Phương tiện vận chuyển của các dân tộc thiểu số Việt Nam ngày xưa.
1. Chuẩn bị 1.
Câu 1 (trang 83, SGK Ngữ văn 7 tập 2)
Đọc trước văn bản Phương tiện vận chuyển của các dân tộc thiểu số Việt Nam ngày xưa, tìm hiểu thêm về các phương tiện được nói đến trong văn bản này.
Trả lời:
Cư dân miền núi phía Bắc dùng bè, mảng tương đối phổ biến. Cư trú ven sông suối, trai bản trên đến với gái bản dưới đều bằng cách đi thuyền, đi mảng theo các dòng sông. Sông suối là những con đường lưu thông chủ đạo ở miền núi phía Bắc trong nhiều thế kỷ trước.
Thuyền đuôi én của cư dân các dân tộc sống ven sông Đà được đục đẽo, chế tạo từ một thân gỗ tròn, thân thuyền thon dài, mũi và đuôi nhọn. Phần đuôi thuyền được thiết kế cong hẳn lên và có dáng dấp hình đuôi chim én (nộc ẻn). Thuyền đuôi éncó loại 2 mái chèo, loại 6 mái chèo, loại 12 mái chèo,… Loại lớn nhất có thể tải được hàng chục tạ hàng hóa.
Xe quệt trâu được đóng bằng gỗ, tre, đầu mắc dây cho trâu kéo được nâng cao hơn bởi độ dày của hai càng quệt. Loại xe quệt này có thể dùng để vận chuyển hàng hóa ở cả đường mòn, bờ ruộng, trên đồi, và cả dưới hẻm nhỏ,…
Câu 2 (trang 83, SGK Ngữ văn 7 tập 2)
Em biết những dân tộc thiểu số nào trên đất nước ta? Người dân của các dân tộc đó sử dụng phương tiện nào để vận chuyển?
Trả lời:
Em biết các dân tộc thiểu số như Thái, Mường, Mông, Ê-đê. Phương tiện vận chuyển của họ thường là ngựa, hoặc voi do địa hình đồi núi trắc trở vòng vèo.
2. Đọc hiểu.
Câu 1 (trang 83, SGK Ngữ văn 7 tập 2). Văn bản triển khai ý tưởng và thông tin theo cách nào?
Trả lời:
– Văn bản triển khai ý tưởng và thông tin theo cách phân chia đối tượng thành nhiều loại để giải thích, chứng minh lần lượt.
Câu 2. Phần (1) nhắc đến các phương tiện vận chuyển nào? Mỗi phương tiện gắn với những dân tộc nào?
Trả lời:
Các phương tiện vận chuyển gắn với dân tộc trong mục 1:
– Một số tộc người sinh sống ở ven sông Đà, sông Mã, hay sông Lam… (người Kháng, người La Ha, người Mảng, người Thái, người Cống…): đóng thuyền và sử dụng thuyền vận chuyển, lưu thông bằng thuyền trên sông suối lớn; sử dụng bè, mảng tương đối phổ biến.
– Người Kháng: thuyền độc mộc đuôi én.
– Người Sán Dìu: dùng xe quệt trâu kéo để vận chuyển phân bón ra ruộng nương chở lúa hoa màu, củi về nhà.
– Người Mông (H’mông), Hà Nhi, Dao: cưỡi ngựa và dùng sức ngựa để vận chuyển đồ đạc, hàng hóa.
Câu 3 (trang 84, SGK Ngữ văn 7 tập 2) Chỉ ra sự phù hợp của các phương tiện vận chuyển đối với đặc điểm của những dân tộc được nhắc đến trong văn bản.
Trả lời:
– Người Mông (H’mông), Hà Nhi, Dao thường cưỡi ngựa và dùng sức ngựa để vận chuyển đồ đạc, hàng hóa. Do địa hình vùng núi hiểm trở nên đây là cách di chuyển tốt hơn so với những cách khác.
– Một số tộc người sinh sống ở ven sông Đà, sông Mã, hay sông Lam… (người Kháng, người La Ha, người Mảng, người Thái, người Cống…) đã biết đóng thuyền và sử dụng thuyền vận chuyển, lưu thông bằng thuyền trên sông suối lớn. Lí do là bởi ở đây sông, suối là con đường lưu thông chủ yếu.
Câu 4 (trang 85, SGK Ngữ văn 7 tập 2) Người Tây Nguyên sử dụng những phương tiện vận chuyển nào?
Trả lời:
Những phương tiện vận chuyển mà người Tây Nguyên sử dụng:
– Dùng sức voi, sức ngựa,…để vận chuyển trên cạn.
– Để lưu thông trên sông, dùng thuyền độc mộc.
Câu 5 (trang 85, SGK Ngữ văn 7 tập 2) Việc đưa tên các tài liệu tham khảo vào cuối bài viết nhằm mục đích gì?
Trả lời:
– Việc đưa tên các tài liệu tham khảo vào cuối bài viết nhằm giúp người đọc có thể tìm đọc thêm các tác phẩm có liên quan.
– ra, nó còn góp phần khẳng định tính minh bạch, rõ ràng của một tác phẩm văn học.
Câu hỏi cuối bài.
Câu 1 (trang 86, SGK Ngữ văn 7 tập 2) Văn bản Phương tiện vận chuyển của các dân tộc thiểu số Việt Nam ngày xưa cung cấp những thông tin chính nào? Tóm tắt các thông tin đó bằng một sơ đồ tư duy.
Câu 2 (trang 86, SGK Ngữ văn 7 tập 2) Tác giả đã triển khai thông tin theo cách nào? Nêu tác dụng của cách thức triển khai ấy.
Trả lời:
Tác giả đã triển khai thông tin theo cách phân chia đối tượng thành nhiều loại để giải thích và chứng minh.
→ Tác dụng: làm rõ vấn đề giúp người đọc dễ hình dung, nắm bắt.
Câu 3 (trang 86, SGK Ngữ văn 7 tập 2) Có những phương tiện vận chuyển nào được các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thế kỉ X – XVIII sử dụng? Các phương tiện đó có đặc điểm gì? Vì sao chúng được sử dụng?
Trả lời:
– Những phương tiện vận chuyển được các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thế kỉ X – XVIII sử dụng:
+ Ở miền núi phía Bắc:
* Người Kháng, La Ha, Mảng, Thái, Cống,… sử dụng thuyền, bè, mảng
* Người Sán Dìu dùng xe quệt trâu
* Người Mông, Hà Nhì, Dao,… dùng ngựa
+ Ở Tây Nguyên: người dân chủ yếu voi, ngựa, thuyền độc mộc
– Các phương tiện này phù hợp với địa bàn sinh sống và những hoạt động chính của người dân địa phương
Câu 4 (trang 86, SGK Ngữ văn 7 tập 2) Nêu tác dụng của việc trích dẫn và đưa tên các tài liệu tham khảo vào văn bản Phương tiện vận chuyển của các dân tộc thiểu số Việt Nam ngày xưa.
Trả lời:
– Việc bài viết Phương tiện vận chuyển của các dân tộc thiểu số Việt Nam ngày xưa sử dụng cước chú và đưa tên các tài liệu tham khảo vào văn bản, trích dẫn các tài liệu đó có tác dụng bổ sung thông tin giúp làm rõ nội dung được viết, qua đó cho thấy bài viết là kết quả của sự nghiên cứu công phu, khoa học.
Câu 5 (trang 86, SGK Ngữ văn 7 tập 2) Tìm hiểu thêm về các phương tiện vận chuyển được các dân tộc thiểu số ở Việt Nam sử dụng trong cuộc sống hiện nay. Chỉ ra những sự thay đổi về việc sử dụng các phương tiện vận chuyển ở những dân tộc thiểu số này (nếu có) và lí giải nguyên nhân của sự thay đổi đó.
Trả lời:
Hiện nay, các dân tộc thiểu số đã bắt đầu sử dụng các phương tiện có gắn động cơ như xe máy tự chế, xe thồ, xe kéo hoặc xuồng máy. Những phương tiện này giúp việc vận chuyển diễn ra nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn, góp phần nâng cao hiệu suất lao động.
Nguyên nhân của việc thay đổi này là do khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, nhân dân ở các vùng sâu vùng xa cũng được hỗ trợ và cập nhật về máy móc kỹ thuật để cải thiện đời sống vật chất, nâng cao cơ sở hạ tầng, dần dần chuyển đổi từ phương tiện vận chuyển thô sơ sang phương tiện gắn máy tiện dụng, nâng cao hiệu suất.