Soạn bài: Tri thức Ngữ văn bài 2: Giá trị của văn chương (Văn bản nghị luận) – Ngữ văn 9, Chân trời sáng tạo

soan-bai-tri-thuc-ngu-van-bai-2-ngu-van-9-chan-troi-sang-tao

Soạn bài: Tri thức Ngữ văn bài 2: Giá trị của văn chương (Văn bản nghị luận) – Ngữ văn 9, Chân trời sáng tạo

1. Cách trình bày vấn đề khách quan và trình bày vấn đề chủ quan trong văn bản nghị luận

Để làm nên sức thuyết phục của văn bản nghị luận trong cách trình bày vấn đề, cần kết hợp cả cách trình bày khách quan và cách trình bày chủ quan.

– Cách trình bày vấn đề khách quan chỉ đưa thông tin, nêu ra các bằng chứng khách quan. Cách trình bày này tạo ra cơ sở vững chắc (từ pháp lí, từ thực tiễn, …), đảm bảo tính chính xác, đúng đắn cho các lập luận.

– Cách trình bày vấn đề chủ quan đưa ra ý kiến, đánh giá chủ quan, thể hiện rõ tình cảm, quan điểm của người viết. Cách trình bày này tác động đến cảm xúc của người đọc, khơi gợi sự đồng cảm, mối quan tâm của người đọc về những vấn đề được bàn luận.

Ví dụ: (1) Tôi đã từng chứng kiến cả ngàn con trâu rừng bị chết dần chết mòn trên những cánh đồng trơ trọi vì bị người da trắng bắn mỗi khi có đoàn tàu chạy qua. (2) Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu nổi tại sao một con ngựa sắt nhả khói lại quan trọng hơn nhiều con trâu rừng mà chúng tôi chỉ giết để duy trì cuộc sống. (3) Con người là gì, nếu cuộc sống thiếu những con thú?

Trong ví dụ trên, câu (1) trình bày vấn đề khách quan bởi chủ yếu đưa ra bằng chứng từ thực tế mà người viết đã chứng kiến. Câu (2) và (3) trình bày vấn đề chủ quan bởi thể hiện ý kiến, đánh giá, cảm xúc của cá nhân người viết trước hiện tượng con người nhẫn tâm tàn sát các con thú.

2. Cách tham khảo, trích dẫn tài liệu để tránh đạo văn

Đạo văn là hành vi sao chép lời nói, ý tưởng, quan điểm, … của người khác và coi đó như là của riêng mình. Đây là hành vi vi phạm đạo đức trong học tập, nghiên cứu.

– Để tránh lỗi đạo văn, chúng ta cần trích dẫn chính xác và đúng quy định khi sử dụng lời nói, ý tưởng, quan điểm,… của người khác.

Ví dụ: Đặng Thùy Trâm từng viết: “Đời người phải gặp giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”.

(Theo Trần Thị Cẩm Quyên, Đừng từ bỏ cố gắng)

Trong ví dụ trên, khi sử dụng ý tưởng của Đặng Thùy Trâm, người viết đã trích dẫn bằng cách đặt nguyên văn câu chữ của Đặng Thùy Trâm trong dấu ngoặc kép.

– Phần trích dẫn có thể bao gồm các nội dung sau: ý trích dẫn (lời nói, ý tưởng, quan điểm, …), tác giả, tên tác phẩm/ công trình, nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.