qua-cai-toi-cua-mot-so-nha-tho-moi-hay-lam-sang-to-nhan-dinh-lam-nguoi-thi-khong-nen-co-cai-toi-nhung-lam-tho-thi-khong-the-khong-co-cai-toi-tuy-vien-thi-thoai-vien-mai

Qua biểu hiện cái “tôi” của một số nhà thơ mới, hãy làm sáng tỏ nhận định: “Làm người thì không nên có cái tôi nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi” (Tùy Viên thi thoại – Viên Mai).

Qua biểu hiện cái “tôi” của một số nhà thơ mới, hãy làm sáng tỏ nhận định: “Làm người thì không nên có cái tôi nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi” (Tùy Viên thi thoại – Viên Mai).

* Hướng dẫn làm bài:

1. Giải thích nhận định:

“Làm người không nên có cái tôi” là bởi vì cái tôi ở đây được hiểu là biểu hiện của tư tưởng cá nhân, ích kỷ nhỏ bé tầm thường đáng lên án

“Làm thơ không thể không có cái tôi” được hiểu là cái tôi xúc cảm là cá tính sáng tạo của nhà thơ.

– Ý kiến của Viên Mai nhấn mạnh đến cái tôi làm thơ. Yêu cầu đối với người làm thơ phải thể hiện được phong cách trong sáng tạo nghệ thuật, nhà thơ phải khẳng định được dấu ấn cá nhân chủ quan của mình trong thơ.

– Ý kiến này xuất phát từ đặc trưng của thơ và yêu cầu của hoạt động sáng tạo nghệ thuật:

+ Thơ chính là sự thể hiện mình một cách trực tiếp và chân thành nhất. Thơ chính là tiếng lòng của nhà thơ vậy.

+ Khi có những xúc cảm trào dâng mãnh liệt nhà thơ lại tìm đến thơ để giải bày sẻ chia.

+ Xúc cảm trong thơ không phải là của ai khác mà chính là những băn khoăn trăn trở những tình cảm suy nghĩ của chính nhà thơ trước con người và cuộc đời. Cho nên làm thơ không thể không có cái tôi.

+ “Sáng tác thơ chính là một thứ sản xuất đặc biệt và cá thể do chính cá nhân thi sĩ làm” (Xuân Diệu)

+ Sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi nhà thơ phải có phong cách rất riêng, độc đáo-“ cái tôi” thể hiện trong sáng tác của mình nếu không nhà thơ sẻ tự phủ nhận tư cách nghệ sĩ của mình cũng như tác phẩm của họ cũng chỉ là bản sao của người khác hoặc chỉ là những sản phẩm chung chung mờ nhạt. Thơ ca chỉ có giá trị khi in đậm cá tính sáng tạo cái tôi xúc cảm của chính nhà thơ, giống như khi dàn đồng ca cất lên vẫn thánh thót nhưng giọng điệu riêng không trộn lẫn.

– Cái tôi trong làm thơ thể hiện ở các phương diện của nội dung và hình thức trong tác phẩm.

2. Phân tích và chứng minh:

a. Sự ra đời của phong trào Thơ mới là sự trỗi dậy và khẳng định của cái tôi trong thơ.

– Những mầm mống đầu tiên dẫn đến sự hình thành của Thơ mới đã xuất hiện vào những năm 1920. Lác đác xuất hiện những bài thơ không niêm không luật, không hạn chữ, hạn câu. Đặc biệt, thơ Tản Đà đã phảng phất chút bâng khuâng chút phóng túng của thời sau” (Hoài Thanh)

– Năm 1932 được xem là dấu mốc đánh dấu sự ra đời của Thơ mới với bài thơ Tình già của Phan Khôi – đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần mà không bó buộc bởi niêm luật gì hết

– 1932 – 1935 : Thơ mới tranh đấu gắt gao với thơ cũ, dần dần chiếm lĩnh thi đàn và khẳng định vị trí của mình với các nhà thơ tiêu biểu : Lưu Trọng Lư, Thế Lữ…

– 1936 – 1939 : Thơ mới nở rộ, đạt được nhiều thành tựu với hàng loạt các tác giả : Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên….

– 1940 – 1945 : Thơ mới đi dần vào bế tắc. Xuất hiện các xu hướng thoát ly tiêu cực : nhóm Dạ Đài, Xuân Thu Nhã Tập… Cách mạng tháng Tám đã mở ra một kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc cũng như trong lịch sử văn học, Thơ mới chấm dứt sự tồn tại của nó, khép lại một thời đại trong thi ca.

– Khuynh hướng chung của thời kỳ Thơ mới những năm 1932-1945 là khuynh hướng lãng mạn, là lý tưởng thẩm mỹ cái “tôi” của tác giả, thẩm mỹ hóa cái cuộc sống rối ren, tơi bời của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến và là tâm trạng buồn sầu, ưu uất, lạc lõng giữa vòng đời.

+ Cái “tôi” trong Thơ mới trước hết là một cái tôi trữ tình. Cái “tôi” trữ tình là sự thể hiện một cách nhận thức và cảm xúc đối với thế giới thông qua việc tổ chức các phương tiện của thơ trữ tình, tạo ra một thế giới tinh thần độc đáo mang tính thẩm mỹ truyền đạt đến tinh thần người đọc. Bản chất của cái “tôi” trữ tình là một khái niệm tổng hợp nhiều yếu tố hội tụ theo quy luật nghệ thuật bao gồm cả ba phương diện: Bản chất chủ quan cá nhân, bản chất xã hội, bản chất thẩm mỹ. Cái “tôi” trữ tình và cái “tôi” của nhà thơ có quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng từ cái “tôi” của nhà thơ đến cái “tôi” của trữ tình còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

– Cái “tôi” trong Thơ mới là cái “tôi” cô độc. Cô độc chính là ý thức về cái “tôi” của từng cá nhân khi bị tách ra khỏi xã hội và cộng đồng. Thơ mới là thơ của cái “tôi” vì thế cái “tôi” cô độc cũng đồng thời xuất hiện trong phong trào Thơ mới. Xét cho cùng, tâm trạng cô độc của những người trí thức tiểu tư sản là khi cảm thấy cảm thấy bơ vơ lạc lõng, không khẳng định được mình trong xã hội. Đó là tâm trạng xuất hiện xuyên suốt cả tiến trình văn học Việt Nam. Cái “tôi” cô độc chỉ là một phương diện biểu hiện của cái tôi trữ tình trong Thơ mới. Cái “tôi” cô độc là sự biểu hiện ý thức sâu sắc của chủ thể sáng tạo về chính mình trong nghệ thuật.

– Cái “tôi” trong Thơ mới là cái tôi lãng mạn. Thơ mới là nỗi niềm, thái độ , là một cuộc ra trận của cả một thế hệ văn chương, một lực lượng trẻ văn hoá dân tộc quyết đổi mới cả một nền văn thơ, văn chương đã mỏi mòn, khô cứng, bạc màu/ Nếu coi văn học Việt Nam như một dòng sông chảy miệt mài, bền bỉ qua bao tháng năm thì giai đoạn văn học từ 1900 – 1945 được coi là chỗ cuộn xoáy mãnh liệt nhất của dòng sông ấy. Hàng loạt các nhà thơ, nhà văn đăng đàn khẳng định được phong cách của mình bằng những tác phẩm có giá trị, khẳng định được sức sống của chúng qua sự đào thải khắc nghiệt của thời gian.

b.  Điểm qua các gương mặt của phong trào thơ mới (trích dẫn nhận định của Hoài Thanh: trong dàn đồng ca của thơ mới…)

Xuân Diệu là nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào thơ mới và là một trong những cây bút lớn cuả nền văn học Việt Nam hiện đại. Thơ Xuân Diệu có phong cách độc đáo và rất hấp dẫn. Dưới đây là những nét chủ yếu của phong cách thơ ông.

– Xuất hiện vào giai đoạn toàn thịnh của Thơ mới, Huy Cận trở thành một thi sĩ hàng đầu góp phần đưa phong trào này đến đỉnh cao. Huy Cận đóng góp một tiếng thơ riêng biệt, một phong cách thơ độc đáo. Nhắc đến Huy Cận, là người ta nhớ đến một nhà thơ của một vũ trụ mênh mang những nỗi buồn. Ông là nhà thơ nói được hay nhất nỗi buồn sầu điển hình của Thơ mới.

– Bắt đầu con đường thơ ca bằng thơ Đường nhưng Hàn Mặc Tử nhanh chóng bén duyên cùng Thơ mới. Hàn Mặc Tử đã khẳng định vị thế đặc biệt của mình trong phong trào Thơ mới : hiện tượng thơ kì lạ  bậc nhất của phong trào Thơ mới.

Chế Lan Viên có sự tương đồng về phong cách với Hàn Mặc Tử. Cả hai nhà thơ đều điên cuồng trong thế giới đầy ma quái mà mình tạo ra. Chế Lan Viên bị ám ảnh với những tháp Chàm, những “bóng ma sờ soạng dắt nhau đi”, khiến người đọc khi thưởng thức cũng phải rùng mình. Trước Cách mạng tháng Tám, thơ Chế Lan Viên là một thế giới đúng nghĩa “trường thơ loạn”: “kinh dị, thần bí, bế tắc của thời Điêu tàn với xương, máu, sọ người, với những cảnh đổ nát, với tháp Chàm”. Những tháp Chàm “điêu tàn” là một nguồn cảm hứng lớn đáng chú ý của Chế Lan Viên. Qua những phế tích đổ nát và không kém phần kinh dị trong thơ Chế Lan Viên, ta thấy ẩn hiện hình bóng của một vương quốc hùng mạnh thời vàng son, cùng với nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ.

– Khi các nhà thơ mới mải mê với những cách tân táo bạo, với đoạn tình mãnh liệt và cuộc sống ngổn ngang, Nguyễn Bính nhất quyết tìm cho mình một thế giới riêng biẹt, tìm về với những giá trị truyền thống còn phảng phất trong ca dao dân ca. Ông viết nhiều về tình yêu, tình yêu giản dị nơi thôn làng, nhẹ nhàng và chân chất. Nhưng ông viết nhiều hơn về nỗi buồn, đó là tâm trạng của một kẻ xưa cũ nhìn về quá khứ, chứng kiến những giá trị văn hóa truyền thống nay chỉ còn vang bóng. Đối với ông văn hóa truyền thống có thể là quá khứ, nhưng không là dĩ vãng.

c. Lựa chọn một số cái tôi của phong trào Thơ mới:

* Cái tôi Xuân Diệu thể hiện qua bài thơ “Vội Vàng”:

* Cái tôi xúc cảm đắm say, yêu đời yêu cuộc sống cuồng nhiệt khát khao giao cảm với đời:

– Bốn câu thơ mở đầu bài thơ đã vẽ nên trước mắt chúng ta một cái tôi với những ước muốn tưởng chừng như viển vông song xét đến cùng đó lại là biểu hiện của niềm khát khao được giữ mãi hương sắc của cuộc đời.

+ “Nắng”, “gió” là những thứ thuộc về tự nhiên nào ai có thể chiếm giữ nó lại được.

+ Cái tôi Xuân Diệu lại muốn được “tắt nắng”, “buộc gió” để giữ lại màu, lại sắc, lại hương cho cuộc đời.

→ Tất cả những điều đó chỉ có thể được lí giải bởi khát khao níu giữ hương sắc của cuộc đời.

– Chín câu thơ tiếp theo đã làm bật nổi lên cái tôi yêu đời, khao khát tận hưởng vẻ đẹp giữa trần thế ấy.

+ Hình ảnh thơ độc đáo, mới lạ, hấp dẫn “ong bướm”, “tuần tháng mật”, “đồng nội xanh rì”, “yến anh”.

+ Phép điệp “này đây”.

+ So sánh “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”.

→ Vẻ đẹp tình tứ của bức tranh mùa xuân, tất cả như đang kết đôi, kết cặp đầy tình ái.

– Trước bức tranh thiên nhiên đẹp, tình tứ như thế, cái tôi trữ tình không thể giấu nổi niềm sung sướng, hạnh phúc , yêu đời thiết tha rạo rực cháy bỏng của mình mà phải thốt lên rằng:

Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

* Cái tôi với quan niệm mới mẻ về thời gian và nỗi băn khoăn, lo lắng trước sự trôi chảy của thời gian, tuổi trẻ:

– Cái tôi với quan niệm mới mẻ về thời gian, tuổi trẻ: Quan niệm thời gian tuyến tính:

+ Sử dụng điệp từ các từ ngữ mang ý nghĩa giải thích “nghĩa là”

+ Các cặp từ đối lập ở hai vế câu “tới’ – “qua”, “non” – “già”,… tác giả đã cho thấy quan niệm thời gian tuyến tính.

– Cái tôi băn khoăn, lo lắng trước sự chảy trôi của thời gian:

+ Thời gian có sức mạnh thay đổi, tàn phá vạn vật thật ghê rợn, khiến cho cái tôi trữ tình có thể “ngửi”, cảm nhận “vị chia phôi”, cảm nhận “núi sông than thầm tiễn biệt”.

+ Cái hờn dỗi của “cơn gió biếc’, cái lo lắng, sợ hãi của cánh chim kia phải chăng chính là nỗi lo lắng, sợ hãi của chính cái tôi trữ tình trước sự chảy trôi một đi không trở lại của thời gian và tuổi trẻ.

* Cái tôi khát khao sống vội vàng, hối hả để tận hưởng những vẻ đẹp nơi “thiên đường trên mặt đất”:

– Điệp từ “ta muốn” được lặp lại nhiều lần.

– Động từ mạnh theo cấp độ tăng tiến “ôm” – “riết” – “say” – “thâu”.

→ Khát khao, mong ước được tận hưởng tuổi trẻ, hạnh phúc và tình yêu của cái tôi trữ tình.

* Cái tôi Huy Cận qua bài “Tràng Giang”:

+ Cái tôi ám ảnh trước không gian và mang mối sầu vạn kỷ

+ Cái tôi tìm đến lối diễn đạt mang màu sắc cổ điển nhưng gửi gắm nỗi niềm cái tôi mang hơi thở của thời đại.

Cái tôi trữ tình trong bài thơ đó là một cái tôi thật lẻ loi, cô độc mang những nỗi sầu, những cảm giác bất lực, bế tắc trước những đớn đau của quê hương đất nước, mà một thi nhân với lòng yêu quê hương, đất nước sâu sắc như Huy Cận lại phải chịu cảnh bó tay, trơ mắt nhìn đất nước ngày càng tàn tạ, rối ren.

* Cái tôi  Hàn Mặc Tử với “Đây Thôn Vĩ  Dạ”:

– Đó là cái tôi đắm say trước vẻ đẹp cuộc sống:

+ Vẻ đẹp bức tranh thôn vĩ(phân tích khu vườn thôn vĩ ở đoạn 1)-> đó là biểu tượng cho cuộc sống trần gian.

+ Niềm say mê thích thú của HMT trước vẻ đẹp đó( tha thiết, đắm say, một tình yêu sâu nặng)

+ Tất cả những gì HMT miêu tả, đều là phản chiếu từ quá khứ nhưng lại chân thực đến kinh ngạc.

– Đó là cái tôi cô đơn đến đau đớn tuyệt vọng:

+ Tác giả đau đớn trước bi kịch của cuộc đời mình( phải xa lìa cuộc sống bình thường dù đang trong độ tuổi đẹp đẽ nhất).

+ Hình ảnh gió – mây làm liên tưởng đến thực tế cuộc sống của chính HMT

+ Vì quá cô đơn, HMT phải tìm đến trăng như một giải pháp cuối cùng, trăng trở thành tri kỉ. Nhưng trăng có thể không về kịp. Nhà thơ rơi vào trạng thái cô độv tuyệt đối.

– Đó là cái tôi hoài nghi:

+ Vì thế giới mà ông đang sống, tất cả mọi thứ( con người, cảnh vật) đều trở nên nhạt nhòa hư vô: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”. Tất cả mọi vật đều khó nắm bắt và xác định.

– Hàn mặc tử hoài nghi về tình người, rằng liệu trong một thế giới như vậy, tình người có đậm đà, sâu nặng hay cũng như cảnh vật, trở nên mờ ảo?. Từ đó ông bộc lộ khao khát được đồng điệu, yêu và được yêu.

→ Cái tôi trong “Đây thôn vĩ dạ” là một cái tôi bí ẩn và đầy phức tạp. Một cái tôi mãnh liệt nhưng quằn quại đau đớn của một con người đầy bi kịch. Cái tôi của nỗi buồn đau chia ly nhưng cũng là cái tôi của sự khát khao sống, yêu đời, yêu hạnh phúc mãnh liệt. Đây thôn Vĩ Dạ đã thể hiện rất rõ phong cách thơ Hàn Mạc Tử, kiểu tư duy “cóc nhảy” của Thơ Điên với những hình ảnh sáng tạo của trí tưởrg tượng với sự kết hợp của thực và ảo.

3. Bình luận:

– Ý kiến xác định yêu cầu cần có của người nghệ sỹ là phải tạo được dấu ấn phong cách riêng của mình trong con đường sáng tạo nghệ thuật của mình.

– Đồng thời chỉ dẫn cách xác lập, thẩm định tư cách nghệ sỹ của nhà văn cho người đọc.

Tham khảo:

Ai đã từng một lần đọc kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, hẳn vẫn còn nhớ mãi bước chân “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của Thuý Kiều tìm đến với Kim Trọng – bước chân mà nói như Xuân Diệu, sẽ còn làm biết bao thiếu nữ hôm nay và mai sau phải ngỡ ngàng, ngạc nhiên.

Trong xã hội phong kiến “phi ngã”, “vô ngã” những “bước chân Thuý Kiều” như thế thật hiếm hoi biết bao. Trong cuộc đời đã vậy, chẳng lẽ điều đó cũng hi hữu trong thơ ca, trong văn chương nghệ thuật? ý kiến sau đây của nhà phê bình nổi tiếng Trung Quốc Viên Mai, là lời giải đáp cho câu hỏi đó: “Làm người thì không nên có cái tôi… nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi”. .

Xuất phát từ sự trải nghiệm sâu sắc với cuộc đời, từ thực tế phê bình thơ ca cổ điển Trung Quốc, Viên Mai đã đề xuất một quan niệm khá mới mẻ về “làm người” và “làm thơ”. Sống trong xã hội phong kiến, thời đại mà tư tưởng “vô ngã”, “phi ngã” như một thế lực vô hình chi phối mọi hành động của con người, Viên Mai cũng quan niệm: “làm người không nên có cái tôi”. “Cái tôi” ở đây có thể hiểu là tiếng nói là ý thức cá nhân cũng như cá tính riêng của mỗi người. “Cái tôi” trong cách nghĩa xưa như là hiện thân của một tư tưởng cá nhân ích kỉ, hẹp hòi, nhỏ bé, tầm thường. Cho nên “làm người không nên có cái tôi” là vì vậy. Nhưng câu nói của Viên Mai không nhấn mạnh tới vấn đề này. Điều ông quan tâm là việc “làm thơ” nghĩa là sáng tác văn chương nghệ thuật. Nhà phê bình đã đối lập “làm người” và “làm thơ” khi đặt ra yêu cầu bức thiết, sinh tử đối với thơ ca “không thể không có cái tôi”. “Cái tôi” trong thơ ca được hiểu như là cái tôi xúc cảm, là cá tính sáng tạo của nhà thơ.

Như thế, Viên Mai đã đặt ra yêu cầu quan trọng đối với nhà thơ đó là phải in dấu “cái tôi” – xúc cảm, cá tính sáng tạo của mình vào trang thơ. Thơ ca, với ông, là sự thể hiện “cái tôi” của nhà thơ sâu sắc nhất. Vậy thì tại sao “làm thơ không thể không có cái tôi”? Theo tôi, điều đó bắt nguồn từ chính đặc trưng của thơ ca. Thơ ca là hoạt động sáng tạo tinh thần của con người. Thơ là sự tự thể hiện mình một cách trực tiếp và chân thực nhất. Nói như Diệp Tiếp, thơ “là tiếng lòng” của nhà thơ vậy. Khi có những xúc cảm trào dâng mãnh liệt “không nói ra không được”, thậm chí có “thể chết” như cách nói của Rinkle, nhà thơ lại tìm đến thơ để giãi bày, sẻ chia. Bởi lẽ có những điều “chỉ có thể nói được bằng thơ”. Chính vì thơ là sự thể hiện nên thơ in đậm dấu ấn cái tôi cá nhân của nhà thơ. Xúc cảm trong thơ không phải của ai khác mà chính là những băn khoăn, trăn trở, những tình cảm, suy nghĩ của chính nhà thơ. Cho nên làm thơ phải có “cái tôi” là vì vậy.

Thế nhưng quy luật, bản chất của lao động nghệ thuật lại là sáng tạo. Làm thơ không phải là một thứ sản xuất hàng loạt, làm theo “một vài kiểu mẫu” đưa cho. Sáng tác thơ, nói như Xuân Diệu, “là một thứ sản xuất đặc biệt và cá thể, do cá nhân thi sĩ làm”. Nghệ thuật muôn đời vẫn là “lĩnh vực độc đáo”. Vì vậy nó đòi hỏi nhà thơ phải có phong cách nổi bật tức là có cái gì đó rất riêng, rất độc đáo thể hiện trong tác phẩm của mình. Sáng tạo là yêu cầu sinh tử của nhà văn, đồng thời cũng làm nên tư cách của nhà văn chân chính. Khi mà anh không sáng tạo nghĩa là anh đang chết, nghĩa là anh phủ nhận tư cách nghệ sĩ của mình. Phải chăng vì vậy trong bức thư gửi một nhà văn trẻ, M.Gorki đã khuyên nhủ, nhắn gửi chân thành thấm thía rằng: “Các bạn hãy học viết ở tất cả các nhà văn có phong cách điêu luyện nhưng các bạn hãy tìm lấy nốt nhạc và lời ca của chính mình”. Khi một người không có cái gì riêng của mình, tác phẩm của anh ta không thể có một giá trị gì. Chính bởi bản chất của thơ ca là sáng tạo nên nhà thơ phải có “cái tôi” cá thể của mình, tức là phải có cá tính riêng độc đáo thể hiện trong tác phẩm của mình. Thơ ca chỉ thực sự có giá trị, có sức sống khi nó in đậm một cá tính riêng của nhà thơ.

Yêu cầu về “làm thơ” của Viên Mai đã vượt qua sự trói buộc ràng buộc nghiệt ngã của hệ tư tưởng phong kiến, trở thành một quan điểm ý nghĩa, xác đáng đối với thơ ca, nói rộng ra là văn chương nghệ thuật. Ý kiến ấy đã được thể hiện sâu sắc trong thực tế sáng tác thơ ca của các nhà thơ Trung Quốc cũng như đối với thơ ca Việt Nam, đặc biệt là với phong trào thơ mới lãng mạn Việt Nam thời kì 1932 – 1945. Đây được coi là thời đại của cái tôi – một thời đại chưa từng có trong lịch sử thơ Việt Nam. Thơ mới lãng mạn được coi là một dàn hợp xướng của “cái tôi”. Mãi mãi hôm nay và mai sau, người yêu thơ sẽ còn nhớ đến một Xuân Diệu “thiết tha, rạo rực”, một Huy Cận “ảo não”, một Nguyễn Bính “quê mùa”, một Hàn Mặc Tử “kì dị”, một Lưu Trọng Lư “mơ màng”, một Huy Thông “hùng tráng” và một Nguyễn Nhược Pháp “trong sáng” … Bởi các nhà thơ ấy đã nói lên tiếng nói của cái tôi cá nhân, đã nhìn cuộc đời và con người bằng con mắt của bản thân và diễn đạt cách cảm nhận riêng ấy bằng chính những ngôn ngữ, hình ảnh … in đậm dấu ấn cá nhân nên tiếng thơ của họ còn mãi với cuộc đời, sống mãi trong lòng người.

Trong dàn hợp xướng của phong trào thơ mới lãng mạn Việt Nam, Xuân Diệu nổi bật lên như một ngôi sao rực rỡ, chói loà, với những vần thơ nồng nàn, say đắm, mãnh liệt. Thơ Xuân Diệu là bầu xuân. “Thơ ông là bình chứa muôn hương của tuổi trẻ” (Vũ Ngọc Phan). Trong thơ ông người đọc bắt gặp dòng cảm xúc sôi nổi mãnh liệt, cái mà Nguyễn Đăng Mạnh gọi là “niềm khát khao giao cảm với đời” riêng có ở Xuân Diệu. Cái tôi nội cảm của nhà thơ, xét đến cùng chính là lòng yêu đời, ham sống mãnh liệt đó. Có lẽ chỉ riêng Xuân Diệu mới có ham muốn phi thường, kì vĩ:

“Tôi muôn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muôn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”. 

Hiện diện giữa các dòng thơ là “cái tôi” của Xuân Diệu, không hề che giấu mà dõng dạc vang lên như thách thức, như tuyên bố với cuộc đời. Nhà thơ có ham muốn “tắt nắng”, “buộc gió” để giữ lại màu sắc, hương thơm của thiên nhiên, của tạo vật. Một khát vọng, ước muốn kỳ vĩ, độc đáo có lẽ chỉ thấy ở nhà thi sĩ họ Ngô này. Khát vọng ấy xuất phát từ tình yêu mãnh liệt với cuộc đời, ước muốn được làm chủ, được chế ngự thiên nhiên, được sống tận độ trong sắc màu và hương thơm của cuộc sống, của tuổi trẻ. Chính ham muốn ngông cuồng ấy đã làm nên sắc điệu riêng cho tiếng nói của cái tôi cá nhân của Xuân Diệu.

Có ai đó đã phong Xuân Diệu là “hoàng tử của thơ tình Việt Nam hiện đại”, là “người ca sĩ hát rong về tình yêu của nhân dân trong thời hiện đại”. Lòng ham sống, yêu cuộc sống mãnh liệt đã chắp cánh cho hồn thơ Xuân Diệu đến với tình yêu như một sự vượt thoát khỏi khuôn khổ chật hẹp của lễ giáo phong kiến. Xuân Diệu đã thể hiện một thứ tình yêu mạnh bạo mới mẻ của cuộc đời thực chứ không phải thứ tình yêu đạo đức trong sách vở hay thứ tình yêu ảo mộng của Tản Đà, Thế Lữ. Trước và sau Xuân Diệu không ai có được những vần thơ tình yêu sôi nổi, mãnh liệt như thế này:

“Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh
Anh nhớ em. Anh nhớ lắm. Em ơi !”

Vẻ đẹp tình yêu trong thơ tình Xuân Diệu thể hiện niềm khát khao giao cảm mãnh liệt từ thể xác tới tâm hồn con người. Cái mà Xuân Diệu sợ nhất trong tình yêu không phải là sự xa cách không gian – thời gian mà là sự xa cách của tấc lòng, là tình cảm mỗi người, là một vũ trụ riêng chứa đầy bí mật không hài hoà, trộn lẫn làm một. Quan niệm tình yêu độc đáo riêng có ấy đã làm nên những vần thơ tình đẹp nhất, mãnh liệt nhất trong thơ ca Việt Nam hiện đại.

Xuân Diệu hiện diện trong thơ không chỉ với cái tôi xúc cảm dào dạt đắm say mà còn với một cá tính sáng tạo độc đáo. Cá tính ấy thể hiện trong cái nhìn tươi mới trong trẻo, độc đáo về thế giới về con người được gửi gắm trong những vần thơ hiện đại, tinh vi, tài hoa. Thoát ra khỏi cái nhìn ước lệ chung chung chật hẹp của quan niệm phong kiến, Xuân Diệu đã say sưa, choáng váng trước vẻ đẹp đích thực của cuộc đời:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm thần vui hằng gõ cửa
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”

Thế giới được cảm nhận qua đôi mắt “non xanh biếc rờn” của Xuân Diệu thật đẹp, thật sống động, tràn đầy màu sắc, âm thanh, ánh sáng, hương vị, tràn trề nhựa sông, đầy ắp sự sống. Mỗi chữ “này đây” vang lên như một đợt sóng cảm xúc dâng trào. Được trả cho mình đôi mắt nhìn đời của chính mình, Xuân Diệu đã say sưa ca lên khúc nhạc vui về cuộc sống về thiên nhiên về con người. Chính bởi cặp mắt ấy, Xuân Diệu đã phát hiện ra vẻ đẹp đích thực của thế giới, giúp người đọc thấm thía rằng: Thiên đường không phải ở đâu xa không phải ở một cõi mộng xa khuất nào mà ở ngay xung quanh chúng ta, ở ngay trong cuộc đời thực. Thiên đường ở chính mảnh đất của sự sống, của hương hoa này. Phải có con mắt “xanh non biếc rờn” của tuổi trẻ, của sức trẻ mới có thể nhận ra được. Sự phát hiện độc đáo ấy còn gắn với một quan niệm thẩm mỹ rất riêng, rất Xuân Diệu: “Tháng Giêng ngon như cặp môi gần”

Thơ xưa thường lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho vẻ đẹp của con người. Người phụ nữ đẹp trong quan niệm xưa phải có khuôn mặt đẹp như hoa, như trăng rằm, có tiếng nói trong như tiếng oanh vàng, có lông mày đẹp như lá liễu. Còn với Xuân Diệu, chính con người mới là tạo vật toàn mĩ nhất, vẻ đẹp con người mới là chuẩn mực của thiên nhiên: “Lá liễu dài như một nét mi”.

Chính cách nhìn ấy đã khiến cho sự vật hiện lên trong thơ Xuân Diệu, dẫu chỉ là những hoa lá, cỏ cây … bình dị của cuộc sông thường ngày ánh lên vẻ đẹp thẩm mỹ đích thực của nó. Thơ Xuân Diệu không mới ở đề tài nhưng vẫn có sức hấp dẫn người đọc là vì vậy. Không những thế ông còn là nhà phù thuỷ tài ba hoá phép cho sự cảm nhận ấy biến ảo lung linh dưới ngôn ngữ, dưới hình thức nghệ thuật tài hoa, giàu giá trị thẩm mỹ. Người ta nói đến Xuân Diệu như người làm chủ xứng đáng của bút pháp tượng trưng tinh tế. Thi sĩ đã nắm bắt được cái xôn xao mơ hồ trong lòng tạo vật qua hình ảnh “Con cò trên ruộng cánh phân vân”. Thi sĩ cũng thấy được quá trình chuyển mùa tinh tế của đất trời ở phạm vi nhỏ bé nhất, tế vi nhất bằng từ “rũa” trong câu thơ độc đáo:

“Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh”

Nó khác hẳn với quá trình biến đổi của sắc là trong thơ Nguyễn Du: “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” hay trong thơ Nguyễn Bính: “Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”. Từ “rũa” miêu tả một sự biến đổi ở cấp độ vi mô hơn từ “nhuốm” hay “nhuộm”, hơn thế đó là quá trình hãy còn đang diễn ra chứ chưa phải đã hoàn tất. Xuân Diệu như nhìn thấy trên từng tế bào diệp lục của lá một sự giao tranh âm thầm mà quyết liệt: màu đỏ cứ lấn dần màu xanh từng tí một để rồi đến một lúc nào đó ta ngỡ ngàng nhận ra, cả trời thu đã nhuộm đỏ sắc lá. Theo sau đó là sự lùi dần của mùa hạ, thay thế chiếm ngự không gian là mùa thu. Với bút pháp tương giao tinh tế, với ngôn ngữ thơ độc đáo in đậm dấu ấn cá tính sáng tạo riêng của Xuân Diệu, câu thơ đã trở thành một trong những sáng tạo nghệ thuật độc đáo về mùa thu của nhà thơ.

Như thế thơ Xuân Diệu đã in đậm dấu ấn tâm hồn, tài năng, phong cách nghệ thuật độc đáo của riêng Xuân Diệu. Nó không hề lẫn với bất kì một tiếng thơ nào khác chính bởi sắc thái riêng của cái tôi độc đáo của Xuân Diệu.

Nếu như thơ Xuân Diệu khoác bộ y phục tối tân lộng lẫy thì thơ của Nguyễn Bính mang trên mình những “áo tứ thân”, “quần nái đen”, “khăn mỏ quạ” rất riêng của con người Việt Nam, của đồng đất thảo mộc nông thôn đất Việt. Nguyễn Bính là nhà thơ “Chân quê”, là hồn thơ “quê mùa” là vậy. Trong thơ ông ta thấy hiện lên khung cảnh làng quê rất riêng, rất Việt Nam với những giếng nước, mái đình, gốc đa, dậu mồng tơi … cảnh sắc làng quê Việt Nam đã mượn tiếng thơ Nguyễn Bính để lên tiếng.

“Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều”

Nguyễn Bính yêu mến cảnh quê như chính người nông dân yêu mến xóm làng của mình vậy. Thế nhưng ngay cả trong những câu thơ tưởng như rất gần gũi với ca dao dân ca này, vẫn hiện lên cách nhìn, cách cảm của riêng Nguyễn Bính của một hồn thơ mới. Nguyễn Bính đã chất đầy “nắng chiều” một thứ vô hình, huyền ảo trong “ba gian” nhà – một thứ hữu hình, chân thực. Thơ Nguyễn Bính nói cái “không” mà lại tràn ngập cái có, một ngôi nhà vắng mà lại trở nên sống động, tràn ngập “nắng chiều”. Đó chính là cái nhìn mới mẻ độc đáo về cảnh sắc làng quê Việt Nam có lẽ chỉ có ở Nguyễn Bính mà thôi.

Cùng viết về làng quê Việt Nam, nhưng nếu Anh Thơ rất thành công trong việc khắc hoạ cảnh quê, Đoàn Văn Cừ tài năng trong việc khắc hoạ những phong tục làng quê thì Nguyễn Bính lại sở trường khắc hoạ những mối tình quê, thực chất đều là những mối tình âm thầm, lặng câm, dang dở, bẽ bàng. Tâm lý của cái tôi Nguyễn Bính trong tình yêu là tâm lý của một chàng trai “quê mùa”.

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Nắng mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.”

Cũng viết về tâm trạng “tương tư” của người đang yêu song vần thơ Nguyễn Bính khác hẳn với những vần thơ của Xuân Diệu trong “Tương tư chiều”. Một bên là thứ tình yêu mãnh liệt, một nỗi nhớ bật trào ra khỏi cái xác chữ để phập phồng trên trang giấy còn một bên lại là mối tình lặng, dẫu không kém phần da diết. “Cái tôi” của Nguyễn Bính phải mượn đến những “thôn Đoài”, “thôn Đông”, những “một người” và cả mưa nắng của trời đất thiên nhiên để thể hiện mình, để khắc hoạ nỗi nhớ da diết trong sâu thẳm tâm hồn mình. Ấy chính là cái chất tâm hồn riêng của Nguyễn Bính trong thơ.

Xuân Diệu đắm mình trong tình yêu. Nguyễn Bính để hồn mình nương náu bến nước, gốc đa, mái đình… còn Huy Cận thi sĩ tìm về với những điệu hồn cổ điển. Thơ Huy Cận là tiếng lòng ảo não của nhà thơ cùng đất nước mà nặng buồn sông núi. Trong thơ Huy Cận, có nỗi buồn “thiên cổ sầu” “sầu vũ trụ”, … nhưng bao trùm hơn cả vẫn là nỗi sầu nhân thế:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”.

Hoài Thanh gọi Huy Cận là hồn thơ “ảo não” nhất trong các nhà thơ mới phải chăng bởi những vần thơ như vậy. Một nỗi buồn trùng điệp, miên man khắp thời gian, giăng mắc khắp không gian. Như trăm dòng suối đổ ra sông, hàng hàng lớp lớp nỗi buồn từ khắp mọi ngả cuộc đời hợp về thành nỗi sầu lớn “sầu trăm ngả”. Đó là nỗi buồn của cá nhân khi đối diện vói không gian trời bể sông nước mênh mông, khi cảm nhận được kiếp người nhỏ bé trôi dạt như cành củi khô dập dềnh trên sóng nước. Người xưa dùng hình ảnh cánh bèo để nói lên thân phận chìm nổi của con người. Huy Cận lại dùng hình ảnh cành củi khô – một chất liệu vừa hiện thực, vừa hiện đại. Trong giây phút sầu tủi, ngậm ngùi về cuộc đời, về kiếp người, hồn thơ Huy Cận nương náu về một điểm tựa tinh thần, ấy là nỗi nhớ, tình yêu quê nhà:

“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Huy Cận mang trong mình cảm hứng thơ đậm chất cổ điển chính bởi hình ảnh, ngôn ngữ thơ rất cổ điển, rất Đường thi. Song cái tôi của Huy Cận là cái tôi của một nhà thơ mới được giải phóng khỏi quy luật ước lệ chung chung trong thơ xưa. Người xưa thấy khói sóng trên sông mà động lòng nhớ quê, rộn lên tình cảm với quê nhà. Huy Cận không cần khói sóng gợi hứng bởi hồn thơ ông chất chứa tình cảm nhớ thương quê nhà tự rất lâu rồi. Thế là tâm cảnh chi phối ngoại cảnh. Thế là hồn thơ ảo não, da diết đã chi phối đến cách miêu tả, cảm nhận về thế giới rất riêng của Huy Cận. Chính nhờ cái tôi độc đáo ấy, Huy Cận đem đến cho thơ mới những vần thơ rất cổ điển những vẫn rất hiện đại.

Còn biết bao tiếng thơ độc đáo, đặc sắc khác hiện hữu trong phong trào thơ mới lãng mạn Việt Nam. Những hồn thơ ấy đã góp phần làm nên một thời đại rực rỡ chưa từng có trong thơ ca Việt Nam, in dấu những tên tuổi, những phong cách thơ độc đáo bậc nhất trên thi đàn văn học dân tộc.

Ý kiến của Viên Mai không phải không có chỗ cần bàn cãi tranh luận song theo tôi, đó là một nhận định, một quan điểm khá xác đáng, đáng trân trọng. Viên Mai vượt qua hạn chế của thời đại, dám lên tiếng đề cao cái tôi xúc cảm, cá tính sáng tạo nhất thiết cần có ở mỗi nhà thơ, ý kiến ấy đã mở ra một con đường sáng tác thơ ca chân chính ấy là hành trình tự thể hiện, là hành trình sáng tạo không ngừng để tạo nên những vần thơ độc đáo, in đậm dấu ân cái tôi cá nhân của mỗi nhà thơ. Đọc ý kiến, tôi chợt hiểu vì sao có những nhà thơ sẽ mãi mãi còn lại trong lòng người đọc, lại có những nhà thơ mà lịch sử, mà công chúng sẽ lãng quên. Khi một nhà thơ không có cái gì riêng trong tác phẩm của mình, sáng tác của anh sẽ không thể có giá trị và không thể tồn tại. ý kiến của Viên Mai được thể hiện trong những thời kì, giai đoạn văn học mà cái tôi cá nhân của người cầm bút bị xoá nhoà. Những thời đại ấy không thể có được giá trị vĩnh hằng với thời gian. Yêu cầu của Viên Mai sẽ còn mãi chân giá trị với thời gian.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang