Soạn bài: Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ) – Ngữ văn 9, Chân trời sáng tạo
Chuẩn bị đọc.
Nêu một sô chi tiết kì ảo trong các truyện kể dân gian mà em đã đọc và cho biết yếu tố đó thường được sử dụng trong các trường hợp nào và với mục đích gì?
Trả lời:
– Chi tiết kì ảo trong truyện kể dân gian:
+ Sự ra đời kì lạ của Thánh Gióng.
+ Thạch Sanh có niêu cơm thần mà 18 nước ăn mãi không hết.
+ Phép thần thông biến hoá của Sơn Tinh và Thuỷ Tinh.
→ Các chi tiết kì ảo trên thường được sử dụng trong các câu chuyện dân gian nhằm mục đích thể hiện tâm tư và nguyện vọng của nhân dân hay là lí giải quan niệm về thế giới của người xưa.
Trải nghiệm cùng văn bản.
Câu hỏi 1. Những từ ngữ nào trong đoạn này gợi lên đặc điểm, tính cách của Vũ Nương, Trương Sinh?
Trả lời:
– Từ ngữ gợi lên đặc điểm, tính cách của Vũ Nương: “thuỳ mị, nết na”, “ tư dung tốt”, “dung hạnh”, “giữ gìn khuôn phép”,…
– Từ ngữ gợi lên đặc điểm, tính cách của Trương Sinh: “đa nghi”, “không có học”, “phòng ngừa vợ quá mức”,…
Câu hỏi 2. Câu nói này của bé Đản sẽ tác động thế nào đến Trương Sinh?
Trả lời:
– Vốn dĩ là người đa nghi, lại không có học nên khi bé Đản nói: “Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”, Trương Sinh sẽ ghen mà không suy xét lại vấn đề, không có lòng tin với vợ và không phân biệt đúng sai, quy chụp lời con nhỏ là đúng mà vu oan cho vợ.
Câu hỏi 3. Đây là lời đối thoại hay độc thoại?
Trả lời:
– Lời của Vũ Nương là lời độc thoại bởi có người nói nhưng không có người nghe
Câu hỏi 4. Các câu hỏi của bé Đản ở đoạn trên có tác dụng gì trong việc thể hiện số phận của Vũ Nương?
Trả lời:
– Lời nói thứ nhất của bé Đản: “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít”
→ Đây là lời nói ngây thơ của con trẻ, nói lên đúng suy nghĩ và nhận thức của bé Đản với Trương Sinh. Lời nói ngây thơ ấy đã vô tình làm bùng lên cơn ghen tuông đến mù quáng của Trương Sinh và đẩy Vũ Nương vào nỗi oan không thể hóa giải
– Lời nói thứ hai của bé Đản: “Cha Đản lại đến kia kìa”, “Đây này!”
→ Là khởi nguồn để hóa giải nỗi oan cho Vũ Nương
* Nhận xét: Cả hai lời nói của bé Đản đều góp phần làm nên giá trị của câu chuyện. Nếu như lời nói thứ nhất là nguồn cơn thắt nút câu chuyện thì lời nói thứ hai chính là khởi nguồn hóa giải mọi chuyện.
Câu hỏi 5. Chú ý sự thay đổi thái độ, tình cảm của Vũ Nương trong đoạn này.
Trả lời:
– Nàng ứa nước mắt khóc xót xa cho thân mình, sau đó nàng đã quả quyết đổi giọng của mình để không muốn mang tiếng xấu xa quyết định trở về dương gian một chuyến rửa sạch nỗi oan ức
Câu hỏi 6. Em có nhận xét gì về cái kết của câu chuyện?
Trả lời:
– Kết thúc tưởng chừng như có hậu nhưng đằng sau lại mang kết cục không có hậu.
– thúc truyện Chuyện người con gái Nam Xương dẫu có yếu tố kì ảo, Vũ Nương vẫn sống ở một thế giới khác, được minh oan nhưng hạnh phúc không trọn vẹn, đã thể hiện được tinh thần nhân đạo và khát vọng của con người về cuộc sống.
– Kết thúc của truyện tuy thỏa mãn ước mơ về công bằng ở đời: người tốt sẽ gặp được những điều tốt nhưng hiện thực thì không phải lúc nào cũng vậy và Vũ Nương không thể sống lại, thế giới ấy không có chỗ cho Vũ Nương bức ép nàng tự tử.
→ Bi kịch vẫn còn đó trong cái kết của truyện, gợi cho chúng ta nhiều sự thương cảm, xót xa cho những người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp lại chịu nhiều bi kịch dưới chế độ phong kiến hà khắc.
Suy ngẫm và phản hồi.
Câu hỏi 1. Nêu nội dung bao quát của văn bản, liệt kê các sự kiện theo diễn biến câu chuyện và chi biết các sự kiện ấy được sắp xếp theo trật tự thời gian, không gian như thế nào.
Trả lời:
– Nội dung bao quát của văn bản:
+ Câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương.
– Các sự việc chính trong truyện:
+ Vũ Thị Thiết (Vũ Nương) đẹp người đẹp nết, được Trương Sinh con nhà giàu nhưng thất học, hay ghen cưới về làm vợ
+ Chàng Trương Sinh phải đầu quân đi lính, để lại mẹ già và người vợ trẻ ở nhà.
+ Vũ Nương ở nhà chăm sóc mẹ chồng chu đáo và nuôi con thơ
+ Mẹ Trương Sinh ốm chết, Vũ Nương lo ma chay chu tất.
+ Giặc tan, Trương Sinh trở về nhà, đau buồn khi nghe tin mẹ mất
+ Con nhỏ chưa bao giờ gặp cha nên không nhận Trương Sinh.
+ Trương Sinh sẵn tính hay ghen, nghe lời con nhỏ khi nhận chiếc bóng trên tường là cha, nghi vợ không chung thuỷ.
+ Vũ Nương bị oan, bèn gieo mình xuống sông Hoàng giang tự vẫn.
+ Sau này, sự việc sáng tỏ, người cha mà đứa con nói lại chính là chiếc bóng của mẹ, Trương Sinh như hiểu ra, chàng ân hận.
+ Phan Lang là người cùng làng với Vũ Nương, do cứu mạng thần rùa Linh Phi, vợ vua Nam Hải, nên khi chạy nạn, chết đuối ở biển đã được Linh Phi cứu sống để trả ơn.
+ Phan Lang gặp lại Vũ Nương trong động của Linh Phi. Hai người nhận ra nhau. Phan Lang được trở về trần gian, Vũ Nương gửi chiếc hoa vàng cùng lời nhắn Trương Sinh.
+ Trương Sinh nghe Phan Lang kể, biết vợ bị oan, bèn lập đàn giải oan trên bến Hoàng Giang.
+ Vũ Nương trở về, ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, lúc ẩn, lúc hiện, rồi biến mất.
– Các sự kiện trên được sắp theo trật từ thời gian của cuộc đời Vũ Thị Thiết. Không gian hiện thực ở nhà và kỳ ảo khi ở dưới thuỷ phủ
Câu hỏi 2. Liệt kê các nhân vật trong văn bản. Xác định nhân vật chính, nhân vật phụ.
Trả lời:
– Hệ thống nhân vật trong truyện:
+ Nhân vật chính: Vũ Thị Thiết
+ Nhân vật phụ: Trương Sinh, Mẹ Trương Sinh, bé Đản, Phan Lang, Linh Phi.
Câu hỏi 3. Phân tích tính cách của nhân vật Vũ Thị Thiết. Chỉ ra điểm khác biệt trong cách ứng xử của nàng lúc còn sống với gia đình ở trần gian và khi đã về thuỷ phủ.
Trả lời:
– Tính cách của nhân vật Vũ Thị Thiết:
+ Thuỳ mị nết na vì vậy mà Trương Sinh xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới về làm vợ
+ Luôn luôn giữ gìn khuôn phép khi ở với Trương Sinh để tránh ghen tuông.
+ Hiếu thuận với mẹ chồng, lễ nghĩa chu toàn khi Trương Sinh đi lính.
+ Đảm đang, tận tuỵ, một mình chu đáo nuôi con nhỏ sợ con thiếu thốn tình cảm của cha nên trỏ cái bóng của mình trên tường nhận làm cha của bé Đản.
+ Giàu lòng tự trọng khi Vũ Thị Thiết bị dồn đẩy đến bước đường cùng, đành mượn dòng nước sông Hoàng Giang sâu thẳm để rửa sạch tiếng nhuốc nhơ oan ức.
+ Luôn hướng về gia đình, quê hương, coi trọng danh dự khi ở dưới thuỷ phủ.
* Vũ Nương khi còn sống ở trần gian:
-Trong mối quan hệ với mẹ chồng: Vũ Nương còn là người con dâu hiếu thảo.
+ Trong lúc chồng đi xa, nàng vừa nuôi con nhỏ, vừa chăm sóc mẹ già đau ốm nàng hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật mà lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn.
+ Khi mẹ chồng mất, nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ lo liệu như đối với cha mẹ đẻ của mình.
– Trong mối quan hệ với con trai:
+ Vũ Nương là người mẹ yêu thương con hết mực.
+ Một mình sinh con, nuôi và dạy con khôn lớn khi chồng vắng nhà.
+ Không muốn con thiếu vắng tình cha nên hàng đêm chỉ vào cái bóng của mình trên vách mà bảo rằng đó là cha Đản.
– Trong mối quan hệ với chồng:
+ Nàng là người vợ thủy chung, yêu thương chồng hết mực.
+ Trong cuộc sống vợ chồng bình thường Vũ Nương khéo léo cư xử đúng mực, nhường nhịn, giữ gìn khuôn phép nên không lúc nào vợ chồng bất hòa.
– Khi xa chồng: Vũ Nương là người vợ thủy chung yêu thương chồng hết mực. Nỗi nhớ chồng cứ đi cùng năm tháng: mỗi khi bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, nàng lại thổn thức tâm tình, buồn thương da diết.
– Khi bị chồng nghi oan:
+ Nàng hết sức phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng trinh bạch của mình: Trước hết, nàng nhắc đến thân phận của mình để có được tình nghĩa vợ chồng; nàng khẳng định tấm lòng thủy chung, trong trắng, vẹn nguyên chờ chồng; nàng cầu xin chồng đừng nghi oan.
+ Khi không còn hi vọng, nàng nói trong đau đớn và thất vọng.
+ Cuối cùng, bị cự tuyệt quyền yêu, quyền hạnh phúc cũng đồng nghĩa với việc nàng bị cự tuyệt quyền tồn tại. Nàng tìm đến cái chết sau mọi sự cố gắng không thành. Hành động trẫm mình tự vẫn của nàng là hành động quyết liệt cuối cùng để bảo vệ phẩm giá. Đối với người con gái đức hạnh và giàu đức hi sinh, phẩm giá còn cao hơn sự sống.
* Những năm tháng sống dưới thủy cung:
– Ở chốn làn mây, cung nước nhưng nàng vẫn một lòng hướng về chồng con, quê hương và khao khát được đoàn tụ:
+ Nàng nhận ra Phan Lang người cùng làng.
+ Nghe Phan Lang kể về chuyện gia đình mà ứa nước mắt xót thương.
– Nàng khao khát được trả lại phẩm giá, danh dự: Gửi chiếc thoa vàng, nhờ Phan Lang nói với Trương Sinh lập đàn giải oan cho mình.
– Nàng là người trọng tình, trong nghĩa: Dù thương nhớ chồng con, khao khát được đoàn tụ nhưng vẫn quyết giữ lời hứa sống chết bên Linh Phi.
Suy ngẫm và phản hồi 4
Câu hỏi 4. Nêu một số nét nổi bật trong tính cách của nhân vật Trương Sinh. Những nét tính cách ấy có phải là nguyên nhân gây nên nỗi bất hạnh của Vũ Thị Thiết?
Trả lời:
Nét nổi bật trong tính cách của nhân vật Trương Sinh:
– Gia trưởng, độc đoán, đa nghi hay ghen tuông vô cớ:
+ Vì mến dung hạnh của Vũ Nương, Trương Sinh đã xin mẹ đem trăm lượng vàng cưới nàng về làm vợ. Nhưng đối với vợ, Trương Sinh lại “phòng ngừa quá mức”. Dù Vũ Nương hết sức giữ gìn khuôn phép, vợ chồng chưa bao giờ thất hòa nhưng lại luôn thấy tù túng trong một gia đình thiếu lòng tin tưởng. Có ngờ đâu chính sự đa nghi của Trương Sinh lại gây ra mối tai họa lớn.
+ Chỉ vì nghe một câu nói của đứa trẻ thơ mà lòng nghi ngờ, ghen tuông của chàng trỗi dậy lấn át cả tình thương khiến chàng mù quáng. Trương Sinh đã dùng những lời nói thô bạo thậm chí đánh đập vợ mình để thỏa nỗi hoài nghi bấy lâu mặc cho vợ có biện minh bộc bạch.
– Trương Sinh là người hết sức cố chấp, bảo thủ: Khi Vũ Nương van nài muốn hiểu rõ nguồn cơn sự việc, chàng đã không nói. Bởi Trương Sinh tin tưởng chắc chắn vào điều mình nghĩ là sự thật và sợ nói ra Vũ Nương sẽ thoái thác, phủ lấp sự việc.
– Trương Sinh là người vô tình, bạc nghĩa: Khi Vũ Nương chết, Trương Sinh tuy giận nhưng cũng động lòng thương, tìm vớt thây nàng nhưng không thấy.
– Tính tình hay ghen, đa nghi quá mực (vì vừa mất mẹ, giờ lại nghe tin mình không phải cha của bé Đản cảm thấy bị nhục nhã, liên tiếp hai nối đau khiến chàng giận quá đã áp bức Vũ Thị Thiết. à Gián tiếp gây nên cái chết của nàng.
→ Tính cách của Trương Sinh: Đa nghi, hay ghen, bảo thủ, độc đoán, vũ phu, thiếu lòng bao dung, tình nghĩa. Những nét tính cách của Trương Sinh là một phần dẫn đến cái chết của Vũ Nương.
Câu hỏi 5. Tìm các chi tiết kì ảo được sử dụng trong tác phẩm và nêu tác dụng của chúng trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
Trả lời:
* Các yếu tố kì ảo:
– Phan Lang nằm mộng thấy có người con gái mặc áo xanh đến xin tha mạng. Ngày hôm sau có người đến tặng cho chàng một con rùa mai xanh. Nhớ đến giấc mộng nên chàng đã thả rùa. Cuối đời khai đại nhà Hồ, quân Minh lấy cớ đưa Trần Thiên Bình về nước đã phạm vào ải Chi Lăng, nhiều người hoảng sợ bỏ chạy ra biển và đều chết đuối. Xác Phan Lang lạc và động rùa và được Linh Phi cứu sống. Tại đây Phan Lang đã gặp Vũ Nương. Phan Lang được sứ giả của Linh Phi đưa về dương thế.
– Vũ Nương tự tử nhưng được tiên nữ cứu và sống dưới thủy cung.
– Khi Trương Sinh lập đàn giải oan, Vũ Nương hiện về trong làn sương khói, nói lời tạ từ rồi biến mất.
→ Yếu tố kì ảo được xen kẽ, lồng ghép với những yếu tố có thật về địa danh, thời điểm lịch sử, sự kiện lịch sử, về nhân vật, về tình cảnh nhà Vũ Nương, cách đưa này khiến câu chuyện tăng tính chân thực, thuyết phục nhưng đồng thời, thế giới thực đó cũng trở nên lung linh hơn.
* Ý nghĩa các chi tiết kì ảo:
– Làm nên đặc trưng của thể lại truyện truyền kì
– Hoàn thiện nét đẹp vốn có của nhân vật VN – một người phụ nữ nặng tình, nặng nghĩa, bao dung, nhân hậu và rất coi trọng danh dự.
– Chi tiết kì ảo làm tăng tính bi kịch của câu chuyện. Bởi Vũ Nương trở về nhưng vẫn xa cách ở giữa dòng. Nàng và chồng con giờ đây đã âm dương chia lìa đôi ngả, hạnh phúc đã mãi mãi rời xa. Đàn cầu siêu của Tôn giáo, sự ân hận muộn màng của người chồng không thể mang lại số phận tốt đẹp hơn cho người phụ nữ trong XH phong kiến.
– Tạo nên kết thúc phần nào có hậu, thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân ta về lẽ công bằng.
– Góp phần thể hiện chiều sâu giá trị nhân đạo của tác phẩm
Câu hỏi 6. Đọc lời thoại của các nhân vật trong văn bản và cho biết:
a. Lời nói của Vũ Thị Thiết trước khi tìm đến cái chết trên bến Hoàng Giang và đối thoại hay độc thoại? Dựa vào đâu em xác định được như vậy?
b. Các câu bé Đản nói với Trương Sinh trước và sau cái chết của Vũ Thị Thiết có vai trò như thế nào đối với diễn biến của sự việc, câu chuyện?
Trả lời:
a) Lời nói của Vũ Thị Thiết trước khi tìm đến cái chết là lời độc thoại vì không có lời người đáp lại.
b) Các câu nói của bé Đản nói với Trương Sinh có tác dụng đẩy sự việc lên cao trào.
→ thắt nút và mở nút khi đã giải oan cho Vũ Thị Thiết.
+ Thắt nút bằng yếu tố bất ngờ: Một câu nói ngây thơ nghe như thật của một trẻ thơ mà gây nên bão táp trong cuộc đời vợ chồng Trương Sinh, Vũ Nương: chồng nghi kị vợ, hạnh phúc gia đình tan vỡ và cuối cùng là cái chết bi thảm của người vợ trong trắng.
+ Gỡ nút cũng bằng yếu tố bất ngờ: Bấy nhiêu bão tố, bi kịch, oan khiên bỗng được làm sáng tỏ cũng bằng một câu nói ngây thơ của một trẻ thơ (“Cha Đản lại đến kia kìa!”), hay nói cho đúng hơn là lời nói đùa của người mẹ với con khi vắng chồng.
Câu hỏi 7. Những dấu hiệu nào giúp em nhận biết Chuyện người con gái Nam Xương là truyện truyền kì?
Trả lời:
– Có không gian truyền kì trong truyện (Vũ Thị Thiết ở dưới thuỷ phủ)
– Nhân vật là ma, thần linh (Vũ Thị Thiết trở lại dương gian khi đã gieo mình tự vẫn, có Linh Phi – vợ vua biển Nam Hải cứu,…)
– Cốt truyện kì ảo: Sự sống lại của người đã mất.
Câu hỏi 8. Lời bình ở cuối truyện về Vũ Thị Thiết có đoạn: “Nếu không được trời xét tâm thành, nước không làm hại, thì xương hoa vóc ngọc, đã chôn vào họng cá nơi lòng sông, còn đâu được lại thông tin tức để nết trinh thuần được nhất nhất bộc bạch ra hết”. Em có đồng ý với lời bình trên không? Vì sao? Qua nhân vật Vũ Thị Thiết, em hiểu thêm điều gì về số phận của người phụ nữ trong một xã hội đề cao nam quyền?
Trả lời:
– Đồng tình vì chính tác giả cũng thương cảm cho số phận bất hạnh của nàng. Nàng là người giữ gìn khuôn phép, không bao giờ vượt mức, xã hội ấy không có chỗ cho nàng dung thân, không ai cứu giúp nàng, chỉ có ông trời làm chứng cho nàng.
→ Qua đó thầy rằng xã hội lúc ấy giờ đề cao nam quyền, coi thường thân phận của người phụ nữ. Người phụ nữ bị bó buộc trong lễ giáo phong kiến, họ bị coi là công cụ đẻ con, chỉ quanh quẩn trong nhà làm nội trợ. Họ cũng bắt buộc phải có tam tồng tứ đức, khi ở nhà nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, lấy chồng nghe chồng, chồng chết theo con trai.
Xem thêm: