»» Nội dung bài viết:
Nghị luận: “Càng nhận vào càng sung túc trí tuệ; càng cho đi càng giàu có trái tim”
- Mở bài:
Cho và nhận là hai biểu hiện của sự chia sẻ trong đời sống giữa con người với con người. Hạnh phúc thay những người có thể không cần nhớ khi cho và không thể quên khi nhận: “Càng nhận vào càng sung túc trí tuệ; càng cho đi càng giàu có trái tim”.
- Thân bài:
Nhận vào là gì?
“Nhận vào” là tiếp thu, học hỏi, vận dụng, trau dồi và tự trang bị cho mình kiến thức, kinh nghiệm từ nhà trường, từ đời sống. Nhờ quá trình nhận vào mà con người tích lũy được kho tri thức sâu rộng, phong phú tạo vốn hiểu biết sâu sắc.
Cho đi là gì?
“Cho đi” là thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ, đùm bọc, bảo vệ… Nhờ quá trình cho đi mà mỗi người hình thành được những suy nghĩ đúng, bồi dưỡng được những tình cảm cao đẹp. Như vậy, ý kiến đã đưa ra một lời khuyên sâu sắc về cách thức riêng, con đường riêng để làm giàu trí tuệ và tâm hồn của con người để ta sống hài hòa, trọn vẹn.
Biểu hiện của “cho” và “nhận”:
Biểu hiện của cách sống “Càng nhận vào, càng sung túc trí tuệ”: Chăm chỉ, kiên trì, chủ động học hỏi, tiếp thu, vận dụng tri thức từ sách vở, trường học, kinh nghiệm từ đời sống, sẽ giúp con người có được những hiểu biết phong phú, đa dạng về mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội; tự làm giàu kho tri thức khoa học của mình trong các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, tạo được vốn sống sâu sắc.
Biểu hiện của cách sống “Càng cho đi càng giàu có trái tim”: Con người sống biết cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ, đùm bọc, yêu thương đối với những người cần giúp đỡ, ..không phân biệt giá trị lớn hay nhỏ, vật chất hay tinh thần thì sẽ làm cho tâm hồn trở nên nhạy cảm, tinh tế, sống sâu sắc. Những trải nghiệm của người viết về cách thức làm “sung túc trí tuệ” và làm “giàu có trái tim” mình.
Vì sao nói: “Càng nhận vào càng sung túc trí tuệ; càng cho đi càng giàu có trái tim”.
Không phải cái gì “nhận vào” cũng làm sung túc trí tuệ con người. Kho kiến thức mà mỗi con người cần và có thể tiếp nhận là “đại dương”, muốn “nhận vào” để làm giàu trí tuệ, mỗi người phải biết chắt lọc, lựa chọn những gì có ích, cần thiết, quan trọng, phù hợp với từng chặng đường, từng hoàn cảnh, từng công việc…của riêng mình.
Không phải cứ “cho đi” là giàu có trái tim. Cách “cho” phải xuất phát từ tấm lòng chân thành, thái độ thiện chí, đúng người, đúng lúc…mới có thể làm người “cho” thực sự giàu có trái tim.
Biết “nhận vào” hay biết “cho đi” con người đều tìm thấy niềm vui thực sự, niềm hạnh phúc chân chính.
Cần phê phán nhận thức lệch lạc: chỉ biết “nhận vào” mà không dám “cho đi”, “cho” với thái độ bố thí, thương hại….. Những cách nghĩ ấy sẽ hình thành lối sống ích kỉ, vô tâm, vô cảm đáng sợ. Cách nghĩ, cách sống đó sẽ làm nghèo nàn cả “trí tuệ” và “trái tim” con người.
Bài học nhận thức:
+ Thường xuyên học hỏi, trau dồi, trang bị cho mình kiến thức và kĩ năng sống.
+ Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.
+ Sống có ý thức, trách nhiệm với bản thân, với mọi người và xã hội….
- Kết bài:
Ba chiếc chìa khóa dẫn tới cuộc sống mãn nguyện: quan tâm tới người khác, dám làm vì người khác, chia sẻ cùng người khác. Không có hạnh phúc trong việc sở hữu hay chỉ nhận vào; chỉ có hạnh phúc khi biết cho đi. Cho và nhận là hai hành động không thể tách rời và làm nên các hoạt động sống có ý nghĩa trong cuộc sống mỗi con người.