qua-truyẹn-ngan-chi-pheo-lam-sang-tỏ-nhạn-dịnh-mot-truyen-ngan-hay-vua-la-chung-tich-cua-mot-thoi-vua-la-hien-than-cua-mot-chan-li-gia

Qua truyện ngắn Chí Phèo, làm sáng tỏ nhận định: “Một truyện ngắn hay vừa là chứng tích của một thời, vừa là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời.”

“Một truyện ngắn hay vừa là chứng tích của một thời, vừa là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời” – Nguyễn Kiên

Qua phân tích truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao, hãy bàn luận ý kiến trên. Liên hệ với “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” của Nguyễn Dữ để lí giải vì sao đây là những tác phẩm luôn nhận được sự hoan nghênh của đời sau?


* Gợi ý làm bài:

  • Mở bài: 

– Giới thiệu tác giả Nam Cao, truyện ngắn Chí Phèo.

– Giới thiệu, dẫn dắt vào vấn đề: “Một truyện ngắn hay vừa là chứng tích của một thời, vừa là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời.”

  • Thân bài:

1. Giải thích:

– Nhận định bày tỏ quan niệm, yêu cầu đối với một truyện ngắn hay:

+ Là chứng tích của một thời: phản ánh chân thực hiện thực thời đại, đặt ra những vấn đề quan trọng, bức thiết của cuộc sống, con người đương thời (bản chất hiện thực, số phận con người, nỗi trăn trở nhân sinh…)

+ Là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời: tác phẩm đặt ra, chạm tới được những chân lí giản dị – những vấn đề bình dị nhưng đúng đắn, là cốt lõi, bản chất, mang tính quy luật phổ quát, lâu dài của nhân sinh muôn thuở.

– Truyện ngắn hay là những tác phẩm hài hòa hai giá trị: vừa soi bóng thời đại, ghi dấu những vấn đề lớn, cốt lõi của thời đại – vừa có ý nghĩa lâu dài, chạm đến những chân lí bình thường, phổ quát, muôn đời..

2. Bình luận:

Đánh giá: Đây là nhận định đúng đắn, sâu sắc, đặt ra yêu cầu tất yếu đối với một tác phẩm có giá trị và sức sống lâu dài.

– Đặc trưng về đối tượng phản ánh của văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng là khám phá, miêu tả, soi bóng thời đại mà nó ra đời: hiện thực cuộc sống, đời sống con người, đặt ra những vấn đề nhân sinh phong phú, phức tạp…

– Đặc trưng của truyện ngắn: thể loại tự sự cỡ nhỏ, dung lượng ngắn, thường chỉ kể về một tình huống đặc biệt của đời sống, với số lượng không nhiều các nhân vật, tình tiết, chi tiết, qua đó gửi gắm những thông điệp tư tưởng, tình cảm của tác giả.

– Truyện ngắn hay phải là những tác phẩm kết tinh hài hòa hai giá trị:

+ Là chứng tích của một thời: tác phẩm phải phản ánh được bức tranh sâu rộng về hiện thực thời đại, xây dựng được những chân dung nhân vật vừa chân thực vừa điển hình của thời đại, đặt ra được những vấn đề cốt lõi, quan trọng, bức thiết nhất đương thời. Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời (Tô Hoài)

+ Là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời: khi tác phẩm chạm đến được chiều sâu của hiện thực, đặt ra được một hoặc nhiều vấn đề tuy giản dị, bình thường nhưng là bản chất, cốt lõi, có tính quy luật, là chân lí phổ quát muôn đời. Khi đó, tác phẩm là kết quả của sự gắn bó, trăn trở sâu sắc với thời đại và nhân sinh, thực sự có giá trị và sức sống lâu dài.

– Giá trị và sức sống ấy chỉ có được khi tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao: tuy dung lượng ngắn, tình huống độc đáo, nhân vật không nhiều, chi tiết cô đúc … nhưng có độ dồn nén, hàm súc, khả năng khái quát, điển hình.

3. Chứng minh qua truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao).

Truyện ngắn Chí Phèo là chứng tích của một thời:

+ Qua câu chuyện về làng Vũ Đại, Nam Cao đã dựng lên bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam nghèo đói, xơ xác, mâu thuẫn giai cấp gay gắt, bọn thống trị tàn bạo, thâm độc đẩy người nông dân vào tình trạng tha hóa, lưu manh hóa, đến bước đường cùng, hoặc để yên thân thì trở nên vô cảm với bi kịch của đồng loại.

+ Truyện xây dựng thành công những nhân vật vừa sống động, cụ thể vừa tiêu biểu, điển hình, đặc biệt là nhân vật Chí Phèo – hiện tượng khái quát, có tính quy luật cho tình trạng tha hóa bi thảm, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của người nông dân nói riêng, con người nói chung trong xã hội đương thời.

+ Qua đó, Nam Cao gửi gắm thông điệp mang tinh thần nhân đạo sâu sắc của thời đại: nỗi xót xa trước bi kịch tha hóa và bị cự tuyệt quyền làm người, lòng tin vào sự bất diệt của nhân tính và sức mạnh cảm hóa, thức tỉnh của nhân tình trong một xã hội bạo tàn, vô nhân đạo.

– Truyện ngắn Chí Phèo còn là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời:

+ Bi kịch đau khổ nhất của con người không chỉ là bị bần cùng hóa, bị đe dọa bởi đói nghèo, áp bức bất công, mà là sự tha hóa, bị hủy hoại nhân hình và nhân tính đến mức thành kẻ lưu manh, thành con quỷ dữ. Đây là bi kịch bi thảm không chỉ của một thời mà còn của muôn đời.

+ Niềm tin vào sự bất diệt của nhân tính và sức mạnh cảm hóa của nhân tình mộc mạc, chân thành: nhân tính của con người không dễ gì bị hủy diệt, bản tính hiền lành lương thiện và khát vọng hướng thiện khi gặp nhân tình sẽ thức tỉnh và bất diệt; tình người, sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương mộc mạc, chân thành sẽ có sức mạnh cảm hóa, thức tỉnh để phần người hồi sinh.

3. Liên hệ với “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” của Nguyễn Dữ

“Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” của Nguyễn Dữ phản ánh chân thực hiện thực thời đại, bối cảnh của xã hội thế kỉ XV nhưng thực chất là muốn phơi bày hiện thực xã hội mà ông đang sống – đầu thế kỉ XVI với nhiều bất công ngang trái: kẻ ác lộng hành, được hưởng an nhàn, sung sướng, người hiền phải chịu nhiều oan khuất, sống khổ cực; quan lại tham lam của đút, người đại diện cho pháp luật bị lấp tai, che mắt. Đó chính là hiện thực hết sức bất ổn được Nguyễn Dữ phản ánh trong tác phẩm.

– Vạch trần bộ mặt gian tà của không ít kể đương quyền “quen dùng chước dối lừa, thích làm trò thảm ngược”.

+ Lên án một quan tham lại nhũng đương thời.

+ Đồng thời còn tố cáo mạnh mẽ hiện thực xã hội với “rễ ác mọc lan, khó lòng lay động”, “vì tham của đút” mà bênh vực cho kẻ gian tà.

– Tác giả đề cao phẩm chất người quân tử: Ngô Tử Văn là hình tượng tiêu biểu cho kẻ sĩ cương trực, khảng khái, kiên quyết chống gian tà.

– Nguyễn Dữ đã thể hiện sâu sắc tinh thần tự hào dân tộc: Viên Bách hộ họ Thôi khi sống đã thất bại nhục nhã trên đất Việt, lúc chết thành hồn ma lẩn quất làm điều dối trá, càn bậy, nên lại tiếp tục nếm mùi thất bại. Phải chăng đó là số phận chung cho những tên xâm lược?

– Câu chuyện kết thúc với thắng lợi thuộc về Ngô Tử Văn: cội nguồn truyền thống nhân đạo và yêu nước của dân tộc Việt Nam chính nghĩa thắng gian tà, tinh thần dân tộc thắng ngoại xâm.

⇒ Tác phẩm đặt ra, chạm tới được những chân lí giản dị – những vấn đề bình dị nhưng đúng đắn, là cốt lõi, bản chất, mang tính quy luật phổ quát, lâu dài của nhân sinh muôn thuở.

4. Bàn bạc, mở rộng vấn đề:

– Nhận định chủ yếu khẳng định giá trị, vẻ đẹp, sức sống của thể loại truyện ngắn ở phương diện ý nghĩa nội dung tư tưởng, song cũng cần nhắc tới những yêu cầu, phẩm chất về nghệ thuật của thể loại: dựng chuyện, kể chuyện hấp dẫn; xây dựng nhân vật; lựa chọn sáng tạo chi tiết, giọng điệu, lời văn…

– Ý kiến được nêu cũng gợi nhắc những đòi hỏi, yêu cầu:

+ Đối với người sáng tác: phải gắn bó, hiểu biết sâu sắc, trăn trở và nói lên những vấn đề thiết cốt nhất của thời đại để tác phẩm của mình thực sự là chứng tích của một thời; đồng thời đào sâu vào những vấn đề bản chất, chân lí của nhân sinh để tác phẩm có ý nghĩa và sức sống lâu dài, vượt tầm thời đại.

+ Đối với người đọc: tiếp nhận, trân trọng giá trị của những tác phẩm hay giúp ta hiểu sâu rộng hơn về cuộc sống, con người một thời và thấy được ý nghĩa của tác phẩm với muôn đời, muôn người, trong đó có chúng ta và thời đại mình đang sống.

  • Kết bài:

Khẳng định vai trò và ý nghĩa của tác phẩm văn học đối với sự phát triển tâm hồn con người và đời sống xã hội.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang