luyen-tap-su-dung-yeu-to-mieu-ta-trong-van-ban-thuyet-minh-sgk-ngu-van-9-tap-1

Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh – SGK Ngữ văn 9, tập 1

Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh

I – CHUẨN BỊ Ở NHÀ

Cho đề bài: Con trâu ở làng quê Việt Nam.

1. Tìm hiểu đề: Giải thích đề bài và cho biết yêu cầu trình bày vấn đề gì. Theo em, đối với đề văn này, cần phải trình bày những ý gì?

2. Tham khảo văn bản thuyết minh khoa học sau và cho biết em có thể sử dụng được những ý gì cho bài thuyết minh của mình.
Trâu là động vật thuộc họ Bò (Bovidae), phân bộ Nhai lại (Ruminantia), nhóm Sừng rỗng (Cayicornes), bộ Guốc chẵn (Actiodactyla), lớp Thú có vú (Mammalia).

Trâu Việt Nam (Bubalus bubalus) có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hoá, thuộc nhóm trâu đầm lầy. Lông màu xám, xám đen, thân hình vạm vỡ, thấp, ngắn, bụng to, mông dốc, bầu vú nhỏ, sừng hình lưỡi liềm. Có hai đai màu trắng: dưới cổ và chỗ đầu xương ức. trâu cái nặng trung bình 350 – 400kg (300 – 6000 kg), trâu đực: 400 – 450kg (359 – 700kg).

Trâu 3 tuổi có thể đẻ lứa đầu. Trâu đẻ có mùa vụ. Một đời trâu cái thường cho 5 – 6 nghé, nghé sơ sinh nặng 22 – 25 kg. Đôi răng cửa ở giữa cố định bắt đầu mọc lúc 3 tuổi và trâu kết thúc sinh trưởng khi hết 6 tuổi (8 răng cửa).

Trâu nuôi chủ yếu để kéo cày: lực kéo trung bình trên ruộng 70 – 75kg, bằng 0,36 – 0,40 mã lực. Trâu loại a một ngày cày 3 -4 sào, loại B: 2 – 3 sào và loại C: 1,5 – 2 sào Bắc bộ; kéo xe: ở đường xấu tải trọng 400 – 500 kg, đường tốt 700 – 800 kg và trên đường nhựa với bánh xe hơi kéo trên 1 tấn; kéo gỗ: trên đường đồi núi, thường một trâu kéo 0,5 – 1,3m3 với đoạn đường 3 – 5 km.

Khả năng cho thịt: trâu cái có tỉ lệ thịt xẻ 42%, trâu thiến 45% và trâu đực 2 tuổi: 48%. Khả năng cho sữa: 400 – 500kg sữa trong một chu kì vắt. Mỡ sữa: 9 – 10%. Khả năng cho phân: trong 24 giờ, trâu 2 răng sữa thải ra 10 kg phân, trâu 4 răng: 12 – 15kg và trâu trưởng thành: 20 – 25kg…

(Theo Từ điển bách khoa Nông nghiệp, Hà Nội, 1991)

II – LUYỆN TẬP TRÊN LỚP

1. Hãy vận dụng yếu tố miêu tả trong việc giới thiệu:

– Con trâu ở làng quê Việt Nam (hình ảnh con trâu trên đồng ruộng, làng quê Việt Nam).
– Con trâu trong việc làm ruộng (sớm hôm gắn bó với người nông dân).
– Con trâu trong một số lễ hội.
– Con trâu với tuổi thơ ở nông thôn.

2. Viết một đoạn văn thuyết minh có sử dụng yếu tố miêu tả đối với một trong các ý nêu ở trên. Chú ý sử dụng những câu tục ngữ, ca dao về trâu vào bài cho thích hợp và sinh động.


* Soạn bài:

Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh

I. Chuẩn bị ở nhà:

1. Tìm hiểu đề:

– Giải thích đề: con trâu trong đời sống làng quê Việt Nam.

– Yêu cầu: trình bày vị trí, vai trò của con trâu trong đời sống của người nông dân, trong nghề nông của người Việt Nam.

2. Tìm ý và lập dàn ý:

a. Mở bài: Giới thiệu chung về con trâu ở làng quê Việt Nam .

b. Thân bài:

– Con trâu trong nghề làm ruộng: là sức kéo để cày, bừa, kéo xe, …

– Con trâu trong lễ hội, đình đám.

– Con trâu – nguồn cung cấp thịt, da để thuộc, sừng trâu dùng để làm đồ mĩ nghệ.

– Con trâu là tài sản lớn của người nông dân Việt Nam .

– Con trâu và trẻ chăn trâu, việc chăn nuôi trâu.

c. Kết bài: Con trâu trong tình cảm của người nông dân.

II. Luyện tập

Câu 1

– Hình ảnh con trâu trên đồng ruộng: Con trâu đã gắn bó ngàn đời với người nông dân Việt Nam, trâu giúp người nông dân trong công việc đồng áng. Con trâu với dáng vẻ quen thuộc “Con trâu đi trước, cái cày theo sau”, trâu lầm lũi, gò lưng kéo cày, chân sục dưới bùn, bì bõm dưới nước,… Người nông dân đã coi “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, là người bạn tốt của mình.

– Hình ảnh con trâu ở làng quê rất quen thuộc: Sau một ngày lao động, chiều xuông, trâu đủng đỉnh trên đường về làng, với dáng đi khoan thai chậm rãi; những ngày mùa, trâu nằm cạnh đông rơm, chậm rãi nhai,… Hình ảnh ấy gợi lên sự yên bình của làng que Việt Nam.

– Con trâu trong một số lễ hội (lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng và một số tỉnh khác).

– Con trâu với tuổi thơ ở nông thôn:

+ Hình ảnh trâu đủng đỉnh gặm cỏ trên đồng, trên bãi, ven đê, ven đường làng.

+ Hình ảnh chú bé chăn trâu ngồi trên lưng trâu thổi sáo giữa đồng quê thường được coi là biểu tượng cho cuộc sống thanh bình của quê hương Việt Nam.

+ Những kỉ niệm tuổi thơ thường gắn với những trò chơi của trẻ em khi chăn trâu như bắt dế, đánh trận giả, chơi chọi (cỏ) gà,…

Câu 2:

Đoạn văn tham khảo – Con trâu trong một số lễ hội.

Trâu còn gắn liền với những lễ hội đình đám như lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng. Những chú trâu được chăm sóc, luyện tập rất chu đáo. Con nào con nấy vạm vỡ, sừng cong như hình vòng cung, nhọn hoắt, da bóng loáng, mắt trắng, tròng đỏ chỉ chờ vào sân đấu. Trong tiếng trống giục giã, trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người hai con trâu lao vào nhau mà húc, mà chọi. Ngoài ra, chúng ta còn có lễ hội đâm trâu. Đây là phong tục tập quán của một số dân tộc ở Tây Nguyên. Con trâu bị giết được đem xẻ thịt chia đều cho các gia đình trong buôn làng cùng liên hoan mừng một vụ mùa bội thu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang