Làm sáng tỏ nhận định: Hồn thơ vừa là mẫu số chung cho toàn thể tác phẩm của một thi sĩ, vừa là đơn vị sáng tạo của một thi sĩ đối với các thi sĩ khác…

lam-sang-to-nhan-dinh-hon-tho-vua-la-mau-so-chung-cho-toan-the-tac-pham-cua-mot-thi-si-vua-la-don-vi-sang-tao-cua-mot-thi-si-doi-voi-cac-thi-si-khac

“Hồn thơ vừa là mẫu số chung cho toàn thể tác phẩm của một thi sĩ, vừa là đơn vị sáng tạo của một thi sĩ đối với các thi sĩ khác, kể cả những thi sĩ cùng một thời đại, một khuynh hướng chịu chung một ảnh hưởng (đôi khi) cả trong cùng một trường phái” (Trần Nhựt Tân)

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua phong trào Thơ mới 1932-1945, hãy làm sáng tỏ.


Gợi ý làm bài:

* Giải thích nhận định:

– Hồn thơ: Là tình điệu cảm xúc của thi phẩm. Hồn thơ phản ánh tâm hồn người làm thơ, là sắc thái sáng tạo riêng của thi nhân. Hồn thơ làm cho nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm sinh động, có sức sống.

– Hồn thơ vừa là mẫu số chung cho toàn thể tác phẩm của một thi sĩ: Hồn thơ là sự ổn định, thống nhất của các xúc cảm, tình điệu thẩm mỹ trong quá trình sáng tác của nhà thơ, giúp cho người đọc nhận diện được thi sĩ qua các sáng tác của họ.

– Vừa là đơn vị sáng tạo của một thi sĩ đối với các thi sĩ khác, kể cả những thi sĩ cùng một thời đại, một khuynh hướng chịu chung một ảnh hưởng (đôi khi) cả trong cùng một trường phái: Hồn thơ là phạm trù đầu tiên để xác định một thi nhân là thi sĩ, và thi nhân này khác với thi nhân kia. Sống trong cùng một thời đại, hít thở cùng một bầu không khí của lịch sử, cùng chịu những ảnh hưởng của đời sống, không có nghĩa là các nhà thơ sẽ có hồn thơ giống nhau. Bởi cảm xúc, rung động là cái bên trong, không thể bị đồng hóa do tác động bên ngoài.

⇒ Hồn thơ không chỉ là nội lực tạo cảm xúc cho thi nhân trong quá trình sáng tạo, còn là yếu tố làm nên nét đặc biệt của mỗi người nghệ sĩ hay của mỗi trường phái thơ ca.

D/c: Nhận định, ý kiến về thơ của Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Sóng Hồng, Thanh Thảo, Puskin, Tagore…

* Bình luận: Khẳng định ý kiến đúng đắn, sâu sắc.

– Hồn thơ là mẫu số chung cho toàn thể tác phẩm của một thi sĩ:

+ Mỗi thi phẩm có thể được ngân rung ở những cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng sẽ gặp nhau ở trong cách cảm nhận, xúc động của người nghệ sĩ trước thế giới. Gia tài của nhà thơ có thể phong phú, đa dạng nhưng nhờ hồn thơ vẫn hợp thành một thể thống nhất.

+ Bài thơ chỉ có thể có hồn khi đó là tiếng lòng chân thật vì thi sĩ viết ra nó với tâm thế của “cái tôi đích thực”. Không phải nhà thơ nào cũng tạo ra được một hồn thơ trong thế giới nghệ thuật của mình, và không phải hồn thơ nào cũng độc đáo, có sức hấp dẫn. Chỉ những nhà thơ có năng lực cảm nhận và cá tính trong biểu hiện mới làm nên được diện mạo riêng cho sáng tác của mình.

+ Hồn thơ là một dấu ấn thẩm mỹ quan trọng, là gương mặt riêng độc đáo trong thế giới nghệ thuật của mỗi nhà thơ, mỗi thời đại văn học, giai đoạn văn học hoặc một nền văn học. Qua đó, nó giúp nghệ sĩ khẳng định cái tôi cá nhân, giúp tác phẩm cuốn hút người đọc.

– Hồn thơ là đơn vị sáng tạo của một thi sĩ đối với các thi sĩ khác, kể cả những thi sĩ cùng một thời đại, một khuynh hướng chịu chung một ảnh hưởng (đôi khi) cả trong cùng một trường phái

+ Tiêu chuẩn cơ bản nhất để đánh giá một nghệ sĩ là ở chỗ anh ta có đem lại một cái gì mới mẻ, một diện mạo riêng biệt nào hay không. Như Tagore đã nói: “Có thể vượt qua thế giới lớn lao của loài người không phải bằng cách tự xóa mình đi mà bằng cách mở rộng bản sắc của chính mình”.

+ Kĩ thuật và thi pháp có thể học hỏi, nhưng tình điệu cảm xúc thì không. Thơ là sản phẩm của tâm hồn, là con đẻ của “những trạng thái tâm hồn”. Mà mỗi tâm hồn là một vương quốc riêng, đầy bí ẩn, nên thơ không thể là sự “cộng tác” của những tâm hồn, cho dù là “những tâm hồn đồng điệu”. Nó phải là “một việc do cá nhân thi sĩ làm”.

+ Mỗi thi sĩ có một “cái tạng” riêng, một khuôn mặt riêng sẽ tạo nên sự đa diện cho thời đại, khuynh hướng hay trường phái văn học của mình.

* Chứng minh (phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ nhận định):

Trong “Một thời đại trong thi ca”, Hoài Thanh và Hoài Chân đã giúp ta nhận mặt thi nhân Việt: “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thư rộng lớn như Thế Lữ. mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng trúng như Huy Thông, trong sáng như Nquyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên…. và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Học sinh có thể lựa chọn phân tích một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu, song trong quá trình phân tích, bình giá cần chú ý những điểm sau để làm sáng rõ vấn đề đặt ra trong đề bài:

– Qua những tác phẩm ấy, nhà thơ đã thể hiện được điệu hồn riêng biệt, độc đáo của mình như thế nào?

– Hồn thơ đó đã có những đóng góp gì cho thời đại, khuynh hướng, trào lưu văn học?

– Từ đó đánh giá những giá trị mới mẻ, ý nghĩa của tác phẩm, khẳng định cái tôi của thi nhân.

* Đánh giá, mở rộng, nâng cao:

– Đây là một nhận định đúng đắn, khẳng định tầm quan trọng của phong cách nghệ thuật, cái tôi nhà thơ trong quá trình sáng tác.

– Nhận định đã đặt ra những yêu cầu với cả người sáng tác và người tiếp nhận:

+ Mỗi thi sĩ cần tạo nên được một hồn thơ của riêng mình. “Hồn thơ là dấu hiệu chứng tỏ bài thơ đã đến được Bến Bờ Thi Ca, phần thưởng cao quý nhất cho công việc làm thơ” (Phạm Đức Nhì).

+ Đối với người tiếp nhận, phải biết phát hiện, trân trọng, thấu hiểu, giao cảm, giao hòa với nhà thơ, cảm được cái hồn của bài thơ.


Bài văn tham khảo:

Thơ ca là nhịp sóng tâm hồn, khởi phát từ những xúc cảm thiêng liêng mãnh liệt của người cầm bút. Có lẽ bởi vậy, thơ ca không chỉ có phần “hình” được thấy, mà còn có phần “hồn” để giao cảm. Có người đã nói: “Hồn thơ vừa là mẫu số chung cho toàn thể tác phẩm của thi sĩ, vừa là đơn vị sáng tạo của một thi sĩ đối với các thi sĩ khác, kể cả những thi sĩ cùng một thời đại, một khuynh hướng chịu chung một ảnh hưởng (đôi khi) cả trong cùng một trường phái”. Đời sống của hồn thơ dừng như là vậy.

Thơ ca – một loại hình văn nghệ đầu tiên của loại hình văn nghệ đầu tiên của loài người, mang chiều sâu như chính tuổi đời của nó. Nói đến thơ ca, người ta đã đừng tranh luận suốt hàng nghìn thế kỉ, nhưng đến cuối cùng, không ai phủ nhận được một điều dường như là chân lý: thơ ca là tiếng lòng, là tình cảm, là khởi phát từ một hồn thơ. Nói như vậy, người ta có thể cắt nghĩa rằng: hồn thơ không gì khác chính là cảm hứng, là tình cảm, cảm xúc của thi sĩ. Hồn thơ là “mẫu số chung” cho hầu hết tác phẩm của một thi sĩ, nghĩa là hồn thơ – cảm hứng thơ của thi sĩ luôn vững bền và thống nhất, cảm xúc của anh luôn chân thực, nồng cháy và xuyên suốt. Hồn thơ bởi vậy mà có một diện mạo, mỗi người mỗi khác, làm nên sức sáng tạo, sự khác biệt giữa anh và những nhà thơ khác, dù cùng thời đại, cùng khuynh hướng hay cả khi cùng một trường phái. Ý kiến đã nêu lên được những đặc tính và vai tinh cốt nhất trong quá trình sáng tác và hậu sáng tác của thi ca.

Nói hồn thơ có tính đều đặn và thống nhất là bởi đặc thù trong tình cảm của con người. Thế giới vốn rộng lớn, và mỗi người chỉ có thể dành nhiều sự quan tâm của mình tới một số vấn đề hạn định trong thế giới ấy. Thi nhân cũng vậy, mỗi một người trong số họ cũng thường hướng về những mố quan tâm nhất định. Người đời tôn kính Đỗ Phủ là “Thi Thánh” không chỉ bởi mỗi câu thơ đều theo tuân nguyên tắc “Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu” của chính

Người, mà còn bởi điều Người luôn trăn trở trên từng trang thơ ấy: khát khao thiên hạ thái bình, dân chúng an cư, không còn cảnh chiến tranh ly tán. Người nằm trong mưa dầm gió rét, chẳng thà ước thiên hạ được nhà rộng ngàn gian che trú, cũng không cầu một mái nhoe che mình, hay trước cảnh sắc thời xuân, Lão Đỗ vẫn chẳng thể buông nỗi nước nhà mà cảm thưởng giai thì:

Quốc phá sơn hà tại
Thành xuân thảo mộc thâm

(Núi sông còn đó mà nước đã mất
Thành ngày xuân cỏ cây rậm rạp)

(Xuân vọng)

Còn với một thi sĩ trong giai đoạn tân thời như Nguyễn Bính, khi mà mỗi nhà thơ chọn cho mình một lối đi mới lạ, ông lại nặng lòng với cảnh quê, người quê, với một mối tình quê. Không có gì khó hiểu khi trong thơ ông luôn là vườn, là thôn, là hoa trái dân dã, là cách thương thầm, cách tương tư kín đáo, cách ngỏ lời ý nhị với người nào:

Nhà em có một giàn trầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng

(Tương tư)

“Cau” và “trầu” quyện thắm lại với nhau, như chốn thôn quê này đắm say mãi trong lòng người thi sĩ “Tương tư” vậy.
Chính bởi mỗi nhà văn đều có một phần riêng trăn trở như vậy, các tác phẩm của họ khi cùng quy tụ lại sẽ cho ra một “mẫu số chung” – một hồn thơ nồng nàn xuyên suốt mà người đọc qua các áng văn sẽ nhận diện được điệu hồn ấy. Nhắc về Lý Bạch với gia tài hơn ngàn bài thơ đồ sộ, dù mỗi bài, mỗi chùm thơ một thể tài khác biệt: vỉnh cảnh, thưởng hoa, bạn hữu, mời rượu, nỗi đau nhân thế…, xong tựu lại, ta thấy hồn Người bay vút mãi lên trong từng câu chữ, thấy tứ thơ phi thẳng tới trời xanh, mạnh mẽ, đầy phóng khoáng, thoát tục, kì vĩ và tráng lệ. “Thi Tiên” dường như đã rũ được sạch bụi trần,không hỏi tới công danh phú quý, không đoái hoài cao thấp sang hèn, coi những thứ vật chất bên ngoài như gió thoảng, cứ rồi lại sẽ đến: “Thiên kim tán tận hoàn phục lai”. Thanh Liên cư sĩ say mãi trong rượu, trong trăng, trong tình bằng hữu, trong ngàn vạn sơn khê trùng điệp. Người ta không khó gặp trong thơ Lý Bạch những cảnh sắc tựa cõi bồng lai như thế này:

Yên khai lan diệp hương phong khởi,
Ngạn giáp đào hoa cẩm lãng sinh.

(Khói toả ra từ lá cây lan làm gió thơm nổi dậy,
Bờ liền với hoa đào, sóng gấm sinh.)

(Anh Vũ châu)

Phải nói thêm rằng, “Anh Vũ châu” được Lý Bạch viết khi bị lưu đày năm 56 tuổi. Ngay trong đôi mắt của một người đi đày mà cảnh vật có thể hiện lên như vậy, ta mới thấu rằng hồn Người sớm đã thoát tục từ thuở nào.

Nếu qua gương mặt ta nhận diện được người thơ thì qua sáng tác ta nhận diện được hồn thơ, và hồn thơ ấy lại chẳng khác gì nguồn suối khởi sinh cho toàn bộ tác phẩm của thi sĩ. Có một thi sĩ mang linh hồn điên loạn, đau thương, tac tác. Có một hồn thơ luôn ứa máu, say trăng. Nói đến những đặc điểm ấy, có lẽ chúng ta đã nhận ra ngay cái tên Hàn Mặc Tử – một hồn thơ đớn đau, kì dị. Tác phẩm của ông dường như không mấy khi tách được khỏi vầng trăng. Trăng trong thơ ông, là thực mà cũng là mộng ảo, trong cõi hữu hình mà nhiều khi lạc vào chốn siêu hình. Hơn tất cả, trăng là nơi kí thác tâm hồn của thi sĩ, cả hi vọng và cả những điên loạn:

Không giang đắm đuối toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng.

(Huyền ảo)

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng
Ai mua trăng không tôi bán trăng cho

(Trăng vàng trăng ngọc)

Và đôi khi còn đau đớn đến cuồng dại cùng trăng:
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra

(Say trăng)

Mỗi thi nhân đều vậy, họ tạc hồn mình bằng từng nét chạm trổ riêng, mà mỗi nét ấy là một thi phẩm trong đời thơ của họ.

Hồn thơ khởi phát từ hồn người, từ đời sống tinh thần của người nghệ sĩ, mà đời sống ấy lại chịu sự chi phối mạnh mẽ từ cá tính của mỗi người. Bởi vậy, không có gì sai khi nói rằng hồn thơ mang cá tính sáng tạo, mang bản sắc riêng biệt của người nghệ sĩ. Mỗi nghệ sĩ một cá tính riêng, mỗi người thơ ột hồn thơ riêng.

Thật vậy, cá tính chi phối mạnh mẽ tới hồn thơ của người thi sĩ, khắc hoạ ra chân dung của anh trong văn chương và trong lòng độc giả. Khi nhắc về cá tính trong văn học cổ, người ta thấy hiện lên gai góc bóng dáng của nữ thi sĩ họ Hồ giữa nguy nga đường bệ những thành trì văn chương thuở ấy. phải khẳng định rằng, Hồ Xuân Hương là một trong những hiện tượng nổi bật nhất của một thời kì văn chương kéo dài gần chục thế kỉ. Nữ sĩ vốn thông minh tài hoa, lại không ưa lễ giáo hà khắc bó buộc quyền sống cong người, ghét kẻ tiểu nhân học đòi quân tử, lại trân trọng vô cùng những giá trị của người cùng phái. Bởi tính cách độc đáo ấy mà mà hồn thơ của Xuân Hương mới thật xứng kì tài: luôn sắc sảo, luôn phá cách, khinh rẻ kẻ bất tài, ngợi ca điều nhân văn, vượt trước tư duy của thời đại. “Không chồng mà chửa” – điều mà ngay ở thời đại ngày nay vẫn còn là bản án nhân phẩm chung thân với nhiều người phụ nữ, thì ngay ở vài thế kỉ trước, nữ sĩ họ Hồ đã khéo léo đưa vào thơ với tấm lòng cảm thông sâu sắc:

Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc
Phận liễu sao đà nảy nét ngang

Quản bao miệng thế lời chênh lệch
Không có nhưng mà có mới ngoan.

Và những kẻ buôn thần bán thánh, làm ô danh chốn cửa Phật trang nghiêm cũng được người kì nữ ấy đưa vào trang thơ với ánh cười đầy mỉa mai, giễu cợt:

Chẳng phải Ngô, chẳng phải ta
Đầu thì trọc lốc áo không tà
Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm
Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà

(Chế sư)

Người ta thấy đọc thơ Xuân hương hay lắm, khoái lắm. cái hồn trong những câu thơ ấy, chẳng phải Xuân Hương thì cũng chẳng thể là ai. Những cách chơi chữ (“thiên” thêm đầu là “phu”, tức người chồng; “liễu” thêm ngang là “tử”, tức đứa trẻ) thật tài tình, sắc bén, cách thực tả thật dí dỏm, sâu cay, tất cả như khiến ta trầm trồ, vỡ lẽ, làm bao kẻ phải sáng mắt, thẹn lòng.cá tính của bà đã làm nên bản lĩnh cho hồn thơ, và hồn thơ ấy đã truyền đi sự sống, đã đóng dấu triện riêng của Xuân Hương lên văn đàn và lên từng tác phẩm.

Khi hồn thơ đã mang một cá tính, đó chính là lúc hồn thơ trở thành đại diện cho người thơ. Trong văn chương, tôi có thể không từng gặp, từng thấy anh, nhưng tôi biết anh bởi biết hồn của anh. Tôi nhớ được tên anh bởi tôi gọi được những điều mà hồn thơ anh có. Nó chỉ ra được với tôi rằng, anh là anh, không sai lệch và cũng không trùng lăp. Ngay cả khi cùng trong một thời đại, một trào lưu, một khuynh hướng hay một trường phái, bằng việc nhận thức được hồn thơ, người ta vẫn có thể tìm anh, nhận ra anh trong đám đông. Hãy thử nói về Thơ mới – một phong trào – một cuộc cách mạng to lớn của thơ ca Việt Nam, nơi trăm đóa hoa cùng đến kì nở rộ, ta vẫn thấy mỗi đóa một vẻ, một hương. Đó là bởi, ta biết linh hồn ảo não mang mói sầu thiên cổ kia là của chàng thơ Huy Cận, linh hồn kì dị, cô đơn và chết chóc kia là của Chế Lan Viên, những thiết tha, rạo rực, băn khoăn kia là của riêng ông hoàn Xuân Diệu. và liệu người ta có thể gặp lại cái “chân quê” như vậy một lần nữa ở ai khác ngoài Nguyễn Bính:

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

(Chân quê)

Hay:

Hẹn cho một hẹn, anh chờ
Em may áo nới bao giờ mới xong?
Lạy trời tắt gió qua sông
Qua đò biếu áo, yên lòng em tôi.

(Áo anh)

Chỉ có một nguyễn bính mà thôi! Những ý thơ ấy chỉ có thể nảy nở từ một hồn thơ giản dị, mộc mạc, nhẹ nhàng và “quê mùa” nhất của thời đại Thơ mới. Không tha thiết, cuồng si, mãnh liệt, người ta thấy Nguyễn Bính chân tình và gần gũi – một hồn quê, một hồn Việt.

Hồn thơ là ý, là tình, nhưng để hồn thơ thực sự hiện hữu, chỉ như vật thôi là chưa đủ. Hồn thơ ngoài cảm hứng còn là khả năng biểu đạt cảm hứng ấy của thi nhân vè cảm hứng đó. Nếu mỗi thi sĩ không có cho mình một cách diễn tr, hoặc anh không chọn được một cách diễn tả riêng, thì dù anh có hồn, hồn ấy cũng chỉ mình anh giữ. Chỉ khi đưa được hồn ấy vào trong trang viết, anh mới có thể tìm kiếm những tâm hồn đồng điệu, tìm hấy được tri âm.

Các nhà thơ tên tuổi khi đã có một hồn thơ riêng đồng nghĩa là họ sáng tạo ra một cách viết riêng, bởi nếu để hồn riêng trên một lối đi chung ai cũng giống ai thì chẳng còn chút gì gọi là riêng nữa. Đọc thơ của nữ sĩ họ Hồ, người ta thấy từng câu chữ đều cựa quậy, sinh động, căng tràn nhựa sống. Tạo vật lúc nào cũng phải được cực tả, phải “chín mõm mòm”, “đỏ lòm lom”, phải quẫy đạp, “xiên ngang”, “đâm toạc”, phải tràn trể sinh khí. Lại càn hay ở chỗ, Xuân Hương dùng thể thất ngôn Đường luật, không phá thể mà còn hơn phá thể. Phải “nhồi nhét” từng chữ vào khuôn như vậy để cái khuôn ấy lúc nào cũng căng ra như sắp vỡ toạc, thế mới hả dạ! Người đọc giật mình bất ngờ, rồi đột nhiên bừng ngộ, cách viết ấy nếu Xuân Hương không dùng thì chẳng còn ai cả, bởi chỉ có hồn thơ sắc sảo, phá cách, “lệch chuẩn”, “đa đoan” ấy mới có thể dung chứa được một “lối đi” như vậy.

Hay như Nguyễn Bính, nếu người quê, hồn quê ấy dùng thể thơ tự do, phóng túng như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử,…thì liệu có còn tồn tại tới ngày nay? Nguyễn Bính thủy chung với thể thơ lục bát, thể thơ mang điệu hồn dân tộc. những con đò, dòng sông ,những khăn, những áo,…đều sâu nặng, nghĩa tình, dân dã. Thơ Nguyễn Bính bởi lẽ vậy mà rất gần với ca dao trữ tình, như giáo sư Lê Đình Ky từng nhận xét: “Nổi bật lên ở Nguyễn Bính là ca dao,ở cảm xúc lẫn tư duy, ở cả ý, tình và điệu…”.

Hồn thơ, như vậy, chính là nguyên nhân, là động lực, là suối nguồn gọi dậy khát khao sáng tạo của người thơ. Nó thầm lặng chảy qua hết thảy những sáng tác của thi sĩ, là một nét bản sắc riêng biệt đại diện cho một người thơ duy nhất. Không những vậy, hồn thơ còn là yếu tố quyết định tới cách viết, cách diễn đạt của một tác giả, là chất xúc tác để người nghệ sĩ thể hiện tài năng và bản lĩnh nghệ thuật. Không có gì là quá đáng khi nói rằng, nếu nghệ sĩ không có hồn, anh sẽ chết.

Với độc giả hồn thơ là lời mời gọi, là điều ở tận cùng mà người đọc phải khám phá trong hành trình thưởng thức một thi phẩm. Người ta đọc thơ, đến cuối cùng là để đồng điệu và cảm thông, mà hồn thơ chính là nơi lưu trữ những xúc cảm ấy. Điều ấy nhắc nhở chúng ta rằng, khi tiếp cận với tác phẩm thơ, cần xem xét tỉ mỉ để thấu được linh hồn ẩn giấu sâu trong tác phẩm ấy

Adam Mickiewicz đã từng có những câu thơ rất đặc sắc trong bài thơ “Lãng mạn” – thi phẩm được coi như bản tuyên ngôn về nghệ thuật của ông:

Ngài thấy cả thế gian trong hạt bụi gió đưa
Trong ánh sáng của vì sao nhỏ
Nhưng ngài không thể nào biết rõ
Những quy luật của chân lý sâu xa

Vì phải nhìn bằng trái tim mình
Nhìn tận đáy những trái tim mới thấy.

Điều mà đại thi hào của dân tộc Ba Lan muốn nói, khi đem soi chiếu vào thơ ca, phải chăng chính là hồn thơ?

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. 110 nhận định hay về thơ ca cần nhớ để trích dẫn vào bài làm văn - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.