Sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh – SGK Ngữ văn 9, tập 1

Sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh

I – TÌM HIỂU YẾU TỐ MIÊU TẢ TRONG VĂN BẢN THUYẾT MINH

1. Đọc văn bản sau:

CÂY CHUỐI TRONG ĐỜI SỐNG VIỆT NAM

Đi khắp Việt nam, nơi đâu ta cũng gặp những cây chuối thân mềm vươn lên như những trụ cột nhẵn bóng, toả ra vòm tán lá xanh mướt che rợp từ vườn tược đến núi rừng. hầu như ở nông thôn, nhà nào cũng trồng chuối. Cây chuối rất ưa nước nên người ta trồng bên ao hồ để nhanh tươi tốt, còn bên những khe suối hay thung lũng, chối mọc thành rừng bạt ngàn vô tận, Chuối phát triển rất nhanh, chuối mẹ đẻ chuối con, chuối con đẻ chuối cháu, cứ phải gọi là “con đàn cháu lũ”.

Người phụ nữ nào mà chẳng liên quan tới cây chuối khi họ phải làm vườn, chăn nuôi và nội trợ, bởi cây chuối là thức ăn thức dụng từ thân đến lá, từ gốc đến hoa, quả! Có lẽ trong các loài cây thì cây chuối là loài mang sẵn trong nó nhiều nhất các món ăn truyền lại của tổ tiên người Việt – Mường tự xa xưa cho tới ngày nay.

Quả chuối là một món ăn ngon. Nào chuối hương, chuối ngự, nào chuối sứ, chuối mường, loại chuối nào khi quả chín cũng đều cho ta vị ngọt ngào và hương thơm hấp dẫn. Có một loại chuối được người ta rất chuộng, đó là chuối trứng cuốc – không phải là vỏ tròn như trứng cuốc mà khi chín vỏ chuối có vệt lốm đốm như vỏ trứng cuốc.

Mỗi cây chuối đều cho một buồng chuối. Có buồng chuối trăm quả, cũng có buồng chuối cả nghìn quả. Không thiếu những buồng chúôi dài từ ngọn cây uốn trĩu xuống tận gốc cây. Quả chuối chín ăn vào không chỉ no, không chỉ ngon mà còn là một chất dưỡng da làm cho da dẻ mịn màng. Nếu chuối chín là một món quà sáng trưa chiều tối của con người thì chuối xanh lại là một món ăn thông dụng tong các bữa ăn hằng ngày. Chuối xanh có vị chát, để sống cắt lát ăn cặp với thịt lợn luộc chấm tôm chua khiến miếng thịt ngon gấp bội phần, nó cũng là món ăn cặp rất tuyệt vời với các món tái hay món gỏi. Chuối xanh nấu với các loại thực phẩm có vị tanh như cá, ốc, lươn, chạch có sức khử tanh rất tốt, nó không chỉ làm cho thực phẩm ngon hơn mà chính nó cũng có cái ngon cái bổ riêng không thay thế được. Người ta có thể chế biến ra nhiều món ăn từ chuối như chuối ép, mứt chuối, kẹo chuối, bánh chuối,… Nhưng có một điều quan trọng là quả chuối đã trở thành một vật thờ cúng từ ngàn đời trên mâm ngũ quả. Đấy là “chuối thờ’. Chuối thờ bao giờ cũng dùng nguyên nải. Ngày lễ, tết thường thờ chuối xanh già, còn ngày rằm hoặc giỗ kị có thể thờ chuối chín.

(Theo Nguyễn Trọng Tạo, Tạp chí Tia sáng)

2. Suy nghĩ và thực hiện các yêu cầu sau:

a) Giải thích nhan đề văn bản
b) Tìm những câu trong bài thuyết minh về đặc điểm tiêu biểu của cây chuối.
c) Chỉ ra những câu văn có yếu tố miêu tả về cây chuối và cho biết tác dụng của yếu tố miêu tả đó.
d) Theo yêu cầu chung của văn bản thuyết minh, bài này có thể bổ sung những gì? Em hãy cho biết thêm công dụng của thân cây chuối, lá chuối (tươi và khô), nõn chuối, bắp chuối,…

* Ghi nhớ: Để thuyết minh cho cụ thể, sinh động, hấp dẫn, bài thuyết minh có thể kết hợp yếu tố miêu tả. Yếu tố miêu tả có tác dụng làm cho đối tượng thuyết minh được nổi bật, gây ấn tượng.

II – LUYỆN TẬP

1. Bổ sung yếu tố miêu tả vào các chi tiết thuyết minh sau:

– Thân cây chuối có hình dáng…
– Lá chuối tươi…
– Lá chuối khô…
– Nõn chuối…
– Bắp chuối…
– Quả chuối…

2. Chỉ ra yếu tố miêu tả trong đoạn văn sau:

Một lần đến thăm Trường cao đẳng Mỹ Thuật công nghiệp Hà Nội, Bác Hồ gợi ý nên phát triển đồ sứ dân tộc. Bác nói người Việt thường dùng chén chứ không dùng tách. Tách là loại chén uống nước của Tây, nó có tai. Chén của ta không có tai. Khi mời ai uống trà thì bưng hai tay mà mời. Bác vừa cười vừa làm động tác. Có uống cũng nâng hai tay xoa xoa rồi mới uống, mà uống rất nóng. Đấy, dân tộc đấy. bác nói tiếp, cái chén còn rất tiện lợi, do không có tai nên khi xếp chồng rất gọn, không vướng, khi rửa cũng dễ sạch.
(Theo Phạm Côn Sơn, Làng nghề truyền thống Việt Nam)

3. Đọc văn bản sau và chỉ ra những câu miêu tả ở trong đó.

TRÒ CHƠI NGÀY XUÂN

Những ngày đầu năm, khắp làng bản Việt Nam rộn ràng tiếng trống hội xuân thúc giục lòng người. Vào dịp này, bên cạnh hoạt động lễ nghi mang ý nghĩa tín ngưỡng, còn có nhiều hội vui, diễn xướng sân khấu và các trò chơi truyền thống, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.

Qua sông Hồng, sông Đuống, ngược lên phía Bắc là đến với vùng Kinh Bắc cổ kính, quê hương của các làn điệu quan họ mượt mà. Tục chơi quan họ ở các làng quê của Bắc Ninh, Bắc Giang thường gắn với hội làng, hội chùa. Liền anh, liền chị ở các làng đi lại thăm hỏi, tặng quà rồi hát với nhau đến tận nửa đêm. Bên cạnh những canh hát trong nhà còn có các canh hát ngoài trời mà hội Lim là một ví dụ. Hội mở vào ngày 13 tháng giêng âm lịch. Quan họ các nơi có thể đến hát tự do trên đồi Lim.

Những nhóm quan họ nam và nữ trong trang phục dân tộc đi tìm nhau trong ngày hội, mời nhau xơi trầu và nhận lời hát kết nghĩa giữa các làng. Hát trên đồi sim và hát cả dưới thuyền. Những con thuyền thúng nhỏ mang theo các làn điệu dân ca điểm thêm cho không khí ngày xuân nét thơ mộng, trữ tình.

Múa lân có từ lâu đời và rất thịnh hành ở các tỉnh phía nam. Múa lân diễn ra vào các ngày Tết để chúc năm mới an khang thịnh vượng. Các đoàn lân có khi đông tới trăm người, họ là thành viên của một câu lạc bộ hay một lò võ trong vùng. Lân được trang trí công phu, râu ngũ sắc, lông mày bạc, mắt lộ to, thân mình có các hoạ tiết đẹp. Múa lân rất sôi động với các động tác khoẻ khoắn, bài bản: lân chào ra mắt, lân chúc phúc, leo cột… Bên cạnh có ông Địa vui nhộn chạy quanh. Thông thường múa lân còn kèm theo biểu diễn võ thuật.

Một trò chơi truyền thống được phổ biến trong các lễ hội là kéo co, được tổ chức ở sân đình hay bãi cỏ rộng giữa làng. Những người tham gia chia làm hai phe, đứng thành một hàng đối nhau, cùng nắm sợi dây thừng, dây chão hay một cây sào tre hoặc người đứng sau ôm lưng người đứng trước, còn hai người đứng đầu hàng của hai phe thì nắm tay nhau cho chắc, lấy dấu vạch vôi ở giữa làm mốc được, thua. Bên nào kéo được đối phương sang qua vệt mốc về phái mình là bên đó thắng. Kéo co thu hút nhiều người, tạo không khí hào hứng, sôi động, rèn luyện sức khoẻ, tính kỉ luật, ý thức tập thể ở mỗi người. Chính vì vậy, kéo co được đông đảo thanh niên, thiếu niên ưa thích.

Cờ người là trò chơi độc đáo của người Việt Nam, mang tính trí tuệ và thể hiện nét văn hoá truyền thống Á Đông. Bàn cờ là sân bãi rộng, mỗi phe có 16 người mặc đồng phục đỏ hoặc xanh, cầm trên tay hay đeo trước ngực bản kí hiệu quân cờ, hai tướng (tướng ông, tướng bà) của từng bên đều mặc trang phục thời xưa lộng lẫy có cờ đuôi nheo đeo chéo sau lưng và được che lọng. Khi muốn đi một nước cờ, người đấu gõ một tiếng trống báo cho người chạy cờ tới nghe lệnh. Người này sẽ truyền đạt lại lệnh để quân cờ di chuyển. Có thể người đấu cờ cầm lá cờ nhỏ, định đi quân nào thì trực tiếp phất cờ vào quân đó rối dẫn đến vị trí mới.

Được tiến hành trong những kì hội làng ngày xuân, thi nấu cơm lại cho thấy sự khéo léo, tháo vát của các chàng trai, cô gái. Tục thi này bắt nguồn từ quá trình chống chọi với thiên tai, địch hoạ, vừa lao động hành quân đánh giặc, vừa cơm nước gọn gàng, do đó đòi hỏi mọi người tính tự lực và óc sáng tạo.

Có nhiều hình thức thi tài: thổi cơm bồng con, thổi cơm trong lúc hành lễ, khênh kiệu chạy, thổi cơm trên thuyền. Với khoảng thời gian nhất định trong điều kiện không bình thường, người thi phải vo gạo, nhóm bếp, giữ lửa đến khi cơm chín ngon mà không bị cháy, khê. Sau đó nồi cơm của các thí sinh được những bô lão có uy tính trong làng chấm điểm. Ở một số vùng còn có hát đối đáp, giao duyên trong hội thi, tạo không khí náo nhiệt, vui vẻ.

Hoạt động đua thuyền thể hiện sinh hoạt văn hoá sông nước cổ truyền của người Việt Nam trải dài từ các tỉnh phía Bắc đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm vui chơi, giải trí, rèn sức và kĩ năng chèo thuyền để cúng thuỷ thần hoặc tưởng nhớ các anh hùng giỏi thuỷ chiến… Tuỳ theo từng nơi, mỗi thuyền đua có khoảng chừng chục tay bơi là nam giới đại diện các phường, xóm, làng. Sau hiệu lệnh, những con thuyền lao vun vút trong tiếng hò reo cổ vũ và chiêng, trống rộn rã đôi bờ sông. Nhiều làng chài ven biển ở phía nam còn có hội thi bơi thúng với mỗi chíêc thuyền thúng bằng nan có một người đua…

Lướt qua một vài hình thức chơi ngày xuân, có thể thấy khả năng sáng tạo, tính cách và bản sắc dân tộc thể hiện thật sâu đậm và rõ nét. Chơi đấy mà cũng là một cách học, một cách rèn luyện thật bổ ích.

(Theo Hồng Việt, báo Nhân dân, số Xuân Nhâm Ngọ, 2002) 


* Soạn bài:

Sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh

I. Tìm hiểu yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh

Đọc văn bản Cây chuối trong đời sống Việt Nam và trả lời câu hỏi.

Câu 1: Nhan đề văn bản là Cây chuối trong đời sống Việt Nam. Đối tượng thuyết minh là cây chuối. Nhưng cây chuối được xem xét trong quan hệ đời sống của người Việt Nam chứ không phải là cây chuối thuần tuý là một loài thực vật.

Câu 2: Những câu trong văn bản thuyết minh về đặc điểm tiêu biểu của cây chuối: Cây chuối rất ưa nước… Chuối phát triển rất nhanh… Quả chuối là một món ăn rất ngon.

Câu 3: Câu văn có yếu tố miêu tả cây chuối, quả chuối:

– Thân chuối mềm vươn lên như những cột trụ nhẵn bóng, toả ra vòm tán lá xanh mướt che rợp vườn tược đến núi rừng.

– Chuối mọc thành rừng bạn ngàn vô tận. Chuối phát triển rất nhanh, chuối mẻ đẻ chuối con, chuối con đẻ chuối cháu, cứ gọi là “con đàn cháu lũ”.

– Chuối trứng cuốc – không phải quả tròn như trứng cuốc, mà khi chín vỏ chuối có những vệt lốm đốm như vỏ trứng cuốc.

– Không thiếu những buồng chuối dài từ ngọn cây uốn trĩu đến gốc cây.

Tác dụng: Yếu tố miêu tả trong văn bản này có tác dụng giúp người đọc hình dung ra một cách cụ thể, sinh động đặc điểm của cây chuối, công dụng, cách sử dụng sản phẩm từ cây chuối.

Câu 4: Một số công dụng khác của cây chuối:

– Thân chuối còn non có thể xắt mỏng làm rau sống, đặc biệt là một trong những loài rau không thể thiếu dùng để làm rau sống ăn với cơm hến. Thân chuối già dùng để làm thức ăn cho lợn (heo).

– Lá chuối tươi dùng để gói bánh, lá chuối khô dùng để gói đồ cho các bà đi chợ.

– Bắp chuối có thể ăn sống hoặc luộc lên làm món nộm hoa chuối rất ngon.

II. Luyện tập

Câu 1: Bổ sung yếu tố miêu tả vào các chi tiết thuyết minh sau:

– Thân chuối có hình tròn thắng đứng và nhẵn thin như những chiếc cột nhà bóng loáng.

– Lá chuối lúc mới ra: cuộn tròn như chiếc hoa loa kèn, lúc đã khôn lớn xanh mướt và rộng như một tấm phản.

– Lá chuối khô: khi lá chuối đã già chúng rũ xuống bám chặt lấy thân cây chứ không rơi rụng và lìa xa như những lá cây khác. Ban đầu còn vàng tươi sau đó khô dần khô dần thành màu nâu nhạt.

– Nõn chuối mới ra giống như một bức thư thủa xưa được viết trên giấy hoa tiên còn phong kín.

– Bắp chuối: màu đỏ tươi, hình dáng giống như một búp sen khổng lồ treo ngược.

– Quả chuối: cong cong như một vầng trăng lưỡi liềm đầu tháng.

Câu 2:

– Yếu tố miêu tả trong đoạn văn SGK: “Tách là loại chén uống nước của Tây, nó có tai. Chén của ta không có tai. Khi mời ai uống trà thì bưng hai tay mà mời. Bác vừa cười vừa làm động tác. Có uống cũng nâng hai tay xoa xoa rồi mới uống.”

– Những yếu tố miêu tra này làm nổi bật hình ảnh loại chén (đối tượng được thuyết minh) và hình ảnh của Bác Hồ.

Câu 3: Một vài câu miêu tả trong văn bản Trò chơi ngày xuân là:

– Những con thuyền thúng nhỏ mang theo các làn điệu dân ca, điểm thêm cho không khí ngày xuân nét thơ mộng trầm tĩnh.

– Lân được trang trí công phu, râu ngũ sắc, lông mày bạc, mắt lộ to, thân hình có các hoạ tiết đẹp.

– Hai ông tướng (tướng ông, tướng bà) của từng bên đều mặc trang phục xưa lộng lẫy, có cờ đuôi nheo đeo chéo sau lưng và được che lọng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang