Mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính quốc tế của văn nghệ

moi-quan-he-giua-tinh-dan-toc-va-tinh-quoc-te-cua-van-nghe

Mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính quốc tế của văn nghệ

Có hai thái độ cực đoan, sai lầm khi bàn đến tính dân tộc mà ta cần bác bỏ. Một, thái độ hư vô chủ nghĩa. Ðó là chủ nghĩa thế giới, chủ nghĩa nhân bản trừu tượng, phi lịch sử, phi dân tộc … Thái độ này cho rằng, ngày nay cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng. Hàng rào giữa các dân tộc bị phá toang, văn chương dân tộc được giải thỏa khỏi sự vây hãm của biên giới quốc gia – dân tộc. Do đó, tính dân tộc chỉ là một thứ đồ cổ trong thời đại ngày nay.

Hai, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi phục cổ bế quan tỏa cảng, muốn tạo nên sự ngăn cách vĩnh viễn giữa các dân tộc. Theo quan niệm này tính dân tộc và tính quốc tế là hai thái cực không bao giờ có thể dung hòa. Một tác phẩm đã có tính dân tộc thì không có tính quốc tế và ngược lại.

Cả hai thái độ cực đoan trên đều dẫn đến sai lầm chung là không chỉ ra được bản chất của tính dân tộc. Lí giải bản chất của tính dân tộc cần thiết phải đặt nó vào trong nhiều mối quan hệ. Một trong những mối quan hệ đó là quan hệ giữa nó với tính quốc tế. Muốn hiểu được quan hệ này, chúng ta phải từ quan hệ giữa dân tộc và quốc tế. Quan hệ giữa dân tộc và quốc tế là quan hệ biện chứng của cặp phạm trù: Cái riêng và cái chung. Các dân tộc cụ thể tạo nên cộng đồng quốc tế. Quốc tế là bao gồm các dân tộc. Dân tộc và quốc tế là 2 mặt của một vấn đề, là hai hiện tượng mâu chuẩn – thống nhất của sự vật.

Trong văn chương, nghệ thuật quan hệ giữa tính dân tộc và tính quốc tế là quan hệ biện chứng. Tác phẩm có tính dân tộc đậm đà thì có tính quốc tế sâu sắc, và ngược lại. Hồ Chủ tịch nói: “Nếu dân tộc hóa mà phát triển đến cực điểm thì tới chỗ thế giới hóa rồi đó”. Biélinsky người sáng lập ra mĩ học dân chủ cách mạng Nga từ những năm 40 của thế kỷ trước đã có những kiến giải xuất sắc về tính dân tộc và tính quốc tế của văn chương. Ông nói: “Ðối với nhà thơ, muốn làm cho thiên tài của anh ta được mọi người công nhận” thì cần phải “làm cho tính dân tộc trong tác phẩm của anh ta trở nên hình hài, cơ thể, xương thịt, diện mạo, nhân cách của thế giới tinh thần và vô hình của tư tưởng toàn nhân loại”. Hai ý kiến trên đây có vẻ như tra ngược nhau nhưng kỳ thực, rất thống nhất: có tính dân tộc độc đáo ấy là con đường đi đến cái quốc tế sâu sắc. Cái dân tộc phải chứa đựng cái quốc tế, cái toàn nhân loại. Các quốc tế tức là cái được tổng hợp từ cái dân tộc.

Một tác phẩm có tính dân tộc chân chính là tác phẩm thể hiện được những tư tưởng tình cảm chung của nhân loại trong dạng thái dân tộc độc đáo. Tư tưởng tình cảm, tâm trạng nhân loại luôn luôn nảy sinh trên cơ sở dân tộc. Do đó, tư tưởng tình cảm toàn nhân loại đó luôn luôn có tính chất cụ thể lịch sử. Nó  biểu hiện ra dưới dạng tư tưởng, tình cảm tâm trạng từng dân tộc. Tác phẩm văn chương phản ánh hiện thực dân tộc một cách đặc sặc, độc đáo dưới ánh sáng tư tưởng tiến bộ của thời đại, tư tưởng nhân dân thì tác phẩm đó sẽ vượt ra ngoài biên giới quốc gia dân tộc mà đến với mọi dân tộc, đến với trái tim toàn nhân loại. Bởi tư tưởng tiến bộ cách mạng của nhân dân một dân tộc cũng sẽ là một tư tưởng của thời đại, tư tưởng quốc tế. Tính dân tộc là sự biểu hiện đa dạng, sinh động, cụ thể của tính quốc tế.

Việc các tác phẩm văn chương xuất sắc được dịch ra hàng trăm thứ tiếng, in hàng chục triệu bản là bằng chứng hùng hồn về quan hệ biện chứng về cái dân tộc và ca quốc tế của văn chương. Dân tộc này tìm đến sáng tác của dân tộc khác, rõ ràng không phải do sự hiếu kỳ mà là do cần phải thỏa mãn khát vọng chung, do có nhu cầu chung về tư tưởng, tình cảm, Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch, nội dung tư tưởng căn bản của nó là khát vọng tự do cho nhân dân và độc lập cho dân tộc. Khát vọng đó đâu chỉ là nhu cầu của riêng Việt Nam mà của mọi con người, mọi dân tộc chân chính và của cả thời đại.

Tóm lại, tính dân tộc không phải là những yếu tố lập dị, đối lập sâu sắc với tính quốc tế, tính nhân loại. Nếu tuyệt đối hóa tính đặc thù dân tộc sẽ dần đến chỗ làm cho nhà văn chỉ thể hiện các tàn dư, những tập quán, phong tục cổ hủ, hoặc sa vào miêu tả những biểu hiện bên ngoài, hình thức. Ngược lại, những  yếu tố mang tính dân tộc chân chính sẽ và đồng thời có ý nghĩa quốc tế sâu sắc.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.