nhan-tu

Nhãn tự trong thơ ca.

Nhãn tự trong thơ ca.

Nhãn (mắt), tự (chữ). Trong thơ ca, “nhãn tự” là chữ trong mỗi câu thơ hoặc câu đối thoại được diễn viên nhấn mạnh với một dụng ý nghệ thuật rõ nét, làm cho cả câu long lanh như có mắt sáng, nổi bật lên ý tứ, tình điệu và hoàn cảnh của nhân vật. Tuồng cổ đề ra quy tắc tượng thanh, tượng hình và tượng cảm xúc để diễn viên dựa vào mà tìm nghệ thuật.

Trước tiên, thiết tưởng cũng nên bàn qua về chữ “nhãn”. Trong khi tiếng Việt chúng ta chỉ có một chữ mắt là nhìn, xem, thấy, ngó, ngắm,… thì từ Trung Quốc (cũng nằm trong lớp từ mượn Hán – Việt) có đến hai chữ là nhãn và mục.

Chữ “mắt’ (con mắt) là từ được biến đổi từ chữ “mục” hay có gốc từ tiếng Mã Lai (người Mã cũng gọi mắt là med, mad). Thế nhưng khi biến thành từ (đi đôi với chữ mắt) có đến trên 80 từ (theo Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của – 1896 thì chưa có từ mắt chữ hay chữ mắt.

Chữ “nhãn” do chữ “mục” chỉ nghĩa và chữ cấn chỉ thanh tạo nên. Nhưng ở đây chúng ta không tìm hiểu cơ cấu của chữ mà chỉ cần tìm nghĩa của nó thôi.

Trong từ điển Trung Quốc chỉ có tự “nhãn”, “thi nhãn”, còn chữ nhãn tự là do người Việt chúng ta Việt hoá từ chữ “nhãn” mà thành. Từ nguyên giải thích tự nhãn là “văn tự trung chi tinh luyện chi tự dã” (chữ rất tinh luyện trong văn từ) rồi dẫn chứng câu trong Thương Lang thi thoại có viết: “viết khởi kết, viết cú pháp, viết tự nhãn” (nghĩa là: dụng công trong thơ có ba điểm chính: một là mở đầu và kết luận; hai là cú pháp; ba là tự nhãn).

 Đến từ “thi nhãn” thì các từ điển đều giải thích giống nhau:

– Nghĩa 1: Thi nhân đích thưởng lãm năng lực, quan sát lực (chỉ năng lực quan sát của thi nhân).

– Nghĩa 2: Chỉ nhất cú thi hoặc nhất thủ thi trung tối tinh luyện truyền thần đích nhất cá tự (chỉ một câu hay một chữ cực kì tinh luyện mang tính truyền thần).

“Tự nhãn” trong tiếng Anh dịch là working, diction (nôm na là cách diễn đạt, cách chọn từ, chữ) cũng có khi dịch là workey. Từ điển Pháp – Hoa cũng dịch là mot cle, mot choisi, langage, terme. Trong từ Trung Quốc cũng chỉ nói đến tự nhãn, thi nhãn chứ chưa bao giờ thấy nói đến từ mục, thi mục, có lẽ trong chữ mục không có nghĩa là quan kiện (then chốt), yếu điểm. Hơn nữa, khi nói đến từ mục thì mục có nghĩa khác chứ không phải chữ hay, chữ then chốt cốt yếu làm nổi bật câu thơ.

Như vậy, muốn tìm hiểu sâu sắc một bài thơ không thể bỏ qua các nhãn tự (có dụng ý của thi nhân). Cổ nhân từng dạy: Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, soi vào đôi mắt có thể thấy được hồn người, thấy cái ẩn chứa sâu kín bên trong, cái vô thanh không thể nói bằng lời, qua đó có thể nhận ra thông điệp mà người viết muốn nhắn nhủ, tâm tư muốn ký thác, “đọc” được cái hồn của sự miêu tả hay nhân vật trong tác phẩm.

Trong thơ cần phải có tự nhãn, thi nhãn bởi thơ luôn quý sự hàm súc, chữ ít mà nghĩa nhiều. Cho nên phải cân nhắc, chọn lọc, tìm chữ, hạ câu, phải đa tư, đa lự, năm lần bảy lượt thôi sao, khiến cho bản văn phải có chữ, có câu cơ kỉnh, như Bắc đẩu sáng chói giữa ngàn sao, như trụ cột đứng giữa cung điện thi ca. Chữ cơ “kỉnh”, “Bắc đẩu”, trụ cột trong câu chính là thi nhãn, tự nhãn vậy.

– Đỗ Phủ trong bài “Khúc Giang đối vũ” có câu: “Lâm hoa trước vũ yên chi…” chữ cuối câu thơ khắc trên đó bị mờ đi, phải mời các danh gia hậu bối tìm chữ bổ sung. Tô Đông Pha sau khi xem xét đã điền vào đó chữ “nhuận’ (ướt át); Hoàng Sơn Cốc đưa ra chữ “lão” (già nua); Tân Khí Tật đề nghị chữ “nộn” (mềm yếu); nhà sư Thích Ấn thì dùng chữ “lạc” (rơi rụng),… Yên chi vốn màu hồng nên các chữ đưa ra đều có nghĩa thích hợp, nhưng đến khi tìm được tập thơ của Đỗ Phủ mới thấy đó là chữ “thấp” (ẩm ướt). Nghĩa cả câu là “màu hồng của cánh hoa rừng gặp mưa trở nên ướt át”. Mọi người cúi đầu, thấy không sao bằng Đỗ Công Bộ. Chữ “thấp” chính là thi nhãn của câu thơ.

– Bài thơ “Mộ” (Chiều tối) của Hồ Chí Minh đã được nhiều nhà phân tích, bình luận công nhận là bài thơ hay, rất hay và rất độc đáo về nội dung và nghệ thuật, kể cả ngay trong hoàn cảnh sáng tác bài thơ.

Mộ (phiên âm)

Quyện điểu qui lâm tầm thúc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

Đây là bài thơ tả cảnh nếu không nói là duy nhất thì cũng là cực kì hiếm hoi đã lấy hình ảnh con người làm trung tâm của bài thơ và đấy, theo tôi, chính là sự khác biệt giữa một danh nhân văn hoá với những nhà thơ khác. Việc “bao túc ma hoàn” (xay ngô xong) với việc “lô dĩ hồng” (lò than hồng) là hai việc độc lập với nhau, chẳng hề có chút quan hệ gì, thế nhưng chính cô gái, chính con người đã làm cho những thứ rời rạc ấy có mối liên kết với nhau. Người đọc như có cảm giác rằng chính vì cô gái xay ngô xong nên lò than mới rực hồng.

Chúng ta hãy đọc lại câu cuối bài thơ “Bao túc ma hoàn / lô dĩ hồng”. Câu thơ bị ngắt làm đôi, nhịp thơ nhanh khác hẳn với nhịp thơ của hai câu thực càng làm cho người đọc có cảm giác “động” của câu kết. Chữ “hồng” ở cuối bài thơ làm cho không gian bừng sáng. Giữa khung cảnh sâm sẩm tối ở một miền rừng núi hoang vắng, hình ảnh bếp lửa hồng rực rỡ gieo vào lòng người đọc một cảm giác tươi sáng ở phía trước. Một số nhà phê bình văn học thường ví bếp lửa hồng như một niềm tin vào lí tưởng hay những gì khác nữa, tôi cho rằng như thế quá khiên cưỡng, có vẻ chính trị hoá văn học, nó chỉ làm cho bài thơ mất đi vẻ đẹp đích thực vốn có. Nếu hai câu thực là một bức tranh màu xám thì hai câu kết là một bức tranh màu hồng. Đặt hai bức tranh cạnh nhau và giữa hai bức tranh ấy là hình bóng một cô gái, cụ đúng là một thiên tài. Có phải cụ muốn nói: Con người, chỉ có con người mới làm nên sự thay đổi kỳ diệu này?

Tóm lại, thơ quý ở sự chọn lựa, trau luyện chữ. Tuy nhiên, những nhà thi học xưa cũng từng nhắc nhở là nên chú trọng vào ý là hơn (ý dĩ thắng), chứ không nên coi trọng chữ là hơn (bất tự dĩ thắng). Cho nên chữ bình thường thì phải biểu hiện được ý lạ, chữ cũ kỹ thì ý phải mới mẻ, chữ chất phát thì phải có màu sắc. Thơ là nghệ thuật ngôn từ. Người đọc thơ thường xuyên và người làm thơ sẽ phát huy năng lực phát hiện thi nhãn, sử dụng thi nhãn trong thơ. Bạn yêu thơ, người thường tiếp xúc với văn chương, sử dụng chữ nghĩa chúng ta đọc những điều này thiết tưởng không phải là vô ích vậy.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang