Quan niệm sống đẹp qua câu thơ: Sống là cho và chết cũng là cho (Tạm biệt – Tố Hữu)
“Xin tạm biệt đời yêu quý nhất
Còn mấy vần thơ, một nắm tro
Thơ gửi bạn đường, tro bón đất
Sống là cho và chết cũng là cho”
(Tạm biệt – Tố Hữu)
- Mở bài:
Tố Hữu là một nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Trọn cuộc đời ông sống và làm việc vì đất nước. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, dù nằm trên giường bệnh, ông vẫn cố gắng viết bài thơ Tạm biệt gửi lại cho đời những ưu tư, chiêm nghiệm mà trọn cuộc đời ông đã phấn đấu:
“Xin tạm biệt đời yêu quý nhất
Còn mấy vần thơ, một nắm tro
Thơ gửi bạn đường, tro bón đất
Sống là cho và chết cũng là cho”.
(Tạm biệt)
Bài thơ là lời tâm nguyện, là lẽ sống vì cuộc đời, là bản di cúc chúc thiết tha mà Tố Hữu gửi lại cho đời. Đối với ông, sống là cho và chết cũng là cho. Lẽ sống cao đẹp ấy một lần nữa được thể hiện thật cảm động trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải.
- Thân bài:
Có thể nói Tố Hữu là nhà thơ cách mạng nổi bậc nhất thế kỉ 20. Không những ông có rất nhiều tác phẩm mà đề tài ngợi ca đời sống và chiến đấu của nhân dân là chủ đề duy nhất tràn ngập trong thơ ông. Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng. Ở ông, thơ với đời là một. Thơ ở trong đời và đời được ấp ủ ở trong thơ.
Bài thơ Tạm biệt thể hiện một quan niệm sống thật đẹp của Tố Hữu. Đó cũng là lối sống của con người Việt Nam ta đã được chứng minh và khẳng định qua biết bao thời đại. Đối với Tố Hữu, con người sống là phải có lý tưởng, có ước mơ, hoài bảo và khát vọng lớn lao. Sống phải có mục đích và nguyện suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cách mạng và sự nghiệp giải phóng nước nhà. Ngay cả trong thời bình, tư tưởng ấy cũng phải hết sức giữ gìn và phát huy. Tố Hữu từng cho rằng: “Nhà thơ chân chính phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng về lập trường tư tưởng; xác định thật rõ ràng tầm nhìn, cách nhìn. Tự nguyện gắn bó chân thành là yêu cầu cao nhất đối với người nghệ sĩ trong quan hệ với đất nước, với nhân dân”.
Với ông, cuộc đời thật đáng yêu quý. Cuộc đời đã hào phóng ban tặng cho con người biết bao giá trị tốt đẹp. Đầu tiên là sự sống, cuộc sống, cuộc đời. Cuộc đời còn mang đến cho con người tình yêu, gia đình, tổ quốc,… và biết bao nhiêu niềm vui sướng, hạnh phúc lẫn khổ đau. Tố Hữu quấn quýt với cuộc đời ấy biết bao. Dù ở trong hoàn cảnh đau thương, ông vẫn thấy nó đẹp, nó chân thành, nó hào hùng và mãnh liệt.
Kết thúc một cuộc đời người, tất cả được rũ bỏ, chỉ còn lại mấy vần thơ và một nắm tro tàn để an nhiên đi về với vĩnh hằng. Đối với ông, con người sống không chỉ đơn thuần là lao động tạo ra của cải để duy trì sự sống ý nghĩa mà còn để cống hiến hết mình, sống hết mình vì mọi người, vì quê hương, đất nước. Sống mạnh mẽ và tạo ra những gí trị hữu ích. Sau cái chết cũng là sự mạnh mẽ và hữu ích. Mấy vần thở để lại cho đời. Nắm tro tàn làm xanh cây cỏ trước khi mãi mãi tan biến vào hư không.
Đoạn thơ đã làm nổi bậc và khẳng định quan niệm sống thật đẹp. Sống đẹp có nghĩa là sống vì con người, vì cuộc đời mà tận dâng, tận hiến, vì đất nước mà tận trung, tận hiếu. Sống đẹp có nghĩa là nhận về mình những giá trị mà cuộc đời ban tặng và làm cho những giá ấy lớn lao thêm. Để, trước khi rời khỏi cuộc đời, lại gửi tặng lại cho đời những giá trị ấy.
Sống là cho đâu chỉ nhân riêng mình. Cuộc sống sẽ không bao giờ là uổng phí nếu ta “sống toàn tâm, sống toàn trí, sống toàn hồn; sống toàn thân và thức nhọn giác quan” như nhà thơ Xuân Diệu đã từng tâm niệm.
Ý nghĩa lối sống tận hiến vì cuộc đời cũng là thông điệp lớn nhất trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải. Cũng giống như Tố Hữu, nhà thơ Thanh Hải viết bài thơ Mùa xuân nho nhỏ lúc nằm trên giường bệnh hai tháng trước khi ông qua đời. Thanh Hải trọn cuộc đời cũng đã gắn bó với cách mạng, với nhân dân đất nước. Ông là một chiến sĩ, đồng thời là một nhà thơ, một đứa con của đồng ruộng. Ông yêu cuộc đời như yêu chính bản thân ông. Bởi thế, với ông cuộc đời rất đẹp và nên thơ đến kì lạ. Thấm đẫm trong bài thơ là một cuộc đời đầy thanh sắc, tươi vui, nồng thắm và ngọt ngào Khởi đầu cảm xúc, mở ra bức tranh màu xuân tươi xanh tràn trề sức sống:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.
Từ “mọc” thể hiện tư thế chủ động vươn lên của bông hoa tím. Giữa dòng sông, một bông hoa tím ngạo nghễ, ung dung giữ đất trời. “Dòng sông xanh” ấy hay cũng chính là dòng đời vạn biến. Cuộc đời con người trên dòng đời khác nào đóa hoa lênh đênh trên dòng nước vô định. Thế nhưng, dù dòng nước có đưa đẩy cánh hoa đi đâu về đâu thì nó vẫn xanh, vẫn dâng cho đời màu xanh non tơ mềm mại. Dòng sông xanh mướt màu lá cỏ, màu của sự sống. Dòng sông cũng phản chiếu ánh trời xanh thẳm ước mơ và khát vọng. Bông hoa tím trôi đi trên dòng sông xanh bỗng dưng thấy chơi vơi, lạc lõng vì nó chỉ có một mình. Nó đơn độc và sợ hãi. Cái màu tím ấy gợi buồn tha thiết.
Thanh Hải đang ở những ngày cuối trong cuộc đời. Ông cảm thấy sinh lực đang cạn kiệt dần, sự sống từ từ rời bỏ ông mà đi. Màu tím u buồn phủ bóng trong tâm hồn sắp cạn tắt. Nhưng màu tím ấy cũng là màu của tấm lòng thủy chung, son sắt, là tình yêu cuộc sống của nhà thơ, dù là ở khoảnh khắc cuối cùng nó cũng vươn lên tỏa sáng.
Trên cao, con chim chiền chiện say sưa hót bản tình ca bầu trời. Chim chiền chiện vốn được tôn vinh là ca sĩ của bầu trời. Tiếng chim lảnh lót vang động không gian. Tiếng chim như rót vào không gian, lấp đầy những khoảng trống mênh mông. Hai từ “hót chi” như có chút hờn dỗi, oán trách. Trách con chim vô tình không hề hay biết có người đang ước mơ được đến với bầu trời lớn nhưng không thể nào làm được. Tiếng chim như cắt xé vào lòng ông, khiến tình yêu cuộc sống trong ông cựa mình, rạo rực.
Toàn bộ vẻ đẹp khổ thơ kết động trong “giọt long lanh” rơi. Không phải là ào ào rơi xuống mà rơi từng giọt, từ từ, chậm rãi. Phải chăng đó là giọt sương đêm còn đọng lại trên lá. Hay là giọt mưa xuân vấn vương lá cỏ. hay là giọt tiếng chim chiền chiện trên bầu tròi cao rơi xuống. Có lẽ là không phải rồi. Vì bầu trời đang rõ sáng, chứng tỏ không có cơn mưa nào. Sương không thể nào rơi từng giọt vì bầu trời đang rất quang đãng. Còn tiếng lảnh lảnh kia có xu hướng vang xa chứ không kết tự lại thành giọt.
Phải chăng, đó là giọt mật ngọt của cuộc đời, là giọt tình yêu cuộc sống đã kết tụ bấy lâu trong tâm hồn nhà thơ, để bây giờ trước sức sống của đất trời, vạn vật, nó rỏ ra ngoài thành “từng giọt” mềm long lanh? Thanh Hải đã đi trọn vẹn cuộc đời người, trải nghiệm không ít, chiêm nghiệm cũng nhiều. Ngay lúc này đây, ông khao khát được sống, được cống hiến nhiều hơn nữa. Người chiến sĩ không bao giờ biết đầu hàng. Họ chỉ hi sinh khi hoàn thanh nhiệm vụ. Họ chỉ hi sinh vì đất nước. Thế nên, ông trân trọng đưa tay hứng lấy tình yêu sự sống như đón nhận về mình nguồn sống mới.
Thanh Hải đi đi qua hết quảng đời đầy ắp tình yêu, nỗi khổ đau lẫn niềm tự hào sâu sắc. Ông biết ơn cuộc đời ban tặng cho ông một cuộc đời đày ý nghĩa. Cuộc đời ấy là cuộc đời cách mạng vừa đau thương vừa hết sức hào hùng. Ông gắn mình với cuộc sống thiết tha, với cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc, cùng dân tộc đi đến ngày chiến thắng cuối cùng. Cuộc đời vẻ vang ấy trở thành niềm tự hào lớn lao trong trái tim nồng nhiệt ông. Với ông, sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Thế nên, trước khi rời khỏi cuộc đời ấy, rời xa anh em, đồng chí, ông mong muốn gửi lại cho đời biết bao niềm cảm mến. Ông muốn hóa thân thành một phần nhỏ bé của cuộc đời, để được gắn kết với cuộc đời mãi mãi:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm sao xuyến”.
Ông muốn hóa thân làm con chim tung cánh trên bầu trời hòa bình, dâng cho đời tiếng hót ngợi ca cuộc sống. Ông muốn làm một cành hoa nở trên mặt đất dâng cho đời hương sắc thắm tươi. Ông muốn làm một nốt trầm xao xuyến trong bản hòa ca dâng cho đời thanh âm ngọt ngào, dịu ngọt.
Tất cả tuy nhỏ bé nhưng tràn đầy ý nghĩa. Những điều nhỏ bé ấy tồn tại chỉ để làm đẹp cho đời mà thôi. Đó là ước nguyện cao đẹp, lời nguyện cầu cuối cùng mà Thanh Hải đã dành tặng cho cuộc đời này.
Nếu cánh chim tự do trên bầu trời cao là biểu tượng của khát vọng bay cao, là lý tưởng hướng về đất nước, là niềm hân hoan bất tận giữa cuộc đời thì đóa hoa trên mặt đất là biểu tượng của nguồn sống vĩnh hằng. Và nốt nhạc trầm lặng êm ái kia là biểu tượng cho cuộc sống gắn kết trong tình cảm yêu thương thắm thiết nhất.
Hơn thế nữa, Thanh Hải còn muốn dâng cho đời “một mùa xuân nho nhỏ”. Mùa xuân của lòng người tràn trào sức sống hòa vào mùa xuân lớn của dân tộc, của đất nước:
“Một mùa xuân nho nhỏ
lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
Mùa xuân ấy là một mùa xuân có hoa tươi trải khắp mặt đất, nguồn sống dạt dào. Mùa xuân ấy có bầu trời cao rộng, cánh chim bay rộn rã muôn ngày. Mặt đất này của chúng ta. Bầu trời này là của chúng ta. Ta làm chủ đất trời, làm chủ sự sống. Nghĩa là Thanh Hải đã sống hết mình vì đất nước. Sống là cho đi tất cả. Bởi với ông, một người chiến sĩ kiên trung luôn suy nghĩ rằng nếu mỗi cuộc đời là một mùa xuân tươi xanh thì đất nước sẽ có một mùa xuân vĩ đại.
Lý tưởng sống của Tố Hữu và Thanh Hải là một lối sống đẹp cần có cho thế hệ tuổi trẻ hôm nay. Tuổi trẻ hôm nay, những con người chưa từng trải qua đau thương của chiến tranh, chưa từng gánh chịu nỗi đau của kiếp đời nô lệ càng cần phải trân trọng và đón nhận lẽ sống, quan niệm sống cao đẹp ấy. Sống là cho và chết cũng là cho. Sống ý nghĩa, sống mạnh mẽ và trọn vẹn trong từng hơi thở.
Để làm được điều ấy, trước hết, tuổi trẻ ngày nay phải xây dựng cho mình một lý tưởng sống cao đẹp. Không có gì đẹp hơn khi ta sống vì con người, vì đất nước. Tiếp nói truyền thống anh hùng của cha anh, phát huy sức mạnh dân tộc trong thời đại mới, xây dựng đất nước đủ sức sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã căn dặn.
Tuổi trẻ phải ra sức thi đua học tập thật tốt. Trong thời đại công nghệ, tri thức là yếu tố quan trọng nhất như Lê-nin đã từng nói: “Tri thức là sức mạnh. Ai có tri thức người đó có sức mạnh”. Hãy học tập cái mới, cái hay của các dân tộc khác để tăng cường hơn nữa sức mạnh của bản thân, đóng góp vào sức mạnh của toàn dân tộc. Mỗi con người trở nên hoàn thiện thì cả dân tộc sẽ trở nên mạnh mẽ.
Sống trân trọng và biết ơn quá khứ. Tôn vinh những giá trị cao đẹp, gìn giữ và phát huy những giá trị ấy. Sống vị tha, gắn bó với mọi người và luôn biết cho đi để được nhận về nhiều hơn.
- Kết bài:
Tố Hữu và Thanh Hải bằng cuộc sống ý nghĩa của mình đã minh chứng rõ ràng rằng cuộc sống luôn cần phải sống đẹp, sống tích cực, sống có trách nhiệm với bản thân và cuộc đời. Sau đó hãy sống vì nhân dân, vì đất nước, vì những điều vĩ đại và thiêng liêng thì cuộc đời bạn cũng vĩ đại, cũng thiêng liêng như thế.
* Tài liệu tham khảo:
Suy nghĩ về ước nguyện chân thành và cao quý của nhà thơ Thanh Hải trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
- Ôn tập luyện thi văn bản “Mùa xuân nho nhỏ”
- Ý nghĩa nhan đề bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Cảm nhận ý nghĩa khổ 1 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Cảm nhận khổ thơ 2 và 3 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Cảm nhận khổ 4 và 5 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Nghị luận: “Tài sản có giá trị nhất trên đời mà bạn có thể sở hữu chính là một thái độ sống tích cực”.
- Cảm nhận tình yêu cuộc sống thiết tha của nhà thơ Thanh Hải trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên mùa xuân qua khổ thơ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải