suy-nghi-ve-cai-chet-vo-hinh-tu-trong-tam-hon

Suy nghĩ về cái chết vô hình từ trong tâm hồn khi còn sống của một số bạn trẻ

Suy nghĩ về “cái chết vô hình từ trong tâm hồn khi còn sống” của một số bạn trẻ

  • Mở bài:

Đối với con người, điều đáng sợ nhất không phải là cái chết mà chính là sự tàn lụi của tâm hồn ngay khi ta còn đang sống. Sự tàn lụi ấy từ từ làm chết dần các giác quan cảm xúc và đưa con người đến một cái chết hoàn toàn trong tâm hồn.

  • Thân bài:

Cái chết vô hình ấy có nhiều “cấp độ” khác nhau. Có khi là kiểu “sống mòn” của những con người không tìm thấy ý nghĩa cho sự sống của mình – không còn có khả năng mơ ước, không có niềm khao khát được góp một điều gì đó, dù là bình thường, bé nhỏ cho cuộc đời này.

Nhà thơ Xuân Diệu gọi họ là những cái cây không bao giờ đơm hoa kết trái, là “những kiếp buồn le lói suốt trăm năm”… Có khi là trạng thái vô cảm, thờ ơ, dửng dưng trước cuộc đời của những con người chỉ “tồn tại” chứ không biết sống. Họ không cảm nhận được cái đẹp của thiên nhiên, không sẻ chia được niềm vui, nổi buồn của con người, không dám đấu tranh vì những điều tốt lành, tử tế…

Một chiếc lá rơi, vài tia nắng sớm, chút gió heo may thoảng nhẹ lúc đầu thu và khung trời xanh trong vời vợi, hương thơm của một loài hoa… không khiến họ biết mỉm cười. Nụ cười trẻ thơ, ánh mắt của những người đang yêu, vòng tay dịu dàng của người mẹ, người vợ… không làm trái tim họ bồi hồi, xao xuyến. Họ không rơi nước mắt khi chứng kiến nỗi buồn đau, bất hạnh của đồng loại…

Đối với họ, điều quan tâm duy nhất là cuộc sống của bản thân. Nhưng chính họ đã giết chết mình bằng lối sống vị kỉ đó. Tôi còn nhớ câu chuyện về một người lính đã chiến đấu rất dũng cảm, cứu được thành phố quê hương khỏi nạn ngoại xâm. Khi ban thưởng cho người lính ấy, nhà vua thất anh có vẻ buồn rầu nên hạn hỏi và biết anh sắp phải chết vì một căn bệnh hiểm nghèo. Nhà vua đã cho tìm các vị danh y giỏi nhất và chữa khỏi được căn bệnh đó, giành lại cuộc sống cho người anh hùng. Nhưng cũng từ đấy, anh ta chỉ biết khư khư bảo vệ bản thân, né tránh trách nhiệm của người lính và hóa thành kẻ hèn nhát… Gặp lại anh, nhà vua đau xót thốt lên “Anh bây giờ mới thực là đã chết”.

  • Kết bài:

Sống như thế nào mới gọi là sống khiến con người không ngừng suy nghĩ. Con người khác với các loài động vật khác đó là có một cuộc sống tâm hồn phong phú. Hãy sống mạnh mẽ, sôi nổi nhất là đối với tuổi trẻ. Hãy sống xứng đáng với những gì mà cuộc sống đã mang lại cho chúng ta. Đừng sống một cuộc đời uổng phí khi mà tâm hồn bạn luôn sẵn dành cho những điều tháp kém, khiến bạn trở nên nhỏ bé trong cuộc đời này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang