»» Nội dung bài viết:
Suy nghĩ về văn hóa giao tiếp, ứng xử của giới trẻ hiện nay.
- Mở bài:
Con người sống giữa cộng đồng, không ai có thể một mình mà làn nên cả thế giới. Bởi thế, giao tiếp, ứng xử là một phần tất yếu trong đời sống của con người. Ở bất kì địa điểm công cộng nào cũng có nguyên tắc ứng xử phù hợp để đảm bảo sự an toàn cho mọi người, sự tiện nghi và vẻ đẹp của nó. Tôn trọng nguyên tắc giao tiếp, ứng xử tốt đẹp của cộng đồng là trách nhiệm của mỗi con người. Tuy nhiên, văn hóa giao tiếp, ứng xử của giới trẻ hiện nay là một vấn đề đáng báo động, gây nên nhiều bức xúc trong xã hội.
- Thân bài:
Văn hóa giao tiếp, ứng xử là gì?
Văn hóa giao tiếp, ứng xử là hệ thống nguyên tắc bao gồm hành vi, thái độ, lời nói chuẩn mực với đạo đức của mỗi cá nhân khi giao tiếp chốn đông người như: biết cảm ơn khi nhận được một điều tốt đẹp từ người khác, biết xin lỗi khi gây ra sự phiền phức hay lỗi lầm, biết giữ gìn trật tự, vệ sinh chung, có thái độ hòa nhã, tôn trọng, lịch sự, cung kính những người xung quanh, khiêm nhường trước người khác, ….
Hiện trạng.
Từ xưa, phong cách thanh lịch, nhã nhặn, điềm đạm và biết tôn trọng nguyên tắc chung khi xuất hiện trước đám đông vốn đã được con người đề cao và không ngừng nhắc nhở về điều đó.Tại nước Nhật, con người được giáo dục chu đáo về phép lịch sự và thái độ tôn trọng công đồng. Họ không bao giờ xả rác trên đường, trong không gian hẹp họ biết giữ trật tự và thường ăn nói nhỏ nhẹ hoặc im lặng. Họ luôn tuân thủ việc xếp hàng và ít khi ăn cắp,…
Văn hóa nước ta cũng đề cao những đức tính tốt ấy. Nhưng gần đây, hình ảnh người Việt Nam trở nên xấu đi trong mắt người nước ngoài với hàng loạt hành động phản cảm của các bạn trẻ. Nhìn vào đời sống, không thiếu những hành động mất lịch sự, thiếu tôn trọng, vô văn hóa của một đám đông hay một nhóm người tại một nơi nào đó. Nó không những là một hiện tượng lẻ tẻ mà đã trở thành hiện tượng phổ biến trong xã hội, gây nên nhiều hậu quả tai hại.
Trong bài báo “Cổng trời thất thủ” của tác giả Khải Đơn đã ghi nhận chân thực hình ảnh các bạn trẻ xâm phạm sự tôn nghiêm của ngôi chùa cổ kính khi có hành vi vứt rác bừa bãi, nghêu ngao ca hát, hỗn độn gào thét, nói lời tục tĩu, đeo khẩu trang khi vào chùa. Thậm chí còn dẫn cả thú cưng vào nơi chánh điện tôn nghiêm, khả kính…
Trong chốn linh thiêng đã như thế, trên đường phố, các bạn trẻ còn trở nên mất lịch sự hơn nhiều lần. Không hiếm những hình ảnh khạc nhổ trên đường, ăn mặc phản cảm, hành vi côn đồ thách thức, đua xe đánh võng hết sức nguy hiểm, xem thường luật pháp và tính mạng người đi đường.
Đối với người nước ngoài, một vài bạn trẻ còn trêu chọc, nhại tiếng, chửi tục, lăng mạ họ khiến người nước ngoài khi đến Việt Nam vô cùng bức xúc. Gần đây nhất, trên các trang mạng có đưa tin, đạo diễn phim Kong, ngài Skull Itsland bị một nhóm hành hung khi đến Việt Nam chỉ vì lòng đố kị. Ngay cả việc phát tán hình ảnh riêng tư, nhiều người cho rằng những người trong cuộc phải giữ gìn hình ảnh với uy tín cá nhân thông qua cách ứng xử văn hóa, biết tôn trọng người xung quanh.
Các bạn trẻ ngày nay ngày càng trở nên khiếm nhã, lối sống thực dụng, tinh thần vô cảm, thờ ơ trước cuộc sống. Họ thiếu kĩ năng sống, thiếu tôn trọng thế giới xung quanh, bảo thủ với lối sống thực dụng, đua đòi vật chất. Sự chia sẻ, cảm thông, đồng cảm bị xem thường. Họ thiếu hẳn sự rung động trước cái đẹp, cái cao cả; không muốn thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với xã hội.
Nguyên nhân.
Trước hết là do ảnh hưởng của nền văn hóa mạng khi xu thế giao thoa các nền văn hóa thế giới đang diễn ra mạnh mẽ. Một dòng văn hóa có tính bạo lực, suy đồi, nổi loạn cũng có dịp tràn ngập vào Việt Nam khiến cho các bạn trẻ có ý thức kém khi ứng xử trước cộng đồng. Các bạn trẻ thích đề cao cái tôi cá nhân một cách khập khiễng, chỉ quan tâm đến sở thích của mình và thể hiện nó một cách lệch lạc.
Mặt khác, trước xu thế phát triển như vũ bão của thời đại, nền giáo dục nước ta lại chậm biến đổi, chậm ứng biến, không theo kịp xu thế phát triển của thế giới. Nhà trường xem trọng việc giáo dục tri thức, đào tạo kĩ năng nghề nghiệp, xem nhẹ việc giáo dục và bồi dường nhân cách, đạo đức chuẩn mực cho học sinh trong nhiều năm qua khiến cho nhiều học sinh mất định hướng tốt đẹp, buông lỏng kỉ luật và ngày càng trở nên hư hỏng.
Gia đình thiếu nghiêm khắc, người lớn không gương mẫu hoặc nêu gương xấu khiến cho giới trẻ ngộ nhận giữa sự nổi bậc chuẩn mực và sự nổi bậc lệch lạc trước đám đông. Xã hội không quan tâm nhiều đến những hành động của giới trẻ. Nhiều người thấy phiền phức nhưng thường không can thiệp, bỏ mặc. Không ai nhắc nhở khiến cho các bạn trẻ ấy càng trở nên ngạo mạn hơn. Các cơ quan chức năng thiếu sự sâu sát thực tế, thiếu lực lượng giám sát và xử lí vi phạm; mức xử phạt còn nhẹ khiến cho người vi phạm không chịu tuân thủ nguyên tắc.
Hậu quả của lối ứng xử kém văn minh.
Những hành động ngang ngược, thiếu lễ độ của các bạn trẻ không những gây nhiều phiền phức, nguy hiểm cho xã hội mà còn làm xấu đi hình ảnh của mình trong cộng đồng. Bằng những hành động lệch chuẩn, họ đã tự hạ thấp giá trị bản thân, nhận lấy sự khinh ghét của mọi người.
Những hành động quá khích ấy thường là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Hàng loạt các vụ xung đột, bạo lực dẫn đến thương tích, thậm chí là án mạng được báo chí đưa tin cũng chỉ vì nhiều người có hành vi “trái tai gai mắt” mà thôi.
Lối giao tiếp, ứng xử thiếu lễ độ của một bộ phận giới trẻ làm cho hình ảnh Việt Nam trở nên xấu đi, thậm chí là tồi tệ trong nhìn nhận của các du khách nước ngoài. Nhiều năm qua, số du khách đến nước ngoài đến Việt Nam một lần và không quay trở lại phản ánh sâu sắc thực trạng ấy.
Nhu cầu thể hiện bản thân là quyền của mỗi người nhưng thể hiện lệch lạc, quá đáng sẽ làm mất đi sự tôn trọng của xã hội, làm tổn hại đến xã hôi, đất nước. Những người như thế thật đáng chê trách.
Giải pháp khắc phục.
Xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử là hành vi tế nhị trong cuộc sống là một điều rất cần thiết. Bởi thế, để khắc phục hiện tượng lệch lạc cũng cần hết sức cẩn trọng. Trước hết, mỗi bạn trẻ nên nâng cao nhận thức, sống biết tôn trọng và bảo vệ lẽ phải, tôn trọng các quy tắc ứng xử cộng đồng là giải pháp đầu tiên khi các bạn bước ra xã hội.
Tại những địa điểm công cộng, trên đường phố tăng cường đặt những bảng hiệu nhắc nhở hành vi sai trái của con người nhằm tạo ra một lối sống văn minh, một xã hội thân thiện và an toàn.
Nhà trường, gia đình và xã hội cần tăng cường hơn nữa việc giáo dục và bồi dưỡng nhân cách tốt đẹp cho các em học sinh. Lấy giá trị truyền thống để uốn nắn con người biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, sống có lý tưởng, ước mơ.. Người lớn gương mẫu trẻ em noi theo là giải pháp hiệu quả nhất từ xưa đến nay.
Bàn luận mở rộng.
– Lệch chuẩn văn hóa giao tiếp và ứng xử là hiện tượng đang diễn ra trong một bộ phận giới trẻ hiện nay. Một số bạn trẻ phủ nhận các giá trị văn hóa giao tiếp và ứng xử truyền thống của dân tộc, chạy theo văn hóa ngoại lai, từng bước đánh mất chính mình và làm xấu đi văn hóa dân tộc. Những người như thế thật đáng chê trách.
Bài học nhận thức:
– Giao tiếp, ứng xử có văn hóa là trách nhiệm của mỗi con người.
– Cần nâng cao ý thức và trách nhiệm đối với nền văn hóa dân tộc, không ngừng hoàn thiện mình theo những chuẩn mực trong giao tiếp và ứng xử.
- Kết bài:
“Học ăn, học nói, học gói, học mở” nghĩa là phải biết sống khéo léo trong mọi hành động, trong mọi hoàn cảnh. Đó là cách người xưa răn dạy con người. Ngày nay, trong thời đại mới, nâng cao ý thức giao tiếp và ứng xử chuẩn mực càng trở nên cần thiết hơn. Bởi vậy, rèn luyện cho mình cung cách tốt đẹp mỗi khi bước ra đường là trách nhiệm của mỗi con người ngày nay.
Bài tham khảo:
Vấn đề xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng cho giới trẻ ngày nay.
Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập hiện nay, bên cạnh những nét đẹp trong văn hóa ứng xử là sự xuất hiện những hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp hằng ngày. Việc nhận diện những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử là việc làm cần thiết để có biện pháp điều chỉnh nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh ở nước ta hiện nay.
Việt Nam đi lên từ truyền thống văn hóa của một nước nông nghiệp trồng lúa nước. Những dấu ấn của văn hóa làng xã, trọng tình, trọng kinh nghiệm, tuổi tác; đề cao yếu tố tình cảm, gia đình, dòng họ; con người sống theo những chuẩn mực đạo đức, biết nhường nhịn, kính trên nhường dưới, ý thức rõ bổn phận, vị thế của mình trong xã hội vẫn được lưu truyền. Bên cạnh những hành vi, phong cách đẹp đã xuất hiện những ứng xử thiếu văn hóa, những hành vi lệch chuẩn của không ít cá nhân.
Nói đến văn hóa ứng xử là nói đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức được hình thành trong quá trình tương tác giữa các cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa các thế hệ thông qua hành vi giao tiếp (ngôn ngữ, cử chỉ) nhằm hướng tới những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, do nhận thức hạn chế và thiếu phông nền văn hóa nhất định, không ít cá nhân đã có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, có những lời nói, hành động bất nhã ở nơi công cộng (nơi sinh hoạt, lao động, tương tác chung của cả xã hội). Tình trạng này ngày càng xuất hiện nhiều ở mọi giai tầng, lứa tuổi thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau gây nhiều bức xúc, nghi ngại trong xã hội.
Những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực của hành khách tại các nhà ga trong nước và quốc tế được camera an ninh và người dân ghi lại, sau đó phát tán, lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, gây những làn sóng phẫn nộ, lên án gay gắt của cộng đồng.
Tình trạng chen chúc, xô đẩy, không nhường nhịn khi mua vé của hành khách khiến cho không gian công cộng ở nhiều nhà ga, bến tàu trở nên nhộn nhạo. Tình trạng tranh giành, bắt khách dọc đường của chủ xe khiến nhiều người sợ hãi. Dường như ở nhiều nhà ga, bến xe hiện nay, việc thực thi những nguyên tắc, quy định về văn hóa ứng xử, về nếp sống văn minh nơi công cộng vẫn chưa được lưu tâm vì thiếu chế tài và đội ngũ cán bộ hướng dẫn, vận hành. Còn khi tham gia giao thông ở những đô thị lớn, vì vội, vì mục đích cá nhân, người đi đường sẵn sàng liều mình, bất chấp luật pháp để đua chen, sẵn sàng đáp trả bằng những lời nói thô tục, những câu chửi đổng khi người khác lỡ va chạm…
Chỉ vì thiếu ý thức tôn trọng người khác, coi thường tính mạng của bản thân và người khác cũng như thiếu hiểu biết về pháp luật giao thông khiến việc xây dựng và hình thành văn hóa giao thông ở nước ta gặp nhiều khó khăn, dẫn đến số vụ tai nạn với mức độ, tính chất và số người tử vong không ngừng gia tăng, để lại những nỗi đau lớn cho người ở lại và cộng đồng xã hội.
Một điều đáng lo ngại khác trong văn hóa ứng xử là xâm phạm các công trình văn hóa, mỹ thuật công cộng. Con đường gốm sứ – một công trình tiêu biểu của các họa sĩ, nghệ nhân trong và ngoài nước thể hiện tình yêu Hà Nội nhân sự kiện 1000 năm Thăng Long bị nhiều người phóng uế bừa bãi hay cậy phá nham nhở.
Tại các khu di tích, danh lam thắng cảnh, việc xả rác bừa bãi, tè bậy, viết bậy, ngồi lên các cổ vật, mặc đồ hở hang, đốt nhiều tiền vàng, làm mất đi sự tôn nghiêm và văn hóa.
Cách ứng xử của mỗi cá nhân, cộng đồng sẽ phản ánh văn hóa cao hay thấp của cá nhân, cộng đồng đó. Ở nước ta hiện nay, trong bối cảnh chuyển đổi của nền kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội có những biến chuyển mạnh mẽ với sự giao tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại nên bên cạnh những điều tốt đẹp, tích cực, tiến bộ là sự nảy sinh những thói quen xấu. Điều này cần phải được nhận diện để loại trừ nhằm hướng đến sự văn minh, tích cực.
Mỗi hành vi ứng xử của con người, nhất là đối với những người có uy tín, kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ, đảng viên (qua ngôn ngữ, lời nói, hành động, cử chỉ) đều có tác động và ảnh hưởng lớn đến nhận thức, hành động của cộng đồng. Vì thế việc điều tiết tốt suy nghĩ, hành động, nói lời hay, làm việc tốt sẽ góp phần nhân lên những giá trị mới, tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng với những chuẩn mực đạo đức, pháp luật được thực thi bởi những cá nhân cụ thể là một yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để mỗi người sống, làm việc tốt hơn. Theo đó, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có những giải pháp căn bản như:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của mỗi người dân về tầm quan trọng của văn hóa ứng xử nơi công cộng. Không gian, môi trường công cộng chỉ thực sự trong sạch, lành mạnh với những giá trị nhân văn, tiến bộ khi có sự chung tay, góp sức của mỗi người với tinh thần, ý thức tự giác, trách nhiệm.
Thứ hai, để hình thành lối ứng xử văn minh, lịch sự, cần nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi gia đình, nhà trường và xã hội, nhất là giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách, trang bị những kỹ năng và lối sống đẹp cho trẻ em và thanh thiếu niên. Trong các cơ sở giáo dục, cần thực hiện nhất quán, đồng bộ việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; trong đó, chú trọng đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân cho người học.
Truyền thống giáo dục, văn hóa của mỗi gia đình, địa phương là yếu tố đầu tiên, đóng vai trò nền tảng, tạo môi trường tốt để mỗi cá nhân học tập và cố gắng vươn tới những giá trị cao đẹp. Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của các loại hình truyền thông mới (Internet, mạng xã hội), sự xâm nhập của lối sống lai căng, thực dụng, các gia đình cần quan tâm hơn đến việc trao truyền những giá trị văn hóa cho con em, dành nhiều thời gian trò chuyện, chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những biến động trong tâm sinh lý con em mình để có những cách giáo dục, uốn nắn phù hợp.
Đối với các cơ sở giáo dục, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục những bài học về đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống, kỹ năng ứng xử, hành vi giao tiếp đúng chuẩn mực cho các học trò. Tăng cường những giờ học ngoại khóa, những buổi dã ngoại học tập kinh nghiệm thực tiễn và xử lí những tình huống phát sinh từ cuộc sống, hình thành lên những thói quen tốt với cách hành xử văn minh, lịch thiệp.
Hạt nhân của văn hóa ứng xử là những chuẩn mực, quy tắc đạo đức do cộng đồng sáng tạo và thực hành. Vì thế, vai trò của những thế hệ đi trước, những người lớn tuổi, đội ngũ cán bộ, đảng viên có sức mạnh và tầm ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng xã hội. Để xây dựng văn hóa ứng xử cần nêu cao gương mẫu, đi đầu của những người có trách nhiệm với những lời nói, việc làm thống nhất, vì lợi ích của cộng đồng, tạo điểm tựa tinh thần và là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, phong cách để mọi người học tập, noi theo.
Thứ ba, song song với việc học tập tinh hoa văn hóa truyền thống với những bài học về đối nhân xử thế của cổ nhân; hình thành những chuẩn mực, giá trị đạo đức mới qua quá trình tiếp biến văn hóa, văn minh nhân loại thì cần xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật với những điều khoản quy định chặt chẽ về cách ứng xử của mỗi người khi giao tiếp ở nơi công cộng; có chế tài xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và quy tắc xã hội, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để vừa giáo dục, vừa răn đe, giúp mỗi người biết điều chỉnh hành vi, suy nghĩ để sống và làm việc tốt hơn.
Bên cạnh việc nâng cao ý thức của mỗi người khi tham gia sinh hoạt văn hóa nơi công cộng thì việc quan tâm đầu tư về nguồn nhân lực, tài lực trong việc tạo dựng, kiến thiết hệ thống các thiết chế văn hóa một cách đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân (như hệ thống cảng, nhà ga, sân vận động, thư viện, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, công viên, khu vui chơi giải trí…) sẽ là một giải pháp quan trọng. Bởi chính trong không gian, môi trường văn minh, hiện đại với cách bài trí cảnh quan hài hòa, thân thiện, mang đậm sắc thái văn hóa vùng miền, tộc người, chắc chắn sẽ “kiềm tỏa” và hạn chế được những hành vi phi văn hóa của nhiều người, đánh thức và lan tỏa những hành động đẹp, hướng con người đến những giá trị nhân văn, tốt đẹp.
Xây dựng văn hóa ứng xử là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, bắt đầu từ vấn đề giáo dục, nhận thức của mỗi người. Để kiến tạo không gian, môi trường văn hóa công cộng lành mạnh với cung cách ứng xử văn minh, lịch sự của mỗi người cần tạo dựng nền tảng văn hóa với những giá trị, chuẩn mực đạo đức và hệ thống pháp luật đủ mạnh, được thực thi một cách tự giác, nghiêm minh. Cần lên án và loại trừ những biểu hiện “lệch chuẩn” trong hành vi giao tiếp, ứng xử của một số người ở nơi công cộng; đồng thời thường xuyên thực hành và lan tỏa những giá trị, hình ảnh đẹp để xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện – động lực quan trọng nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.