Qua Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và Chí Phèo của Nam Cao, hãy chứng minh: Cái đẹp cứu vớt con người.
- Mở bài:
Khẳng định vai trò, giá trị của văn học đối với đời sống của con người, nhà văn Macxim Gorki từng nói: Văn học là nhân học. Có thể nói, Văn học chính là cái Đẹp: văn học viết và miêu tả về cái Đẹp (những vẻ đẹp của thiên nhiên, những vẻ đẹp của con người cả về ngoại hình lẫn tâm hồn); văn học hướng con người ta tới cái Đẹp, bồi dưỡng cho con người những tri thức, những tình cảm đẹp (những bài ca dao, dân ca…nuôi dưỡng chúng ta từ khi còn nhỏ). Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và Chí Phèo của Nam Cao là những kiệt tác văn học của nền văn học Việt Nam. Hơn cả việc miêu tả cuộc sống, bằng nghệ thuật điêu luyện, hai tác phẩm có khả năng cứu vớt con người ra khỏi nỗi đau khổ của cuộc đời, dẫn dắt con người đến với ánh sáng của thiện lương và giải thoát.
- Thân bài:
Trong nghệ thuật, cái chân (cái thật) là cái có trước tuyệt đối, là cái không chịu phụ thuộc bất cứ cái gì có trước nó. Cái tốt (cái thiện) là cái cần phải có, so với cái hiện có, gắn với lí tưởng của nhà văn. Cái thẩm mĩ là cái dùng để tạo hình thức cho thế giới nghệ thuật. Bất cứ nhà văn chân chính nào cũng đặt ra cho mình một lý tưởng thẩm mỹ, một quan niệm nghệ thuật để từ đó phấn đấu vươn theo nó.
“Cái đẹp trong nghệ thuật cao hơn cái đẹp trong tự nhiên” (Heghen). Từ vẻ đẹp thuần túy vốn có, người nghệ sĩ hoàn thiện nó, làm cho nó trở thành cái đẹp đích thực, cái đẹp của tư tưởng, có sức mạnh cứu vớt con người.
Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, thậm chí trước Cách mạng tháng Tám, ông đã coi cái đẹp như là tôn giáo của mình và “Nghệ Thuật” là hai chữ viết hoa. Ông lúc nào cũng muốn lăn cả cái vỏ của mình trên trái đất, thêm những cảm giác mạnh, thèm được đi nhiều để thay đổi thực đơn cho giác quan. Có khi ông tự nhận mình là lữ khách lang thang đi tìm cái đẹp cho cuộc đời. Cái đẹp tựa hơi thở, tựa nguồn sống trong các sáng tác của Nguyễn Tuân.
Cái đẹp trong văn chương của Nguyễn Tuân không chỉ cho người đọc giá trị trông nhìn và thưởng thức mà còn giúp con người trân trọng và nâng niu nó. Với Nguyễn Tuân quan niệm nghệ thuật của ông đồng nghĩa với quan niệm cái đẹp. Ông là người đi theo quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Nguyễn Tuân quan niệm “viết văn không khuynh hướng” khát vọng lớn lao theo đuổi suốt cuộc đời ông chính là hướng tới cái đẹp, cái đẹp duy nhất.. Chữ người tử tù, mà trực tiếp là cảnh cho chữ trong nhà ngục, là sự thể hiện một cách đầy đủ quan điểm mĩ học của ông.
Trong tác phẩm Chữ người tử tù, truyện được dựng nên từ một tình huống vô cũng gay cấn về thời gian và không gian. Về thời gian, người tử tù chỉ còn sống duy nhất qua một đêm vì sáng sớm hôm sau sẽ bị đưa đi xử tử. Thời gian cuối cùng của một đời người trong tình cảnh bi hùng ấy đã đẩy đến đỉnh điểm mọi sự lựa chọn và quyết định khi người tử tù lại được người cai ngục hạ mình tận cùng cầu xin ban cho “Chữ”. Tất cả sự việc đó được diễn ra trong không gian tăm tối của ngục tù. Đây cũng là lúc nét đẹp tâm hồn trú ngụ thầm kín trong cái vỏ của quan cai ngục được bộc lộ. Cũng là lúc người tử tù nhận ra tên cai ngục những tưởng xâu xa, đáng ghét kia lại trở nên đáng trân trọng như vậy. Người tử tù không còn thời gian sống, không còn thời gian cống hiến cho đời nhiều nữa ngoài mấy tiếng đồng hồ đang bị thần chết đợi chờ từng giây từng phút đã trở thành người ban phát cái đẹp cho đời.
Cái đẹp của ông được trân trọng đến tận cùng cuộc đời và người cai ngục trở thành kẻ lưu giữ cái đẹp đó cho đời. Cảnh Huấn Cao cho chữ viên cai ngục có thể coi là cuộc nổi lọan của cái đẹp. Đó là vẻ đẹp đầy uy lực của nhân cách và tài hoa: Cái đẹp không vụ lợi: “Ông Huấn Cao nổi tiếng viết chữ đẹp nhưng không vì quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ và cả đời mới viết hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân”. Nhưng lần này, ông viết cho người quản ngục, trong nhà ngục và trước chỉ vài giờ là lên đường vào kinh chịu tử hình.
Cái đẹp không bị khuất phục trước uy quyền. Chữ viết của Huấn Cao là cái đẹp và ông – người sáng tạo ra nó, cũng có thể gọi là hiện thân của cái đẹp. Khi nhận lời cho chữ người quản ngục, Huấn Cao không nghĩ là cho một người đang nắm giữ vận mạng của mình mà cho một người có những sở thích cao quý, một tấm lòng trong thiên hạ.
Cái đẹp vượt lên trên sự thấp hèn, dung tục. Hoàn cảnh Huấn Cao cho chữ là hoàn cảnh dung tục, bất nhân. Về không gian là một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián, trong không khí khói tỏa như đám cháy nhà…. Về thời gian là lúc đêm khuya, chỉ còn vẳng tiếng mõ trên vọng canh. Người sáng tạo cái đẹp lại là tù nhân, trong tư thế cổ đeo gông, chân vướng xiềng. Người nhận chữ (thầy quản ngục và viên thơ lại), thái độ của hai đều rất thành kính và thiêng liêng: viên quản ngục khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng; thầy thơ lại gầy gò run run bưng chậu mực. Tất cả những đồ dùng của Huấn Cao trong việc cho chữ dường như trinh nguyên: tấm lụa bạch còn nguyên lần hồ; tấm lụa trắng tinh; phiến lụa óng; mùi mực bốc lên thơm quá… Ông Huấn Cao chăm chú trên tấm lụa bạch; dậm tô từng nét chữ, “những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”. Khi viết xong, ông thở dài, buồn bã không vì thán phận mình mà vì người biết được giá trị của cái đẹp như thầy Quản mà phải làm cái nghề này và phải ở một nơi khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi đến nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi. Điều đó chứng tỏ cái đẹp có thể sinh thành nơi không đẹp nhưng không thể tồn tại nơi ấy.
Cái đẹp có sức cải hóa con người. Viên quản ngục là chức quan cao nhất nơi ông Huấn Cao bị giam giữ. Trước cảnh cho chữ, ông ta quý Huấn Cao ở cái tài (lần gặp đầu tiên, bị Huấn Cao đuối khéo, ông chỉ lễ phép lui ra với một câu: Xin lĩnh ý). Khi Huấn Cao cho chữ, thầy quản khúm núm (thái độ với cái đẹp). Nhưng sau khi Huấn Cao khuyên bảo, thái độ và tình cảm của quản ngục càng khác trước: Ngục quan cảm động, vái người tù một cái, chắp tay nói một cái mà nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ ngu muội này xin bái lĩnh”.
Cái đẹp và cái thiện xuất hiện đan xen và tô nét thêm cho cảnh cho chữ thêm đặc sắc và là cảnh “xưa nay chưa từng có”. Cái đẹp đã khiến cho con nguwoif (cả Huấn cao lẫn viên quản ngục) đều thay đổi. Đó là sự thay đổi không chỉ về tư tưởng (Kẻ ngu muội này xin bái lĩnh) mà còn là tình cảm (chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào). “Chữ người tử tù” thể hiện niềm tin mãnh liệt của Nguyễn Tuân về sự bất diệt của cái đẹp, rằng “Cái đẹp không bao giờ chết”. Dù thực tại tăm tối, tàn bạo đến đâu cũng không thể tiêu diệt được cái đẹp. Cái đẹp là bất khả chiến bại. Đó chính là giá trị nhân văn rất sáng giá của Nguyễn Tuân trong “Chữ người tử tù”. Đúng như lời nói bất hủ của Dostoyevski: “Cái đẹp sẽ cứu vớt con người”.
Còn trong tác phẩm Chí Phèo, ở đoạn cuối của tác phẩm (Chí Phèo say rượu rồi gặp thị Nở…) Chí Phèo đã có ý thức vươn lên khao khát được làm người lương thiện. Động lực thúc đẩy là tình thương của thị Nở và bát cháo hành của thị. Nếu như trước đây, Chí chỉ biết uống rượu, chửi bới, dọa nạt, cướp giật, nằm vạ… thì giờ đây khi được ăn bát cháo hành của thị Nở, “hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ổi sao mà hắn hiền…”.
Bát cháo có gì đâu, một chút cháo, vài cọng hành và ba hạt muối mà hiệu quả thật không ngờ, bát cháo hành quả là liều thuốc giải độc. Nó vừa giúp Chí Phèo thoát ra khỏi cơn ốm sau khi say rượu vừa khơi dậy bản chất ý thức con người ở Chí. Phải chăng bát cháo hành đơn sơ chân quê đó đã được nấu bằng tất cả tấm lòng yêu thương chân thật của thị Nở? Đúng vậy, “bát cháo hành” là tượng trưng cho tình cảm của thị Nở với Chí Phèo, một tình cảm dịu dàng, giản dị nhưng đong đầy ân tình, nhân nghĩa…
Khi nhận được bát cháo hành, Chí rất ngạc nhiên. “Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình ươn ướt”. Và Chí phèo đã khóc, dòng nước mắt xúc động, nghẹn ngào. Hắn đã khóc vì hắn cảm nhận được vị ngon của cháo: “Trời ơi! Cháo mới thơm làm sao… những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo ăn rất ngon… Nhưng tại sao mãi đến bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo”. Hắn tự hỏi rồi lại tự trả lời… “Đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một tay đàn bà”. Hắn cảm động vì “lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay nào hắn có thấy tự nhiên ai cho cái gì”. Hắn đã nhìn bát cháo bốc khói mà “bâng khuâng, vừa vui vừa buồn và một, cái gì nữa giông như là ăn năn”.
Tình cảm và bát cháo hành từ tay thị Nở đã khiến Chí Phèo thay đổi. Tự bao giờ những tình cảm con người đã thức dậy trong tâm can “con vật lạ, con quỷ dữ” của làng Vũ Đại ấy. Bên cạnh Chí, thị Nở múc cháo “nhìn trộm hắn rồi lại cười toe toét. Trông thị thế mà có duyên…”. Lần đầu tiên, Chí đã biết đến cái duyên của một con người. Rồi hắn nhớ lại khi xưa, nghĩ về quá khứ của mình khi phải “săn sóc” cho bà Ba, phải làm những việc xấu xa, hắn đã thấy nhục hơn là thích, rồi hắn thấy sợ. Xưa kia, cũng như bây giờ, hắn thật trong sáng, lương thiện. “Vì vậy bát cháo hành của thị Nở làm hắn suy nghĩ nhiều. Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây thù?”
Thật kì diệu, những sự chăm sóc giản dị đầy ân tình và tình yêu thương mộc mạc, chân thành của thị Nở đã giúp Chí Phèo tìm lại được ý nghĩa và niềm vui cuộc sống và quyết tâm thay đổi. Dù sau đó, bởi những lời thị phi của bà cô, thị Nở dứt tình với Chí Phèo, khiến hắn rơi vào bế tắt, dẫn đến hành động giết Bá Kiến rồi tự sát nhưng hắn cũng đã được sống trong tình yêu thương, dù vô cùng ngắn ngủi và dớn đau.
- Kết bài:
Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng viết: “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết là để làm công việc như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường (…) để bênh vực cho những con người không còn có ai để bênh vực”. Người nghệ sĩ không phải là thợ lời bởi mỗi chữ đều phải chứa cái nhụy của cuộc sống. Nhiệm vụ của con người không chỉ hiểu mà còn phải biết rung động và phải có những tình cảm thẩm mĩ tốt đẹp. Để cái tình ấy giúp ta cải tạo xã hội và nhân đạo hóa con người.