tho-la-nguoi-thu-ky-trung-thanh-cua-nhung-trai-tim

Nghị luận: Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim (Đuy-blây)

Bàn về thơ, Đuy-blây có viết: Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim.

Từ những tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn 9, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Hướng dẫn làm bài:

  • Mở bài:

Giới thiệu vấn đề nghị luận: Nền văn học vẫn chảy trôi và phát triển, thi ca muôn đời vẫn là lãnh địa của cảm xúc và trái tim khi nhà thơ lấy chúng ra từ hiện thực. Thật có lí khi nói: “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống”. Và mỗi bài thơ chắc hẳn là một phần tâm hồn của người nghệ sĩ. Bàn về thơ, Đuy-blây có viết: “Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim.”

– Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu là minh chứng rõ ràng và thuyết phục cho nhận định của Đuy-blây.

  • Thân bài:

1. Giải thích ý kiến.

– “Thơ”, thơ ca hay thi ca, là sáng tạo ngôn từ của nhà thơ, ghi lại những rung động của người nghệ sĩ trước cuộc sống.

– “Người thư kí trung thành“: ghi lại một cách đầy đủ,  chính xác, chân thật.

* Ý nghĩa:

– Ý kiến của Đuy-blây khẳng định khả năng tái hiện tình cảm của thơ ca: thơ là sự thể hiện, giãi bày, bộc lộ một cách trung thành, chân thật những cung bậc tình cảm của người làm thơ cho chính mình và cho mọi người.

– Qua người thư kí trung thành – thơ ca – người đọc hiểu được những xúc cảm của nhà thơ, lắng nghe được những nhịp đập trái tim của thi sĩ, từ đó mà cũng làm đẹp thêm, giàu thêm cho đời sống tình cảm của chính mình.

2. Mối quan hệ giữa thơ ca và trái tim nhà thơ.

– Ai cũng hiểu vai trò quan trọng của cảm xúc đối với thơ ca. Cảm xúc chân thành tạo nên giá trị cho thơ. Gorki khẳng định: “Thơ ca chân chính bao giờ cũng là thơ ca của trái tim, cũng là tiếng hát của tâm hồn”. Hành động sáng tạo trong thơ ca là một sự giải toả những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn nhà thơ.

– Nguồn gốc của thơ ca là cảm xúc xuất phát từ trái tim của người nghệ sĩ. Thơ trong tiếng Hán là “thi”. Theo Dương Thụ Đạt thì “thi” ở đây tức là là “cái gốc và là cái mầm mọc từ trái tim”. Tức là muôn đời thơ ca đều xuất phát từ những biến chuyển trong nội tâm tình cảm con người.

– Timofiep quan niệm: “Sự xúc động là nguồn gốc đầu tiên và duy nhất của thơ ca”; còn theo Alfred de Musset: “Hãy đập vào trái tim anh, thiên tài là ở đó”. Trái tim nhà thơ tự tìm đến một nghệ thuật biểu hiện, và khi ấy thơ ra đời, chân thành, giàu xúc cảm và cũng thật độc đáo, riêng biệt.

– Tình cảm chi phối cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ, họ nhìn sự vật qua lăng kính cảm xúc của riêng mình. Cùng một đề tài nhưng mỗi nhà thơ lại có cảm nhận khác nhau, tạo nên những chất thơ khác nhau.

– Tình cảm trong thơ phong phú, với nhiều cung bậc cảm xúc, mang tới sức sống cho những vần thơ. Thơ xuất phát từ cái nhìn cô đọng sâu lắng, là kết tinh chuỗi rung động của thi nhân về cuộc đời và là bản hùng ca vượt qua không gian, thời gian đi vào lòng độc giả. Nói như La-mac-tin:  Thơ ca là sự hiện thân cho những gì thầm kín nhất của con tim, thiêng liêng nhất của tâm hồn con người và cho những hình ảnh tươi đẹp nhất, âm thanh huyền diệu nhất trong thiên nhiên.

– Tình cảm là yếu tố nòng cốt, là linh hồn, là mạch sống, là hơi thở của thi ca; chính nhờ nó mà lời thơ, tứ thơ, hình tượng trong thơ trở thành biểu tượng của tư duy, tình và cảnh hòa nhịp tự nhiên, sống động. Nhưng nếu chỉ có cảm xúc không thì vẫn chưa đủ. Bên cạnh cảm hứng, nhà thơ còn phải suy nghĩ để tạo ra những câu thơ giàu hình ảnh. Chỉ khi có đầy đủ yếu tố cảm xúc và suy nghĩ thì mới có thể viết ra những bài thơ hay, ý nghĩa, có chiều sâu triết lý. Thiếu cảm xúc, thơ sẽ trở nên khô khan, vô cảm; còn thiếu suy nghĩ, thơ sẽ nhạt nhẽo, vô nghĩa. Hai yếu tố này hòa hợp, bù trừ lẫn nhau để tạo ra những bài thơ thành công cả về hình thức lẫn nội dung. Và chỉ khi ấy, bạn đọc mới đón nhận thơ một cách nồng nhiệt, đồng cảm và trân trọng tác giả cũng như tác phẩm của họ.

– Thơ không chỉ chứa đựng cảm xúc mà còn chuyển tải suy nghĩ, tư tưởng của nhà thơ. Cảm xúc và suy nghĩ trong thơ có mối quan hệ mật thiết với nhau; cùng bổ trợ, tạo tiền đề ý nghĩa cho nhau để cùng thể hiện tư tưởng của tác giả. Ngô Giang Điệp nhận xét: “Thơ là tiếng lòng, không thể trái với lòng mà nảy ra thơ, lòng như nhật nguyệt thì thơ cũng như ánh sáng của nhật nguyệt, cứ theo nơi ánh sáng ấy sẽ thấy mặt trăng, mặt trời”. Vì thế, những bài thơ viết một cách dễ dãi, cảm xúc chưa đến độ sẽ không làm nổi bật được tứ thơ; coi nhẹ cảm xúc, viết bằng sự thông minh của lý trí sẽ khiến thơ trở nên khô khan, cứng nhắc. Vậy, cần phải kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và suy nghĩ, thơ mới dạt dào, lắng sâu.

– Lê Quý Đôn đã nhận định rằng “Thơ khởi phát từ lòng người ta” hoặc rõ hơn khi Vũ Duy Thanh viết: “Thơ xuất phát từ tình”.

– Uy-li-am Uốt – thi sĩ người Anh có câu: “Thơ ca là sự bột phát của những tình cảm mãnh liệt”. Thi nhân xúc cảm và khao khát được bộc bạch nỗi lòng, tỏ bày tâm sự. Khi đó, họ tìm đến thơ: “Khi tình cảm tự tìm tìm cho nó một hình thức để bộc lộ ra ngoài, chúng ta có thơ” (Ta-go). Tình cảm là tiếng lòng người thơ. Câu chuyện thơ là câu chuyện tâm hồn thi sĩ. Thể loại thơ là hình thức cần có để nhà thơ bộc lộ nỗi niềm.

– “Thơ là sự giải tỏa cảm xúc” (Chế Lan Viên). Chính những tình cảm, cảm xúc đã làm nên nét đặc trưng của thơ so với những thể loại khác. Nếu trong văn xuôi, trong các thể tự sự, người nghệ sĩ bộc lộ tư tưởng tình cảm qua hệ thống nhân vật, cốt truyện, thì qua thơ người nghệ sĩ thể hiện trực tiếp những tình cảm này bằng ngôn từ:

– Thơ là tình cảm, là tiếng lòng thổn thức của thi nhân hiển thị trong câu chữ và để có tiếng lòng thổn thức ấy người thơ phải sống trọn vẹn với đời. Chữ “tài” chỉ bừng nở khi chữ “tâm” với đời tỏa sáng. “Thơ là tiếng lòng” (Diệp Tiếp) thi sĩ bắt nguồn từ chính mảnh đất cuộc đời và thăng hoa trên bầu trời nghệ thuật. Cuộc đời là mạch nguồn khởi đầu và cũng là đích đến của mỗi trang thơ. Tình cảm ấy chính là “tấm lòng sứ điệp” nhịp mãi lên câu chữ để mãi mãi văn học sống trong lòng độc giả, là hành trang để ta bước vào đời.

3.  Phân tích, chứng minh qua bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.

Nghệ thuật chỉ làm ra những vần thơ khéo léo, còn trái tim mới làm nên tác phẩm thi ca. Thơ đi từ trái tim đến trái tim. Bài thơ hay là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo có khả năng làm sống dậy trong lòng người đọc những liên tưởng phong phú.

– Bài thơ Đồng chí là một bài thơ hay, đã ghi lại một cách trung thành tiếng nói của trái tim nhà thơ thấu hiểu những khó khăn, gian khổ, thiếu thốn của người lính trong giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp; ngợi ca vẻ đẹp của những người lính mộc mạc, giản dị mà giàu lòng yêu nước, có lí tưởng cao đẹp, dũng cảm, tâm hồn lãng mạn, giàu chất thơ…  (dẫn chứng).

– Bài thơ là tiếng nói xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng chân thật của nhà thơ đề cao, ca ngợi tình đồng chí sắt son, tha thiết, thiêng liêng, sâu nặng của những anh bộ đội cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp (dẫn chứng).

– Thông qua bài thơ, người đọc cảm nhận được sâu sắc khát vọng hoà bình, ý chí quyết tâm chiến đấu để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Đó là tiếng nói, là khát vọng của một nhà thơ-người lính, tiếng nói của người trong cuộc vô cùng chân thành và giàu sức âm vang (dẫn chứng).

4. Đánh giá.

– Qua hệ thống hình ảnh giàu sức gợi, những câu thơ sóng đôi nhịp nhàng cân xứng, ngôn ngữ chọn lọc tinh tế, hàm nén, giọng điệu xúc động, thiết tha… bài thơ Đồng chí đã ghi lại một cách trung thành tiếng nói của trái tim nhà thơ với bao tình cảm chân thành, thiết tha, sâu nặng.

– Thông qua bài thơ, người đọc cũng đập cùng những nhịp đập thổn thức của trái tim nhà thơ, tìm thấy tiếng nói đồng điệu, đồng tình, đồng cảm mà làm giàu thêm cho đời sống tình cảm của chính mình: biết trân trọng những sự hi sinh của bao thế hệ cha anh đi trước, để biết sống xứng đáng hơn, có ích hơn.

–  Thơ khởi phát từ lòng người. Một bài thơ xuất phát từ trái tim tha thiết yêu thương con người, yêu cuộc đời, ẩn chứa những tình cảm nhân văn cao đẹp sẽ có sức lan toả từ thế hệ này sang thế hệ khác, có khả năng vượt qua cả không gian lẫn thời gian để kết nối trái tim của mọi người, ở mọi thời.

  • Kết bài:

Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim. Và thơ ca là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng). Đọc thơ cũng chính là đến với thời đại của nhà thơ, đồng thời đến với thế giới nội tâm của người nghệ sĩ với bao xúc cảm lạ lùng. Tác phẩm ra đời đánh dấu những tình cảm cháy bỏng của người nghệ sĩ trước hiện thực. Không có tác phẩm văn chương nào, đặc biệt là thơ ca lại được viết lên bởi một trái tim lạnh lùng vô cảm. Đó là đặc trưng thơ về nội dung tư tưởng. Người thi sĩ phải có những rung cảm nồng nhiệt và cháy bỏng mới đốt cháy được trái tim người đọc, để độc giả cũng rung động với người nghệ sĩ. Nhà thơ không thể sáng tạo ra thơ từ một tâm hồn, một tình cảm hời hợt, lạnh lẽo.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang