su-that-cau-chuyen-o-ban-co-va-so-thoc-vi-dai-duoc-de-cap-toi-trong-bai-viet-bai-toan-dan-so-sgk-ngu-van-8-11297-2

Sự thật câu chuyện ô bàn cờ và số thóc vĩ đại được đề cập tới trong bài viết Bài toán dân số (SGK Ngữ Văn 8)

Sự thật câu chuyện ô bàn cờ và số thóc vĩ đại được đề cập tới trong bài viết Bài toán dân số

Bài toán ô bàn cờ và số thóc vĩ đại xuất phát từ câu chuyện cổ Ấn Độ.

Tác giả bài viết Bài toán dân số (Sgk Ngữ Văn 8) cho rằng câu chuyện ô bàn cờ và số thóc xuất phát từ câu chuyện kén rể của nhà thông thái thời cổ đại là chưa có căn cứ chính xác. Thực chất, câu chuyện kì diệu ấy xuất phát ở nước Ấn Độ cổ đại, có liên quan đến trò chơi cờ vua ngày nay.

Có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc thực sự của trò chơi cờ vua vốn rất phổ biến trên thế giới ngày nay. Không chỉ bởi sự đơn giản mà hấp dẫn của nó mà còn ở câu chuyện về sự ban thưởng cho người có “trí tuệ siêu phàm” đã sáng tạo ra trò chơi tuyện diệu ấy.

Chuyện kể rằng, vào thế kỉ thứ 6, ở vương quốc Gupta, (thuộc Ấn Độ) đức vua Sêram trị vì đất nước. Khi đất nước thái bình, muốn tìm kiếm một thú vui tao nhã nào đó để tận hưởng cuộc sống nên đức vua ban bố khắp thiên hạ ai có sáng kiến gì hay thì dâng lên nhà vua. Một hôm, có một nhà thông thái tên là Seta đã dâng lên nhà vua một trò chơi có tên là Saturanga.

Lúc đầu, nhà vua nhìn thấy bàn cờ 64 ô với những quân cờ và nước đi đơn giản nên tỏ ra không hứng thú lắm. Nhưng khi nhà thông thái hướng dẫn cách chơi và cùng chơi với nhà vua đã khiến cho nhà vua vo cùng khâm phục sự sắc sảo và đa dạng của các tình huống trên bàn cờ. Nhà vua đã say mê chơi trò ấy suốt cả tuần trời mà không thấy chán. Quá khâm phục trí tuệ của người sáng tạo, nhà vua quyết định ban thưởng hậu hĩnh. Ngài nói với Seta:

– Ta muốn tặng thưởng cho ông một cách xứng đáng. Nào, Seta, ông hãy nói điều ông muốn ta ban thưởng cho ông. Đừng ngại, hãy nói ra phần thưởng có thể làm ông thỏa mãn và ông sẽ nhận được nó ngay lập tức. Ta rất giàu có và không tiếc gì để có thể ban thưởng cho ông một cách xứng đáng.

Seta im lặng suy nghĩ. Nhìn nhà vua chờ đợi câu trả lời, ông biết nhà vua không nói đùa. Lúc sau ông chậm rãi thưa:

– Thưa đức vua, lòng tốt của ngài thật vĩ đại. Nhưng vì đột ngột quá nên thần chưa nghĩ ra được điều gì. Xin ngài cho thần nghĩ đến sáng ngày mai.

Nhà vua mỉm cười gật đầu đồng ý.

Sáng sớm hôm sau, như đã hứa, Seta vào gặp nhà vua. Sự khiêm tốn của Seta khiến nhà vua hết sức cảm mến. Seta cung kính thưa:

– Thưa đức vua! Thần không ham gì vàng bạc châu báu. Chỉ xin ngài thực hiện cho thần một điều ước.

– Người cứ nói. Ta chắc chắn rằng, mọi điều ước của người sẽ được đáp ứng.

-Thưa ngài! Ngài hãy ra lệnh cho đặt 1 hạt lúa mì vào ô thứ nhất của bàn cờ. Seta nói.

-Chỉ đơn giản thế thôi ư ? Nhà vua kinh ngạc.

– Vâng, thưa ngài. Tiếp đến, ở ô thứ 2, ngài hãy đặt vào 2 hạt thóc.

– Ô! Nhà vua không kìm chế nổi sự kinh ngạc của mình:

– Này Seta, ông đang đùa ta đấy ư? Làm như thế có ý nghĩa gì?

Seta chậm rãi trình bày tiếp:

– Kính thưa đức vua vĩ đại! Cứ như cách làm vừa rồi, ô tiếp sau sẽ có số thóc gấp đôi ô trước cho đến ô cuối cùng. Thần sẽ nhận lấy toàn bộ số thóc đó.

– Thật không có gì khó. Kho thóc của ta có thể nuôi toàn bộ dân chúng trong nhiều năm mà không phải làm gì. Seta, ông thật khiêm tốn.

Seta cung kính vái lạy cảm ơn và xin phép ra về, hẹn đến ngày nhà vua đếm xong số thóc sẽ đến nhận lấy.

Một tuần sau, nhà vua lại gọi Seta vào cùng chơi cờ. Lúc đang chơi, nhà vua hỏi:

– Seta, hẳn ông đã hài lòng về phần thưởng của ta. Ông đã mang đủ số thóc về rồi chứ?

Seta thưa:

– Dạ, bẩm đức vua, các nhà toán học cung đình vẫn đang tính tiếp số thóc cho thần ạ.

– Ngươi hãy yên tâm – Nhà vua nói. Có lẽ các quan đã làm việc chậm trễ. Ta sẽ thúc đẩy việc này và người sẽ sớm nhận được phần thưởng như ta đã hứa.

Sau đó, các quan vào tâu với đức vua về con số khủng khiếp mà Seta đã yêu cầu. Toàn bộ số thóc trên vương quốc đã được huy động mà vẫn chưa đủ đến một phần số thóc ấy. Nhà vua vô cùng sửng sốt, chú ý những lời nói của nhà toán học già nua.

– Hãy nói cho ta con số quái gở đó. Nhà vua trầm ngâm.

– Nếu đếm đủ số thóc đến ô thứ 64 của bàn cờ thì là 18 tỉ tỉ 446 triệu tỉ 774 ngàn tỉ 73 tỉ 709 triệu 551 ngàn 615 hạt. (18.446.744.073.709.551.615). Nếu huy động cả các nước lân cận thì vẫn không đủ. Nếu phải tăng diện tích sản xuất, tích trữ nhiều năm cũng vẫn không thể có đủ số thóc ấy được .Mong nhà vua suy xét.

– Trời. Seta. Ngươi thật trí tuệ!

Nhà vua quay lại hỏi quan coi kho:

– Vậy phải làm thế nào đây ? Nếu ta quyết định thưởng theo yêu cầu thì Vương quốc vĩnh viễn mắc nợ người ta, không biết bao giờ mới trả được hết nợ. Còn nếu không thưởng như vậy, thì Trẫm là kẻ không biết giữ lời hứa, còn mặt mũi nào trước bàn dân thiên hạ nữa !.

Suy nghĩ một lúc, vị quan tâu:

– Seta đã tính được con số ấy. Có một cách đơn giản, xin nhà vua yêu cầu Seta tự mình đếm số thóc của từng ô và mang số thóc ấy về, không được thiếu hay thừa một hạt nào.

– Nếu Seta đồng ý làm việc áy thì sẽ mất bao lâu. Nhà vua sốt sắng hỏi.

– Dạ bẩm đức vua! Seta phải cần đến 290 tỉ năm.

Đến lúc này, Nhà vua không khỏi kinh ngạc tột độ trước sức mạnh trí tuệ của Seta.

Sau đó, nhà vua gọi Seta vào và yêu cầu làm việc ấy. Seta khiêm tốn trình bày:

– Thần chỉ muốn cho nhà vua biết bài toán ấy chứ thực không dám nhận số thóc như yêu cầu. Xin nhà vua trị tội vì thàn đã bất kính.

Khâm phục trí tuệ và đức khiêm tốn của Seta ta, sau đó, nhà vua phong ông làm tể tướng, cùng nhà vua trị vì đất nước.

1 bình luận trong “Sự thật câu chuyện ô bàn cờ và số thóc vĩ đại được đề cập tới trong bài viết Bài toán dân số (SGK Ngữ Văn 8)”

  1. Có cách để trả đủ số thóc đó là: nhà vua chỉ cần ban thưởng 1 kho thóc, Seta chỉ cần đếm và lấy đúng số thóc mình cần. Chứ thực ra ông Seta cũng chẳng cần 18 tỷ tỷ hạt làm gì cả

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang