Cảm nhận bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê (Hồi hương ngẫu thư) của Hạ Tri Chương

ngau-hung-viet-nhan-buoi-moi-ve-que-hoi-huong-ngau-thu-ha-tri-chuong

Cảm nhận bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê (Hồi hương ngẫu thư) của Hạ Tri Chương

  • Mở bài:

Hồi hương ngâu thư ra đời một cách ngẫu nhiên trong lúc tác giả vừa đặt chân lên mảnh đất quê hương. Bài thơ thể hiện một cách chân thực mà sâu sắc, hóm hỉnh mà ngậm ngùi tình yêu quê hương thắm thiết của một người sống xa quê lâu ngày, trong khoảnh khắc vừa mới đặt chân trở về quê cũ.

  • Thân bài:

Nhan đề Hồi hương ngẫu thư (Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê) chứa đựng tình cảm, nỗi dằn vặt của nhà thơ. Sự độc đáo của nhan đề ở hai từ “ngẫu thư” (ngẫu nhiên viết) chứ không phải tình cảm bộc lộ một cách ngẫu nhiên. Ở đây, có hai sự lạ, bao năm xa quê, tác giả đã không viết bài thơ nào, bây giờ lại viết khi mới về quê. Ngẫu nhiên viết vì tác giả không chủ định làm thơ nhưng cảm xúc thơ lại cứ bật ra ngay lúc đặt chân lên mảnh đất quê hương.

Điều đó chứng tỏ tình cảm quê hương luôn thường trực trong trái tim nhà thơ. Thế nên, chỉ cần một tình huống ngẫu nhiên cũng có thể khơi dậy một thứ thơ hay. Đúng là “Thơ khởi phát tự lòng người ta”! (Lê Quí Đôn) và “Khi tình cảm tự tìm cho mình một hình thức để bộc lộ ra ngoài, chúng ta có thơ. Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ánh một cái gì được hoàn thiện từ bên trong” (Tago).

Mở đầu bài thơ, tác giả sử dụng phép đối khá chính, đối cả ý lẫn lời:

Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi
Hương ám vô cài, mấn mao tồi

(Khi đi trẻ, lúc vè già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao)

Giọng thơ có chút gì đó ngậm ngùi, tác giả kể về quãng đời xa quê của mình thông qua tiểu đối: thiếu tiểu lão đại >< li giai hồi; hương âm vô cải >< mấn mao tồi và hai cặp từ trái nghĩa tiểu >< lão (già – trẻ), li >< hồi (đi – về).

Câu thơ ngắn gọn nhưng đã khái quát được hành trình của cả một đời người. Khi còn trẻ thì li gia sống nơi đất khách quê người để lập nghiệp, để tu chí, để thỏa chí tang bồng. Lúc về già mới trở lại quê hương, hướng về cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Sự trở về của ông là sự trở về với những gì gắn bó sâu nặng nhất, đúng như Khuất Nguyên nói:

“Hồ tử thù khâu
Quyện điểu quy cựu lâm”

(Cáo chết tất quay đầu về núi,
Chim mỏi tất bay về rừng cũ).

Sự trở về ấy chứa đựng tình cảm yêu quê hương tha thiết của nhà thơ đồng thời nó cũng là sự trở về điển hình hợp qui luật tình cảm của những nhà nho xưa. Vươn tới những nội dung mang tính phổ quát nên bài thơ có sức lay động lớn với lòng người.

Phép đối trong câu thơ thứ hai được sử dụng triệt để, tác giả đã dùng hình ảnh nói về sự đổi thay ngoại hình “mân mao tồi” (mái tóc bạc theo theo thời gian) để nhấn mạnh sự không đổi thay của mình “hương âm vô cài” (giọng quê không đổi).

Chi tiết “hương âm vô cái” là một chi tiết rất giàu sức gợi. Ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam mỗi một vùng quê đều có giọng nói riêng của mình. Giọng quê là bản sắc, là nguyên gốc của quê hương. Do đó, “giọng quê không đổi” là một biểu hiện cảm động về tấm lòng son sắt, thuỷ chung gắn bó với quê hương của tác giả.

Hơn nửa thế kỉ làm quan tại kinh đô Tràng An, Hạ Chi Trương đã từng đứng trên đỉnh cao danh vọng, sống trong cảnh vàng son, vậy mà tình cố hương vẫn canh cánh trong trái tim ông, “giọng quê” trong ông vẫn đậm đà như xưa. Điều đó thật đáng quý, đáng trân trọng.

Ở hai câu thơ đầu, giọng thơ bề ngoài mang tính tổng kết một cách khách quan nhưng bên trong là giọng điệu trầm lắng, ngẫm ngợi. Tình cảm gắn bó với quê hương của tác giả được hé mở một cách thật kín đáo và sâu sắc.

Hai câu thơ cuối chuyển sang kể chuyện, tâm sự là chủ yếu. Giọng điệu kể có vẻ hóm hỉnh, hồn nhiên nhưng bên trong giọng điệu ấy có pha chút dư vị ngậm ngùi, xót xa.

Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai

(Trẻ con thấy lạ không chào
Hỏi rằng khách ở phương nào sang chơi)

Có một tình huống ngẫu nhiên, bất ngờ xảy ra! Khi nhà thơ vừa đặt chân đến quê hương, trẻ con trong làng tò mò nhìn ông lão, cười hỏi: “Khách ở chốn nào lại chơi?” Với những đứa trẻ con ấy, ông lão chính là người khách lạ ghé thăm quê hương mình. Chúng tươi cười chào hỏi người khách ấy với tất cả sự hồn nhiên, hiếu khách.

Nhưng với nhà thơ, đây lại là tình huống dở khóc dở cười. Ông cười bởi sự ngây thơ, hồn nhiên của trẻ nhỏ. Chúng đâu ngờ ông chính là người con của quê hương. Khi ông rời quê hương ra đi, có lẽ bố mẹ chúng cũng chưa ra đời!

Và nỗi buồn của nhà thơ sâu lắm! Ta như thoáng gặp sự ngỡ ngàng, bâng khuâng và ngậm ngùi của Tố Hữu:

“Nhiều bấy như em, mấy tuổi rồi
Hai mươi ừ nhỉ, tháng năm trôi…”

Tháng năm trôi, những người bạn ai còn ai mất? Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, giờ trở lại quê hương không còn ai nhận ra mình nữa. Mình thành khách lạ trên chính quê hương mình! Nỗi buồn trong cảm giác bị lãng quên thật thấm thìa và da diết. Nếu không yêu quê, không có những tình cảm nồng thắm dành cho quê hương thì có lẽ tác giả không thể có nỗi buồn đầy vơi như vậy.

Tác giả gián tiếp biển hiện tình cảm thông qua yếu tố tự sự và miêu tả. Cách sử dụng phép đối tự nhiên tạo nên sự đối ngược giữa quá khứ và hiện tại hết sức tài tình. Tạo tình huống tự nhiên, giàu sức gợi, giọng điệu thơ đa dạng mà vẫn thống nhất khắc sâu tình cảm trong lòng người đọc.

  • Kết bài:

Bài thơ là nhiều cung bậc tình cảm giành cho quê hương, có niềm vui khôn xiết khi gặp lại quê hương, có ngậm ngùi, có buồn man mác, có cảm giác bị lãng quên… Cái hay của bài thơ đó là tác giả đã không hề có một chữ nào nói về tình cảm mà tình cảm cứ hiên ra phập phồng náo nức, xốn xang, tủi mừng trên từng câu thơ. Phút ngẫu hứng của nhà thơ được đan xen bởi nhiều cảm xúc trái ngược: vừa vui vừa buồn, vừa mừng vừa tủi. Đó là cảm xúc rất chân thực của một người xa quê lâu năm nhưng vẫn nặng lòng với quê hương.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.