moi-quan-he-giua-tinh-dan-toc-voi-tinh-nhan-dan-tinh-giai-cap-cua-van-nghe

Mối quan hệ giữa tính dân tộc với tính nhân dân, tính giai cấp của văn nghệ

Mối quan hệ giữa tính dân tộc với tính nhân dân, tính giai cấp của văn nghệ

1. Tính dân tộc và tính nhân dân.

Xét theo bình diện tính dân tộc là thuộc tính của văn chương, thì, không phải tác phẩm nào cũng có tính nhân dân, nhưng bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào ít nhiều cũng mang tính dân tộc biểu biện ở nội dung hoặc ở hình thức.

Biélinski nói: “Mỗi nhân vật gắn với một dân tộc nhất định, một thời đại nhất định, vì con người không có tính dân tộc không phải là con người thực sự mà là một khái niệm trừu tượng. Vì vậy mà rõ ràng là tính dân tộc trong tác phẩm nghệ thuật không phải là một thành tích mà là một thuộc tính tất yếu của việch sáng tạo”.

Nhưng xét trên phương diện phẩm chất thì tính dân tộc sâu sắc, chân chính chỉ có thể có được ở những tác phẩm của những nghệ sĩ gắn bó mật thiết với vận mệnh dân tộc, vận mệnh nhân dân.

Lénine đã chỉ ra có 2 thứ văn hóa dân tộc trong một dân tộc. Trong bài báo “Ý kiến phê phán về vấn đề dân tộc” (1913) Lênin viết: “Trong mỗi dân tộc hiện nay đều có hai dân tộc (…) Trong mỗi một nền văn hóa dân tộc, có 2 nền văn hóa dân tộc. Có nền văn hóa đại Nga của bọn Purisơkêvich, bọn Guxơxốp và bọn Stơruvê, nhưng cũng có nền văn hóa đại Nga mà đại biểu là những người như Séc nưa sếp sky và Plê kha nốp”.

Một nơi khác Lênin viết : “Mỗi một nền văn hóa dân tộc đều có những thành phần, thậm chí không phát triển, của một nền văn hóa dân tộc và xã hội chủ nghĩa, vì trong mỗi dân tộc, đều có quần chúng lao động và bị bóc lột mà điều kiện sinh sống của họ nhất định phải sản sinh ra một hệ tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa. Nhưng trong mỗi dân tộc, cũng còn một nền văn hóa tư sản (nền văn hóa này, phần lớn là một nền văn hóa cực kỳ phản động và có tính chất tăng lữ), không phải ở trong tình trạng là “thành phần” mà là dưới hình thức nền văn hóa chiếm địa vị thống trị”.

Như vậy, tính nhân dân thống nhất với tính dân tộc phẩm chất, tính nhân dân gắn liền với tính dân tộc của nền văn hóa nhân dân. Tác phẩm văn chương nghệ thuật nào mang tính chất dân tộc đậm đà thì tác phẩm đó có tính nhân dân sâu sắc. Ngược lại, những tác phẩm nào xa rời nhân dân, xa rời “hệ tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa” thì tác phẩm đó không thể có tính dân tộc chân chính được.

2.  Tính dân tộc và tính giai cấp.

Trong lịch sử vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc luôn luôn đặt ra và bao giờ cũng gắn liền với nhau. Lê Duẩn nói: “Trong mỗi giai đoạn lịch sử có một giai cấp đại diện cho dân tộc. Trong xã hội phong kiến thì giai cấp phong kiến đại diện cho dân tộc. Trong xã hội tư bản, giai cấp tư sản đại diện cho dân tộc. Ðến thời đại ngày nay thì giai cấp vô sản đại diện cho dân tộc”.

Dân tộc là gồm nhiều giai cấp, nhưng lại không có thứ dân tộc chung chung cho mọi giai cấp. Chỉ có dân tộc cụ thể của từng giai cấp: dân tộc phong kiến, dân tộc tư sản, dân tộc vô sản.

Stalin, trong tác phẩm Vấn đề dân tộc và thuộc địa viết: Mọi vật đều thay đổi … Ðời sống xã hội thay đổi – và, cùng với nó, “vấn đề dân tộc” cũng thay đổi theo. Trong các thời kỳ khác nhau thì có những giai cấp khác nhau xuất hiện trên vũ đài đấu tranh, vì mỗi giai cấp đều hiểu “vấn đề dân tộc” theo quan niệm riêng của mình. do đó, trong những thời kỳ khác nhau “vấn đề dân tộc” phục vụ cho những lợi ích khác nhau, mang những màu sắc khác nhau tùy theo giai cấp đề xuất ra nó”.

Và cũng trong tác phẩm trên, Stalin viết: “Một giai cấp mới, giai cấp vô sản đã bước vào vũ đài đấu tranh, và từ đó một vấn đề mới về dân tộc đã xuất hiện: “vấn đề dân tộc của giai cấp vô sản”. Giai cấp vô sản khác với tầng lớp quý tộc và giai cấp tư sản chừng nào thì “vấn đề dân tộc” mà giai cấp vô sản đề ra khác với “vấn đề dân tộc” của tầng lớp quý tộc và giai cấp tư sản chừng đó”.

Như thế tính giai cấp thống nhất hữu cơ với tính dân tộc. Nội dung của vấn đề dân tộc chính là vấn đề giai cấp nhưng tính giai cấp là không đồng nhất với tính dân tộc. Và tính giai cấp cũng không mâu thuẫn, bài trừ tính dân tộc. Tính giai cấp và tính dân tộc là thống nhất hữu cơ, lồng vào nhau, xuyên thắm lẫn nhau, đến mức không thể tách bạch ra được.

Ðồng chí Lê Duẩn lưu ý chúng ta: “Chúng ta không nên tách vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc. Nếu tách hai vấn đề đó ra thì dễ đi đến biệt phái, dễ dẫn đến sai lầm. Phải nói rằng càng đứng trên lập trường giai cấp bao nhiêu thì càng có ý thức dân tộc bấy nhiêu.” Và “vấn đề lập trường giai cấp bao giờ cũng gắn liền với vấn đề dân tộc. Bọn tư bản chỉ nói đến dân tộc mà không nói đến giai cấp, nhưng thực chất là vì lợi ích của giai cấp tư sản. Người cộng sản chúng ta nói đến giai cấp là nói đến dân tộc. Nhất là khi giai cấp vô sản nắm được chính quyền thì càng phải gắn chặt vấn đề giai cấp với vấn đề dân tộc. Quan điểm giai cấp càng đúng đắn bao nhiêu thì quan điểm dân tộc càng đúng đắn bấy nhiêu. Ngược lại, lập trường giai cấp vô sản cùng đúng đắn bao nhiêu thì phải càng nắm chắc vấn đề dân tộc bấy nhiêu”.

Tính dân tộc và tính giai cấp gắn bó với nhau, trong mối quan hệ này tính giai cấp là cái quyết định tính dân tộc. Bởi vì, dân tộc tuy là một tồn tại khách quan nhưng “mỗi giai cấp hiểu vấn đề dân tộc theo quan điểm riêng của mình, và vấn đề dân tộc phục vụ cho những lợi ích khác nhau, mang những màu sắc khác nhau, tùy theo từng thời kỳ và tùy theo giai cấp đề xuất ra nó”. Lênin nói: “Trong mọi vấn đề chính trị thực sự nghiêm chỉnh và sâu sắc, người ta tập hợp nhau la theo giai cấp chứ không phải theo dân tộc”. Vì vậy, sẽ sai lầm nếu cho rằng tính giai cấp và tính dân tộc tồn tại song song (nghĩa là không có sự gắn bó hữu cơ). Còn quan niệm cho rằng tính dân tộc là của chung tất cả mọi giai tầng trong xã hội thì lại càng không đúng và rơi vào quan điểm tư sản.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang