viet-bac-to-huu

Kiến thức luyện thi bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Kiến thức luyện thi bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Hướng dẫn:

  • Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả: Tố Hữu là một trong những nhà hoạt động cách mạng, nhà thơ lớn của đất nước, thơ ông trưởng thành trong cách mạng. Ông từng bị thực dân Pháp bắt giam nhưng vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng. Về sau, ông trở thành nhà lãnh đạo tư tưởng, văn nghệ của Đảng và nhà nước, đồng thời cũng trở thành nhà thơ lớn của dân tộc.

– Giới thiệu tác phẩm Việt Bắc: Tác phẩm được viết khi cơ quan đầu não của Đảng trở về Hà Nội. Bài thơ viết khi chia tay đồng bào Việt Bắc với tình cảm lưu luyến, gắn bó với con người mảnh đất này.

  • Thân bài:

1. Giới thiệu về hoàn cảnh sáng tác và bố cục bài thơ Việt Bắc.

– Hoàn cảnh sáng tác: Việt Bắc được sáng tác trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Đó là khi hiệp định Giơ ne vơ Đông dương được kí kết, hòa bình lập lại, miền bắc được giải phóng. Đất nước bắt đầu bước sang một trong mới, một giai đoạn mới của cách mạng và cơ quan trung ương của Đảng – chính phủ phải rời chiến khu việt bắc về Hà Nội. Trước cảnh chia tay lưu luyến, cảm xúc dạt dào ấy Tố Hữu đã viết lên bài thơ Việt Bắc.

– Bố cục bài thơ: Bài thơ được viết với các phân đoạn là cảnh đầu chia tay lưu luyến giữa cán bộ và con người Việt Bắc, các khổ còn lại là lời người ra đi nhắc lại những kỉ niệm gắn bó cùng Việt Bắc.

2. Phân tích bài thơ.

a. Lời người ở lại gửi cho người về xuôi (20 câu thơ đầu):

Mình về mình có nhớ ta?
….
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?

– Tác giả sử dụng điệp trúc mình – ta cho thấy sự gắn bó, thân thiết như một gia đình khiến cuộc chia li càng trở nên quyến luyến. Cách xưng hô này làm ta nhớ đến điệu hát Giao duyên khiến cho câu thơ trở nên mềm mại, sâu lắng. Bởi vậy, nói thơ của Tố Hữu vừa có yếu tố chính trị vừa có yếu tố lãng mạn quả không sai.

– Ngay câu thơ đầu tiên, tác giả đặt câu hỏi tu từ để càng khẳng định nỗi nhớ ngườ đi xa và buổi chia tay bịn rịn: “Mình về mình có nhớ ta? Toàn bộ bốn câu thơ đầu tiên đều là lời ướm hỏi, khơi gợi những kỉ niệm về mười năm năm mặn nồng, về thiên nhiên việt bắc nghĩa tình.

– 4 câu thơ tiếp theo là nỗi lòng lưu luyến của cả người đi và người ở qua từ ngữ “da diết” “bâng khuâng” “bồn chồn” . Tác giả không nói trực tiếp đâu là người về xuôi, đâu là người ở lại mà sử dụng hình ảnh “áo chàm” để giúp người đọc nhận biết và nghe gần gũi thân thương. Áo chàm chính là đồng bào Việt Bắc, cầm tay người về xuôi mà lưu luyến khôn nguôi.

– Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay… Sự lưu luyến, kỉ niệm, nỗi nhớ nhiều đến nỗi không thể nói lên lời. Buổi chia ly ấy không đủ thời gian để diễn tả. Chỉ ánh mắt nhìn nhau bịn rịn mà đã thấy nhớ nhung khôn xiết.

– 12 câu thơ tiếp theo đều là nói đến nỗi nhớ, những kỉ niệm đã qua ngọt ngào, cay đắng, nghĩa tình

+ Đó là nỗi nhớ về thiên nhiên núi rừng việt bắc. Đó là mưa nguồn, là suối lũ, là mây mù, là trám bùi, là măng mai… Tất cả như quyện thành nỗi nhớ da diết, ngay cả thiên nhiên cũng nhớ, cũng lưu luyến.

+ Nỗi nhớ về những con người, ân tình trong gian khổ: “miếng cơm chấm muối” nhưng vẫn đậm đà lòng son, chia ngọt sẻ bùi, cùng trải qua bao gian khó mới biết chân tình là đây.

+ Nhớ đến quãng thời gian kháng chiến , hoạt động cách mạng, kháng Nhật, Việt Minh, Tân Trào, Hồng Thái… đều là những quãng thời gian tuy vất vả mà đáng nhớ, đều là những địa danh nổi tiếng trong kháng chiến bộ đội và dân ta cùng trải qa.

b. Lời người ra đi nói với người ở lại.

– Người ra đi ở đây chính là các chiến sĩ cách mạng trở về xuôi để tiếp tục công việc. Không chỉ người ở lại bịn rịn, lưu luyến, nhớ đến những kỉ niệm đã cùng nhau trải qua, mà các đông chí cách mạng cũng thế, nỗi nhớ cũng da diết, kỉ niệm cũng hiện về như mới qua đây thôi.

Ta với mình, mình với ta

Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…

– 4 câu thơ trên khẳng định nỗi nhớ với người ở lại không hề thua kém. Đồng bào Việt Bắc nhớ chiến sĩ cách mạng thế nào thì các đồng chí cách mạng cũng nhớ đồng bào bấy nhiêu. Đối đáp lại với đồng bào Việt Bắc với cách xưng hô Ta – Mình cho thấy tình cảm sâu đậm, gắn bó, coi nhau như tình thân, bịn rịn, da diết và sử dụng đối xứng: “Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…” cho thấy tấm lòng thương nhớ không hề thua kém.

– Người ra đi cảnh vật thân tình.

Nhớ gì như nhớ người yêu

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

– Nỗi nhớ người đi còn ở một bậc cao hơn đó là được ví như nỗi nhớ người yêu. Đây là thứ tình cảm sâu nặng, nỗi nhớ da diết cồn cào. 6 câu thơ trên còn nói đến hình ảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc đẹp và gần gũi vô cùng, đó là trăng, nắng chiều, là bản khói cùng sương, là người thương, rừng nứa bờ tre… Tất cả đều trở nên thân thương quá đỗi.

– Thiên nhiên còn hiện lên trong mắt người chiến sĩ như một bức tranh tứ bình tuyệt đẹp:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

+ Bằng bút pháp nghệ thuật tả cảnh, tố hữu đã vẽ lên một bức tranh 4 mùa hoàn hảo với đủ màu săc hài hòa, quyện vào nhau. Các gam màu vừa chói chang vừa dịu dàng bổ trợ cho nhau tạo nên bức tranh sơn mài 4 mùa tuyệt đẹp.

– Nhớ đến con người Việt Bắc:

+ Những con người cùng trải qua gian khó, vất vả nhưng luôn chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau vượt qua mọi hoạn nạn gian nan:

Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

+ Nhớ hình ảnh người mẹ đẹp giản dị, địu con trên rẫy bẻ từng bắp ngô hay hình ảnh cô em gái hái măng. Những hình ảnh lao động bình dị ấy đã in sâu trong trí nhớ người ra đi.

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

+ Bên cạnh đó tác giả cũng nhớ đến cảnh sinh hoạt của quân và dân ta, đó là những lớp học I tờ, giờ liên hoan, ca vang núi đèo

Nhớ sao lớp học i tờ

Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

Nỗi nhớ rất cụ thể, rất rõ ràng, tác giả nhớ về thiên nhiên, về con người, về cuộc sống, sinh hoạt nơi đây chi tiết từng việc một. Có thể cho thấy tác giả rất yêu thương mảnh đất này nên kỉ niệm gắn bó không thể nào quên.

– Nhớ đến những kỉ niệm đánh giặc:

+ Hình ảnh giặc đến, giặc lùng cho thấy chiến tranh vô cùng khốc liệt,nhưng quân và dân ta vẫn không hề run sợ, trước kẻ thù ta vẫn hùng dũng bước đi, sẵn sàng xông pha ra trận chiến, bởi vì ta có lí tưởng cách mạng soi đường:

Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.

+ Thiên nhiên cũng cùng quân và dân ta đánh giặc, cho thấy sự đồng lòng, đoàn kết từ trong ra ngoài. Tác giả nhân hóa thiên nhiên để khẳng định tân thần đoàn kết của dân tộc tạo nên một sức mạnh khổng lồ khiến giặc không thể ngờ tới. “ Núi giăng thành luỹ sắt dày/ Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù/ Mênh mông bốn mặt sương mù/ Đất trời ta cả chiến khu một lòng.”

+ Bô độ và dân quân của ta luôn trong khí thế hừng hực, hào hùng:

Những đường Việt Bắc của ta

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Tố hữu sử những câu thơ rất mạnh như rầm rập, điệp điệp, trùng trùng, nát đá, lửa bay… cho thấy một sức mạnh phi thường không có gì cản nổi. Một ý chí sắt đá khiến kẻ thù run sợ.

– Nhớ đến chiến công thắng trận:

+ Ngoài những gian khó, những vất vả, hi sinh thì chiến công thắng trận không thể nào quên,đó là niềm vui khôn tả, là hạnh phúc, trái ngọt mà quân và dân ta gặt hái được:

Tin vui chiến thắng trăm miền

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

→ Tin vui từ miền núi đến miền xuôi, cả nước cùng vui theo tin thắng trận.

c. Niềm tự hào, niềm tin gửi gắm Việt Bắc cách mạng ở 16 câu thơ cuối.

+ Đó là hình ảnh của nơi nguồn cuội cách mạng – Việt Bắc, nơi ấy có Bác Hồ, trung ương Đảng, nơi ấy đã làm nên lịch sử với ngọn cờ đỏ thắm, rực rỡ sao vàng:

Mình về với Bác đường xuôi

Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!

+ Hình ảnh Bác dưới miêu tả của Tố hữu vừa giản dị, vừa sáng suốt, bình dị đẹp tươi lạ thường.

+ Khổ thơ cuối cũng nói về niềm tin vào sức mạnh của Đảng, khả năng lãnh đạo của Dảng, niềm tự hào vào những chiến công Việt Bắc:

Lòng ta ơn Đảng đời đời
….
Hôm sau mình nhé, hát cùng Thủ đô.

  • Kết bài:

– Nội dung: Bài thơ là bản tình ca về cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, là nỗi nhớ da diết của kẻ ở, người đi. Là những kỉ niệm thân thiết, cuộc sống đời thường và hành trình kháng chiến tuy gian khó nhưng đượm nghĩa tình.

– Nghệ thuật: Tả giả sử dụng thuật đối đáp, kể chuyện, tả cảnh, giọng thơ trữ tình nhẹ nhàng, lời thơ đối đạm trao duyên nghĩa tình.

– Nêu cảm nghĩ: Qua bài thơ ta càng thấy thêm yêu Việt Bắc, yêu những con người giản dị mà nghĩa tình nơi đây.


Đề bài tham khảo:

Anh/ chị hãy phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu) để làm sáng tỏ tính dân tộc đậm đà – một trong những nét nổi bật của phong cách thơ Tố Hữu.

“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”

(Việt Bắc – Tố Hữu)

* Hướng dẫn làm bài:

I. Mở bài:

– Tố Hữu lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt nam. Sức hấp dẫn của thơ ông chính là niềm say mê lý tưởng cách mạng và tính dân tộc đậm đà.

– Bài thơ Việt Bắc đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là thành tựu của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ ra đời vào tháng 10 năm 1954. Nhân sự kiện thời sự có tính lịch sử: Trung Ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về thủ đô Hà nội. Bài thơ là khúc hát ân tình hủy chung giữa nhân dân, đất nước với Đảng, cách mạng và Bác Hồ. Nội dung đó được thể hiện bằng hình thức đậm đà tính dân tộc.

II. Thân bài:

1. Tính dân tộc trong văn học.

– Tính dân tộc là phẩm chất tư tưởng, thẩm mĩ độc đáo của sáng tác, thể hiện sự gắn bó giữa tác phẩm văn học với văn hóa tinh thần dân tộc.

– Tính dân tộc trong văn học được thể hiện ở hai mặt nội dung và hình thức nghệ thuật:

+ Nội dung: Đề cập đến những vấn đề liên quan đến tư tưởng, tình cảm và phẩm chất của dân tộc, cách giải quyết vấn đề đó trên cơ sở vì quyền lợi dân tộc.

+ Hình thức: Sử dung ngôn ngữ dân tộc, kế thừa và phát huy có tính sáng tạo truyền thống văn học dân tộc.

2. Tính dân tộc đậm đà thể hiện qua đoạn thơ:

– Nội dung:

+ Đoạn thơ là một bộ tranh tứ bình dệt bằng ánh sáng của hoài niệm về thiên nhiên và con người Việt bắc trong kháng chiến. Qua đó tác giả thể hiện tình yêu thiên nhiên tươi đẹp, tình yêu cuộc sống và con người Việt bắc. Đó là biểu hiện của tình yêu nước và tình yêu Cách mạng.

+ Hai câu đầu khái quát cảm xúc cho toàn bộ đoạn thơ. Nỗi nhớ cảnh và người Việt bắc.

+ Tám câu còn lại dựng nên bức tranh tứ bình tuyệt đẹp: Mùa đông ấm áp trong gam màu nóng của những bông hoa chuối rừng đỏ tươi. Mùa xuân bạt ngàn màu trắng của hoa mơ. Hè sang bởi tiếng ve kêu báo hiệu và rừng phách ào ạt đổ vàng. Mùa thu thanh bình trong ánh trăng thanh bình hạnh phúc. Ứng với các không gian đó là hình ảnh con người lao động khỏe khoắn, khéo léo, cần cù..với tiếng hát ân tình thủy chung.

– Nghệ thuật:

+ Thể thơ: Sáng tác theo thể thơ lục bát, một thể thơ truyền thống của dân tộc.

+ Kết cấu: Bài thơ có kết cấu theo lối hát đối đáp quen thuộc trong ca dao dân ca. Đoạn thơ là lới đáp của người ra đi với người ở lại. Tác giả đã sử dụng cặp đại từ nhân xưng “mình – ta” vừa truyền thống, vừa hiện đại: Nét truyền thống gợi lên không khí ca dao với tiếng hát dao duyên làm cho tình cảm cách mạng gần gũi thân thiết và chân thành; nét hiện đại là sự uyển chuyển đa nghĩa, sự biến hóa linh hoạt.

+ Ngôn ngữ: Thuần việt, bình dị, trong sáng mà giàu sức gợi cảm, nhuần nhị và tinh tế. Điệp từ “ nhớ” lặp lại nhiều lần trong đoạn thơ như một sự nối dài của dòng hoài niệm không dứt, các phép tu từ hoán dụ, ẩn dụ, đảo ngữ.

+ Nhạc điệu: Trong bài thơ là nhạc điệu dân tộc với thể thơ lục bát được tác giả sử dụng sáng tạo trong việc ngắt nhịp, gieo vần và liên kết giữa các dòng thơ.

III. Kết bài:

“Việt Bắc” là bài thơ hay của Tố Hữu. Bởi lẽ, tác giả đã thể hiện sự tài hoa của mình trên nhiều phương diện của sáng tạo nghệ thuật.

– Thành công của thi nhân trong đoạn thơ trên là đã thể hiện được tính dân tộc kết hợp với tính hiện đại trong một tâm hồn lớn – tâm hồn cách mạng.

Bài thơ Việt Bắc vừa là khúc tình ca ca ngợi nghĩa tình cách mạng son sắt, thủy chung vừa là bản hùng ca tráng lệ về một Việt Bắc anh hùng trong kháng chiến

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang