phạm: “Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư? Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày lại thêm đáng buồn”. Sự thật đã được bộc lộ với tất cả vẻ đẹp chân xác: lão Hạc là người lương thiện. Lão dám hi sinh cả đời mình vì hạnh phúc của đứa con. Lão là người nhân hậu, thủy chung, bán con chó mà vẫn ân hận là đã phụ bạc, ốm gần chết mà vẫn lo liệu để khỏi làm phiền đến bà con lối xóm. Ông giáo xúc động như mới phát hiện ra một tâm hồn cao cả, một nhân cách cao thượng, trong sáng ẩn chứa trong một con người bình thường: “Nhưng nói ra làm gì nữa! Lão Hạc ơi ! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt”. Vượt lên mọi niềm thương cảm, xót thương, người đọc bị lôi cuốn bởi một sự cảm nhận lớn lao hơn : niềm tin vào phẩm giá những cuộc đời bình thường, những thân phận bé nhỏ, những kiếp sống lầm than, những tâm hồn vượt lên cách sống bản năng, ý thức được mình “chết trong còn hơn sống đục”.

Có thể khẳng định, Nam Cao đã vượt qua thành kiến bề ngoài, “cố tìm mà hiểu” để thấy được cái bản chất đích thực, những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân nghèo.

* Nhận xét:

Nam Cao đã rất thành công khi xây dựng hình tượng người nông dân nghèo và đã để lại những dấu ấn đậm nét riêng trong các sáng tác của mình. Trên văn đàn Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, Nam Cao là một cây bút hiện tthực xuất sắc. Quãng đời sáng tác của Nam Cao không dài nhưng ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương phong phú có giá trị. Xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, Nam Cao đã dựng nên cho nền văn học hiện thực Việt Nam đầu thế kỉ XX những hình tượng người nông dân nghèo khổ hết sức xuất sắc và độc đáo. Truyện ngắn “Chí Phèo” (1941) là một kiệt tác của nhà văn Nam Cao. Truyện ngắn đã xây dựng thành công nhân vật Chí Phèo, một điển hình cho người nông dân bị tha hóa trước cách mạng tháng Tám.

Nhà văn Nam Cao khi xây dựng những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình đã dựng nên những hình tượng con người là sản phẩm của hoàn cảnh. Tính cách của các nhân vật chống đối lại hoàn cảnh đó, hoặc vùng vẫy chống lại hoàn cảnh nhưng đều bị hoàn cảnh làm cho thất bại, không vượt thoát khỏi hoàn cảnh. Đây là đặc điểm về nghệ thuật xây dựng hình tượng người nông dân của Nam Cao hoàn toàn khác so với M.Gorki. Nói như vậy không phải Nam Cao không tin yêu vào con người, không đưa những số phận con người của ông vượt thoát hoàn cảnh trở thành những con người làm chủ. Mà chính điều đó đã làm nên một nhà văn Nam Cao tiêu biểu của chủ nghĩa nhân đạo, là đại biểu ưu tú của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam.

Chính vì xây dựng được những điển hình hóa nhân vật mà các nhân vật của Nam Cao luôn có sự đấu tranh nội tâm mạnh mẽ. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật thể hiện xuất sắc khi dẫn dắt nhân vật từ những dằn vặt nội tâm, những xung đột tâm lí gay gắt và đi đến bi kịch. Trong văn học Việt Nam ta đã từng bắt gặp bi kịch tình yêu của Thúy Kiều, bi kịch nghệ thuật của nhà văn Hộ, bi kịch của Vũ Như Tô… nhưng bi kịch lạ lùng nhất là bi kịch “bị cự tuyệt quyền làm người” của Chí Phèo.

Cuộc đời của nhân vật Chí Phèo là một chuỗi những bi kịch và đỉnh điểm của bi kịch chính là bị cự tuyệt quyền làm người. Lời nói của bà cô Thị Nở như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt Chí Phèo làm tắt ngúm ngọn lửa lòng vừa được nhen lên trong Chí. “Ai lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha không mẹ như cái thằng Chí Phèo” đã trở thành định kiến khắc nghiệt lấp mất lối về của Chí. Đó chính là bi kịch của một con người chết trên ngưỡng cửa trở về với cuộc sống lương thiện. Thật khắc nghiệt khi bản tính con người nơi Chí Phèo trỗi dậy, cũng là lúc Chí Phèo hiểu rằng mình không còn trở về với lương thiện được nữa. Cánh cửa trở về với xã hội lương thiện, xã hội loài người vừa mở ra thì cũng là lúc đóng sầm lại ngay trước mắt Chí Phèo. Và để trở về với hai tiếng Con Người, để được làm người lương thiện Chí Phèo phải chọn cách tự kết thúc đời mình.

Trong các tác phẩm của Nam Cao, con người có xung đột tâm lí gay gắt, có đấu tranh, có quẫy đạp hòng thoát khỏi hoàn cảnh nhưng không thể thoát ra được. Là con người nhưng không được làm người, chỉ khi chết đi rồi mới có thể bảo vệ hai tiếng thiêng liêng “Con Người”. Đến đây, sức tố cáo của tác phẩm cao hơn bao giờ hết. Một xã hội thực dân nửa phong kiến tàn bạo, độc ác đã cướp đi quyền làm người của những người nông dân nghèo khổ và vĩnh viễn không bao giờ trả lại. Cái chết bi thảm của những con người khát khao quyền được làm người là lời kết tội đanh thép cái xã hội vô nhân đạo, là tiếng kêu cứu về quyền làm người, cũng là tiếng gọi thảm thiết cấp bách của nhà văn: Hãy cứu lấy con người! Hãy yêu thương con người!

Chính sự độc đáo trong nghệ thuật xây dựng hình tượng người nông dân nghèo khó đó đã tạo nên sự độc đáo riêng biệt của tài năng Nam Cao. Đồng thời cũng giúp Nam Cao khẳng định được vị trí của mình trên nền văn học dân tộc cũng như trong tương quan gặp gỡ với các nhà văn lớn trên thế giới.

Những nét chính trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang