Đặc trưng đối tượng và nội dung của văn nghệ

dac-trung-doi-tuong-va-noi-dung-cua-van-nghe

Đặc trưng đối tượng và nội dung của văn nghệ

I. Ðặc trưng đối tượng của văn nghệ

1. Ðối tượng chung:

Không có đối tượng thì không có nhận thực. Ðối tượng là điều kiện khách quan của nhận thực. Văn nghệ là một hình thức ý thức xã hội, một hình thức nhận thức, vậy, đối tượng của nó là gì?

Nhận thức luận Mác xít chỉ rõ : tồn tại khách quan quyết định ý thức con người “ý thức con người không có gì khác hơn là tồn tại được ý thức” (C. Mác). Văn nghệ là một trong những hình thái ý thức xã hội ; cho nên, đứng ở góc độ nhận thức luận,đối tượng của văn nghệ cũng là đối tượng của nhận thức nói chung: đó là tồn tại khách quan.

Biélinski khẳng định: “Chỗ khác nhau giữa khoa học và nghệ thuật không phải ở nội dung mà ở phương pháp sáng tạo ra nội dung”.

Plékhanov cũng có ý kiến tương tự: “Ðối tượng của triết học cũng đồng thời là đối tượng của nghệ thuật”. Theo ý nghĩa triết học thì không có sự phân biệt giữa đối tượng của khoa học và đối tượng của nghệ thuật.

Hiện thực phong phú vô cùng vô tận của tự nhiên và xã hội là đối tượng của nghệ thuật. Biélinski đã từng xác nhận: “Tất cả thế giới, tất cả những bông hoa, màu sắc và âm thanh, tất cả các hình thức của  tự nhiên và đời sống đều có thể là những hiện tượng của thơ ca”.

Xác định một phạm vi phản ánh rộng lớn như vậy của nghệ thuật là để khẳng định khả năng to của văn chương trong việc miêu tả và phản ánh. Nhưng sẽ sai lầm nếu đánh đồng đối tượng của khoa học và đối tượng của nghệ thuật. Cần phải phân biệt tồn tại khách quan và đối tượng (với ý nghĩa đích xác của từ này). Tồn tại khách quan là cơ sở của mọi hoạt động nhận thức và cải tạo của con người. nhưng tồn tại khách quan là vô cùng tận, muôn màu muôn vẻ, mang nhiều phương diện và nhiều tính chất khác nhau. Mỗi một hình thức nhận thức của con người chỉ có thể hướng chủ yếu vào một phạm vi nào đó của khách thể và trong phạm vi đó lại quan tâm đến những tính chất nào đó mà thôi, tùy thuộc vào mục đích, yêu cầu, năng lực của mình. Mặt trời làm cho nhiều nhà khoa học quan tâm, nhưng nhà hóa học chú ý đến những phản ứng hóa học, nhà vật lí quan tâm đến nguồn nhiệt năng, nhà sinh vật quan tâm đến nguồn ánh sáng của nó, còn nhà thơ chú ý đến khả năng gây hứng thú ở con người.

– Mặt trời là trái tim anh
Mặt trăng vành vạnh là tình của em

– Thấy anh như thấy mặt trời
Chói chang khó ngó, trao lời khó trao.

Viện sỹ T. Pavlov đã chỉ rõ: cả trong tự nhiên lẫn trong xã hội không hề có những đối tượng vật lí, hóa học, mĩ học thuần túy, nhưng mỗi đối tượng ấy lại có những thuộc tính khiến nó thu hút sự chú ý của nhà vật lí, nhà hóa học, nhà nghệ thuật. Như thế, đối tượng của một hình thức nhận thức nào đó là những thuộc tính nào đó của một phần khách thể.

2. Ðối tượng đặc trưng:

Vậy đối tượng đích thực của văn nghệ là gì? Cái làm cho nhà nghệ thuật quan tâm trước tồn tại khách quan là gì? Trả lời vấn đề này Chernychevski đã khẳng định phạm vi của nghệ thuật “bao hàm trong nó tất cả những gì có trong hiện thực (trong tự nhiên và trong xã hội) khêu gợi được hứng thú của con người không phải với tư cách là học giả mà với tư cách là con người bình thường; cái mọi người quan tâm trong đời sống đó là nội dung của nghệ thuật “.

Trong đời sống, con người có 2 mối quan tâm lớn : mối quan tâm tới tự nhiên và mối quan tâm tới xã hội. Tức chính là 2 mối quan hệ đảm bảo cho con người tồn tại và phát triển : quan hệ tự nhiên và quan hệ xã hội. Hai mối quan hệ này quay quanh một trung tâm  là con người. chính những mối quan hệ quay quanh con người này là trung tâm chú ý của nghệ sĩ. Nếu như đối tượng của khoa học là sự vật, hiện tượng tồn tại độc lập với ý thức con người thì đối tượng của nghệ thuật là tất cả những gì quan hệ với con người, là hiện thực trong quan hệ của nó đối với con người. Hay nói chính xác hơn, đối tượng của nghệ thuật là những mối quan hệ có tính người của thế giới.

Nhà khoa học và nhà nghệ thuật cũng quan tâm tới thế giới tự nhiên. Nhưng đối tượng của nhà khoa học sẽ là bản chất, quy luật vận động, thuộc tính phổ quát độc lập khách quan với ý thức con người thì nhà nghệ thuật lại chọn cho mình trong giới tự nhiên những phương diện liên quan đến ý thức con người, đến tư tưởng, tình cảm của con người, đến đời sống tinh thần của con người. chẳng hạn, mưa đối với nhà khoa học là quá trình ngưng tụ của hơi nước khi gặp lạnh và rớt xuống. Nhưng mưa đối với nhà thơ bao giờ cũng có hồn người ở trong đó.

Nặng lòng xưa hạt mưa đau
Mát lòng nay trận mưa mau quê nhà

(Tố Hữu)

Ðêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nổi hàn bao la
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn

(Huy Cận)

Ôi cơn mưa quê hương
Ðã ru hồn ta thuở bé
Ðã tắm nặng lòng ta tình yêu chớm hé
Nghe tiếng mưa rơi trên tàu chuối bẹ dừa
Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa
Ta yêu quá như lần đầu mới biết
Ta yêu mưa như yêu gì tha thiết

(Lê Anh Xuân)

Thời tiết ở Trường sơn đối với nhà thiên văn, địa lí khác hẳn đối với nhà thơ. Tố Hữu nghĩ về mưa – nắng Trường sơn.

Trường sơn Ðông nắng Tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình

Còn Phạm Tiến Duật :

Anh lên xe trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt mối riêng tư.

Thế giới tự nhiên là vô cùng, vô tận, vô thủy vô chung và thế giới nghệ thuật cũng vô cùng phong phú. Khó có thể và không thể thống kê ra rằng bộ phận nào trong thế giới hiện thực được nhà văn quan tâm nhiều hơn cả. Từ thế giới vi mà đến thế giới vỉ mô, từ hữu sinh đến vô sinh đều có thể xuất hiện trong nghệ thuật. Nhưng khi chúng đã xuất hiện trong nghệ thuật thì bao giờ cũng là bộ phận tự nhiên bị con người đồng hóa, tiềm ẩn, kết tinh một quan hệ người ở trong đó.

Ðối với thế giới tự nhiên, nghệ thuật tìm cho ra một quan hệ người kết tinh ở trong đó, thì đối với thế giới xã hội, nghệ thuật càng quan tâm đến quan hệ này. Quan hệ người ở đây chính là quan hệ xã hội. Nếu bản chất của con người là tổng hòa của những mối quan hệ xã hội thì văn nghệ đã biết xác định cho mình đối tượng trong thế giới con người cái bản chất nhất, đó là bản chất xã hội. Nghệ thuật tìm ra cho mình những “kiểu quan hệ xã hội” ở trong con người.

Con người là một sinh vật của tự nhiên, một bộ phận của hiện thực. Trong nó, một mặt tồn tại những quy luật của sinh vật, mặt khác tồn tại những quy luật xã hội. Quy luật, bản chất xã hội, quan hệ xã hội của con người là đối tượng của nghệ thuật. Nếu không nhận thức được, hoặc cố tình xuyên tác đặc trưng đối tượng của nghệ thuật thì nhà văn sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng trong quá trình sáng tạo.

Chủ nghĩa tự nhiên, Chủ nghĩa Freud … đã dùng những quy luật sinh học để giải thích con người. Con người trong nghệ thuật của họ không phải con người xã hội mà là con vật – người. Con người hoàn toàn bị bản năng sinh vật chi phối. Ðối với tự nhiên, nghệ thuật lưu tâm đến quan hệ người kết tinh trong đó; đối với xã hội, nghệ thuật quan tâm đến những quan hệ xã hội, chính vì vậy mà người ta đã xác định đối tượng chủ yếu của nghệ thuật là con người. Con người là phạm vi hiện thực chủ yếu mà nghệ thuật quan tâm. Nhưng sẽ không chính xác nếu nói đối tượng của nghệ thuật là con người một cách chung chung. Nếu hiểu theo nghĩa này con người là đối tượng của hàng loạt khoa học (tự nhiên và xã hội) chứ đâu có riêng vì nghệ thuật. Khác với khoa học, con người trong nghệ thuật là trung tâm, kết tinh của những quan hệ.

Con người trong nghệ thuật được miêu tả từ rất nhiều phương diện kinh tế, chính trị, lao động, sản xuất, tinh thần, vật chất, bên trong, bên ngoài … Nhưng cũng sẽ không chính xác nếu nói con người trong nghệ thuật là con người đa diện. Con người trong nghệ thuật không phải là tổng số các tri thức nghiên cứu về con người của các khoa học. Quan hệ xã hội của con người gắn chặt với những phẩm giá tinh thần của nó. Quan hệ xã hội, phẩm giá tinh thần là thế giới vô hình – thế giới vô hình đó được hun đúc từ thế giới hữu hình ở con người. Thế giới vô hình càng phong phú phức tạp thì thế giới hữu hình càng phong phú và phức tạp. Chính đối tượng của nghệ thuật là những quan hệ xã hội – những phẩm giá tinh thần sẽ khiến cho người nghệ sĩ quan tâm toàn diện về con người. Như thế, nghệ thuật không lấy miêu tả con người toàn diện làm mục đích mà như là phương tiện để lí giải những kinh nghiệm quan hệ. Do đó, không phải mặt nào của đời sống con người cũng được nghệ thuật quan tâm và không phải những mặt được quan tâm đều có được sự quan tâm ngang nhau.

Như nhiều khoa học xã hội khác, nghệ thuật đặt cho mình mục đích tìm hiểu bản chất xã hội con người. Nhưng nghệ thuật không đặt ra cho mình nhiệm vụ khái quát trừu tượng bản chất xã hội của con người như trong chính trị, lịch sử … Nghệ thuật tái hiện và tái tạo bản chất xã hội của con người. Muốn vậy, nghệ thuật phải có miêu tả những mặt bản chất xã hội cụ thể. Do đó, trong nghệ thuật con người xuất hiện như là những cá nhân, những số phận, những tính cách. A. Drémov phân biệt : ” … Khi phản ánh những quan hệ đối kháng giữa công nhân và tư bản nào trong tác phẩm nghệ thuật, thì chúng ta không trực tiếp trình bày các công thức của quy luật giá trị thặng dư (đó là nhiệm vụ của chính trị kinh tế hoc). Nghệ thuật miêu tả những biểu hiện của quy luật ấy trong số phận những cá nhân con người”.

Trung tâm chú ý của con người trong chính trị, lịch sử là những sự kiện, quy luật đã được trừu tượng hóa. Nghệ thuật có sứ mệnh tái hiện con người với yêu cầu giữ cho được cá tính riêng biệt, sinh động, bảo đảm cho con người có sức sống, hoạt động và phát triển như trong hiện thực. Con người trong nghệ thuật là con người xã hội, đồng thời là con người cá tính… H. Heine nói: “Mỗi con người là cả một vũ trụ … Dưới mỗi tấm mộ bia – có chôn cất cả một pho sử toàn thế giới”.

II. Ðặc trưng nội dung của văn nghệ.

Cần thiết phải phân biệt đối tượng và nội dung của văn nghệ. Giữa đối tượng và nội dung của văn nghệ có sự thống nhất nhưng không đồng nhất. Ðối tượng là cái tồn tại khách quan, còn nội dung là tồn tại khách quan đã được chiếm hữu bởi chủ quan. Ðối tượng là khách thể của nhận thức, còn nội dung là sự nhận thức khách thể bởi chủ thể. Nội dung là đối tượng đã được ý thức. tái hiện, tái tạo, khái quát, đánh giá cho phù hợp với tình cảm, tư tưởng, lí tưởng của nhà văn.

Vì vậy, mặc dù nói văn nghệ phản ánh cuộc sống, nhưng đặc trưng nội dung của văn nghệ không phải ở chỗ những bức ảnh chụp về đời sống. Giá trị nội dung của văn nghệ không phải là ở sức chứa ngồn ngộn những chi tiết sự thực về đời sống, cũng không phải ở sự “tương đương xã hội học” giữa cái được phản ánh (đời sống) và cái phản ánh (tác phẩm).

Ðặc trưng nội dung của văn nghệ là thế giới chủ quan của nghệ sĩ được bộc lộ trước những vấn đề đời sống phản ánh trong tác phẩm :

– Trước hết, nội dung của văn nghệ thể hiện rõ khát vọng của nghệ sĩ muốn thể hiện một quan niệm về chân lí đời sống, về đời sống chân, thiện, mĩ. Cuộc sống trong tác phẩm là cuộc sống theo một quan niệm, theo đề nghị, yêu cầu của nhà văn – cuộc sống cần có nên có chứ không chỉ vốn có.

– Thứ đến, nội dung của văn nghệ là cảm hứng Mácnh liệt của nhà văn trước những vấn đề đời sống.

– Nhà văn bao giờ cũng muốn khẳng định điều này, phủ nhận điều kia, tôn thờ điều nọ.

– Cuối cùng, nội dung văn nghệ là cuộc sống được lí giải, đánh giá, biểu hiện theo một khuynh hướng tư tưởng nhất định phù hợp với xu hướng tư tưởng nhất định trong cuộc sống.

Tóm lại, nội dung của nghệ thuật là hiện thực được nhìn nhận dưới con mắt của nghệ sĩ, thấm đượm khát vọng, nhiệt tình của nghệ sĩ, được trình bày, lí giải dưới ánh sáng của thế giới quan, lí tưởng thẩm mĩ nhất định.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.