»» Nội dung bài viết:
Suy nghĩa về ý nghĩa câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”
- Mở bài:
– Giữa nội dung bên trong và hình thức bên ngoài có mối liên hệ rất chặt chẽ. Bàn về vấn đề này, tục ngữ có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Đây là một nhận định hoàn toàn đúng đắn, để lại cho ta bài học sâu sắc trong cách sống, cách hoàn thiện và thể hiện bản thân mình.
- Thân bài
1. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”
– “Gỗ” là chất liệu tạo nên đồ vật. “Nước sơn” chỉ để quét lên mặt ngoài cho bền, đẹp. “Gỗ” là nội dung bên trong còn “nước sơn” là hình thức bên ngoài → Đối với giá trị và sự bền vững của vật, chất liệu gỗ quan trọng hơn nước sơn. Chính chất gỗ quyết định giá trị đồ vật, nội dung quan trọng hơn và quyết định hình thức.
2. Tại sao “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn?”
– Nếu chất gỗ bình thường, dễ hư hỏng thì nước sơn có bóng sáng đến mấy cũng không làm cho vật bền chắc được. Con người cũng vậy, phẩm chất đạo đức tốt đẹp, trình độ kiến thức, năng lực làm việc tốt, biết yêu thương, chia sẻ mới là yếu tố quyết định giá trị và tư cách của con người, còn hình thức là vẻ đẹp bên ngoài, dù lộng lẫy đến thế nào mà bản chất yếu kém thì cũng là người vô dụng.
– Phẩm chất bên trong mới là cái quyết định giá trị của vật và người. Hình thức bên ngoài góp phần làm đẹp thêm những phẩm chất ấy. Một con người có phẩm chất đạo đức tốt thì trong bất kì hoàn cảnh nào, trong bất kì công việc nào họ cũng hoàn thành một cách tốt đẹp. Trái lại, một con người chỉ chú ý đến hình thức bên ngoài mà quên đi nhân cách, đạo đức và lối sống thì con người đó sẽ bị mọi người xa lánh.
3. Bài học nhận thức và hành động.
– Trong nhìn nhận, đánh giá sự vật, con người, nội dung quyết định hình thức. Phải nhìn vào bản chất bên trong hơn là sự hào nhoáng bên ngoài.
4. Bàn luận mở rộng, phê phán.
– Rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất bên trong quan trọng hơn hình thức bên ngoài. Tuy nhiên, không nên xem nhẹ hình thức, hình thức góp phần tăng sức hấp dẫn của nội dung. Một người có phẩm chất tốt đẹp cần phải biết xây dựng hình thức bên ngoài lịch thiệp, nói năng từ tốn, chân thành, cởi mở.
– Trong cuộc sống, vẫn còn có một số người có phẩm chất kém cỏi luôn tìm cách dùng hình thức đàng hoàng, tử tế để lừa dối người khác, vụ lợi cho bản thân. Những người như thế thật đáng lên án..
- Kết bài:
Hiểu rõ ý nghĩa câu tục ngữ, chúng ta hãy biết quý trọng những phẩm chất tốt đẹp ở bên trọng chứ không nên khoe mẽ ở hình thức bề ngoài. Sự phù hợp giữa hình thức bên ngoài và phẩm chất bên trong làm nên giá trị chân chính ở một con người.
»»» Xem thêm:
- Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ “Có chí thì nên”
- Giải thích và chứng minh ý nghĩa câu tục ngữ: “Có công mày sắt, có ngày nên kim”
Bài văn tham khảo 1:
- Mở bài:
Trong cuộc sống và nhất là ngày nay không ít người chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, tiền tài, danh vọng, địa vị xã hội để đánh giá người khác mà không biết rằng cái đẹp của một người không phải nằm ở dáng vẻ bên ngoài mà chủ yếu là cái đẹp ở tâm hồn, nhân cách đạo đức của người đó. Chính vì vậy từ xưa cha ông ta đã dạy: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Câu tục ngữ là mọt nhận định hoàn toàn đúng đắn, là bài học sâu sắc đối với mọi người.
- Thân bài:
Theo ý nghĩa câu tục ngữ có thể hiểu gỗ là vật chất làm nên đồ vật, là những phẩm chất tốt đẹp ở bên trong. “Nước sơn” là lớp bảo vệ bên ngoài, là hình thức của vật. Câu tục ngữ muốn khuyên ta rằng cái đáng quý của một đồ vật và một người nào đó không phải là hình thức bề ngoài mà chính là phẩm chất tốt đẹp đẹp ở bên trong.
Trước đây, hầu hết vật dụng trong nhà đều làm từ gỗ. Do đó khi đánh giá bất kì một đồ vật nào đó, thường người ta sẽ cắn cứ vào chất liệu gỗ bên trong bởi dẫu cho nước sơn bên ngoài có hào nhoáng đẹp đẽ cách mấy mà chất liệu gỗ bên trong không tốt thì đồ vật cũng không thể bền được.
Cũng vậy khi đánh giá một con người đừng nên quá chú trọng hình thức bên ngoài bởi cái đẹp thực sự, cái làm nên giá trị của con người chính là tài năng, đạo đức và lối sống của người đó chứ không nằm ở vẻ bề ngoài hào hoa, lịch lãm.
Có những con người mà trong lần đầu gặp gỡ, tâm hồn ta đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp bên ngoài vô cùng hấp dẫn, hào hoa, lịch lãm. Nhưng rồi khi có dịp tiếp xúc với những con người đó, ta ngỡ ngàng nhận ra đằng sau cái vẻ bề ngoài hào nhoáng, xinh đẹp ấy là một con người tầm thường, có một đời sống tâm hồn nhạt nhẽo, đơn điệu; một sự hiểu biết hạn hẹp, với những suy nghĩ toan tính vụn vặt, ích kỷ, nhỏ nhen. Thậm chí cái vẻ bề ngoài “thơn thớt nói cười”, hiền lành tử tế đó là để ngụy tạo, lừa dối người khác. Họ dùng cái hình thức tử tế bề ngoài để che đậy những hành động sai trái bất lương của một kẻ có tâm địa tàn nhẫn, độc ác. Và khi nhận ra bản chất của con người đó thì trong mắt ta họ không còn đẹp nữa và dĩ nhiên họ không còn xứng đáng để ta tôn trọng.
Ngược lại có những con người vẻ bề ngoài rất tầm thường, mộc mạc thậm chí thô lậu, xấu xí nhưng khi tiếp xúc với những con người đó, ta nhận ra trước mắt mình một con người có nhân cách cao đẹp, tâm hồn thánh thiện, một suối nguồn yêu thương, dào dạt tươi mát, một vốn sống phong phú. Chính họ đã dạy cho ta những điều hay lẽ phải, dạy ta cách làm người, dạy ta sống giản dị. Đối với chúng ta họ thật sự là những con người đẹp đáng để cho ta kính trọng, học hỏi.
Tóm lại, trong cuộc sống phải thận trọng trong cách nhìn nhận, đánh giá người khác. Đừng để hình thức bên ngoài che mắt, đánh lừa mình. Phải luôn luôn ý thức rằng cái làm nên giá trị con người chính là tài năng, đức độ và những phẩm chất tốt đẹp bên trong con người đó chứ không phải do hình thức bên ngoài quyết định.
Câu tục ngữ là lời khuyên về cách rèn luyện, tu dưỡng với mỗi con người. Trong cuộc sống hằng ngày, con người phải lo tu dưỡng tài năng, trí tuệ, những phẩm chất tốt đẹp bên trong tâm hồn, đừng quá chú trọng chạy theo hình thức bên ngoài. Bởi hình thức bên ngoài là cái gì đó rất tạm bợ, phù phiếm, sẽ bị thời gian làm cho tàn phá, phai nhạt, nhưng cái đẹp trong tâm hồn con người thì còn mãi với thời gian.
Nội dung tuy quyết định hình thức nhưng xét ở một góc độ nào đó hình thức sẽ làm ảnh hưởng tác động trở lại nội dung. Hình thức có thể làm cho giá trị nội dung tăng lên hoặc bị hạ thấp. Chẳng hạn một cái bàn mà hằng ngày ta vẫn thường sử dụng dù cho gỗ có tốt nhưng hình thức bên ngoài không đẹp, xù xì, góc cạnh, thì xét cho cùng cũng giảm đi phần nào giá trị.
Cũng vậy, một con người dù có tài năng, học thức nhưng nếu bề ngoài quá ư xoàng xĩnh, thiếu tế nhị, cư xử vụng về thì đó cũng chưa phải là con người hoàn thiện. Cái đẹp thật sự bao giờ cũng có sự hài hòa của hai mặt nội dung, hình thức.
Phê phán những con người chỉ chạy theo hình thức, mà không chú trọng bồi đắp, làm đẹp tâm hồn, mở mang sự hiểu biết của mình. Đồng thời tránh những trường hợp quá coi trọng, đề cao nội dung mà không coi trọng hình thức.
- Kết bài:
Ý nghĩa câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” giúp ta nhận rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa hình thức bề ngoài và phẩm chất bên trong. Chính phẩm chất bên trong mới là yếu tố quyết định giá trị của vật của người. Hình thức bên ngoài góp phần làm đẹp và tôn vinh giá trị ấy. Bởi thế, cần có nhận thức và hành động đúng đắn để tạo dựng và khẳng định những giá trị đích thực ở bản thân mình.
»»» Xem thêm:
- Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
- Hãy giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”
- Giải thích và chứng minh ý nghĩa câu tục ngữ: “Có công mày sắt, có ngày nên kim“