Cấu trúc thơ phi tuyến tính trong thơ Việt Nam sau 1975

Cấu trúc thơ phi tuyến tính trong thơ Việt Nam sau 1975

Sau năm 1975, nhiều nhà thơ vẫn giữ kiểu cấu trúc thơ truyền thống giai đoạn trước 1975. Tuy nhiên, điều đáng nói, ở giai đoạn thơ này, có nhiều nhà thơ không ngần ngại thể nghiệm với những kiểu cấu trúc thơ mới, khao khát giải phóng hình thức thơ ca thoát khỏi những ràng buộc của cấu trúc thơ tuyến tính. Thơ Việt hiện đại sau 1975 chủ chương xoá bỏ tính hoàn bị, liên tục của cấu trúc thơ giai đoạn trước để tạo ra những ngắt quãng, những bước nhảy không tuân theo logic thông thường.

Cấu trúc gián đoạn đi cùng với nghệ thuật lắp ghép, cắt gián. Cấu trúc lập thể diễn tả một thế giới hỗn độn, đa diện, đa chiều, một thế giới của ngẫu nhiên và trình diễn. Cấu trúc giấc mơ là sự vô định của dòng ý thức, là tâm lí bất an, lo âu, hoài nghi… nốt chủ âm trong nhiều thể nghiệm cách tân thơ ca sau 1975. Tất cả đưa chúng ta vào mê lộ cõi huyền bí của vùng đất mới bên trong sâu thẳm tâm thức con người. Cấu trúc thơ giai đoạn hiện nay là cấu trúc phi tuyến tính, lập thể, gián đoạn, lắp ghép.

Xuất phát từ cái nhìn không tĩnh tại, đồng nhất về thế giới, từ tinh thần hoài nghi với chủ nghĩa duy lí, sự tổn thương của con người trước những đổ vỡ, những sự thật của cuộc sống hậu chiến khiến các nhà thơ hiện đại sau 1975 cũng vì thế mà khước từ cách biểu đạt thông thường, đầy đủ, một chiều về thế giới trong thơ. Ý thức đó khiến họ có tham vọng cách tân hình thức thơ ca triệt để. Nếu thơ lãng mạn và thơ cách mạng vẫn tuân thủ cấu trúc ngữ pháp thông thường, các thành phần câu vẫn nằm trong một mối tương quan nhất định thì các nhà thơ giai đoạn sau 1975 thể nghiệm với thủ pháp gián đoạn, tỉnh lược.

Trong thơ hiện đại, quan hệ giữa các từ, các câu thơ, hình ảnh, đoạn thơ… bị khoét rỗng, tất cả trưng ra những mảnh, những mảng rời rạc, độc lập, không còn dấu hiệu liên kết trên bề mặt nữa. Từ đó sẽ phá vỡ tính thống nhất, tính liền mạch của dòng cảm xúc và liên tưởng trong bài thơ. Nhà thơ có thể đem hòa vào bài thơ nhiều mạch cảm xúc, liên tưởng khác nhau, từ đó tạo ra sự giao thoa giọng điệu, điểm nhìn khiến bài thơ có xu hướng đa tuyến và phức điệu.

Thanh Thảo với khát vọng cách tân thơ Việt đã tìm đến với cấu trúc thơ mới lạ bằng những thủ pháp độc đáo. Thanh Thảo quan niệm “Rubic – đó là cấu trúc thơ”. Rubic là một trò chơi sắp xếp những khối màu hỗn loạn thành từng mặt màu thống nhất của hình khối. Khối vuông Rubic gồm 6 mặt màu được tạo thành bởi nhiều khối vuông nhỏ, sắp xếp hỗn loạn, có thể chuyển động tự do quanh một trục cố định. Thanh Thảo đã dùng hình ảnh khối vuông Rubic để biểu thị cấu trúc của thơ: “Tôi xoay những ô vuông, những sắc màu đồng nhất. Rubic một trò chơi kì lạ, chúng ta phải vất vả bao nhiêu để sắp xếp những ý nghĩ. Có hàng tỉ cách sắp xếp. Rubic đó là cấu trúc của nhà thơ ” (Khối vuông Rubic).

Có thể gọi Rubic là cấu trúc của thơ vì cũng giống như Rubic, thơ là những “chuyển động” tự do quanh một trục cố định bí ẩn. Thanh Thảo quan niệm thơ phải tìm vào chiều sâu của đời sống tinh thần con người. Nhưng cũng giống như Rubic, thơ cần có cái trục cố định để mọi liên tưởng bất chợt quy tụ xung quanh nó. Nếu không có cái cốt lõi này thơ sẽ trở nên phân tán vô nghĩa.

Trong một bài viết của mình Thanh Thảo viết: “Những mối liên kết càng bất chợt càng có vẻ ít trật tự, càng cách xa nhau thì lại càng gần với dòng cảm nghĩ, dòng sống thực từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc của mỗi con người. Như thế không có nghĩa là hỗn loạn, những sợi dây sâu chuỗi khó nhận biết hơn, bí mật hơn”. Hơn nữa sự tự do, hỗn loạn trong cấu trúc của thơ không phải là sự tự do, hỗn loạn một cách ngẫu nhiên, tuỳ tiện mà là sự sáng tạo có ý thức của nghệ sĩ: “Hành vi mà sự cố ý ẩn sâu tiềm thức, đầy những màu sắc, ngẫu nhiên nổi nên như Rubic xoay quanh cái trục bí mật của nó” (khối vuông Rubic).

Như vậy sự ngẫu nhiên ở đây chỉ là sự ngẫu nhiên trên bề mặt, còn ở bề sâu là sự thống nhất, nhất quán: “Những con chữ rải rác, những hình ảnh rải rác mà người đọc rất khó tìm sự kết hợp chặt chẽ của lí trí, nhưng toàn thể chúng bao giờ cũng hướng một cái gì cũng khắc khoải một điều gì: Đó là cái đẹp”. Với một quan niệm riêng như vậy về cấu trúc thơ, “Đàn ghita của Lorca” mang đến cho người đọc sự phiêu lưu của một trò chơi mang tên khối vuông Rubic, trò chơi của những ngẫu hứng kiếm tìm và tái tạo thơ Thanh Thảo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang